Việt Nam được đánh giá thế nào trong bản báo cáo này? Việt Hà phỏng vấn ông Josh Kurlanzick, chuyên gia về Đông Nam Á, cố vấn của tổ chức Freedom House về báo cáo này. Phần chuyển ngữ do Vũ Hoàng trình bày.
Không coi trong nhân quyền
Việt Hà: Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong bản báo cáo về tự do toàn cầu năm nay là gì?
Tự do trên toàn thế giới tiếp tục xấu đi năm thứ 5 liên tục, hay nói cách khác con số những nước được coi là tự do hay có tự do một phần không những không tăng mà còn giảm đi.
Ô. Josh Kurlanzick
Josh Kurlanzick: "Điểm chính trong báo cáo lần này cho thấy tự do trên toàn thế giới tiếp tục xấu đi năm thứ 5 liên tục, hay nói cách khác con số những nước được coi là tự do hay có tự do một phần không những không tăng mà còn giảm đi. Đây là năm thứ 5 liên tục và đây là giai đoạn suy giảm dài nhất trong 4 thập kỷ qua và đây là điều đáng buồn."
Việt Hà: Vậy đâu là lý do dẫn đến sự sụt giảm của tự do toàn cầu trong 5 năm liên tục?
Josh Kurlanzick: "Có nhiều lý do dẫn đến sự suy giảm này, nhưng tôi có thể nói suy giảm kinh tế cũng là một trong các nguyên nhân chính, vì người ta ít chú ý đến vấn đề tự do hơn, mặt khác sự nổi lên của Trung Quốc cũng là một nhân tố, cộng thêm vào đó là sự nổi lên của một số nước độc tài khác trong đó có Nga. Nhưng nhìn chung Trung Quốc là nổi bật nhất. Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam liên quan đến phát triển. Một nguyên nhân khác nữa mà tôi muốn đề cập là các vấn đề quốc nội tại các nước phát triển ở phương Tây và Mỹ đã dẫn đến việc lên tiếng bảo vệ cho tự do dân chủ trên toàn thế giới của các nước phương Tây và Mỹ đã yếu đi. Chúng ta cũng thấy khả năng kiểm soát internet và báo chí ngày một lớn tại các nước nghèo, và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này."
Việt Hà: Khu vực Đông Nam Á được đánh giá thế nào trong bản báo cáo này?
Josh Kurlanzick: "Có những tiến bộ và cũng có những thụt lùi tại khu vực Đông nam Á. Philippine cho thấy có tiến bộ, vì họ có cuộc bầu cử khá là tự do năm ngoái, Indonesia cũng có những tiến bộ trong năm ngoái. Còn Thái Lan có nhiều tiến bộ kể từ năm 2006, sau vụ đảo chính và cũng có tiến bộ trong năm ngoái. Campuchia cũng cho thấy có tiến bộ trong chính trị. Nhưng các nước như Lào, Việt nam hay Miến Điện thì vẫn không có tiến bộ nào.
Chúng tôi cũng thấy những điểm đáng chú ý là việc gia tăng đàn áp lên những cây viết, bloggers và các nhà hoạt động chính trị tại Việt nam ngay trước kỳ đại hội Đảng. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn chưa thực sự có tự do. Chắc chắn là đã có những thụt lùi kể từ giữa những năm 2000 ở Việt Nam cho đến nay. Những vụ đàn áp đang diễn ra ở Việt Nam trong năm nay thì thực ra đã có từ nhiều năm trước và vẫn cứ tiếp tục mạnh mẽ đến bây giờ. Nhưng kể từ giữa những năm 2000, sự tự do thảo luận, tự do internet ở Việt Nam đã ngày một bị thắt chặt hơn. Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, đồng tiền mất giá, thất nghiệp. Điều này cho thấy những khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của mọi người đối với sự điều hành của chính phủ.”
Việt Hà: Vậy vấn đề kinh tế có ảnh hưởng thế nào đến tự do tại Việt Nam?
