Một Giáo sư Việt kiều bị bắt về tội danh "tuyên truyền chống chế độ"

0:00 / 0:00

Giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, một trí thức kiều bào về nước, vừa bị bắt giam vào khuya ngày 29 tháng 11 theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Đây là trường hợp mới nhất tại Việt Nam bị bắt theo điều luật mà lâu nay bị lên án là mơ hồ nhằm trấn áp các tiếng nói phản biện trong nước.

Người ‘thoát Trung’ mạnh mẽ

Tin tức về việc ‘bắt quả tang’, rồi ‘khám xét nhà khẩn cấp’ và ‘bắt giam’ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch được blog nguyentandung loan đi sớm nhất.

Cổng thông tin của Bộ Công An có thông tin tương tự như trên trang blog nguyentandung. Theo đó cơ quan an ninh điều tra Thành phố Hồ Chí Minh theo tin tố cáo của quần chúng đã tiến hành biện pháp nghiệp vụ của họ đối với ông Hồng Lê Thọ, sinh năm 1949, hiện ngụ tại số 32 Cửu Long, phường 15, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Hồng Lê Thọ cho đăng trên mạng các bài viết với nội dung mà cơ quan này cho là ‘có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự’.

Theo tôi tựu trung lại anh là người có quan điểm rất ôn hòa về chính trị. Không bao giờ có chuyện nói anh vi phạm điều 258, chuyện lợi dụng cái này, lợi dụng cái kia hay vấn đề dân chủ để lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống phá chế độ. Thậm chí khi nói chuyện với tôi anh phê phán thẳng một số quan điểm cực đoan

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một người biết rõ về giáo sư Hồng Lê Thọ, cho biết những nhận xét của bản thân đối với người vừa bị bắt như sau:

Tôi đã quen biết anh Thọ nhiều năm nay và tôi rất có tình cảm với anh Thọ. Tôi cho đó là một người trí thức có tinh thần dân tộc cao, một trong những người đưa ra đường lối ‘thoát Trung’ mạnh mẽ nhất, tách bạch và có chiều sâu nhất. Anh Thọ là một Việt Kiều Nhật, anh rành cả tiếng Pháp và tiếng Anh, trang Người Lót Gạch của anh có thể nói gần như là trang duy nhất ở Việt Nam điểm tin bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cung cấp lượng thông tin bổ ích cho độc giả. Anh cũng là người có kiến thức sâu trong khá nhiều lĩnh vực và có quan hệ với nhóm Việt Studies ở Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây.

Theo tôi tựu trung lại anh là người có quan điểm rất ôn hòa về chính trị. Không bao giờ có chuyện nói anh vi phạm điều 258, chuyện lợi dụng cái này, lợi dụng cái kia hay vấn đề dân chủ để lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống phá chế độ. Thậm chí khi nói chuyện với tôi anh phê phán thẳng một số quan điểm cực đoan; nhưng tôi không biết Nhà nước này bắt anh để làm gì?Nếu không vì một lý do gì đặc biệt và ẩn giấu, người ta phải công khai tất cả mọi chuyện, minh bạch hóa, không thể bắt giữ công dân một cách tùy tiện, mà đặc biệt vẫn sử dụng điều luật 258 mà quốc tế lên án.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng có ý kiến về việc bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ mà được nói là do những bài viết đăng trên Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch như cơ quan an ninh điều tra nêu ra:

