Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp lạm phát ở Việt Nam được dự báo ở mức 1 con số. Tuy vậy các chuyên gia không lạc quan với chỉ dấu được cho là đẹp và hiếm thấy ở đất nước có nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lạm phát không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Nhưng khác với các nước trong khu vực, lạm phát ở Việt Nam luôn cách biệt quá xa mức tăng trưởng. Nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển công bố ở Hà Nội hồi tháng 5/2013 cho thấy, toàn bộ nỗ lực tăng trưởng của nền kinh tế trong hai thập niên vừa qua đã bị triệt tiêu hoàn toàn bởi lạm phát. Điển hình, trong giai đoạn 20 năm từ 1991 tới 2.010 lạm phát bình quân ở Việt Nam khoảng 11% trong khi tăng trưởng trung bình là 7,4%.
Ngày 12/7 vừa qua Ngân hàng Thế giới cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013 với dự đoán lạm phát 8,2% và tăng trưởng cả năm khoảng 5,3%. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
Đương nhiên mức lạm phát mà cao hơn mức tăng trưởng như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân. <br/> - TS Lê Đăng Doanh
"Đương nhiên mức lạm phát mà cao hơn mức tăng trưởng như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân. Mới đây có một công trình nghiên cứu đáng chú ý đã so sánh số tiền lương với số lượng gạo mua được, thì thấy rằng tiền lương bây giờ cũng bằng lương năm 1985. Tức là một thời gian rất dài lương người công chức của Việt Nam không có tiến bộ gì cả và đấy là một trong những biểu hiện cho thấy là sự tác động đến đời sống người dân là rất nghiêm trọng. Chúng ta đều biết là trong 6 tháng đầu năm giá gạo, giá thịt, giá rau quả không thể tăng lên được bởi người dân không có tiền mua. Cho nên cung cầu dẫn tới giá không thể tăng lên được và điều ấy rất bất lợi cho người nông dân.”
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1976, Việt Nam từng có lúc lạm phát 800%. Theo số liệu được Học viện Chính sách và Phát triển công bố, từ thời kỳ bắt đầu đổi mới 1986-1992 mức lạm phát trung bình của Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn là ba con số với 225%/năm; các năm 2007-2008 lạm phát trung bình 16,3%/năm và 2010-2011 với 15%/năm. Gần đây nhất lạm phát năm 2012 đột ngột giảm xuống 6,8% và năm 2013 thì nhiều dự đoán là hơn 8% nhưng mức tăng trưởng thì vẫn không bao giờ đuổi kịp lạm phát.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ Hà Nội nhận định:
“Cái vui lạm phát thấp thì nó lại bị trả giá bằng nỗi buồn của người nông dân là không tiêu thụ được sản phẩm. Và do sản phẩm lương thực thực phẩm có mức giá rất thấp mà vẫn khó tiêu thụ cho nên nó làm cho lạm phát xuống thấp. Như vậy có thể nói nỗi vui một chút về cải thiện kinh tế vĩ mô thì nó trả giá bằng nỗi buồn của một lực lượng đông đảo nông dân như vậy, bằng sự hy sinh của nông dân như vậy.”
Nhận định của bà Phạm Chi Lan được chúng tôi ghi nhận, sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Quốc hội hôm 12/6 nhìn nhận tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ, khiến giá nông sản như lúa gạo, trái cây và cá tra bị giảm sâu, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân.
Đời sống nông dân ngày càng khổ
Một nông dân đồng bằng sông Cửu Long mô tả tình cảnh đời sống khó khăn của nông dân trong bối cảnh, chi phí đầu vào năm sau tăng hơn năm trước nhưng giá bán lại sụt giảm liên tiếp.
“Ở Việt Nam này, bây giờ không biết phải nói làm sao, dân coi như nó buồn nó rầu, riết rồi đi tới đâu nó than nó trách. Đi xuống chợ mua đồ nó ngồi tróc ngóc nó nói, trời ơi ở vườn mần ăn không được còn ai ra mua đồ. Đi tới đâu dân cũng than hết, lúa thóc rẻ rề, heo thì mần ra rẻ rề. Nông dân mần ra cái gì cũng rẻ mà mua vào thì cái gì cũng mắc hết trơn, phân, thuốc, thức ăn cái gì cũng mắc hết trơn. Thành ra dân bên đây khổ dữ lắm.”
Theo báo cáo của Bộ Công thương công bố hồi đầu tháng 7 vừa qua, tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn làm cho tiêu dùng chững lại, hàng hóa khó tiêu thụ, giá giảm, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2013 giảm 7,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2012.
Nông dân mần ra cái gì cũng rẻ mà mua vào thì cái gì cũng mắc hết trơn, phân, thuốc, thức ăn cái gì cũng mắc hết trơn. Thành ra dân bên đây khổ dữ lắm.<br/> - Một nông dân ĐBSCL <br/>
Trong tình hình suy giảm kinh tế kéo dài, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây đề nghị chính phủ nới lỏng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, trên báo Đất Việt Online chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt nhận định rằng, chưa thể kích cầu trong lúc này vì sẽ khiến lạm phát quay trở lại. Đặc biệt giữa khi hệ thống ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu rất cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước nợ nần cao và nằm trong tình trạng phá sản.
Theo các chuyên gia, vấn đề của Việt Nam từ giai đoạn đổi mới đến nay đã 27 năm vẫn là tăng trưởng thấp hơn lạm phát. Nếu như chính phủ có khả năng thì hãy tháo gỡ cuộn chỉ rối kinh tế, hãy đảo chiều tăng trưởng cao hơn lạm phát, khi ấy mới là phát triển đích thực.