Vẻ đẹp bên ngoài
Khánh An: Khánh An chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi.
Bây giờ, Khánh An muốn các bạn phân tích rõ hơn những điều gì trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mà các bạn cho là được và chưa được?
Tiến Nam: Tiến Nam xin phép phát biểu một câu với bạn Minh Tâm. Theo Tiến Nam thì Minh Tâm nên về đọc lại quyển "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" hay là sách lịch sử. Không có một sách lịch sử nào của Việt Nam nói rằng ngày 10 tháng 10, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Còn về phần phân tích đại lễ 1.000 năm Thăng Long – những cái được, chưa được thì đây là những quan điểm cá nhân của Tiến Nam, Tiến Nam có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều những doanh nghiệp, thương nhân và Tiến Nam được biết rằng rất nhiều người họ nhận xét về đại lễ 1.000 năm Thăng Long đó là một sự lãng phí, quá lãng phí trong khi những người dân ngay tại Hà Nội của chúng ta, chứ chưa nói đâu xa, còn đang khó khăn. Đường xá đi lại mưa thì ngập, nắng thì bụi.
Chúng ta ăn miếng bánh, chúng ta cảm giác ngon hơn là khi chúng ta đầu tư hết tiền vào để làm cái vỏ bánh nhưng cái lõi nhân bánh, phần chính của cái bánh, chúng ta ăn có cảm giác không được ngon.
Bạn Tiến Nam
Các bạn ở đây các bạn đã từng chứng kiến cái lụt của Hà Nội rồi thì các bạn cũng biết. Còn rất rất nhiều những điều mà chúng ta cần quan tâm để làm và làm đẹp Hà Nội, làm đẹp đất ngàn năm văn hiến của chúng ta, tại sao chúng ta lại không làm mà chúng ta lại đi đầu tư vào những cái hoa mỹ quá, lãng phí quá? Cũng ví như khi chúng ta làm một chiếc bánh, tại sao chúng ta không làm thật ngon cái nhân của chiếc bánh đó? Có thể chúng ta thiếu sót trong việc tạo ra những lớp kem phủ ngoài đẹp đẽ nhưng khi chúng ta ăn miếng bánh đó, chúng ta cảm giác ngon hơn là khi chúng ta đầu tư hết tiền vào để làm cái vỏ bánh nhưng cái lõi nhân bánh, phần chính của cái bánh, chúng ta ăn có cảm giác không được ngon.
Tuấn: Được rồi, Tuấn sẽ nói thêm là tất nhiên về phương diện lãng phí thì thật sự chúng ta là người dân, chúng ta không trực tiếp trong đội ngũ chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long, chúng ta là những người hưởng thụ. Thực sự khi mà chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long thì những hè phố đã được sửa sang lại rất đẹp, những con đường đã được mở rộng ra rất đẹp và những con đường gập ghềnh đã được một lần trải thảm lại rất đẹp để chuẩn bị cho tất cả mọi người có thể tham gia một kỳ đại lễ 1.000 năm Thăng Long thoải mái hơn.
Ở Hà Nội nói riêng, lượng xe máy rất đông, lượng người tham gia và từ các tỉnh khác lên chơi rất đông. Tuấn làm về du lịch nên thấy là rất đông khách trong và ngoài nước, từ các tỉnh đã dồn về Hà Nội chỉ với mục đích là được chứng kiến 1.000 năm Thăng Long. Thực sự, cung đường 32 đến trường đại học Nhổn đang được nhà nước tôn tạo trở thành con đường có 3 làn đường, có thể đi được 3 làn xe máy song song trên một con đường như thế. Vậy thì, mọi người có thể nhìn thấy rõ ràng đất nước đang dần dần thay đổi. Mọi người không nhìn thấy cái tích cực của họ sao. Nhà nước mình đã bỏ ra rất nhiều tiền để chỉnh trang lại đường phố, đã hạ dây điện xuống chứ không còn “lưới trời” như những bài báo đã viết lên nữa, “dây điện căng nghịt trời”.
Các bạn, anh Nam, em xin phép, có thể một lần anh đi quanh từ đường Kim Mã lên đến đúng trung tâm thành phố Hà Nội, đến đúng Hồ Gươm, thì anh có thể nhìn thấy là các cô công nhân vệ sinh môi trường trồng hoa trên các dải phân cách và sắp đặt những chậu hoa trên đường để giảm khói bụi trong những ngày đại lễ với lượng người đông như thế, để tạo cảm giác thoải mái. Anh có thể tham gia vào đấy và có thể học, đó là cả một quá trình, anh có thể nghỉ một hôm, không thành vấn đề.
Tiến Nam: Có thể là Tuấn không hiểu ý của Nam. Nam từng là một người kinh doanh và Nam cũng từng học kế toán, Nam cũng từng đi làm về xây dựng, Nam chỉ có một nhận xét là những con đường và những sự trải thảm như Tuấn nói thì công nhận là đúng, nhưng Nam đã từng làm xây dựng Nam biết, Nam đã nhìn và đi thực tế tận nơi, hằng ngày Nam đi trung bình từ 10 – 20 cây số xung quanh thành phố Hà Nội, nhất là khu phố cổ, Nam chỉ có nhận xét rằng sau đại lễ một vài tháng – 3 hay 4 tháng – thì những con đường và những vỉa hè gạch ngói bị lún sụt, những chuyện đó theo Nam nghĩ là chuyện một sớm một chiều, tại vì không thể làm một con đường, một sự thay đổi, xây dựng một cách nhanh quá, cấp tốc vô cùng. Tiền bạc phung phí vào những việc như thế, tại sao chúng ta không tập trung vào chất lượng, tập trung vào những cái đáng cần phải xây dựng để tạo ra bộ mặt mới của thủ đô hơn là tạo ra những cái hoa mỹ không cần thiết.
PR cho đất nước?
Tâm: Em có ý kiến.
Khánh An: Ừ, mời Minh Tâm.
Hoàn cảnh bây giờ nhà tôi nghèo mà làm sao tôi ráng mua một chiếc xe hơi, tôi bắt con cái tôi ra ăn xin để tôi có tiền mua xe hơi, như vậy có tốt không?
Bạn Đông Kiệt
Tâm: Theo em, em lại có một cái nhìn khác. Em nghĩ là mình có thể coi đây là một sự đầu tư, mình PR cho đất nước của mình chẳng hạn. Khi mình tổ chức một đại lễ như thế này, người ta sẽ hiểu hơn về lịch sử, về truyền thống đánh giặc của dân tộc ta. Rồi khi họ đến thăm Hà Nội thì ở những khu phố cổ chẳng hạn, người ta sẽ cảm nhận được sự phát triển của kinh tế, văn hóa của nước mình. Biết đâu người ta sẽ đầu tư hơn vào nước mình thì sao? Như thế có thể nâng cao được kinh tế của nước ta. Như thế có phải tốt hơn không?
Đông Kiệt: Cho Đông Kiệt…
Khánh An: Khánh An xin mời Đông Kiệt. Đông Kiệt là một người bên ngoài, với những ý kiến vừa rồi của các bạn, Đông Kiệt nhận xét như thế nào?
Đông Kiệt: Dạ thưa mấy bạn, Đông Kiệt cũng đồng ý với ý kiến của anh Tuấn, anh Nam, chị Tâm. Tất nhiên, cái gì cũng có cái hay cái dở của nó. Nhưng các bạn biết rằng bây giờ Việt Nam mình nợ nần chồng chất, dân tộc mình bây giờ tầng lớp giàu nghèo chúng ta thấy rõ ràng đến mức độ mà năm rồi Đông Kiệt về Việt Nam, ăn tô phở mà cả mấy chục em bán vé số đứng đằng trước. Tô phở Đông Kiệt mới ăn có chút xíu nhưng mà thấy các em, Đông Kiệt không chịu nổi, đi ra thì vừa đi ra là mấy em nhào vô bưng tô phở mà húp. Nước mắt Đông Kiệt chảy ràn rụa. Mình không thể tưởng tượng như vậy. Nói đến giờ mà Đông Kiệt vẫn còn khóc. Cứ nghĩ đến cảnh đó là mình khóc, khóc cho cả dân tộc mình bây giờ nợ nần chồng chất.
Các bạn biết vừa rồi Vinashin đã lấy biết bao nhiều tiền mà các bạn không bao giờ được biết những thông tin chính xác về nợ nần của quốc gia. Thưa các bạn, ngày xưa khi vua Lý Công Uẩn, ông ta biết nhìn bộ mặt của Thăng Long – Hà Nội như thế nào để phát triển đất nước, mà Việt Nam bây giờ, với công nghiệp khoa học như vậy mà chúng ta thấy đất nước chúng ta bị cắt, biển chúng ta bị lấy, bauxite ở Tây Nguyên bị khai thác, hủy diệt môi trường. Trước đây một ngàn năm mà người ta còn nhìn ra đất nước như thế nào mà bây giờ, thế hệ bây giờ, nhà cầm quyền họ làm thế nào trên dân tộc mình, thưa các bạn? Điều này bạn nào nói cũng đúng hết, nhưng mà hoàn cảnh bây giờ nhà tôi nghèo mà làm sao tôi ráng mua một chiếc xe hơi, tôi bắt con cái tôi ra ăn xin để tôi có tiền mua xe hơi, như vậy có tốt không? Hay là tôi để tiền cho con cái tôi được ăn học?
Thưa các bạn, bây giờ thông tin hai chiều rất nhiều nhưng rất tiếc, tôi về Việt Nam tôi không thể vô được những trang web tôi cần để tôi đọc. Chúng ta phải nhìn vào sự thật. Thưa các bạn, chúng ta bây giờ là thế hệ, như các bạn và tôi, là thế hệ 8X, thì chúng ta phải nhìn vào thực trạng, nó tốt hơn là chỉ nhìn vào bề ngoài. Tôi rất khâm phục bạn Nam, ở trong nước mà bạn nhìn thấy cái tiềm năng của đất nước, cái đau đớn của dân tộc. Cái đó rất hay, thưa các bạn, thưa chị Khánh An.
Khánh An: Cám ơn những chia sẻ vừa rồi của anh Đông Kiệt khi anh trở về Việt Nam thăm lại quê hương. Không biết các bạn Tâm, Tuấn, Tiến Nam khi nghe những chia sẻ của anh Đông Kiệt, là người mà chúng ta gọi là Việt kiều đó, đi từ Mỹ về Việt Nam thăm quê hương và nhìn thấy những cảnh như vậy và có cảm xúc như vậy, thì các bạn nghĩ như thế nào khi các bạn là người đang sống tại Việt Nam?
Tiến Nam: Thực sự Tiến Nam nghĩ rằng những nhận xét của anh Đông Kiệt về Việt Nam có một phần đúng. Bây giờ theo Tiến Nam nghĩ, tại sao chúng ta không bỏ qua những trách móc, bỏ qua những cái gì nó cản trở chúng ta trong công cuộc hòa hợp giữa những người Việt kiều và Việt Nam trong đất nước chúng ta để cùng nhau phát triển. Có thể sự đóng góp, sự muốn nói lên của chúng ta không được ai chấp nhận, không được một số người ưng ý, ưng lòng, nhưng công việc chúng ta làm thì vẫn cứ làm. Một công việc thành công 90% nhờ vào sự tự tin, nhờ vào sự tin tưởng vào niềm tin của mình.
Còn về vấn đề lịch sử của đất nước, cha ông của chúng ta như bạn Minh Tâm vừa nói thì Tiến Nam nghĩ rằng khi người nước ngoài đến Việt Nam, họ sẽ không hiểu lịch sử Việt Nam đã đánh Trung Quốc như thế nào đâu, nếu như đúng theo kịch bản của đại lễ 1.000 năm Thăng Long bây giờ. Tiến Nam đã bỏ qua một đêm hôm qua nghiên cứu thì Tiến Nam nghĩ rằng, người nước nước ngoài hay bất kỳ người nào về thủ đô để tham dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long sẽ không thể hiểu được tinh thần quật cường bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ đất văn hiến của chúng ta đâu, tại vì Tiến Nam thấy không có một chương trình gì nói về những anh hùng dân tộc của chúng ta cả như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản.
Vẫn còn rất nhiều bất cập
Khánh An: Không biết nãy giờ bạn Tuấn và bạn Tâm nghe những chia sẻ vừa rồi thì nghĩ như thế nào?
Theo em thì đến thời điểm hiện tại, ai cũng phải công nhận là Hà Nội vẫn còn rất nhiều những bất cập trong xã hội.
Bạn Tâm
Tâm: Theo em thì đến thời điểm hiện tại, ai cũng phải công nhận là Hà Nội vẫn còn rất nhiều những bất cập trong xã hội. Có thể là về quy mô tổ chức người ta vẫn chưa chú ý lắm về công tác tuyên truyền lịch sử cho giới trẻ hiện tại. Nhưng mà theo em nghĩ em vẫn luôn luôn tin tưởng, em nghĩ là nhà nước vẫn luôn luôn cố gắng để tạo ra những điều tốt đẹp nhất cho người dân của họ.
Khánh An: Bạn Tuấn?
Tuấn: Còn Tuấn thì thực sự là về những gì mà bạn Đông Kiệt khi trở về Việt Nam đã gặp thì ở quốc gia nào hình ảnh đấy cũng hiện ra. Đến cả bên Mỹ cũng còn có những người ăn xin và sống vào trợ cấp của xã hội. Chính bên Ấn Độ thôi, ở ngoài thành Taj Mahah, chỉ cách Taj Mahah 2 km thì là một khu ổ chuột. Nhưng mọi người vẫn nhìn thấy những cái đẹp của đất nước Ấn Độ, của đất nước Mỹ, của đất nước Việt Nam. Họ đến Việt Nam. Họ đến Việt Nam vì cái đẹp. Chính vì sao họ muốn thay đổi Việt Nam khi rất nhiều tổ chức xã hội, những cơ quan phi chính phủ đã đến Việt Nam đầu tư cho giới trẻ.
Có những tổ chức họ đến vì trẻ em như UNICEF. UNESCO họ đến Việt Nam vì những cảnh đẹp. Chính quyền đã có những chính sách đối ngoại với các tổ chức phi chính phủ, với các chính phủ, với các nước xung quanh. Về sự lãng phí, tôi nhìn thấy sự lãng phí đó nhưng với chính phủ Việt Nam, chúng ta đang sống trên đất Việt Nam với một hệ thống đảng đó là đơn đảng, chỉ có đảng Cộng Sản nên việc chúng ta có thể phàn nàn, phản đối hay như thế nào, nhưng hiện tại chúng ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn sinh hoạt trên đất Việt Nam…
Đông Kiệt: Em xin hỏi Tuấn thế này, không phải là về vấn đề người ta tới đất nước người ta thăm này nọ, đương nhiên, ai cũng nghĩ về chiều sâu của dân tộc nhưng mà mình nghĩ một cách đơn giản, tại vì anh Tuấn biết không, anh không được thông tin hai chiều. Tôi mơ ước rằng anh có cơ hội đi ra nước ngoài, những nước dân chủ, anh nhìn và thấy là nó khác hoàn toàn. Còn anh nói người ta tới thăm Hà Nội, họ muốn ở lại thì ở châu Phi đó, có gì đâu mà cũng có rất nhiều khách người ta tới tham quan. Nhưng chúng ta là người Việt, chúng ta phải tự hào về dân tộc Việt, chúng ta không để mình nhục nhã.
Khi anh đi ra nước ngoài, anh xưng hô anh là người Việt Nam, anh có niềm tự hào. Chứ không phải mình đánh bóng cái bề ngoài, làm những cái phù du, anh thấy không? Rồi anh nói về vấn đề phát triển, thưa các bạn, nước nào cũng phát triển hết. Có hai em bé, một em bé con nhà giàu, một em bé con nhà nghèo, hai em bé đều phát triển như nhau. Em con nhà nghèo cũng lớn nhưng lớn trong bệnh tật, còn em con nhà giàu lớn trong khỏe mạnh. Thưa các bạn, các anh chị, Việt Nam mình là em bé nào?
Khánh An: Quý vị cũng thấy là cuộc tranh luận của các bạn Tuấn, Tâm, Nam và Kiệt đã đến hồi gay cấn do những khác biệt trong quan điểm, tuy nhiên chung quy đều xuất phát từ một tấm lòng yêu đất nước Việt Nam. Như vậy, liệu nhiệt tình của họ có được góp vào trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long này không? Khánh An cùng các bạn sẽ trở lại trong kỳ Café Wifi tiếp theo. Mong quý vị nhớ đón theo dõi.
Theo dòng thời sự:
- Đại Lễ 1.000 năm – Ý kiến từ nhiều phía
- Cảm xúc của người Hà Nội trước giờ khai mạc Đại Lễ
- Ngàn năm Thăng Long và những ý kiến phản biện
- 1000 năm Thăng Long - nhiều điều chưa thuận
- 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội: thi nhau xài tiền và phá!
- Con đường gốm sứ ven sông Hồng
- Ngàn năm Thăng Long dưới mắt một nhà Hà Nội học
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Ngàn Năm Thăng Long trong mắt người nghệ sỹ