Josh Kurlanzick: "Nếu chúng ta nhìn vào chính phủ Việt Nam cũng như các chính phủ độc tài khác, sức mạnh của họ dựa vào nhiều điểm, một trong các điểm đó là họ đưa đất nước đi qua các cuộc chiến tranh, và họ cũng lèo lái đưa nền kinh tế phát triển khá tốt từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng vì là một chính phủ không được bầu trực tiếp, họ không thể dựa vào điểm này. Chính vì thế chính phủ Việt Nam phải dựa vào những thành tựu về kinh tế để duy trì uy tín của mình, và họ đã lam khá tốt cho đến gần đây. Cho nên chính phủ Việt Nam sẽ phải lo lắng nếu như họ không thể tiếp tục duy trì phát triển kinh tế vì họ không có hệ thống bầu cử tự do."
Tự do suy giảm
Việt Hà: Trong báo cáo năm nay, Freedom House cũng nhấn mạnh là sự đàn áp đã gia tăng tại một số nước và thế giới tự do dân chủ đã không có những đáp ứng đúng mức. Vậy ta có thể hy vọng gì vào những can thiệp của các nước dân chủ và Mỹ vào nền dân chủ của thế giới nói chung và các nước châu Á như Việt Nam nói riêng trong các năm tới.
Khi mối quan hệ chiến lược Việt Nam đã trở nên quan trọng thì vấn đề nhân quyền tại Việt nam sẽ bị đẩy lùi xuống trong thang chú ý của Hoa Kỳ.
Ô. Josh Kurlanzick
Josh Kurlanzick: "Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong các năm qua, cho nên nhà trắng dễ bỏ qua hơn đối với các vấn đề về quyền con người cũng như tự do dân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi một người thuộc tòa đại sứ Mỹ bị tấn công thì chính phủ Mỹ phải có phản ứng. Nhưng nhìn chung khi mối quan hệ chiến lược Việt Nam đã trở nên quan trọng thì vấn đề nhân quyền tại Việt nam sẽ bị đẩy lùi xuống trong thang chú ý của Hoa Kỳ. Cho nên tôi không lạc quan lắm về việc gây sức ép từ Mỹ đối với Việt nam, nếu nhìn vào mối quan hệ chiến lược hai nước bao gồm cả quốc phòng và đầu tư. Những mối quan hệ này sẽ tiếp tục được tăng cường và do đó vấn đề nhân quyền sẽ càng ngày càng không còn được coi trọng.
Quốc hội Hoa Kỳ thì khác, họ luôn chú ý đến vấn đề quyền con người tại Việt Nam trong khi đó thì nhà trắng lại tỏ ra dễ chịu hơn đối với Việt Nam. Tôi không tin là những dự luật dược đưa ra tại hạ viện liên quan đến nhân quyền ở Việt nam sẽ được Bộ ngoại giao Mỹ ủng hộ và sẽ thực sự có hiệu lực.”
Việt Hà: Ông có hy vọng gì vào những cải thiện về tự do trên toàn cầu vào năm tới?
Josh Kurlanzick: "Tôi nghĩ là nền tự do của thế giới sẽ còn suy giảm trong năm tới nữa và chúng ta sẽ không nhìn thấy những thay đổi đáng kể bởi những lý do mà tôi đã nói đến ở trên ví dụ như Trung Quốc sẽ không sụp đổ vào năm tới, và tôi cũng không nghĩ là Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy vấn đề tự do nhân quyền hơn vào năm tới, tôi cũng không cho rằng khủng hoảng kinh tế sẽ chấm dứt vào năm tới. Cho nên chúng ta không có nhiều hy vọng vào năm tới."
Việt Hà: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Dân biểu Úc Luke Simpkins không được phép thăm LM Nguyễn Văn Lý
- Viên chức Tòa đại sứ Mỹ bị công an hành hung khi đến thăm LM Nguyễn Văn Lý
- Dự luật "Chế tài Nhân quyền Việt Nam"
- Ông Christian Marchant bị hành hung gây quan ngại cho giới ngoại giao
- Hy vọng gì khi luật sư Lê Thị Công Nhân được trả tự do?
- Họp báo tại Paris tố cáo Việt Nam vi phạm quyền luật sư
- Vụ Cù Huy Hà Vũ dưới mắt một luật sư