Các nhà chức trách Việt Nam nói gì về điều này? Người dân Việt Nam hiện có còn bị đàn áp, bóc lột, ruộng đất có cướp không như ông Hồ đã lên án thực dân Pháp hay không? Ngọc Trân tường trình tiếp.
N hân quyền Việt Nam khác với phương Tây?
Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền, người dân đã không có các quyền cơ bản của con người. Khi được hỏi, những người đứng đầu trong bộ máy của đảng và nhà nước thường đưa ra lý do để biện minh rằng, các giá trị về nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây, bất chấp quan điểm của ông Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, rằng: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Chúng ta phấn đấu cho những mục tiêu nhân quyền, dân chủ mà đã được xác định, nhưng cũng không thể chấp nhận cái thứ 'nhân quyền, dân chủ' theo kiểu phương Tây.
Ô. Nguyễn Văn Hưởng
Nhiều người cho rằng, ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, để nói với tất cả các dân tộc trên thế giới rằng, dân Mỹ, dân Pháp, dân ViệtNam hay là người dân của bất kỳ quốc gia nào khác, cũng đều được hưởng các quyền con người như nhau.
Liên quan đến vấn đề nhân quyền, mới đây, Việt Nam cho phát hành "Tạp chí Nhân quyền", với mục đích " tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và phản bác các luận điệu thù địch". Trong bài viết đầu tiên đăng trên tạp chí này có tựa đề: "Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam", của ông Nguyễn Văn Hưởng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và là Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây.
Ông Hưởng đã viết: "Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Chúng ta phấn đấu cho những mục tiêu nhân quyền, dân chủ mà đã được xác định, nhưng cũng không thể chấp nhận cái thứ 'nhân quyền, dân chủ' theo kiểu phương Tây".

Mặc dù theo định nghĩa, "Nhân quyền là quyền cơ bản của con người, như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại…Những quyền ấy không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Mọi con người được sinh ra đều bình đẳng và được tạo hóa ban cho một số quyền không thể tước bỏ, như quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc", thế nhưng, ông Hưởng đã hiểu về nhân quyền theo cách khác.
Khi nói rằng, nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây, ông Hưởng cũng đã phủ nhận nhân quyền mà Hồ Chí Minh đã nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 rằng, "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Trong khi ông Hưởng lại nói: "Họ không thể mang quan điểm nhân quyền của nước họ áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu 'nhân quyền' của nước này đem sang nước khác được". Với cách lập luận như thế, chính ông Hưởng đã tước bỏ nhân quyền của người dân Việt Nam mà ông Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập cách nay 65 năm.
V ẫn bị bóc lột sau 65 năm
Ngoài các quyền căn bản mà người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng, những điều ông Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập, có lẽ vẫn còn có tác dụng cho tới ngày nay.
Ông Hồ Chí Minh đã nói: "Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng… Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn".
Nói đến giai cấp công nhân hiện nay rõ ràng là họ đi làm đầy tớ, chớ họ không làm chủ xí nghiệp, công ty, quốc doanh. Họ bị bóc lột, đầy đọa hết sức tàn nhẫn.
Một đảng viên ĐCSVN
Sau 65 năm kể từ khi Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp, chúng ta hãy nhìn vào đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam, tức giai cấp lãnh đạo, mà đảng cho rằng "đã đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác", để xem đời sống của công nhân Việt Nam có khá hơn về mặt vật chất, cũng như tinh thần hay không?
Có thể nói, hầu như ai cũng biết rằng công nhân Việt Nam, những người đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, chính là những người phải làm việc cực nhọc nhất, nhưng có đời sống cả vật chất lẫn tinh thần thiếu thốn nhất. Trong một bài viết có tựa đề "Giai cấp công nhân Việt Nam - thực trạng và suy ngẫm" của Trương Giang Long, đăng trên Tạp chí Cộng sản, cho biết: "Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng ca để bảo đảm kế hoạch và tăng doanh thu. Điều đáng nói là Luật Lao động quy định công nhân làm việc [tăng ca] không quá 200 giờ/ người/năm, nhưng trong nhiều doanh nghiệp công nhân đã phải làm việc bình quân tới 500 – 600 giờ/ người/năm".
