Trà Mi, phóng viên đài RFA
Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam siết chặt ngăn chặn các cuộc diễu hành ôn hoà của thanh niên-sinh viên phản đối Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa-Hoàng Sa. Các cuộc xuống đường của giới trẻ dự kiến diễn ra vào ngày 9/1 và 19/1 liên tiếp bị dập tắt ngay từ phút đầu.
Hôm 19 tháng Giêng, nhiều người đã bị công an cưỡng chế đưa về đồn thẩm vấn, tịch thu đồ đạc, và giam giữ cả ngày trời. Hai nạn nhân trong số này là cựu chiến binh Hoàng Hải, tức blogger "Điếu Cày", và luật gia Thanh Hải, chủ nhân trang blog "Anh Ba Sài Gòn".
Liệu hành động cương quyết trấn dẹp biểu tình của nhà nước có dập tắt được ngọn lửa yêu nước đang sôi sục trong lòng mỗi thanh niên Việt Nam? Ngừơi trẻ có thể làm gì hơn nữa để tiếp tục bày tỏ và khẳng định quan điểm của mình trứơc thái độ xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc?
Chúng ta hãy nghe những tiếng nói mạnh dạn đấu tranh cho công bằng và lẽ phải tại Việt Nam, qua cuộc trao đổi giữa Trà Mi với blogger Điếu Cày và luật gia Thanh Hải.
Lý do bắt giữ, thẩm vấn?
Trà Mi: Chúng tôi muốn được hỏi thăm trước nhứt là lý do phia công an nêu ra khi họ bắt giữ các anh là gì ạ?
Blogger Điếu Cày: Họ cưỡng chế chúng tôi. Riêng tôi thì họ xông vào họ bẽ tay rồi họ khênh lên, họ nhét vào trong xe như là súc vật ấy. Đưa về công an Phường Bến Nghé thì lúc 9 giờ 30 và họ giữ luôn cho đến hơn 30 tiếng đồng hồ, đến 14 giờ chiều ngày hôm sau họ mới nói là làm cái biên bản tạm ngưng làm việc.
Họ bắt giữ chúng tôi hơn 30 tiếng đồng hồ, cộng với việc họ thu giữ của chúng tôi rất nhiều đồ đạc mà không có một giấy tờ gì để chứng minh cái chuyện ấy cả. Thế là tôi không về, tôi ở đó đấu tranh từ lúc 14 giờ cho đến 16 giờ 30 tôi mới về mà họ vẫn không có đưa (biên bản). Họ nói chúng tôi biểu tình không xin phép, lần nào cũng vậy thôi à. CHỉ có là biểu tình không xin phép.
Trà Mi: Dạ. Như anh vừa nói đây không phải là lần đầu tiên anh và một số anh em bị bắt giữ vì lý do là không xin phép biểu tình, thế thì tại sao các anh không xin phép biểu tình trước khi thực hiện những dự định đó?
Blogger Điếu Cày: Căn cứ vào quyền hiến định là hiến pháp cho công dân quyền tự do biểu tình và không có văn bản luật nào cấm thì chúng tôi cứ làm thôi. Còn nếu chúng tôi làm sai so với cái nghị định gì của nhà nước thì họ phải lập biên bản và họ ra quyết định họ phạt chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đóng phạt, nếu như chúng tôi sai. Và chúng tôi đóng tiền để chúng tôi đi biểu tình cũng được.
Trà Mi: Theo nhận xét của các anh thì phản ứng của giới trẻ thể hiện qua các cuộc biểu tình hay là diễu hành thì liệu có đem lại kết quả gì đáng kể hay chăng hay chỉ là những hậu quả đối với những người tham gia, mà đơn cử là trường hợp của các anh vậy? Ý kiến của anh Điếu Cày như thế nào ạ?
Blogger Điếu Cày: Tôi nghĩ là cái việc giới trẻ biểu lộ cái tinh thần của họ đối với đất nước thì đó là một điều rất tốt. Anh em nói chung là họ rất là sôi nổi, nhiệt tình, chỉ có điều là nhà nước trấn áp mạnh quá cho nên họ không biểu lộ được tinh thần đó ra thôi. Trong một đất nước mà tinh thần đó bị tiêu diệt thì dất nước đó dễ dàng rơi vào nô lệ. Cần phải để giới trẻ thể hiện chính kiến của mình, đấy là cách tốt nhất để chấn hưng dân khí của dất nước.
Trà Mi: Xin mời anh Thanh Hải cho biết ý kiến.
Luật gia Thanh Hải: Những người xử lý vi phạm họ không trả lại cho bọn tôi biên bản vi phạm, đặc biệt là những biên bản mà chúng tôi đã ghi vào đấy các ý kiến của mình. Thế thì theo tôi nghĩ, chuyện biểu tình như vậy có trái pháp luật hay không thì cần thiết phải có một sự tranh luận, thậm chí có thể khởi kiện và tranh luận công khai, và có ý kiến của những chuyên gia về pháp lý, đặc biệt là Đoàn Luật Sư hoặc những luật sư danh tiếng để họ có những ý kiến về vấn đề này.
Chuyện biểu tình như vậy là đúng hay sai thì cần phải làm rõ chuyện này ra. Còn quan niệm của cá nhân tôi thì biểu tình như vậy không có vi phạm pháp luật bởi vì nhà nước chưa ra một nghị định về trình tự thủ tục thực hiện biểu tình.
Người trẻ sẽ làm gì?
Trà Mi: Thế anh nghĩ sao khi giới trẻ hiện giờ nhìn thấy những hành động trấn áp mạnh mẽ như vậy thì họ có ý nghĩ là tham gia những cuộc biểu tình này cũng chẳng đem lại kết quả gì mà chỉ mang hoạ vào thân tức là lãnh hậu quả mà thôi.
Blogger Điếu Cày: Dạ nhiều người không nghĩ như vậy chị ạ, căn cứ vào các bài viết của họ trên mạng, chỉ có cái là họ chưa có điều kiện, có thời gian để đưa ra chính kiến của mình thôi. Hy vọng rằng trong tương lai tới những việc này khi mà nó thường xuyên và trở nên quen thuộc thì họ cũng sẽ bước qua được nỗi sợ hãi và mọi việc họ biểu lộ chính kiến một cách tự do hơn.
Trà Mi: Nhưng gần đây thì Thứ Trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng, trong một cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân, ông ta có khẳng định là không có chuyện Việt Nam mất dất, thì phản ứng của dư luận trong nước nói chung, cúng như của giới trẻ quan tâm nói riêng, ra sao ạ?
Blogger Điếu Cày: Khi mà ổng nói không mất đất thì ổng phải đưa ra cái bản đồ là không mất đất. Tại vì toàn bộ văn bản ký hiệp định trên bộ trên biển kèm theo bản đồ thì dân Việt Nam không được biết vì không được công bố, như vậy làm sao mà biết có mất hay không.
Tốt hơn hết là mọi thứ thông tin đều phải được minh bạch để người dân Việt Nam không đi vào vùng biển của Trung Hoa mà bị nó bắn liên tục như thế. Cũng như là trong một tuyên cáo của văn nghệ sĩ Thành Phố HCM cũng yêu cầu chính phủ phải minh bạch những thông tin về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trà Mi: Và anh nghĩ là những hành động xuống đường biểu tình hay là bày tỏ thái độ như vậy nó có ý nghĩa, nó có thiết thực hay tầm quan trọng như thế nào?
Blogger Điếu Cày: Dạ, nó có tầm rất là quan trọng vì ở đây tiếp tục khẳng định tiếng nói của người dân được cất lên một cách công khai và minh bạch. Chính điều này sẽ tạo điều kiện để cho ngưòi dân sau này nhiều lần sẽ cất lên tiếng nói của mình chứ không thể mãi mãi im lặng như thế này được.
Trà Mi: Trước những biện pháp ngăn trở quyết liệt của nhà nước như vậy thì giới trẻ và thanh niên Việt Nam có thể làm gì hơn để tiếp tục bày tỏ cũng như tiếp tục khẳng định quan điểm của mình mà không bị phiền nhiễu bởi chính quyền, tránh những sự vu tội như là gây rối trật tự xã hội, v.v ?
Blogger Điếu Cày: Có nhiều hình thức rất là đa dạng, cho nên khi họ đàn áp dữ dội đối với việc tập trung biểu tình như thế này thì có thể sau này anh em người ta sẽ không tổ chức biểu tình bằng những băng-rôn hoặc biểu ngữ nữa, có thể người ta in áo người ta mặc, trên dó có những biểu tượng ôn hoà, đấy cũng là một hình thức, không lẽ họ xông vào họ cởi trần người ta ra à?
Và tôi nghĩ là anh em sinh viên khi mà muốn biểu lộ chính kiến thì họ sẽ có vô vàn cách để biểu lộ chính kiến, ví dụ không phải trên thực tế mà trên các diễn đàn trên mạng.
