Lễ hội văn hóa Châu Á tại Washington DC

Lễ hội Văn hóa Á châu được tổ chức hàng năm. Cuối tuần rồi, Asian Festival 2011 vừa được tổ chức trong khuôn viên Đại học George Mason tại tiểu bang Virginia.

0:00 / 0:00

Vùng ngoại ô thủ đô Washington, phía Bắc Tiểu bang Virginia là nơi có nhiều sắc dân châu Á sinh sống. Cộng đồng người châu Á tập trung đông đúc ở vùng này gồm đủ mọi sắc tộc, từ các nước Ấn độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Miến Điện, Tây Tạng... Nhiều gia đình người châu Á mặc dù đã di cư sang Mỹ từ mấy thế hệ nhưng họ vẫn cố gắng duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bên cạnh đó vấn đề giao lưu văn hóa cũng là một hoạt động cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu đó Lễ hội Văn hóa Á châu được tổ chức hàng năm. Asian Festival 2011 vừa được tổ chức trong khuôn viên Đại học George Mason tại tiểu bang Virginia. Quỳnh Như tham dự và tường trình.

Tôn vinh văn hóa Á châu

Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh các nền văn hóa Á châu, và đồng thời để khuyến khích và phát huy bộ môn tennis trong thanh thiếu niên người gốc châu Á.

Ô. Wayne McCoy

Cuối tuần qua Lễ hội Văn hóa Á châu tưng bừng khai mạc trong khuôn viên Đại học George Mason dưới cái nắng của thời tiết vô cùng nóng bức. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời gần 100 độ F, tức vào khoảng gần 40 độ C nhưng hầu như các bãi đậu xe của trường đều chật kín, dòng người gồm trẻ em, người lớn, thanh niên, phụ lão tấp nập tiến về các gian hàng của khu lễ hội. Người ta nhận thấy ngoài những người gốc châu Á, còn không ít những người thuộc các sắc tộc khác cũng tham dự đông đảo.

Tổ chức Hiệp hội Tennis Hoa Kỳ vùng Virginia (USTA/Virginia Tennis) là đơn vị đăng cai tổ chức Lễ hội Văn hóa Á châu hàng năm. Ban tổ chức cho biết số người tham gia đông hơn dự kiến ban đầu mặc dù thời tiết oi bức. Ông Wayne McCoy, Chủ tịch Hiệp hội Tennis Hoa kỳ vùng Virginia phát biểu về mục đích và ý nghĩa của hoạt động này như sau:

“Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh các nền văn hóa Á châu, và đồng thời để khuyến khích và phát huy bộ môn tennis trong thanh thiếu niên người gốc châu Á. Hoạt động này đã được tổ chức bắt đầu từ 8 năm trước đây, trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội Tennis Thái Lan tại Hoa kỳ với Hiệp hội Tennis Hoa kỳ/Vùng Virginia. Thoạt tiên là một giải Tennis dành cho nữ giới tổ chức kèm với một sinh hoạt văn hóa Á châu. Và với đà phát triển liên tục mỗi năm, lễ hội văn hóa Á châu nhanh chóng trở thành một sinh hoạt văn hóa độc lập và ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn.”

“Châu Á – Điểm đến” là chủ đề của Lễ hội Văn hóa Á châu 2011. Ông McCoy nhấn mạnh:

“Nếu bạn rảo bước quanh các gian hàng triển lãm trong khuôn viên Đại học George Mason, bạn sẽ có cảm tưởng như là mình đang ở châu Á.”

Người đứng đầu Ban Tổ chức Lễ hội Văn hóa Á châu cũng giới thiệu thêm:

“Chúng tôi có khoảng 300 gian hàng, cùng với 1.200 diễn viên tham gia với các tiết mục văn hóa cổ truyền, trình diễn các tiết mục văn hóa dân gian của các dân tộc, như Trung Quốc, Ấn độ, Thái Lan, Philippines tại các sân khấu được dựng lên trong các lều bạt ngoài trời.”

Theo lời Ban Tổ chức, các Lễ hội trước đây được tổ chức ở Reston, một trung tâm của Quận Fairfax với khoảng 56.000 dân, nhưng năm nay, lần đầu tiên lễ hội văn hóa này được tổ chức tại khu vực trung tâm của Quận Fairfax. Ông Wayne McCoy nói:

“Hợp tác với Đại học George Mason tạo cơ hội cho chúng tôi mở rộng thêm nhiều gian hàng từ 150 gian triển lãm kỳ trước thì lần này tăng lên 300, và có nhiều hoạt động phong phú hơn như các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân tộc cổ truyền, võ thuật. Số người tham quan các hoạt động văn hóa của lễ hội tăng mỗi năm, năm nay chúng tôi nghĩ rằng lễ hội thu hút khoảng từ 5.000 đến 6.000 người tham gia trong hai ngày. Ngoài ra về phía Hiệp hội Tennis Hoa kỳ, chúng tôi cũng mong muốn bộ môn tennis được phổ biến rộng rãi trong tầng lớp thanh thiếu niên gốc châu Á. Do vậy ngoài các hoạt động văn hóa thuần tuý cũng có các cuộc thi đấu giải Tennis.”

