Nguyễn An, phóng viên đài RFA
Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, kỳ này do Nguyễn An thực hiện và cùng trình bày với Trà My. Chúng tôi sẽ điểm cuốn sách “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung quốc” do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tại Hà nội năm 1979.
Trong bài, chúng tôi có hỏi ý kiến nhà báo Bùi Tín hiện đang sinh sống tại Paris. Xin được nhắc rằng ý kiến của ông Bùi Tín không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.
Đầu tháng chạp năm ngóai, quốc vụ viện Trung quốc quyết định thành lập huyện Tam Sa, quản lý cả hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa, vốn thụôc lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này đã đưa đến một lọat các cuộc biểu tình phản đối trước các cơ sở ngọai giao của Trung quốc ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Cuối tháng chạp, nhân dịp tỉnh Lào Cai hoàn tất công tác phân giới cắm mốc, thứ trưởng ngọai giao Vũ Dũng tuyên bố với báo Nhân Dân rằng, “Không thể có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.”
Lời khẳng định ấy của ông Dũng, vị chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia đã khiến cho nhiều người yên tâm theo nghĩa là không thấy báo chí trong nước nêu lên vấn đề ấy nữa. Người ta càng yên tâm hơn khi ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ cũng tuyên bố với báo chí tại Washington D.C. rằng Việt Nam quyết tâm giữ vững và bảo toàn lãnh thổ.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam khác lại muốn tìm kiếm thêm thông tin để hiểu rõ hơn, nhất là những người ở hải ngọai, vì họ có điều kiện dễ dàng hơn để tìm hiểu. Trong số ấy có nhiều nhà nghiên cứu từng quan tâm đến vấn đề này từ lâu. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn mà chúng tôi đã phỏng vấn tuần trước là một thí dụ.
Rất may mắn là trong số các tư liệu hiện vẫn có thể tìm kiếm để tham khảo được, có những tư liệu do chính đảng và nhà nước Việt Nam ấn hành nói về chuyện này, và nói rất cụ thể, chi tiết. Đó là những cuốn sách do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành ở Hà nội vào năm 1979, sau khi đã xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới, mà lúc đó, nhà lãnh đạo Trung quốc Đặng Tiểu Bình đã chính thức giải thích là “để cho Việt Nam một bài học.”
Nhà báo Bùi Tín, người vừa bước vào tuổi 80 hai tùân trước và hiện đang sinh sống tại Paris, trong thời gian đó đang là đại tá quân đội nhân dân và họat động trong ngành báo chí tại Hà nội cho biết về những tài liệu này như sau:
“Sách Trắng của bộ ngọai giao Việt Nam công bố từ tháng năm năm 1979, ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía bắc kết thúc. Sau đó mấy tháng, đến tháng 10, thì nhà xuất bản Sự Thật in ra một tập sách, không nói đến Sách Trắng, mà nói đến “sự thật trong quan hệ Việt Nam-Trung quốc 30 năm qua.”
Về biên giới thì lại có một cúôn sách khác. Cuốn sách này ngắn hơn, chỉ có hơn 40 trang, cũng nhà xuất bản Sự Thật, và xuất bản sớm hơn, vào tháng 8, tức là sớm hơn cuốn kia hai tháng.Cuốn này thì cũng phát xuất từ Sách Trắng.
Nó có mấy phần, để tôi tóm tắt như thế này: Một là hình thành cái lịch sử biên giới Việt Nam Trung quốc ra làm sao, thế rồi Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam từ năm 54 đến nay như thế nào, thế rồi nói đến hai lần đàm phán đã thất bại, không đi đến kết quả như thế nào.”
Cuối phần một cuốn sách, tức là phần nói về quan hệ Việt Trung trong ba mươi năm, kể từ 1949 đến 1979, có viết nguyên văn như sau:
“Họ (Trung quốc) vi phạm ngày càng nghiêm trọng sự thỏa thuận đó, và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung từ 1949 đến nay.”
Sách không cho biết 90 điểm đó là những điểm nào, và cũng không cho biết tổng cộng thì phần bị lấn chiếm có diện tích là bao nhiêu.
Trong phần kế tiếp, có tiêu đề là “Tình hình Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay,” sách viết nguyên văn:
“Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nhà cầm quyền Trung quốc đã lần lượt lấn chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt Nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế. Họ đã dùng đủ mọi thủ đọan, kể cả những thủ đọan xấu xa mà các chế độ phản động của Trung quốc trước kia không dùng.”
Những thủ đoạn xâm canh
Nhà báo Bùi Tín liệt kê một số thủ đọan như sau: Nhiều thủ đọan lắm, trong sách trắng trước đây cũng như trong sách của nhà xuất bản Sự Thật sau này. Họ kể ra đến 40 điểm xâm canh xâm cư rồi xâm chiếm đất đai. Cái tiêu biểu nhất là cái vùng Trịnh Tường ở Quảng Ninh đó. Người ta đã lấn sang một vùng rộng đến 6km, bề ngang 1km3.
Họ cho dân ở bên Trung quốc sang xâm canh xâm cư, tuyên truyền đây là tình hữu nghị. Dần dần họ biến những người dân Trung quốc đó, sang bên này rồi, đựơc phát những tem phiếu của phía Trung quốc…( rồi nhận những đất đai mà người dân đó ở là đất của Trung quốc).”
Ngoài thủ đọan xâm canh, xâm cư đến xâm chiếm đất vừa đựơc nhà báo Bùi Tín mô tả, sách còn nói đến những thủ đọan khác chẳng hạn như: “Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.” Riêng về thủ đọan này, tức là lý luận về điểm nối đường ray thì nhà báo Bùi Tín kể thêm như sau:
“Về vụ đặt đường ray thì trước kia, đường ray của phía Trung quốc rộng hơn một mét mốt, thế còn đường ray của phía Việt Nam là hẹp hơn. Thế sau này thì hai bên có ký kết một cái hiệp định là Trung quốc giúp cho Việt Nam mở rộng đường ray, và nối đường ray từ biên giới Bằng Tường xuống đến Đồng Đăng.
Thế thì phía Trung quốc lợi dụng cái đó để làm cho điểm nối đường ray kéo dài sang phía Việt Nam đến 300 mét, và họ xê dịch cái mốc biên giới đến 300 mét luôn. Đến khi Việt Nam bảo là phải chữa lại, không thể để như thế đựơc, thì họ cãi liều, rằng không thể có chuyện đường ray của nước này đặt trên nước kia đựơc. Đường ray đặt trên chỗ nào là đất của nước ấy. Từ đó họ xí xóa, không chịu xem lại cái mốc họ đã xê dịch.”
Ngoài ra, còn có các thủ đọan như “Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam” “Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ Trung quốc. Riêng tại đọan này, tại trang 14, sách ghi
“Chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới, họ đã lấn vào đất Việt Nam tại hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng trên 32 hécta sâu vào đất Việt Nam trên một km, như khu vực giữa mốc 63- 65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Pa mờ thuộc tỉnh Hà tuyên dài 4km, sâu vào đất Việt Nam 2km.”
Lợi dụng việc vẽ bản đồ
Ngoài ra, còn thủ đọan “Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới” Thí dụ của thủ đọan này liên quan đến thác Bản Giốc và đựơc ghi nguyên văn trong sách ở trang 14 như sau:
“Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đọan đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung quốc, thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thượng.”
Những chi tiết vừa nói liên quan đến thác Bản Giốc khác với thông tin về thác được ông Lê Công Phụng và ông Vũ Dũng tuyên bố. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhà báo Bùi Tín phải đặt vấn đề như sau:
“Thế thì cái đặc biệt là thế này, là những người đang ở bộ ngọai giao hiện nay, thì chính họ là những người đã dự thảo ra cái Sách Trắng. Đối chiếu với thái độ của họ hiện nay, thì cũng vẫn những người ấy, cũng vẫn ông Vũ Dũng ấy, ông Lê Dũng ấy, thì bây giờ ngược lại, từ bỏ tất cả cái lập trường của ông Lê Minh Nghĩa và của ban biên giới trước đây, và đi đến đàm phán rất là nhanh chóng.
Một cái rất lạ là các đàm phán năm 74, 75 và 79 đều không đạt đựơc kết quả gì, và thái độ của Trung quốc là bác bỏ hết. Thế mà nghiễm nhiên, đàm phán năm 95, 96 cho đến 99 lại chóng vánh đến như thế! Có thể nói là tất cả những cái trước đây đã lên án là họ rút dù hết. Như thế tức là…họăc là họ phải công nhận rằng trước kia lập trường của họ là không đúng, và xin lỗi là đã vu cáo cho Trung quốc…”
Đặc biệt là trang 13 của sách có in một bản đồ, đề là “sơ đồ biên giới Việt Nam và Trung quốc, một số điểm Trung quốc đã lấn chiếm trước ngày 17 tháng 2 năm 1979”
Xin đựơc ghi chú rằng ngày 17 tháng 2 năm 1979 là ngày bắt đầu cuộc chiến biên giới, và sau cuộc chiến ấy, biên giới đã thay đổi như thế nào thì không một thường dân nào có thể trả lời được.
Những điểm đựơc ghi lại trong bản đồ, theo chiều từ Đông sang Tây gồm có: Trình Tường, Mẫu Sơn, Pò Càng-Mang Nã, Hữu Nghị quan, tức là ải Nam Quan, Thác Bản giốc, Phia Un, Phai Luông, Suối Lũng, Tả Lủng, Mù Phìn, Minh Tân và Mốc 2-3, Nậm Chảy.
Sách hiện còn đựơc lưu trữ tại Thư viện quốc hội Hoa kỳ, số hiệu A87.
Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật kỳ này ngừng lại tại đây. Nguyễn An kính chào quý thính giả và hẹn tái ngộ vào giờ này tuần tới.