Trà Mi: Là một trong những người đã từng tích cực tham gia bày tỏ quan điểm của mình một cách mạnh mẽ từ những cuộc biểu tình cũng như diễu hành ôn hoà trong suốt thời gian gần đây thì anh nghĩ rằng cái nguyện vọng của giới trẻ, cái đề xuất của giới trẻ đối với phía nhà nước Việt Nam như thế nào, nhà nước Việt Nam cần có những hành động cụ thể như thế nào?
Blogger Điếu Cày: Ngày 9 tháng 12 ông Nguyễn Thành Tài đã nói là việc này phải giao cho Đoàn Thanh Niên tổ chức một cuộc mít-tinh, vai trò của Đoàn là vai trò hướng dẫn thanh niên, cho nên nếu Đoàn làm được việc đó, tổ chức được một cuộc mít-tinh do nhà nước tổ chức thì việc đó quá tốt và thể hiện sự hoà hợp giữa nhà nước và nhân dân, và nó cũng là nơi để sinh viên-thanh niên họ biểu quyết, họ đưa ra ý kiến của họ một cách ôn hoà.
Thế nhưng mà rất tiếc là sau khi ổng hứa như vậy thì mọi việc đã không được làm đúng như thế, và sinh viên thì họ không được bộc lộ ý kiến của họ ra qua nhiều tuần nhiều ngày, mà bị trấn áp như vậy thì họ cứ manh mún họ làm cái việc nhỏ lẻ thôi.
Tôi thấy tốt hơn hết là nhà nước nên tổ chức một cuộc mít-tinh một cách ôn hoà theo hướng dẫn của nhà nước thì đảm bảo người dân được cất lên tiếng nói và chính quyền cũng được sự hỗ trợ mạnh mẽ của người dân. Chứ còn cứ đàn áp mà không có lý do chính đáng thì rất khó nói với sinh viên.
Trà Mi: Nhưng mà ngoài ra thì nhà nước Việt Nam cần có những hành động cụ thể như thế nào để đáp ứng lại lòng mong mỏi của người dân trong vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa trong mối quan hệ với Trung Quốc, thưa các anh?
Blogger Điếu Cày: Việc liên tục khẳng định chủ quyền của mình ở trên đó, thứ hai nữa là đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc tranh cãi về chủ quyền của mình trên Hoàng Sa và Trường Sa là những việc phải làm. Ví dụ như Philippines họ cũng đưa đến 300 dân ra ngoài đó để lập trang trại các thứ. Nhà nước cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc thành lập thành phố Tam Sa trong đó có việc quản lý hai quần đảo chủ quyền của Việt Nam.
Trà Mi: Và một câu hỏi cuối cùng xin được hỏi thăm anh Thanh Hải. Nếu như nhà nước Việt Nam cứ tiếp tục những biện pháp trân áp mạnh tay quyết liệt như vậy thì liệu làn sóng, liệu thái dộ phản đối Trung Quốc trong giới thanh niên-sinh viên Việt Nam có bị dìm tắt hay không?
Luật gia Thanh Hải: Sẽ không bao giờ bị dìm tắt đâu chị ạ. Mặc dù rõ ràng sự đàn áp ngày càng gia tăng, nhưng mà họ càng kềm nén thì lòng của thanh niên càng không phục. Cái đầu tiên là tính minh bạch của thông tin chưa rõ ràng. Họ dùng những lý lẽ mang tính áp đặt. Và số đông sinh viên họ không chấp nhận những lý luận như vậy.
Cho nên phương cách này bị dập tắt thì họ sẽ có nhiều phương cách khác, ví dụ như là mình dội cái mũ bảo hiểm có dán trên đó những biểu tượng chống lại Trung Quốc, ví dụ mình có thể tổ chức cuộc biểu tình tại chỗ và trên mạng thôi cũng có thể làm được, nó giống như đợt các blog ủng hộ tinh thần xuống đường của người Miến Điện. Đợt đó thì tại Việt Nam các blog làm những hình ảnh rất là mạnh mẽ và cũng được rất đông người ủng hộ. Vậy thì cách này bị cản trở thì sẽ lại có cách khác.
Chỉ có một cách duy nhất là nhà nước nên làm, đó là minh bạch và đối diện công khai với vấn đề, đó là yêu cầu của lòng dân. Lòng dân không thể dập tắt được, chị ạ.
Trà Mi: Dạ vâng. Chúng tôi rất cảm ơn anh Điếu Cày và anh Thanh Hải đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.