Hội chợ Hàng Việt Nam và xuất khẩu lần thứ 10 tại Campuchia

Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao đã diễn ra tại Trung tâm Mondial từ ngày 23 đến ngày 27/8. Đây là Hội chợ triễn lãm thương mại quốc tế có quy mô lớn mang thượng hiệu Việt Nam tại xứ chùa Tháp.

0:00 / 0:00

10 năm có mặt tại Campuchia

Hội chợ lần này đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia với khoảng 2000 mặt hàng Việt Nam, thuộc 13 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, gia dụng, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp, kim khí điện máy, và vật liệu xây dựng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phát biểu tại buổi khai mạc, trong năm ngày diễn ra Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu lần thứ 10, người dân xứ chùa Tháp sẽ có cơ hội mua sắm nhiều hàng hóa, sản phẩm mới với giá ưu đãi, nhiều khuyến mãi. Mỗi lần tổ chức Hội chợ tại Phnom Penh, Bộ trưởng Thương mại Cham Prasidh thường đến thăm các doanh nghiệp Việt Nam và nhắc nhở kỹ bước phát triển của các thương hiệu lớn Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư để thụ hưởng chính sách ưu đãi về thuế quan của quốc tế dành cho Campuchia. Chính sự khuyến mại này đã thúc đẩy phát triển hợp tác giao thương giữa Campuchia – Việt Nam rất nhiều.

Bà Vũ Kim Hạnh: Sau 10 năm, nền kinh tế của Campuchia đã có những phát triển ngoạn mục và quan hệ giao thương giữa hai nước cũng phát triển. Nếu năm 2002, năm đầu tiên tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Campuchia, kim ngạch giao thương hai nước chỉ là 400 triệu USD thì cuối năm 2011, con số này đã tăng đến 2,8 tỷ USD. Và theo số liệu của Hội đồng phát triển Campuchia (CDC), tính đến cuối năm 2011, đã có 60 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn là 1,196 tỷ USD, đứng thứ 6 trong top 10 nước đầu tư nhiều nhất vào Campuchia.

Song hành cùng làn sóng đầu tư vào Campuchia, hàng hóa Việt Nam cũng luôn cố gắng tự nâng sức mạnh cạnh tranh, từ việc đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đến luôn cải tiến công nghệ, mẫu mã, phát triển mạng lưới phân phối đến vùng sâu vùng xa để phục vụ người Campuchia.

Về phía Campuchia, ông Mao Thora, Quốc vụ khanh Bộ thương mại cũng cho biết trong một thập niên qua nền kinh tế của nước này đã phát triển nhanh chóng. Dự đoán năm 2012, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,6%. Hơn nữa, chỉ số thương mại của nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên 16% nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn theo ông, Hội chợ thương mại của Việt Nam trong những lần vừa qua đã để lại nhiều thành công đáng khích lệ cho cả Việt Nam lẫn Campuchia, thiết thực nhất là sự tăng trưởng về vốn đầu tư thương mại và các hoạt động giao thương khác giữa 2 nước.

Chị Khim, người tiêu dùng Campuchia cho biết lý do chị chọn hàng của Việt Nam vì hai nước có mối quan hệ tốt và giá phù hợp với kinh tế gia đình chị:

Mỗi lần tổ chức Hội chợ, tôi thường đến mua sắm. Tôi nghĩ rằng hàng của Việt Nam tại Hội chợ rất tốt, giá cả cũng phù hợp, có thể chấp nhận được, đặc biệt là đồ gia dụng. Nếu chúng ta so sánh với hàng của Thái thì hàng Thái đắt hơn Việt Nam cho nên tôi chọn hàng Việt Nam.

Ông Heng Dyna, nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Hiệp hội kinh tế Campuchia cho biết với sự phổ biến thông tin rộng rãi khắp đất nước, chất lượng hàng hóa tại Hội chợ đáng tin cậy và giá cả phù hợp người có thu nhập thấp nên phần lớn người dân thích sử dụng hàng của Việt Nam.

Chất lượng cao, giá rẻ

Một gian hàng thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ thương mại ở Mondial hôm 23/8/2012. Photo by Quốc Việt/RFA
Một gian hàng thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ thương mại ở Mondial hôm 23/8/2012. Photo by Quốc Việt/RFA (Một gian hàng thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ thương mại ở Mondial hôm 23/8/2012. Photo by Quốc Việt/RFA)

Đối với người tiêu dùng, sản phẩm từ Việt Nam sẽ giúp cải thiện đời sống họ rất nhiều. Do đó, mỗi lần tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam sẽ là cơ hội lớn cho người dân thích chi ít, lợi nhiều.

Ông Heng Dyna nhận xét: Đối với nhà sản xuất, thì Campuchia đang đối mặt với sự đe dọa bởi hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vì giá thấp hơn. Campuchia là một nước giàu tiềm năng, phần lớn nước này xuất sang Việt Nam những sản phẩm chưa chế biến. Để hạn chế sự đe dọa về mặt kinh tế, hoặc để cạnh tranh hàng hóa với Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và các nước Châu Âu, Campuchia nên tự mình sản xuất, chế biến. Tuy nhiên để có thể sản xuất, nước này cũng cần nguồn nhân lực như tài chính, kỹ thuật, quản lý, thông tin và đặc biệt là luật lệ.

Theo Bộ Thương mại Campuchia, kim ngạch thương mại 2 nước Campuchia và Việt Nam trong năm 2010 đạt 1 tỷ 828 triệu USD tăng 35% so với năm 2009. Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất sang Campuchia đạt 1tỷ 551 triệu USD, còn hàng hóa Campuchia xuất sang Việt Nam đạt 277 triệu USD.

Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2011 đạt 2 tỷ 836 triệu USD, tăng 53% so với năm 2010, trong đó hàng hóa VN xuất sang Campuchia đạt 2 tỷ 406 triệu USD và hàng hoá Campuchia xuất sang VN đạt 429 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ 960 triệu USD, trong đó hàng hoá VN xuất sang Campuchia đạt 1 tỷ 631 triệu USD và hàng hoá Campuchia xuất sang VN đạt 329 triệu USD.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông báo sẽ tổ chức hội chợ này từ ngày 9 đến ngày 12/8 nhưng bị Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam từ chối cấp phép do vi phạm quy định đăng ký.

Tuy nhiên nhiều người hiểu rằng Cục Xúc tiến thương mại không cho phép hội chợ tiếp tục tiến hành do Campuchia gây thất vọng, không đặt vấn đề tranh chấp khu đặc quyền kinh tế ở biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc vào bản tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45. Sau đó một tuần, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã đồng thuận đưa ra tuyên bố chung 6 điểm, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam cũng tuyên bố cho phép tổ chức hội chợ trở lại.

Theo dòng thời sự: