Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA
Ông Pen Bunnat, đại diện tổ chức nhân quyền có tên là ADHOC, chi nhánh tỉnh Ratanakiri hôm nay cho đài RFA biết có 4 nhóm người thượng tổng cộng 18 người từ Cao nguyên Trung phần Việt Nam đến Campuchia đang lẩn trốn trong rừng sâu tỉnh Ratanakiri, phải đối mặt với những khó khăn như sau.
“Nhân dân địa phương gọi điện thoại cho chúng tôi biết là hiện nay đang có mưa lớn rất khó khăn trong việc bảo vệ người thượng tị nạn, mặc khác ông phó công an huyện đến kiểm tra và bắt những người từng giúp đỡ người thượng lăn tay cam kết là từ nay không che dấu người thượng tị nạn nữa, nếu ai biết chỗ người thượng ẩn náo mà không khai báo với chính quyền địa phương thì sẽ bị kết tội là buôn người và che giấu người nhập cư bất hợp pháp, vì người thượng từ Việt Nam đến Campuchia là nhập cư bất hợp pháp do đó chính quyền sẽ trục xuất về Việt Nam.”
Nhân dân địa phương (xin được dấu tên) cho biết thêm đây là lần đầu tiên họ gặp phải những phản ứng cứng rắn như thế này từ phía chính quyền địa phương. Họ yêu cầu Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) sớm có giải pháp cứu giúp những người Thượng Việt Nam.
Lá lành đùm lá rách
Văn phòng cao ủy tị nạn LHQ tại Phnom Penh đã nhận được thông tin về 4 nhóm người thượng vừa nói nhưng chưa thể có hành động. Ông Chung Ravuth, đại diện văn phòng, hôm thứ hai 29 tháng 8, cho Ban Việt ngữ đài RFA biết:
“UNHCR đang chờ Bộ Ngoại giao Campuchia trở lời, vì nếu như Bộ Ngoại giao Campuchia không cho phép thì UNHCR không thể đi đón người Thượng tị nạn được. Dự kiến sẽ thành lập nhóm công tác gồm UNHCR và Bộ Ngoại giao cùng đi đến tỉnh Ratanakiri, tổ chức ông không thể đơn phương hoạt động trong vấn đề này.”
Dó đó, người Thượng Việt Nam chỉ nhận được sự giúp đỡ ít ỏi về lương thực và thuốc men từ người Thượng Campuchia, là những người cùng dân tộc Ja-rai với nhau.
Thông tin từ những người Ja-rai đang cứu giúp người thượng Việt Nam cho biết trong số 18 người băng rừng đến Campuchia, có một phụ nữ mang thai, và nay đã sinh con được vài hôm tại nơi ở tạm bợ trong rừng dưới sự đùm bọc của người thượng Campuchia, không dám đưa đi bệnh viện hoặc nhà hộ sanh vì sợ chính quyền phát hiện.
Nguyên nhân rời bỏ Việt Nam
Một người đàn ông Ja-rai sống ở tỉnh Ratanakiri cho biết thêm: "Người thượng Việt Nam chủ yếu đến từ Krong-pa tỉnh Gia Lai hiện nay đang ở trong tình trạng rất khó khăn chưa biết sức khỏe của bà mẹ và một em bé mới sanh rồi sẽ ra sau, nhưng một số trong nhóm của họ đang bị bệnh sốt rét..."
Khi hỏi về nguyên nhân do đâu mà người thượng tiếp tục rời bỏ quê hương xứ sở, bất chấp những khó khăn thách thức, kể cả những nguy nan đến tính mạng, thì được trả lời là "Việt Nam tiếp tục đàn áp đạo tin lành, cho nên người thượng nói trên không thể tiếp tục sống trên quê hương đất tổ của mình. Nguyện vọng của họ đến Campuchia là được gặp Liên Hiệp quốc để xin được giúp đỡ."
Văn phòng UNHCR tại thủ đô Phnom Penh cho biết thêm đây là lần thứ 10 người thượng từ Cao nguyên Trung phần Việt Nam chạy trốn sang Campuchia kể từ tháng 11 năm 2004 cho đến nay với tổng số trên 800 người.