Bên cạnh các sản phẩm mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực cũng là một sắc thái nổi bật trong khuôn khổ ngày văn hóa Á châu này. Hơn 35 nhà hàng Á châu giới thiệu các món ăn dân tộc độc đáo cho mọi người thưởng thức. Thậm chí có cả những món không có trong thực đơn hàng ngày của nhà hàng. Rồi còn những gian hàng bày bán rau quả tươi của từng vùng miền, và các loại cây kiểng, như bonsai là một trong những nét độc đáo của người Nhật nói riêng hay người Á đông nói chung. Nói chung người ta thấy cả một không gian mang màu sắc châu Á dưới cái nắng như thiêu đốt của mùa hè ở Bắc Mỹ.

Học hỏi thêm

Lễ hội Văn hóa Á châu là một dịp để tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, đặc biệt khu vực này có nhiều sắc dân chung sống. Đặc biệt, số lượng sinh viên Mỹ gốc châu Á và sinh viên các nước Châu Á theo học tại Đại học George Mason cũng rất đông, nên đây cũng là một dịp để các sinh viên được học hỏi nhiều nền văn hóa khác nhau.

Số người tham quan các hoạt động văn hóa của lễ hội tăng mỗi năm, năm nay chúng tôi nghĩ rằng lễ hội thu hút khoảng từ 5.000 đến 6.000 người tham gia trong hai ngày.

Ô. Wayne McCoy

Trixcy Trần, sinh viên Mỹ gốc Việt, đang theo học năm thứ hai Khoa Tài chính - Kế toán, Đại học George Mason cho biết cảm tưởng khi tham quan hội chợ. Trixcy nói:

“Asian Festival này làm cho những nền văn hóa khác nhau của Châu Á xích lại gần với nhau hơn, sinh viên học những ngành thuộc lĩnh vực xã hội có thể biết được thêm về những nền văn hóa mà có lẽ trước đây chưa từng nghe nói tới. Ngoài ra đó cũng là cơ hội để giao lưu với các bạn sinh viên nước ngoài đến từ châu Á, mà từ đó đến giờ có lẽ học chung trường, nhưng chưa bao giờ có dịp tiếp xúc. Biết được các nền văn hóa khác nhau là một điều rất quan trọng để có thể nói chuyện với những người nước ngoài và hiểu được nền văn hóa của họ. Bây giờ thì người châu Á sống ở nước Mỹ rất nhiều, những bạn sinh viên Mỹ sinh sống ở đây nên biết về nền văn hóa của các nước châu Á để sau này khi ra ngoài làm việc hay giao tiếp với người châu Á, thì có thể hiểu hơn về họ, điều đó sẽ giúp đạt nhiều thành công hơn.”

Kevin Lê, một sinh viên trong nhóm tình nguyện tham gia giúp Ban Tổ chức lễ hội cho biết, mặc dù trời nóng bức và rất mệt nhưng em rất vui khi tham gia với nhóm công tác tình nguyện. Kevin cho biết:

“Asian Festival này rất vui, có nhiều bạn đến từ các nước khác tham gia. Con rất vui khi tham gia vào Festival này vì có thể học được nhiều nền văn hóa khác nhau, và làm quen được với rất nhiều bạn bè mới, học hỏi được thêm nhiều cái mới. Trong trường của con có nhiều bạn gốc châu Á hoặc Mỹ Latinh (Asian hoặc là Latino) đến từ rất nhiều nước trên thế giới. Con nghĩ sinh viên nên cần học hỏi từ nhiều nền văn hóa khác nhau để có thể học được nhiều cái mới mà có thể từ trước tới giờ mình chưa biết. Những bạn đến từ các nứơc khác có thể mang đến nhiều tư tưởng mới, cũng có thể giúp nhiều cho mình trong việc học hành sau này.”

Văn hóa là chiếc cầu nối giữa các dân tộc, là sứ giả hoà bình giúp con người có sự hiểu biết lẫn nhau tạo được mối cảm thông, và tránh được sự thù hằn giết chóc. Đồng thời thực tế cũng chứng minh, chi phí chiến tranh hao tốn gấp mười lần so với chi phí giao lưu văn hóa.