Đề nghị chứ không phải xin phép
Văn bản với chữ ký, học vị cùng chức vụ đầy đủ của bốn mươi hai trí thức và công dân yêu nước, được gởi cho Thường Trực Thành Ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Thường Trực Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng Bảy vừa qua.
Mục đích được ghi là đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, mưu toan xâm chiếm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.
Một trong những người ký tên vào văn bản, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó tổng thư ký Ủy Ban Trung Ương Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ, và Hòa Bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố khóa IV, V, giải thích:
"Trước hết tôi phải khẳng định đây là đề nghị chứ không phải một cái đơn xin phép. Tôi thấy một số comments trên mạng nói là xin phép thì không phải. Tụi tôi hoàn toàn không xin phép vì quan niệm đây là quyền công dân mà chúng tôi tỏ thiện chí bằng cách đề nghị tổ chức biểu tình để mà từ đó xem thử là những người lãnh đạo thành phố sẽ quyết định như thế nào.
Còn ý thứ hai tôi xin nói như thế này, đây là một số nhân sĩ trí thức, kể cả những người ngoài đảng, có cả những đảng viên, có cả những công dân yêu nước thuần túy thôi, trước đây chưa tham gia gì cả, và kể cả những người đã tham gia đấu tranh trước 75, cả những người đã có trong guồng máy hiện nay là cùng ký tên."
Trong trường hợp lãnh đạo thành phố không trả lời thì sao, ông Lê Hiếu Đằng nói tiếp:
"Chưa, và tôi nghĩ có khả năng là không sẽ trả lời. Bởi vì tôi nghĩ như thế này, đối với một vị công thần, một vị đại tướng lẫy lừng như Võ Nguyên Giáp mà trong nhiều văn bản đại tướng từng gởi cho nhà nước và cũng không được trả lời. Bản thân chúng tôi khi gởi chúng tôi cũng nghĩ rằng nhà nước có thể không trả lời. Mà nếu không trả lời thì chúng tôi được toàn quyền thực hiện quyền biểu tình của mình theo luật pháp và theo hiến pháp đã qui định. Chúng tôi sẽ tự đứng ra tổ chức và như trong văn bản chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải giữ trật tự an ninh để chúng tôi thực hiện cuộc biểu tình đó."
Đối với cựu tù chính trị Côn Đảo, ông Hồ Hiếu, nguyên cán bộ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ thành phố Dalat, nguyên chánh văn phòng Quận Ủy quận I, nguyên chánh văn phòng Ban Dân Vận Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, nói là đề nghị thì rất đúng mà nói là xin cũng chẳng sao, bởi đã đến nước này thì việc làm mới đáng kể:
Trước hết tôi phải khẳng định đây là đề nghị chứ không phải một cái đơn xin phép. Chúng tôi tỏ thiện chí bằng cách đề nghị tổ chức biểu tình để mà từ đó xem thử là những người lãnh đạo thành phố sẽ quyết định như thế nào. <br/>ông Lê Hiếu Đằng
"Lâu nay có những cuộc biểu tình ở Hà Nội cũng như Sài Gòn, xuống đường mà bị công an rình rập, khó khăn, không biểu tình một cách quang minh chính đại được. Cho nên kỳ này đề nghị đảng cho phép chúng tôi được tỏ bày thái độ yêu nước. Đáng lý chuyện yêu nước là khỏi cần xin phép, nhưng mà đảng này ông khó khăn quá nên phải xin phép ổng.
Không những là vậy mà mời gọi các đoàn thể lâu nay từng nói là yêu nước, Mặt Trận, Đoàn Thanh Niên, Công Đoàn, Phụ Nữ, Hội Nông Dân…cùng với chúng tôi xuống đường. Nếu đảng đồng ý thì xin mời, chúng ta cùng biểu thị thái độ để Trung Quốc bành trướng nó thấy được mặc dầu đảng cộng sản hèn nhưng mà nhân dân là tỏ thái độ như vậy chứ không là nó hết làm cái này đến cái kia rồi đảng cộng sản cứ nhượng bộ và nó được đằng chân nó lân đằng đầu.
Còn nếu đảng cộng sản không đồng ý thì hãy laisser passer cho tụi tôi tự làm mà đừng gây khó khăn. Đây là sự khẩn thiết yêu cầu đảng, đảng không đồng ý hay không tự mình tổ chức được thì hãy để nhân dân được quyền nói lên tiếng nói yêu nước, hãy lấy chút lòng yêu nước còn sót lại của đảng để chấp nhận cho chúng tôi được biểu tình như đảng đã từng làm đối với Tây đối với Mỹ."
Cần sự chỉ đạo từ chính quyền
Cùng ký vào văn bản với 41 người khác là ông Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, đại biểu quốc hội khóa VI, nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trước 1975:
"Chính quyền hiện tại là một chính quyền hợp pháp, thành thử mình là một công dân cách nào đó thì phải hợp pháp, mình viết một đề nghị như vậy là một việc làm hợp pháp.
Lâu nay cũng có những ý kiến đối với thành ủy, với ủy ban, là bây giờ chúng tôi cũng lớn tuổi rồi, bây giờ nối tiếp truyền thống phải là Đoàn Thanh Niên hay là các công đoàn, tổ chức hay phụ nữ gì đó. Cái việc này chúng tôi nghĩ thành ủy, ủy ban phải có một chỉ đạo như thế nào để cho các tổ chức đó bày tỏ thái độ đối với việc Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam.
Cho nên từ ngày 5 tháng Sáu đến nay bản thân tôi không có đi biểu tình, cái này nói thật, bởi vì tôi chờ đợi coi thái độ của nhà cầm quyền như vậy là có thích ứng hay không. Nhưng mà tôi cũng tiếc là Trung Quốc càng ngày càng lấn tới thì chúng tôi không thể nào chịu nỗi. Nói thật có nhiều anh em rất muốn đi biểu tình, nhưng vì trong cách xử sự không cho đi biểu tình hoặc ngăn chận đi biểu tình, làm anh em cũng thấy mình cần phải làm điều gì đó mà nếu như chính quyền không cho thì đó rõ ràng lỗi của chính quyền. Đến nay sự chờ đợi cũng quá lắm rồi. do đó chúng tôi làm cái đơn này. Nếu về mặt nào đó nói là xin phép thì cũng được, không sao. Chúng tôi phải làm như vậy để chính quyền thấy không thể không cho phép được.
Cái việc này chúng tôi nghĩ thành ủy, ủy ban phải có một chỉ đạo như thế nào để cho các tổ chức đó bày tỏ thái độ đối với việc Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam. <br/>ông Huỳnh Tấn Mẫm<br/> <br/>
Trong bốn mươi hai người ký vào đó đều đồng tình là cần phải tỏ thái độ về cái xâm lược của Trung Quốc, và nếu như không cho thì chúng tôi là một tập thể hay một nhóm người chịu trách nhiệm về vấn đề này chứ không phải là hô hào chung chung rồi kéo nhau đi biểu tình mà không có lãnh đạo thì khó lăm. Phải có nhóm đứng đầu thì chúng tôi sẽ đứng đầu. Không phải kêu gọi trên mạng đi biểu tình là đi sẽ rất mất trật tự mà chính quyền cũng rất dễ đổ lỗi cho nhóm biểu tình đó."
Trong văn bản còn có chữ ký của hai tu sĩ Công giáo, linh mục Huỳnh Công Minh, linh mục Thiện Cẩm, ủy viên trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có tiến sĩ Hà Thúc Huy, giảng viên Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Sài Gòn, rồi thì nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ Tuấn Khanh vân vân…
Theo dòng thời sự:
- Công an ngăn chận biểu tình chống TQ ngày 29/7
- TQ bổ nhiệm chỉ huy trưởng và chính ủy cho thành phố Tam Sa
- Thuốc súng biển Đông đang cháy?
- Trung Quốc gia tăng đe dọa Việt Nam tại biển Đông
- Hà Nội tiếp tục biểu tình chống TQ ngày 22/7
- Tại sao họ đi biểu tình?
- Hệ lụy của lần xuống đường chống Trung Quốc hôm 1/7/2012
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Huế, Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc
- Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hillary Clinton
- "Cuộc chiến mới" của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh