Một người Khmer Krom khiếu kiện đất đai bị kết án 2 năm sẽ được trả tự do

Một người Khmer Krom bị kết án 24 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước sẽ được trả tự do vào ngày 28 tháng 2, sau khi thụ án được 20 tháng.

0:00 / 0:00

Người dân và phía gia đình nói rằng, hiện Công an huyện Long Phú đang bao vây nhà họ, và không cho phép họ trả lời với báo chí, trong lúc họ khẳng định đây là án chụp mũ và gây áp lực tinh thần lên người nông dân Khmer Krom.

Bị tù vì khiếu kiện đất đai

Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng sẽ trả tự do cho một người Khmer Krom vào ngày 28 tháng 2 tới, sau khi công an vu khống người này lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, kích động dân khiếu kiện đất đai từ thập niên 90 đến nay.

Theo tin từ người Khmer Krom ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xin không tiết lộ danh tính cho Đài Á Châu Tự Do biết rằng, có ít nhất khoảng 70 gia đình người Khmer Krom thuộc địa bàn huyện Long Phú và một số huyện khác thuộc tỉnh Sóc Trăng bị mất đất canh tác vì Chính quyền Việt Nam sử dụng chính sách quản lý đất đai để tước đoạt.

Sau những thời gian người dân thất vọng trông chờ giúp giải quyết đơn khiếu nại từ chính quyền địa phương, đã có hàng chục người Khmer Krom thuộc địa bàn trên kéo nhau tụ tập khiếu kiện đất đai từ Ủy ban huyện Long Phú, đến Ủy ban dân tộc Trung Ương đặc tại TP. Cần Thơ, và sau đó kéo nhau lên khiếu nại tại văn phòng tiếp dân ở TP. HCM, tuy nhiên họ vẫn không được giải đáp một cách thỏa đáng.

Tôi nghĩ rằng, ông Huỳnh Ba không có kích động gì cả, ông chỉ đòi hỏi đất đai của ông bị mất và phần đất của ông sau khi bị chính quyền Việt Nam lấy làm trại chăn nuôi và xây cơ sở nhưng không trả lại. <br/>

Một người dân Khmer Krom

Người dân Khmer Krom từng tham gia khiếu kiện ở huyện Long Phú còn cho biết, sau cuộc tổ chức khiếu kiện đất đai lan rộng đến tỉnh An Giang, và những người dân nơi này bị Chính quyền địa phương chụp mũ là phản động bị đàn áp, đe dọa và bắt bỏ tù, thì chính quyền huyện Long Phú cũng bắt đầu ra tay đàn áp bắt bớ một người Khmer Krom khác tên Huỳnh Ba vào đầu tháng 6 năm 2009, sau đó xử án 24 tháng tù giam vì Tòa án huyện Long Phú cho rằng người này có tham gia tổ chức phản động, lợi dụng các quyền tự do dân chủ và đứng đầu cuộc khiếu kiện đất đai. Ông cho biết thêm:

“Theo tôi biết, sợ ông Huỳnh Ba liên hệ với những người ở nước ngoài, hoặc liên hệ với bà con nông dân để tụ họp đông người, hoặc làm chuyện khác, thì đó là nhận thức sai lầm của Chính quyền Việt Nam thôi. Tôi nghĩ rằng, ông Huỳnh Ba không có kích động gì cả, ông chỉ đòi hỏi đất đai của ông bị mất và phần đất của ông sau khi bị chính quyền Việt Nam lấy làm trại chăn nuôi và xây cơ sở nhưng không trả lại.

Chính quyền Việt Nam có thành lập một đoàn để giải quyết đất đai, nhưng cái đoàn của họ không giải quyết cho ai cả. Như vậy, chúng tôi nhận thức rằng, không đúng tinh thần chỉ thị công văn của Nhà nước CHXHCNVN.”

Bà Sơn Thị Kim Thu, người vợ ông Huỳnh Ba cho biết, riêng gia đình bà bị cơ quan huyện chiếm lấy đất khoảng 50 hécta để xây dựng trại chăn nuôi, cho đến bây giờ chính quyền vẫn chưa đền bù thỏa đáng. Chồng bà bị bắt giam gần 20 tháng nay, hiện sức khỏe suy yếu, và bị đối xử rất tệ. Bà Thu còn cho biết, hiện nay công an huyện đang bao vây nhà bà, theo dõi bà, khống chế, đàn áp tinh thần và cấm bà trả lời với bất cứ phóng viên báo chí.

Bà Sơn Thị Kim Thu cho biết cơ quan pháp lý giải thích nguyên nhân phải bắt giam giữ chồng bà rằng, bị bắt vào ngày 1 tháng 6. Hôm lên Tòa nói lý do tại liên lạc với Đài Á Châu Tự Do, và sử dụng đồng bào Khmer gây áp lực lên chính quyền.

Chính sách quản lý đất đai

khmer-krom-250.jpg
Người dân Khmer Krom đang làm cỏ lúa. RFA photo.