Uy tín xã hội và năng lực cá nhân của anh Hồng Lê Thọ là vấn đề mà tôi cho rằng khi muốn bắt giữ anh, Nhà nước phải cân nhắc, phải thận trọng nếu không sẽ gặp phản ứng rắc rối và lớn chuyện từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Theo tôi khó có thể đánh giá qua những bài viết, những bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch để qui ra tội chống phá chính quyền. Thực sự tôi không đọc khá thường xuyên trang Người Lót Gạch vì bận quá nhiều việc; nhưng chúng tôi gặp nhau thường xuyên nói chuyện. Trước khi anh Thọ bị bắt khoảng hai tuần, chúng tôi có gặp nhau uống cà phê, và tôi thấy anh Thọ vẫn ổn, ôn hòa và anh nói về những bài viết, bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch thì không có vấn đề gì cả. Đó là theo anh ta nhận định, và tôi cũng nghĩ rằng nếu Nhà nước muốn bắt những người bị coi là bất đồng chính kiến vào thời điểm này thì Nhà nước Việt Nam phải rất cân nhắc về chuyện làm sao họ có đủ lý do, đủ cơ sở, không thể đưa ra những lý do tùy tiện như trước đây, đặc biệt đối với những người như anh Hồng Lê Thọ. Tôi biết trong nhóm trí thức Việt Kiều, nhất là nhóm luôn có mong ngóng, mong đợi đóng góp những ý kiến phản biện để xây dựng kinh tế, xã hội, kể cả góp ý về một số vấn đề chính trị đối với Nhà nước Việt Nam, anh Thọ là người có uy tín và anh luôn đưa ra những gợi ý, những đóng góp mà tôi cho có giá trị. Anh cũng là người mà ở trong nước không phải ít người biết đâu, khá nhiều người biết anh, đặc biệt trong giới dân chủ- nhân quyền. Thành thử uy tín xã hội và năng lực cá nhân của anh Hồng Lê Thọ là vấn đề mà tôi cho rằng khi muốn bắt giữ anh, Nhà nước phải cân nhắc, phải thận trọng nếu không sẽ gặp phản ứng rắc rối và lớn chuyện từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây.

Bắt theo tố giác

Việc tiến hành khám xét và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, còn được nói là theo tin tố giác của quần chúng. Nhà báo Phạm Chí Dũng có ý kiến về điều này:

Tuy nhiên so với những nhân vật bất đồng chính kiến khác trước đây, lần này cơ quan an ninh điều tra lại dựa vào tố giác của quần chúng, đó là một hiện tượng khá bất thường, một cụm từ khá lạ được ứng vào trường hợp này

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Về mặt tố giác của quần chúng, đó là một cụm từ chung trong pháp luật và điều tra xét hỏi bên ngành công an, điều đó không có gì sai vì tố giác của quần chúng là một cơ sở để có thể dẫn đến bắt giữ, bắt giam một nhân vật, một đối tượng hình sự nào đó. Tuy nhiên so với những nhân vật bất đồng chính kiến khác trước đây, lần này cơ quan an ninh điều tra lại dựa vào tố giác của quần chúng, đó là một hiện tượng khá bất thường, một cụm từ khá lạ được ứng vào trường hợp này. Tôi biết trong thực tế điều tra, xét hỏi ở Việt Nam, thường người ta áp dụng cơ sở tố giác của quần chúng đối với tội phạm là những trường hợp đối tượng hình sự; chứ không phải những đối tượng hoạt động chính trị, những nhân vật bất đồng chính kiến, hoặc dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền. Trường hợp này áp dụng với anh Hồng Lê Thọ, tôi cho là khá lạ. Điều đó cho tôi một chút hy vọng là anh Thọ có thể sẽ không bị bắt lâu. Có thể qua một quá trình điều tra nào đó ngắn hạn, cơ quan Nhà nước: các cơ quan công an, chính quyền cũng sẽ phải thả anh ra.

Vào chiều ngày 27 tháng 11 vừa qua, một nhóm sinh viên tại Hà Nội cũng bị lực lượng chức năng ập vào nhà khám xét, bắt đưa về đồn Công an cũng như tịch thu một số tài liệu về dân chủ, nhân quyền của những sinh viên này. Việc làm đó cũng được nói là do có tố cáo của người dân những sinh viên này tàng trữ chất cháy, chất nổ. Facebooker Lý Quang Sơn phản bác về cơ sở có tố cáo để đột nhập vào phòng trọ của các bạn như sau:

Họ viện cớ dùng đơn tố cáo để xâm nhập vào nhà chúng tôi. Tôi nói tôi hoàn toàn có thể dùng đơn tố cáo bất kỳ một quan tham nhũng nào, và ngay ngày mai tôi yêu cầu họ phải xông vào nhà quan tham nhũng đó để điều tra. Tôi thách đố họ làm điều đó, nhưng họ không thể làm được, họ không nói gì.

Điều 258 vô lý

Việc khám nhà và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót gạch, là trường hợp mới nhất bị bắt giữ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Điều luật này lâu nay bị nhiều người quan tâm cho rằng mơ hồ và Nhà nước lập ra để dễ bề trấn áp những tiếng nói đối lập, phản biện.

Hiện nay có hai trường hợp cũng đang bị truy tố và giam giữ với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân’ theo điều 258 là blogger Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy.