Công an thẩm vấn gắt gao những người biểu tình chống Trung Quốc

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Các dự định biểu tình ngày 19 và 20 vào cuối tuần qua phản đối Trung Quốc đã bị công an Việt Nam theo dõi rất sát vì trùng với thời điểm Trung Quốc chiếm đánh các đảo Việt Nam hồi năm 1974.

PoliceArrestProtestChina200.jpg
Công an bắt người biểu tình chống Trung Quốc ngày 19/01/2008. Photo courtesy of Diễn Đàn x-cafevn.>> Xem hình lớn hơn

Một số người biểu tình bị bắt và bị thẩm vấn gắt gao. Có người cho biết bị một lúc 5 đến 10 công an hỏi cung theo nhiều kỹ thuật khác nhau. Phóng viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.

Khởi đi từ cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, hàng loạt các cuộc biểu tình với mục đích tương tự đã diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội.

Điểm đặc biệt, là khi ngay từ thời điểm đầu, phía chính quyền tỏ ra lúng túng và không quá mạnh tay đối với phong trào biểu tình, càng về sau, công an, an ninh, dân phòng kể cả an ninh văn hoá và cục chống phản gián đã vào cuộc một cách có hệ thống.

Nhiều người bị bắt hơn. Nhiều người phải “làm việc” với công an hơn. Cao điểm nhất, trong kỳ biểu tình cuối tuần qua, một số người bị bắt đã bị từ 5 đến 10 công an đủ mọi thành phần tra hỏi đến hàng chục giờ đồng hồ liên tiếp.

Trong khi báo chí nhà nước thì được sắp xếp lên đường ra các đảo viết bài, đưa tin. Ở đất liền, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng trên các nguồn thông tin đại chúng. Người biểu tình vẫn cứ tiếp tục bị bắt, bị hỏi cung.

Họ bị tra hỏi những gì? Và phía công an muốn biết những gì từ họ? Người biểu tình bị bắt kể rằng, công an muốn biết có tổ chức nào đứng phía sau giật dây những người đi biểu tình hay không. Một số cho biết, rất đơn giản, công an muốn họ ngưng biểu tình.

Những người bị bắt chia sẻ rằng, công an đã dùng rất nhiều những kỹ thuật nghiệp vụ khác nhau để khai thác thông tin từ người biểu tình; lúc thì nhu, lúc thì cương, lúc ngỏ lời tâm sự, lúc tỏ ra doạ nạt, lúc thì cười khẩy, lúc lại đổ dồn vào thay nhau đặt câu hỏi.

PoliceArrestProtestChina200c.jpg
Công an bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 19/01/2008. Photo courtesy of Diễn Đàn x-cafevn.>> Xem hình lớn hơn

Có người bị hỏi cung đến 10 tiếng đồng hồ, kéo dài đến tảng sáng.

Nhà thơ Uyên Vũ, nằm trong số những người bị bắt hôm biểu tình cuối tuần vừa qua, nói rằng anh bị thẩm vấn từ 2 giờ chiều thứ bảy đến 4 giờ sáng chủ nhật. Anh nói là, khoảng 10 công an đã thay phiên nhau hỏi cung anh.

Nhà thơ Uyên Vũ nói là, cuối cùng thì công an rất thất vọng về anh, họ đã không thể khai thác được gì, trong khi họ cứ khẳng định rằng anh là một con rối của một tổ chức qui mô.

Một người biểu tình khác, có tên là Điếu Cày, tức nhà văn Hoàng Hải, thì nhận xét rằng, các công an trẻ tuổi có vẻ ôn hoà hơn các công an đứng tuổi. Và theo nhận xét riêng của anh, các công an viên trẻ tuổi có lối phát biểu kín đáo, và lối đặt câu hỏi không gay gắt lắm.

Một nhà thơ, có tên Bùi Chát, cũng tham gia biểu tình và bị bắt hồi cuối tuần qua, cho biết anh đã nói thẳng với công an là, cái cách hỏi cung theo lối hù doạ sẽ không mang lại kết quả tốt. Anh kể rằng, một công an trong số những người hỏi cung tự xưng là người học chung trường với anh hồi xưa. Anh khẳng định là cách trò chuyện tâm tình để khai thác thông tin như vậy không hiệu quả, đơn giản vì anh không thể tin họ.

Một hoạ sĩ, tên là Lê Quý Anh Hào, cho biết anh đang cùng các bạn bàn cách thức đi lấy lại máy quay phim và chứng minh nhân dân đã bị giữ trong cuộc biểu tình vừa qua.

Anh Hào sống tại Quận 12, Sài Gòn, nói là giấy mời đi gặp công an ghi 7 giờ 30 sáng ngày 20. Nhưng mới 6 giờ rưỡi, công an phường đã đến nhà yêu cầu ra đi. Hoạ sĩ Anh Hào nói là anh thất vọng về cách thức làm việc của công an vì họ chỉ muốn anh ngưng đi biểu tình, còn lý do biểu tình thì hình như họ cũng không biết là gì nữa.

Cuộc biểu tình ngày 19 và 20 vừa qua được chính quyền Việt Nam quan sát kỹ lưỡng vì trùng với thời điểm Trung Quốc chiếm đánh các đảo của Việt Nam vào năm 1974.

Trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, các blogger trên Internet kêu gọi người biểu tình phân tán mỏng để tránh công an trà trộn vào. Lần này, công an đã bắt ngay những người thường tham gia biểu tình, và giữ họ lại cho qua khỏi ngày 20.

Để kết thúc bài tường thuật này, xin được nhắc lại một trong các ý kiến được một bạn trẻ, tên Ngô Thanh Tú, nhắc đi nhắc lại, là không ai trong đoàn biểu tình nghĩ là biểu tình chống Trung Quốc lại thành ra biểu tình chống nhà nước Việt Nam. Nếu như vậy, tại sao nhà nước nhất định không cho thanh niên biểu tình để thể hiện lòng yêu nước?