Thư tín: Cây xanh Hà Nội - Việt Nam đặt cạnh Singapore

Hòa Ái kính chào tái ngộ cùng quý thính giả trong mục “Trả lời Thư tín”.

Thưa quý thính giả, trong tuần qua, vụ việc 6700 cây xanh bị chặt ở Hà Nội là tâm điểm của sự lên tiếng không chỉ của người dân Thủ đô VN mà của cả dư luận trong và ngoài nước. Mở đầu chương trình, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về đài.

“Chẳng biết nói sao nữa. Mình không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng có lẽ 4 năm sinh viên học tập ở đó với những ngày đạp xe đi học dưới những hàng cây không bao giờ quên được. Nhìn những cây bị đốn hạ này cảm giác thật là khó chịu!”

“Hà Nội đẹp và cổ kính một phần là có những hàng cây này. Tiếc thật! Tại sao vậy?”

“Ngày xưa một thời phá đền chùa để làm sân kho Hợp tác xã. Nay phá cây. Không biết còn trò gì nữa?”

“Cây cổ thụ xà cừ được ngắm nhìn từ hai trạng thái: Thứ nhất là bạn, là kỷ niệm tuổi thơ, là bóng mát giữa trưa hè và là hình ảnh cho Hà Nội xanh… Thứ hai là tiền, là không biết được bao nhiêu khối, là bán cho ai… Theo báo chí, Hà Nội có tổng số 50.000 cây xanh, trong đó có 5000 cây xà cừ mà đã có đến 500 cây xà cừ lâu năm bị đốn hạ”.

“Chưa từng thấy tham nhũng ở đâu như VN! Giữa Hà Nội mà ngang nhiên phá hoại như vậy. Chỉ đánh dấu sơn thôi mà cũng gần 700 nghìn.”

“Đám chặt cây xanh ở Sài Gòn và Hà Nội với mục đích xuất cảng bán cho các công ty của các nước mà người ta cần đến các loại cây đó. Thưa quý vị, tại sao như vậy? 6700 cây này bị hạ xuống, tiện và cắt rồi thì thử tưởng tượng 1 cây bán 1000 đô la. Vậy, 6700 cây đó sẽ bán được từ 6-7 triệu đến 10 triệu đô la. Bởi vì thấy cái lợi như vậy nên cho chặt cây rồi cho trồng các cây mới”.

“Tiền chặt cây, tiền bán gỗ, tiền mua cây non, tiền thuê người trồng cây, tiền chăm sóc cây non chưa thích ứng, tiền mua cây, thuê người trồng lại những cây đã chết do không thích

Tàn phá đại trà
Tàn phá đại trà (Courtesy of xaluan.com)

ứng…Tóm lại hàng chục khoản tiền”

"Lá phổi xanh của Hà Nội b ị bức tử. Chặt cũng có tiền mà trồng cũng có tiền, kiểu gì cũng nghĩ ra dự án để rút tiền hợp pháp".

“Dự án chặt cây có tiền, dự án trồng cây mới cũng có tiền. Đây là hình thức tham nhũng nhưng tội phá hại môi trường lớn hơn tội tham nhũng vi họ đã hủy hoại môi trường sống của toàn nhân loại”.

“Thật ra trong vụ này, vấn đề cây xanh không phải Đảng Cộng sản không phải không biết nhưng họ ăn riết rồi không còn cái gì để mà ăn hết, đến nỗi những cây gỗ quý, gỗ lâu năm họ chặt xuống để bán và chia tiền với nhau rồi thay thế những cây khác thì 100 năm sau cũng chưa bằng”.

“Tôi thấy vụ này không khác gì vụ Trung Quốc chiếm đất của VN mà VN không làm gì được. Bên chiếm cứ việc chiếm. Bên chống thì chỉ biết nói chứ không làm gì hơn. Bản chất Cộng sản thì luôn giống nhau. Rõ ràng người dân không chịu mà giới lãnh đạo vẫn phá nhưng lại lên tiếng là không cần hỏi dân”.

“Trong chiến tranh mỗi gốc cây, mỗi góc phố là một chiến hào. Đây là kế hoạch bọn bán nước dọn đường cho bọn xâm lược Tàu cộng”.

“Kính thưa qúy đồng bào, không những ở thành phố tàn phá cây xanh mà ở các tỉnh vùng rừng núi cây xanh đã bị tàn phá. Đây là sự thật”.

“Ngay cái quyền được sống của con người cũng chỉ là lời hứa không có thật thì nói chi đến cây đây”.

“Dân có tội thì quan xử. Quan có tội thì ai xử đây? Không chỉ có tội với một người mà có tội với toàn dân. Gần tháng nay cả nước đã lên tiếng như vậy rồi mà không thấy ai đứng ra để xử mấy ông quan này hết. Làm ơn làm cho dân thấy đi! Đừng biện minh gì nữa!”

“Ông Phạm Quang Nghị và ông Nguyễn Thế Thảo phải là người chịu trách nhiệm chính về vụ tàn phá cây xanh này, không thể đổ lỗi cho ai, vì hai ông là người đứng đầu. Nếu như ở nước ngoài mà như thế này chắc người ta đã xin từ chức rồi. Thật là xấu hổ!”

“Nếu VN là một quốc gia có pháp luật thật sự thì chính quyền Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc phá hoại này”.

“Trong vấn đề cây xanh ở Thủ đô Hà Nội, người có quyền chức ký sai như vậy thì kết quả như thế nào hình thức kỷ luật hay phạt tù tội ra sao? Còn ngược lại, người dân trong nước không có tội thì cũng bị ghép tội và bị bắt tù đày, chẳng những thế mà còn bị đánh đập, gia đình người than còn bị hăm dọa. Như vậy hỏi luật của CSVN là luật gì? Những người cầm luật rồi vi phạm luật thì dung biện pháp nào để xử? Đừng nói là biện pháp ‘kiểm điểm’. Hình thức này nghe quen qúa rồi”.

“Theo tôi những người yêu ‘vì màu xanh quê hương’ hãy tẩy chay những người ra lệnh, không bầu chọn họ làm lãnh đạo đợt này nữa vì họ đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân”.

“Tôi có ý kiến là tất cả đồng bào từ giá đến trẻ, mọi người đều phải đeo tang cho những cây bị đốn ngã. Đằng trước nhà ai vẫn còn cây to thì lấy vải trắng cột vô cây đang còn sống để đeo tang cho những cây đã bị ngã. Tất cả nhân dân Hà Nội hãy làm như vậy!”

“Kế hoạch trồng cây và trồng người đến nay phá sản hoàn toàn. Dẫu không báo cáo phá sản nhưng ai cũng biết nó đã đến giai đoạn cuối bệnh ung thư. Con đường kế hoạch đề ra là XHCN, nay được dịch: ‘Xuống Hố Cả Nút’”.

Ông Lý Quang Diệu tại trụ sở công ty Forbes
Ông Lý Quang Diệu tại trụ sở công ty Forbes (Courtesy of forbes.com)

Thưa quý thính giả, trong tuần qua, người dân đảo quốc Singapore và khắp thế giới bày tỏ lòng tiếc thương khi nghe tin cựu Thủ thủ tướng Lý Quang Diệu từ trần. Nhiều người lên tiếng ca ngợi vị lãnh đạo tài ba có công đầu trong việc khai dân trí và chấn hưng Singapore thành một quốc gia cường thịnh, an ninh và sạch đẹp nhất Châu Á. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái gửi đến những chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả xoay quanh các đề nghị của ông Lý Quang Diệu đối với VN và xuất phát điểm của VN-Singapore cùng thời điểm nhưng vì sao VN lại bị tụt hậu?

“Ông Lý Quang Diệu từng nói: ‘Làm chính trị mà nhận hối lộ tức là anh đã từ bỏ nhiệm vụ chính trị của mình’. Còn ở VN Làm chính trị mà không nhận hối lộ tức là anh đã từ bỏ nhiệm vụ chính trị của mình. 2 điều này làm 2 quốc gia khác nhau hoàn toàn”.

“Ông Lý Quang Diệu cũng đã có những lời khuyên mà VN không thể nghe theo được. Xin đơn cử, ông ta đã khuyên VN không nên phát triển công nghiệp mà chủ yếu chỉ duy trì nông nghiệp truyền thống. Ông ta cũng đã khuyên VN không nên làm nhà máy lọc dầu vì đã có quá nhiều trong khu vực, nghĩa là tiếp tục xuất cảng dầu thô và mua xăng trở lại từ nước ngoài. Ngoài ra Wikileaks cũng cho biết ông Lý Quang Diệu đã lên tiếng với đại sứ Mỹ là đã hối tiếc để VN gia nhập khối ASEAN”.

“Khác biệt đơn giản giữa VN với Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philipines là mấy nước đó không có ông tiên sống mãi, không có Đảng Cộng sản quang vinh đỉnh cao trí tuệ loài người, không có CNXH/Cộng sản ưu việt làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, không có các đầy tớ nhân dân, không có nghiên cứu Max- Lenin, học tập theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”.

“Vì luật của Singapore làm ra để quản lý đất nước chứ không như VN tạo ra nhiều luật để làm tiền dân càng nhiều”.

“Vì VN là nước Cộng Sản, đã làm tụt hậu sau Singaporre đến 40 năm”.

Sài Gòn- 1955
Sài Gòn- 1955 (Courtesy of LIFE magazine)

“Quan chức VN tuy không tận tâm tận lực nhưng bù lại được cái '’tận thu, tận diệt'’. ‘Tận thu’ là khi đã ngồi vào 'ghế' thì thu triệt để từ phong bì, phong bao đến tham ô, nhũng nhiễu, nhặt nhạnh từng đồng miễn là vào túi mình. ‘Tận diệt’ là diệt đến cùng những ai ‘thanh liêm' dám vạch tội quan tham, tận diệt những người có tâm huyết thực sự, muốn cống hiến thực sự, và không cùng 'phe cánh' cũng diệt, giỏi hơn mình cũng diệt…Nói chung hai chữ ‘tận’ của quan chức VN luôn dứng đầu ‘bảng vàng’ trong khu vực. Vậy nên chẳng mấy VN sẽ phấn đấu ‘ngang bằng’ với Singapore cách đây 40 năm”.

“Nếu áp dụng theo ý kiến của ông Lý Quang Diệu thì còn gì là CSVN. VN trở thành VNCH rồi!”

“Tôi rất mừng cho Singapore có một Thủ Tướng quá tài giỏi nên con dân mới được hạnh phúc. Thành thật chia buồn cùng người dân tiểu quốc Singapore mất đi một vị tướng tài. Kính phục!”

Singapore 1955
Singapore 1955 (Courtesy of pinterest.com)

"Trọng dụng người tài. Biết lắng nghe mọi người . Luôn đổi mới cho tốt hơn hết về mọi mặt. Gương trung thực để mọi người luôn trung thực. Sống hết mình cho đất nước đồng bào thân yêu. Không tư lợi.
Giọt nước mắt cho Ngài là ý nghĩa nhất trần đời".

Quý thính giả quý mến, Ban Việt ngữ vẫn tiếp tục thực hiện chuyên đề "Ký ức 40 năm" cho đến ngày 30/4 năm nay, được đăng tải trong chuyên mục riêng biệt "Ký ức 40 năm" trên trang web tại www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net. Quý vị có thể bấm vào hàng chữ "Ký ức 40 năm" ngay dưới biểu tượng RFA-Đài Á Châu Tự Do để vào nghe và đọc.

https://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30Opens in new window ]

Kính mong quý khán thính gải cùng độc giả tiếp tục gửi về đài các bài viết và hình ảnh cũng như âm thanh, video hay góp ý trong mục đích nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai. Ban Việt Ngữ hy vọng rằng đây là dịp để người Việt cùng nhìn lại một quãng thời gian khá dài với muôn vàn khác biệt nhằm kết nối những trái tim Việt Nam trên khắp thế giới. Liên lạc với ban Việt ngữ liên quan đến chuyên đề "Ký ức 40 năm", quý vị gửi về theo địa chỉ email: kyuc40nam@rfa.org

Mục "Trả lời Thư tín" đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề quý vị quan tâm. Liên lạc với Ban Việt ngữ qua hộp thư thoại, quý vị vui lòng gọi số 202-530-7775. Từ VN thì bấm số 01 trước dãy số 202-530-775. Hòa Ái xin phép nhắc lại, đây là hộp thư thoại nên sau khi nghe tiếng chào mừng của Hòa Ái được ghi âm, quý vị sẽ nghe được tiếng "bíp' và quý vị vui lòng nói lại lời nhắn của mình để hộp thư thoại tự động thu âm lại. Quý vị cần đài liên lạc thì nên để lại số điện thoại cho chúng tôi tiện gọi lại sau. Ngoài ra, quý vị có thể liên lạc với đài qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org.

Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả cùng Hòa Ái. Kính chúc quý vị 1 ngày mới an vui. Hòa Ái xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.