Còn luật sư Nguyễn Hải, người thụ lý các hồ sơ người Khmer Krom và người Thượng Tây Nguyên bày tỏ rằng, hiện nay tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do dân chủ và quyền sở hữu đất đai trong nước Việt Nam rất là xấu vì Chính phủ luôn thực hiện chính sách hai mặt. Mặt đối ngoại có hình thức rất tốt, còn mặt trong thì Chính phủ thẳng tay đàn áp, bóp chặt, vi phạm các quyền tự do căn bản con người.

Khi quốc tế lên án, thì chính phủ có hình ảnh đưa ra chứng minh. Chính phủ có thể đánh lận được các nhà ngoại giao bởi vì các nhà ngoại giao phương Tây chỉ nhìn cái trực diện. Luật sư Hải nói rằng, vì chính sách này nên chính phủ vừa có thể đảm bảo quyền lợi tồn tại đảng độc quyền, vừa kiểm soát hạn chế các hoạt động dân tộc thiểu số. Ông cho biết thêm:

“Liên quan vấn đề đất đai nhà cửa, phần đông những người Khmer Krom luôn bị áp bức, bị mất đất mất nhà mất cửa. Thứ nhất về bất đồng ngôn ngữ. Thứ hai về vấn đề pháp luật thì họ không hiểu nhiều. Thường thường họ bị chụp mũ, sau đó bắt đi vô tù. Thậm chí có nhiều người như vậy bị bệnh tật và bị liệt. Và tôi cũng đang quan tâm đến những trường hợp đó, và có nhiều trường hợp phải chết ở trong tù.”

Phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Lê Minh Ngọc khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam luôn đối xử công bằng với tất cả dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Tất cả thông tin nói Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm nhân quyền là những thông tin không có cơ sở và có rất nhiều thông tin chỉ mang tính chất bày đặt để chống phá chính phủ Việt Nam, đặc biệt chống phá quan hệ Campuchia-Việt Nam. Ông Lê Minh Ngọc nói:

“Riêng với những người Khmer Krom, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói rất nhiều lần, Việt Nam tôn trọng tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như nhau. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hầu hết ở Việt Nam đã làm theo pháp luật, không có vụ nào Việt Nam làm sai. Tất cả các vụ án được xét xử đều theo đúng trình độ pháp luật và không có phân biệt đối xử.”

Chính sách nhà nước hoàn toàn sai lầm, chính vì nhà nước có chính sách quản lý đất đai. Từ chỗ nhà nước quản lý đó, đã tạo ra cơ hội cho các cán bộ, công chức ở địa phương lấy quyền đó để tước đoạt đất đai của nông dân, đặc biệt nhất là ở vùng Châu Đốc.

Ông Trần Manh Rinh

Tuy nhiên trưởng ban kế hoạch tổ chức Liên Minh Khmer Kampuchia Krom Trần Manh Rinh cho rằng, pháp luật Việt Nam không phải có mục đích để bảo vệ hay che chở công dân, mà pháp luật của nhà nước Việt Nam là để bảo vệ đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, pháp luật Việt Nam luôn xiết chặt quyền tự do dân chủ của người dân Việt Nam. Hiến pháp chỉ do nhóm nhà lập pháp độc tài Việt Nam viết với mục đích để bảo vệ đảng, chứ không phải có sự đóng góp ý kiến của dân nhằm bảo vệ quyền lợi của dân.

Ông Trần Manh Rinh nhận định thêm: "Chính sách nhà nước hoàn toàn sai lầm, chính vì nhà nước có chính sách quản lý đất đai. Từ chỗ nhà nước quản lý đó, đã tạo ra cơ hội cho các cán bộ, công chức ở địa phương lấy quyền đó để tước đoạt đất đai của nông dân, đặc biệt nhất là ở vùng Châu Đốc. Đó là chính sách sai lầm của Cộng sản Việt Nam.

Ông Huỳnh Ba không nên bị bắt từ lúc đầu, cho nên bây giờ nhà nước thả hay không thả thì chuyện đó đã rồi, nhưng cái sai của nhà nước là không nên bắt ông ấy ngay từ lúc đầu. Tại vì ông ấy là nạn nhân, chứ không phải là người kích động. Nếu như trường hợp không có người bị oan ức, thì dù có một nghìn người đến kích động, nhưng cũng không ai đi. Tại vì họ oan ức mới họ đi khiếu kiện.”

Luật sư Nguyễn Hải nhận định rằng, một đất nước không tôn trọng nhân quyền, một chế độ độc tài sẽ từ từ sụp đổ chẳng hạn như Tunesia và Ai Cập. Nơi nào có áp bức, thì nơi đó có đấu tranh. Nếu như chế độ Cộng sản mà cứ độc tài, bịt miệng con người, đàn áp công dân, phân biệt đối xử sắc tộc, thì đến một giai đoạn nào đó họ sẽ mất tất cả. Khi người dân đồng loạt đứng lên, thì mọi sự việc đều khác.

Theo dòng thời sự: