Giáo dân giáo phận Vinh tiếp tục xuống đường tuần hành trong buổi sáng nay, ngày 12 tháng 6, để yêu cầu chính quyền minh bạch vụ việc cá chết và yêu cầu đài truyền hình Việt Nam VTV xin lỗi Đức giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp vì đã đặt điều, vu khống vị Giám mục này.
Diễn tiến buổi tuần hành
9h sáng ngày 12/6/2016, hơn 1000 tín hữu thuộc giáo xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã xuống đường tuần hành bảo vệ môi trường.
Từ huyện Quỳnh Lưu, Linh mục chánh xứ Phú Yên Đặng Hữu Nam nói về diễn tiến của buổi tuần hành:
“Sáng nay, giáo xứ cầu nguyện cho các nạn nhân của ‘thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung’, và hiệp thông cầu nguyện cho Đức giám mục Giáo phận Vinh đang bị nhà cầm quyền Việt Nam dùng truyền thông của họ để xuyên tạc, vu khống, mạ lị Ngài.
Bà con phải xuống đường diễu hành, kêu gọi nhà nước minh bạch, họ hẹn hơn 60 ngày rồi mà vẫn chưa công bố gì.<br/> - Ông Đức
Cũng vì thế, sau giờ Thánh lễ sáng nay, cả cộng đoàn giáo xứ trên dưới 1.000 người tập trung tại lễ đài Đức Mẹ ở khuôn viên nhà thờ, dâng lời cầu nguyện cho đất nước, cho giáo xứ, cho quê hương, cho các nạn nhân của ‘thảm họa ô nhiễm môi trường. Sau đó người ta tuần hành trên các ngã đường của giáo xứ, rồi tọa kháng ở đó khoảng 2 tiếng đồng hồ ở ngoài đường để đưa băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chính quyền ‘minh bạch’ nguyên nhân của thảm họa môi trường.”
Trong buổi tuần hành sáng nay, rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu đã được các tín hữu tại Giáo xứ Phú Yên giăng lên như: 'Yêu cầu chính quyền minh bạch thông tin về nguyên nhân cá chết', 'biển chết – người có sống?', 'người dân chúng tôi cần biển sạch', 'vàng trong dân thông tỏ - cá ngoài biển bất minh', hay 'yêu cầu truyền hình Việt Nam VTV xin lỗi Đức giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp'…
Nguyên nhân của cuộc tuần hành.
Về nguyên nhân khiến hơn 1.000 tín hữu ở đây tuần hành 'bảo vệ môi trường', ông Đức – một tín hữu tham gia buổi tuần hành cho biết, người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đi biển, tuy nhiên do nhà nước không chịu công bố nguyên nhân cá chết, dẫn đến hải sản do ngư dân đánh bắt, muối do ngư dân làm ra bị thu mua với giá rẻ mạt, không ai mua vì người dân sợ hải sản, muối bị nhiễm độc.
Ông Đức tiếp lời:
“Do nhà nước chưa minh bạch việc biển nhiễm độc do nhà máy Formosa ở Vũng Áng, rồi giờ ra đến Cửa Lò, Quỳnh Lưu. Bây giờ bức xúc quá nên bà con phải xuống đường diễu hành, kêu gọi nhà nước minh bạch, họ hẹn hơn 60 ngày rồi mà vẫn chưa công bố gì, nên giáo dân không bao giờ chấp nhận những câu nói đó.”
Chị Trâm, một ngư dân ở Quỳnh Lưu – người tham gia tuần hành khẳng định thêm về việc bị ảnh hưởng từ ‘thảm họa ô nhiễm môi trường biển’:
"Chúng tôi ở đây bị ảnh hưởng ít thôi, nhưng chúng tôi không đủ cho chi phí tàu bè, đá lạnh, bởi vì cá rẻ mà không có người mua cho, mà có người mua thì cũng ép chúng tôi. Cho n ên chi phí cho một chuyến đi là không đủ trang trải nên đời sống của dân rất đói. Vì dân sống bằng nghề biển, vay ngân hàng đóng được con tàu cần vốn lớn, mà đến tháng người ta cứ loa lên. "
Chị Trâm cũng cho biết, vì cùng một biển nên bị ảnh hưởng về giá cả, cuộc sống của ngư dân ở đây khó khăn hơn trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hơn 1000 tín hữu làm nghề biển tuần hành yêu cầu chính quyền minh bạch nguyên nhân cá chết.
Tiếp tục đấu tranh
Linh mục Đặng Hữu Nam thấy rằng, mặc dù Giáo xứ Phú Yên là nơi chịu ảnh hưởng gián tiếp từ 'thảm họa ô nhiễm biển', chứ không như ở Vũng Áng, nhưng những tín hữu tại đây sẽ tiếp tục đấu tranh đòi chính quyền minh bạch thông tin về nguyên nhân cá chết, đòi công lý và sự thật.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói tiếp:
“Dù có thể tiếng nói của chúng tôi chỉ là hạt cát giữa sa mạc, hạt nước giữa đại dương, nhưng chúng tôi thấy trách nhiệm phải làm. Giống như ai đó từng nói, ‘cá chết thì phải nổi’, nhưng hôm nay cá chết đang bị chìm. Chìm bởi vì chế độ, chìm bởi vì chính sách của nhà nước, chìm bởi vì chủ trương của nhà lãnh đạo… Cho nên chắc chắn rằng, tôi và những người giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Yên sẽ tiếp tục đấu tranh.”
Chị Trâm khẳng định về việc sẽ tiếp tục đấu tranh cho chính mình, cho các tín hữu trong giáo xứ Phú Yên cũng như những nạn nhân trực tiếp từ 'thảm họa ô nhiễm môi trường'. Chị Trâm nói thêm:
“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng. Chúng tôi đang còn tiếp tục tuần hành đòi sự trong sạch cho Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp của chúng tôi và đòi sự minh bạch của chính quyền đối với dân.”
'Cá chết thì phải nổi', nhưng hôm nay cá chết đang bị chìm. Chìm bởi vì chế độ, chìm bởi vì chính sách của nhà nước, chìm bởi vì chủ trương của nhà lãnh đạo.<br/> - Linh mục Đặng Hữu Nam
Chị Trâm cũng gửi thông điệp đến những người chưa quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường biển rằng, tất cả người dân Việt Nam hãy cùng hướng đến những người bị nạn do chất độc của Formosa, những người đang trong cảnh khốn đốn không có việc làm, những người bị thiệt hại. Tất cả người Việt Nam hãy cùng đồng hành, cùng chung sức, đồng hành với người Miền Trung.
Chị Trâm cũng gửi thông điệp đến chính quyền Việt Nam:
“Chúng tôi muốn nhắn gửi là, nhà nước phải thực sự quan tâm đến dân, thực sự đưa ra nguyên nhân dẫn đến cá chết và phải có biện pháp để khắc phục thiệt hại này và phải giúp đỡ những người bị thiệt hại trực tiếp, và dân biển như chúng tôi, những người bị thiệt hại thường là những người có thu nhập kém, những người vì chất độc của Formosa làm cho chúng tôi phải điêu đứng vì nó.”
Đã hơn hai tháng kể từ khi 'thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung' xảy ra, phía chính quyền Việt Nam vẫn chưa chịu công bố nguyên nhân cá chết, dù cho vụ việc cá chết ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam. Trên các trang truyền thông nhà nước, cũng như mạng xã hội Facebook đã đăng tải rất nhiều vụ cá chết ở hồ, sông, biển, mặc dù nơi đó ở rất xa biển Vũng Áng.
Trên trang báo điện tử Vnexpress đăng tải ngày 2/6/2016 về việc công bố nguyên nhân cá chết, ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, 'chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm thông tin cho người dân biết'. Và ông bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn cho biết dự kiến trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân cá chết.