Điểm cuốn sách “Biên Giới Việt Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp”

0:00 / 0:00

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, kỳ này do Nguyễn An thực hiện và cùng trình bày với Thanh Trúc, điểm cuốn sách “Biên Giới Việt Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp” do nhà Xuất bản Dũng Châu ấn hành tại Pháp năm 2005.

truongnhantuan150b.jpg
Ông Trương Nhân Tuấn. file photo

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam có thể nói là lịch sử đấu tranh khi công khai khi ngấm ngầm với láng giềng phương bắc để sống còn, bởi người láng giềng ấy phải nói là vừa to, vừa lớn, vừa tinh nhanh, lại vừa tham lam, tâm địa khó lường và chưa bao giờ bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để lấn chiếm nước ta, về tinh thần, văn hoá cũng như về của cải, lãnh thổ.

Riêng về lãnh thổ, thì những khu vực bị dòm ngó nhiều nhất tất nhiên phải là vùng biên giới, kể cả trên đất liền lẫn biển cả. Những thủ đọan để lấn chiếm của Trung quốc đối với Việt Nam thay đổi tùy theo hoàn cảnh cũng như tùy theo tình hình bang giao, mặc dù dã tâm lấn chiếm thì chưa bao giờ nguôi. Có khi họ đem quân trực tiếp xâm lăng hay quấy phá, đặt ách đô hộ lên nước ta.

Có khi họ dùng phương thức “diễn tiến hoà bình”, chẳng qua là một phương thức lấn chiếm kiểu tằm ăn dâu, tạo những “chuyện đã rồi” và sau đó, sẽ tìm cơ hội để “hợp thức hoá một tình trạng không thể cải sửa được.” Trong một chương trình tới, chúng tôi sẽ nói đến những trường hợp cụ thể của phương thức này trong tình hình mà mối bang giao giữa hai nước được kể là vô cùng thắm thiết, vừa là đồng chí vừa là anh em, môi hở răng lạnh mặc dù hễ có cơ hội, thì răng cũng cắn vào môi cái nào đáng cái đó.

BookBienGioiVietTrung150.jpg
Bìa cuốn sách “Biên Giới Việt Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp”

Chính vì tình hình biên giới giữa hai nước như thế, nên những hiệp ước biên giới đã ký phải kể là những bước tiến lớn, bởi ít nhất chúng cũng giúp bảo đảm một tình trạng ổn định trong một thời gian nào đó, hay giúp biến những “tranh cãi” thành những “chịu đựng” Trong vòng hơn một thế kỷ qua, Việt Nam và Trung quốc đã ký với nhau hai hiệp ước về biên giới: Thứ nhất là công ước Pháp-Thanh năm 1887, được bổ sung bằng công ước 1895 và thứ hai là hiệp ước biên giới trên đất liền mới ký vào cuối năm 1999, được phân giới cắm mốc hai năm sau đó, và dự định sẽ hoàn tất nội trong năm nay.

Những bản hiệp ước này được toàn thể dân tộc theo dõi, tìm hiểu bởi mỗi tấc đất của tổ tiên để lại đều phải được coi như một phần máu thịt của người dân. Tuy nhiên, ngọai trừ bản văn của hiệp ước 1999 được công bố trên báo Nhân Dân hơn hai năm sau khi ký, còn quá trình đàm phán, những chi tiết thảo luận cũng như bản đồ thực địa đi kèm theo hiệp ước thì cho đến nay chưa người dân bình thường nào được biết.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn bỏ công sức ra tìm hiểu. Đó là lý do xuất hiện của một lọat những công trình về đường biên giới trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam và Trung quốc của các học giả, nhà nghiên cứu được đăng tải trên các trang mạng. Trong số này, “dài hơi” nhất có lẽ là cuốn sách “Biên Giới Việt Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp” do nhà Xuất bản Dũng Châu ấn hành tại Pháp năm 2005.

Cuốn sách dầy 860 trang khổ 16cm X 21cm, bìa cứng chữ mạ vàng được bọc ngoài bằng một bìa mỏng láng màu vàng làm nền cho tựa sách in màu nâu và bản đồ đọan biên giới thứ năm, từ sông Hồng qua sông Đà, đến biên giới Lào thụôc Vân Nam của Ủy ban phân định 1887. Dưới cùng là hàng chữ Dũng Châu 2005.

Không kể lời dẫn nhập và cám ơn, sách gồm có 9 chưong trình bày 8 chủ đề và một phần phụ lục. Riêng phần phụ lục đã chiếm 269 trang với những tài liệu minh họa cho những điều nói ở trên. Những tài liệu ấy bao gồm phóng ảnh các tài liệu nguyên thủy đã trích dẫn bằng tiếng Pháp hay Hán, cùng những bản đồ và hình ảnh mà tác giả sưu tầm được qua những ngày tháng lặn lội trong các thư viện và bảo tàng tại Pháp, Mỹ.

Tám chủ đề gồm có: Tìm hiểu hiệp ước Thiên Tân ngày 9 tháng sáu năm 1885 ký kết giữa nước Pháp và nhà Thanh của Trung quốc. Trong chương này, tác giả trình bày bối cảnh địa lý chính trị tại Bắc Kỳ trước chiến tranh Pháp Thanh kết thúc vào ngày ký hiệp ước. Ba chương kế tiếp tìm hiểu biên giới các vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.

Nếu mà nói về cơ duyên thì phải nhớ lại là vào khỏang năm 2000, 2001, thì có những nguồn tin từ trong nước đưa ra, sau khi có hiệp ước biên giới 1999 đó, nói là Việt Nam bị mất đất, mất biển…

Công trình nghiên cứu quy mô

Chương Năm được dành cho lãnh hải Việt nam trong vịnh Bắc Việt. Chương sáu dành cho Hoàng Sa Trường Sa. Chương Bảy nghiên cứu hiệp ước phân định biên giới tháng 12 năm 1999 và chương Tám so sánh đường biên giới quy ước 1887 với đường biên giới theo Hiệp ước 1999.

Đây là một công trình nghiên cứu quy mô, có vẻ như của một chuyên gia lão thành về sử hay khảo cổ học, nhưng khi đọc tóm tắt tiểu sử tác giả in tại bìa trong, mới biết tác giả Trương Nhân Tuấn tên thật là Ngô Quốc Dũng, sinh năm 1956 tại Bạc Liêu, là một sinh viên đại học Khoa học Saigon trước khi vượt biên rồi định cư ở Pháp, tiếp tục học và tốt nghiệp ngành Toán và Khoa học.

Vậy là giữa ngành học và công trình nghiên cứu của tác giả, có lẽ chỉ có một điểm chung là cái tinh thần lô gích của Toán học, và khi áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, với tình trạng thiếu thông tin, thì sử dụng luận lý để lấp đầy những lỗ hổng ấy lại là một khả năng không thể không có của người nghiên cứu.

Câu hỏi đầu tiên của người đọc khi được biết tiểu sử của nhà nghiên cứu, là, cái cơ duyên nào đã đưa đẩy ông, từ một nhà khoa học thùân lý và thực nghiệm thành một nhà khoa học nhân văn là Sử học? Đây là câu trả lời của tác giả:

“Nếu mà nói về cơ duyên thì phải nhớ lại là vào khỏang năm 2000, 2001, thì có những nguồn tin từ trong nước đưa ra, sau khi có hiệp ước biên giới 1999 đó, nói là Việt Nam bị mất đất, mất biển…

BanGiocPhapThanh200b.jpg
Thác Bản Giốc.

Nói là ải Nam Quan bị mất rồi, đường biên giới ở ải Nam Quan bị dời vào bốn hay năm cây số lận. Sau đó thì ở hải ngọai có những tranh luận rất là đáng chú ý, khiến mình rất tò mò. Trước đó thì đã có viết lách chút ít, mà nay thấy cái chủ đề này cũng hay nên cũng muốn đi tìm sự thật, coi thử có mất đất mất biển hay là không.

Cái động lực là…tất cả những gì thiêng liêng đối với người Việt mình, chính là đất nước. Người Việt Nam mình hình như dính liền với đất nước của mình. Cho nên khi có chuyện gì xẩy ra liên quan đến đất nước của mình, thì mình cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm liền. Cho nên tôi quyết định đi tìm sự thật.”

Người cộng tác thân tín

Về quá trình hoàn thành cuốn sách mà lúc đầu ông chỉ muốn viết và tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi cấp thiết của mình thôi, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho biết:

“Mới lúc đầu, mình tửơng mình chỉ mất chừng ba bốn tháng thôi, vì muốn đi tìm sự thật của việc này thì thấy cũng đơn giản, là có mất hay không, hay là ải Nam Quan mất từ đâu đến đâu, đại khái là vậy…Thác Bản Giốc nữa…nhưng khi mình bắt đầu bắt tay vào việc làm, thì mới thấy là công việc ấy không đơn giản. Từ dự trù kéo dài ba bốn tháng, đã kéo dài lên đến bốn năm, hơn bốn năm.”

Là một người vượt biên đến định cư tại Pháp, phải nhanh chóng hội nhập vào đời sống tại đất nước tạm dung, phải thích ứng với nhịp sống tại đó, vừa đáp ứng những yêu cầu của đời sống trước mắt cũng như phải chuẩn bị tương lai cho con cái, quả thật không dễ dàng chút nào khi phải để dành thời gian và công sức, tiền bạc cho những công trình nghiên cứu. Trường hợp của tác giả “Biên giới Việt Trung ra sao?”

“Người cộng tác thân tín nhất có thể là nhà tôi thôi. Nhà tôi là người đã chia xẻ nhiều nhất với tôi trong cái việc thành hình cuốn sách này.”

AiNamQuan150.jpg
Ai Nam Quan. RFA file photo.

Thế là rõ, và người phụ nữ đáng quý được tác giả trân trọng gọi là hiền nội kể lại những đóng góp của bà như sau:

“ Em không có đóng góp gì ở trong cái cuốn sách này. Em chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của người vợ mà thôi. Em chỉ ủng hộ tinh thần, giúp đỡ cho ổng có nhiều thời gian để cho ổng hoàn thành quyển sách. Nhưng mà như anh cũng thấy đó, lúc đầu tửơng đâu chỉ vài ba tháng, mà rồi kéo dài đến bốn năm, hơn bốn năm!”

Quả là một minh họa cho câu nói “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.” Khi được hỏi có những kỷ niệm nào đáng ghi nhớ trong suốt thời gian ấy, bà Ngô Quốc Dũng, nhủ danh Thanh Châu, và từ đó thành hình tên nhà xuất bản Dũng Châu nói:

“Kỷ niệm, thì cũng có một vài kỷ niệm… Có những lúc mà ổng tìm ra được tài liệu nào quý hiếm đó anh, thì ổng lật đật chạy đi tìm em, hoặc điện thọai cho em, même là lúc đó em đang làm việc. Ông cũng cố gặp được em để khoe với em những gì ổng vừa tìm kiếm được. Lúc ấy thì hai vợ chồng vui lắm! Rồi, có những kỷ niệm khác thì, có khi phải làm tối, làm khuya đó…thì mình cũng phải chịu thôi (cười…)”

Tâm đắc

Trở lại với công trình nghiên cứu, khi được hỏi trong cuốn sách, ông tâm đắc với phần nào nhất, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho biết:

Mặc dù bộ bản đồ đính kèm với hiệp ước năm 1999 chưa được công bố, nhưng qua những gì đã được công bố, qua các cuộc phỏng vấn thứ trưởng ngọai giao Lê Công Phụng, hay mới đây là ông Vũ Dũng, thì ta thấy ở trên đất liền, có một số vùng đất đã bị đổi chủ, đã mất, và trên biển cũng đã thấy là ở trong vịnh Bắc Việt, Việt Nam bị mất khỏang 11.000km2.

“Đây là một cuốn sách tài liệu, nên cái tâm đắc nhất của mình chính là những khám phá của mình. Cái mà mình hãnh diện nhất, là mình đã tìm được, trình bày được những điểm mà đồng hương của mình đang thắc mắc, và cả đất nước mình đang cần đến nữa.

Cái tâm đắc khác nữa là qua công trình này, thì mình học thêm được những lãnh vực mà trước đó mình không biết chẳng hạn như về lịch sử hay pháp luật. Mặt khác nữa đó, là mình học thêm được chữ Hán.”

Sau cùng, khi trở lại với động lực ban đầu khiến ông bắt tay vào nghiên cứu, là tìm hiểu xem Việt Nam có mất đất mất biển không? Các thảo luận và đàm phán có công bằng không và liệu các hiệp ước này có gíup chấm dứt được những tranh chấp giữa hai nước láng giềng từng kéo dài nhiều thế kỷ không, tác giả nói:

“Mặc dù bộ bản đồ đính kèm với hiệp ước năm 1999 chưa được công bố, nhưng qua những gì đã được công bố, qua các cuộc phỏng vấn thứ trưởng ngọai giao Lê Công Phụng, hay mới đây là ông Vũ Dũng, thì ta thấy ở trên đất liền, có một số vùng đất đã bị đổi chủ, đã mất, và trên biển cũng đã thấy là ở trong vịnh Bắc Việt, Việt Nam bị mất khỏang 11.000km2.

Về vấn đề công bằng hay không, thì tôi có thể khẳng định rằng hai hiệp ước biên giới trên đất liền cũng như trên biển là hai hiệp ước bất bình đẳng. Về vấn đề những tranh chấp có thể còn kéo dài nữa hay không, thì tôi cho rằng, một khi đã phân định rồi, thì khó mà đặt lại vấn đề lắm.”

Những chuyện liên quan đến biên giới Việt Trung bao giờ cũng là những chuyện phức tạp và kéo dài, nên những công trình khảo cứu liên hệ cũng sẽ phải kéo dài và tiếp tục được nghiên cứu, cập nhật.

Đó cũng là ý hướng sắp tới của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Ông sẽ tiếp tục với sự hổ trợ không mỏi mệt của hiền nội của ông. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật kỳ này xin dừng lại ở đây, với lời chúc tác giả Trương Nhân Tuấn tiếp tục công trình của mình, với sự yểm trợ quý giá và đáng trân trọng, gây xúc động của hiền nội Thanh Châu.