Không những làm việc với cường độ cao, mà điều kiện làm việc ở các hãng xưởng rất tồi tệ như, nóng bức, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bậm, mọi thứ đều vượt quá mức quy định, dù vậy, công nhân Việt Nam chỉ nhận được những đồng lương ít ỏi, không đủ sống, do đó họ phải sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh, ăn uống không đủ chất để bảo đảm sức khỏe, cũng như để có đủ sức lao động tiếp tục làm việc.
Hồi tháng 3 năm nay, báo Đất Việt có bài viết nói vềthực trạng đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai như: "Bữa ăn đúng nghĩa nhét đầy bao tử, nuốt chứ không phải nhai, chỗ ở không khác ổ chuột, chỉ đủ khoảng trống ngả lưng sau một ngày làm việc cực nhọc với hàng chục thứ thiếu".
Một cán bộ đảng viên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và là Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nói về giai cấp công nhân như: Nói đến giai cấp công nhân hiện nay rõ ràng là họ đi làm đầy tớ, chớ họ không làm chủ xí nghiệp, công ty, quốc doanh. Họ bị bóc lột, đầy đọa hết sức tàn nhẫn. Họ không làm chủ phương tiện sản xuất vậy mà đi nói là: 'Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân' ư? Đây là sự lừa dối to lớn.

Nhiều công nhân làm việc không đủ sống, đã phải chọn con đường xuất khẩu lao động để mưu sinh, mong kiếm thêm chút tiền giúp đỡ cho gia đình, thế nhưng nhiều trường hợp, những công nhân này cũng không khá hơn các công nhân trong nước. Họ cũng bị bóc lột sức lao động quá mức, bị các nhà môi giới lao động trong nước lừa gạt, đem con bỏ chợ, để rồi ở nước ngoài họ bị đối xử như nô lệ, bị đánh đập, trước sự thờ ơ của các cá nhân hay tổ chức có trách nhiệm, từ công ty môi giới, cho tới các quan chức có liên quan.
Một lao động nữ đã được công ty môi giới Việt Hà đưa đi lao động ở Địa Trung Hải, cho biết cuộc sống của mình: "Mang tiếng làm nhà hàng nhưng em cùng với bạn em suốt ngày ăn uống đói khát. Cả ngày chỉ ăn đúng 1 lần, toàn bánh mì với uống nước không thôi. Chỉ có thứ Bảy, Chủ Nhật vất vả đấy thì họ mới cho tí thịt. Hai đứa suốt ngày khóc, hơn 1 tháng làm ở đấy bọn em suốt ngày đói khát".
Và một công nhân khác đã nói về hoàn cảnh của cô khi đi xuất khẩu lao động ở Trung Đông: "Khi sang Jordan rồi thì ngay lập tức chủ nhà máy thu giữ hoàn toàn hộ chiếu của bọn em và bắt bọn em phải đi làm một cách không tưởng tượng nổi, là từ 7 giờ 30 sáng tới 12 giờ đêm. Những ngày đó là giáp Tết, cứ làm tới 1-2 giờ sáng là bình thường. Ngày nào cũng vậy".
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do thu nhập của công nhân không đủ để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, thế nhưng nguyên nguyên nhân sâu xa phải kể đến là, từ lâu đảng và nhà nước đã không còn quan tâm đến đời sống công nhân nói riêng, người dân VN nói chung.
Một thanh niên hiện đang lao động nước ngoài cho biết: "Tôi thấy lớp thanh niên chúng tôi thiệt thòi và khổ sở, lớn lên mà phải đi lao động ở xa, làm giàu cho những nước khác, trong khi nước mình thì phong phú đa dạng. Nhưng giới cầm quyền chưa có sự đầu tư chính đáng và đúng mức vào tầng lớp thanh niên như bọn tôi, để bọn tôi phải đi ra nước ngoài kiếm sống rất là mạo hiểm – về tính mạng cũng như những mặt khác. Nếu đảng CS còn tồn tại thì tôi nghĩ là còn lâu thanh niên VN mới hết đi lao động ở nước ngoài".
Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của một người dân giấu tên, cho biết như sau: "Nhiều người Việt Nam muốn thay đổi là vì, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tước đi tất cả các quyền căn bản của họ, như tôi đã nói, đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được mưu sinh, quyền được tự do làm ăn, quyền được bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội".