Lớp học không cần bảng đen
Không quá khó để tìm ra bà giáo già 80 tuổi Hồ Hương Nam tại phố An Dương. Bà giáo nhỏ bé với vầng trán cao, gương mặt phúc hậu và giọng nói đặc trưng gốc cố đô giữa đất Hà Thành không phải là điểm làm người ta chú ý đến bà. Thay vào đó, người ta biết đến bà như một nhà giáo nhân hậu với tấm lòng dành cho trẻ khuyết tật:
"Tôi cũng nghĩ là các cháu khuyết tật có nhiều thiệt thòi. Nhiều cháu có nhiều mặt cảm trong xã hội. Mà trong lúc làm công tác dân số thì tôi cũng biết được một số cháu bị thiệt thòi nhiều. Ngày rời bục giảng thì tôi nhìn thấy tình thương và trách nhiệm phải đóng góp cho xã hội. Tôi thương các cháu lắm".
Cụ Nam nói về cái lý do khiến cho bà quyết tâm dạy chữ cho các trẻ khuyết tật từ 15 năm trước. Cụ Nam người gốc Huế, từng là giáo viên dạy tiểu học với lòng đam mê nghề nghiệp sâu sắc. Sau khi nghỉ hưu, năm 1997 bà tham gia công tác thống kê dân số ở phường. Thấy có nhiều trẻ khuyết tật nơi mình cư ngụ, trách nhiệm và tình thương của một nhà giáo khiến bà nảy ra ý định mở lớp dạy chữ miễn phí cho những em thiếu may mắn.
Cụ Nam tâm sự, bà còn nhớ như in những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi khi mới nảy ra ý định mà theo một số người là kỳ quặc. Nhiều người tỏ ra dè dặt và khó chịu khi bà đi đến từng nhà vận động trẻ khuyết tật đến lớp.
Hồi đó, giờ học của bà bắt đầu với một vài học sinh khuyết tật ngây ngô vẽ những đường cong nguệch ngoạc trên bàn. Còn bà giáo già thì ân cần xoa đầu từng em mà xúc động. Ngày trước, bà cũng chưa mượn được nơi dạy học, phải xin nhờ nhiều nơi. Nay bà cho các em học nơi này, mai lại phải dẫn đi nơi khác, vất vả không kể xiết.
“Lúc đầu thì khó khăn lắm, nói chúng không nghe, cứ chạy khắp lớp. Nhưng bây giờ thì lớp học rất trật tự. Nhưng các cháu khuyết tật nói năng không như người bình thường, có cháu lại câm điếc thì phải làm động tác. Tuy nhiên, nhờ tình thương và trách nhiệm nên tôi vượt qua được hết.
T ôi cũng cố gắng quãng đời còn lại giúp ích cho đời, để lại một kinh nghiệm cho đời, để in sâu vào trí óc các cháu khuyết tật là có một người già như thế".
Hiện tại, cụ Hồ Hương Nam đã mượn được một căn phòng học của trường THCS An Dương trong phường, dạy cho 15 học sinh khuyết tật từ bại liệt, câm điếc, tự kỷ, down... Bà Trần Thị Vân, nguyên hiệu trưởng trường THCS An Dương nhận xét về bà giáo Hồ Hương Nam:
"Thật sự tôi rất cảm phục nhà giáo Hồ Hương Nam. Lúc trước tôi hay nói mình là hiệu trưởng của một trường với học sinh bình thường mà còn vất vả huống chi là bà giáo tuổi cao và các cháu như thế. Tôi rất cảm quý và cảm phục bà".
Nếu ví nghề giáo là nghề đưa đò sang sông thì cụ Nam được ví như một người lái đò tận tụy còn các học sinh là những người khách chưa biết khi nào mới sang được bên kia dòng sông. Họ thèm khát con chữ, thèm khát một cơ hội nhưng để học được bản chữ cái, họ phải vất vả hàng năm trời:
Dạy chữ O thì dạy trong 2, 3 tháng mới xong vì không thể dạy một cách bình thường được. Phải dạy chúng vòng từ bên nào trước bằng bút chì, rồi viết to, viết nhỏ... phải huấn luyện.<br/>Bà giáo Hồ Hương Nam
“Dạy chữ O thì dạy trong 2-3 tháng mới xong vì không thể dạy một cách bình thường được. Phải dạy chúng vòng từ bên nào trước bằng bút chì, rồi viết to, viết nhỏ... phải huấn luyện”.
Lớp học của cụ Nam học sáu buổi một tuần, mỗi buổi ba giờ đồng hồ trong đó cụ Nam ân cần dạy từng con chữ. Ngoài ra, để giúp các trẻ khuyết tật này chống tự kỷ và hoà nhập cộng đồng, bà thường xuyên có những bài nhạc để các em tập theo. Đến với lớp học của cụ Nam, sẽ thấy có nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt bởi người giáo viên đầu bạc phơ cần mẫn nắm nót từng con chữ cho các học sinh ngây ngô. Đặc biệt vì họ vẫn là học sinh tiểu học mặc dù đã theo bà 15 năm nay. Đặc biệt vì có những học sinh đã ngoài ba mươi mà khi đọc được một câu chuyện ngắn, lại phá lên cười thích thú.
Lớp học của cụ Nam có bảng đen nhưng hiếm khi bà cụ phải dùng đến. Bởi các em trong lớp có trình độ khác nhau nên cách dạy hiệu quả duy nhất là cầm tay từng em một. Đến lớp của bà Nam, có cả tiếng cười, tiếng khóc, tiếng vỗ tay và đặc biệt là sự cố gắng đến xúc động.
Những lớp học miễn phí
Từ những em khuyết tật không viết được chữ O, vậy mà có những em đã đọc thông viết thạo. Trong lớp của cụ Nam, em giỏi nhất đã biết tính toán đơn giản và đọc sách giáo khoa lớp 5. Trong số đó có Lưu Hùng Dương, một thanh niên 32 tuổi không đi lại được, giọng nói ngọng lịu lại chậm chạp. Trước khi có lớp học của cụ Nam, chưa ai dám nghĩ là có ngày Dương có thể đọc sách được.
Chị Hồng, mẹ của Dương không giấu được xúc động chia sẻ:
"Cháu đi học và có tiến bộ nên gia đình rất vui . Đối với tôi, không có gì có thể so sánh với bà giáo. Tôi rất quý mến bà vì bà là người đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho con tôi và gia đình tôi. Tôi rất kính trọng bà".
Có lẽ sự tận tụy của cụ Nam đã lay động được các học sinh khuyết tật này cho nên mặc dù không nhanh nhẹn và không hiểu hết được những gì diễn ra trong cuộc sống, những trẻ em dù bị down hay tự kỷ lại trở nên ham học đến lạ kỳ. Có những em ở cách lớp học tận 5-7 cây số mà hễ cứ mỗi buổi sáng là đòi cha mẹ chở đi học. Có những ngày mưa to, cả bà cả cháu vẫn dắt díu nhau đến lớp. Có những em ngồi xe lăn, những em không đi lại được… nhưng chưa bao giờ quên đến lớp của bà giáo già nhân hậu.
Từ quyển sách, quyển tập đến cây bút, những phần thưởng hay tất cả những đồ dùng cần thiết cho việc học tập, bà Nam đều cung cấp bằng tiền hưu của mình.
"Từ đầu đến giờ là tôi bỏ tiền túi của tôi thôi. Tôi tự nguyện mở lớp thì cũng tự nguyên cung cấp những thứ cần thiết. Một số phụ huynh đòi đóng góp nhưng tôi không đồng ý vì đã gọi là cái tâm thì phải tâm cho trót", bà nói.
Bà tâm sự, đa số gia đình các em thuộc tầng lớp lao động nghèo, chỉ có khoảng hai em có hoàn cảnh khá giả hơn. Tuy nhiên không vì thế mà bà nhận bất cứ hỗ trợ nào từ phía gia đình này bởi bà không muốn các em cảm thấy tủi thân hoặc bị phân biệt giai cấp.
Tôi tự nguyện mở lớp thì cũng tự nguyên cung cấp những thứ cần thiết. Một số phụ huynh đòi đóng góp nhưng tôi không đồng ý vì đã gọi là cái tâm thì phải tâm cho trót.<br/>Bà giáo Hồ Hương Nam
Vậy là từ 15 năm nay, bà chưa bao giờ nhận một món quà hay sự hỗ trợ tài chính nào. Món quà duy nhất, cũng là món quà có ý nghĩa nhất là những cành hoa do chính các em mua cho bà nhân dịp lễ Nhà giáo Việt Nam. Bà xúc động kể lại cảm xúc của mình khi nhận hoa từ các em:
“Tôi đứng khóc giữa lớp. Tình cảm chúng dành cho tôi thật trìu mến. Vào lớp thì chúng ôm hôn. Tôi không thể rời chúng được”.
Cụ Nam chia sẻ, bà không chỉ dạy các em học chữ mà còn dạy các em đạo đức, nhân phẩm. Bà cũng không ngần ngại lo vệ sinh cho các em khuyết tật khi cần thiết. Nhiều em xem bà như người bà thân thiết của mình. Bà cũng xem các trẻ khuyết tật trong lớp như cháu của bà:
"Chúng thèm học lắm. Cho nên tôi thương lắm. Một ngày nào đó tôi nằm xuống thì các cháu bơ vơ. Tôi thương lắm . Mong ước duy nhất là xã hội có nhiều người làm việc tự nguyện như tôi để các cháu đỡ thiệt thòi, nỗi bất hạnh từ đó không bị nhân lên mà phải là trừ đi. Và mong sao ngày ra trường, các cháu trở thành một công dân tốt của XH".
Đã tám mươi tuổi, cụ Nam vẫn tiếp tục cái trách nhiệm của một của một nhà giáo dù là một nhà giáo về hưu. Phải mất hàng tháng trời bà mới dạy xong một chữ O tưởng như đơn giản và phải mất hàng chục năm để các em có thể đọc được như trẻ lớp 5. Đó là một cuộc hành trình đầy gian khó đòi hỏi lòng yêu thương và sự kiên nhẫn. Đến với lớp học của cụ Nam, người ta ít quan tâm đến việc liệu con đò của bà giáo già sẽ đến được bờ bên kia, nơi người khách đi đò sẽ tự bước đi trên đôi chân của mình. Cái làm người ta quan tâm chính là người lái đò và khách đi đò đã cố gắng như thế nào trong con sóng gập ghềnh.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Có một giấc mơ như thế
- Cô gái "tí hon"
- Ông "gàn dở"
- Núi ở trên đầu
- Cơm không bình dân cho người bình dân
- Chuyện của một người gác nghĩa trang
- Tựu trường không phải chỉ có tiếng cười
- "Mẹ không cần hoa hồng"
- "Mấy đời bánh đúc có xương"
- Chuyện về đội mai táng đặc biệt
- Khi đau đớn không thể sớt chia
- Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả
- Đau xót khi tự tay "cầm tù" con mình
- Mong một lần được đứng lên
- Ông lão và những đứa con không bao giờ lớn
- Nhường cho chị sống