Qua giấy triệu tập mang chữ ký của trung tá Nguyễn Văn Hải, phó Công an huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, gửi cho ông Lê Hồng Kỳ yêu cầu đến công an sáng ngày 9 tháng 9 năm 2010 để làm rõ về “tài liệu thương phế binh chế độ cũ và việc xin cấp đất”. Đỗ Hiếu có cuộc nói chuyện với người bị triệu tập là anh Lê Hồng Kỳ để biết thêm chi tiết câu chuyện.
Vu khống đánh cán bộ
Đỗ Hiếu: Thưa ông qua giấy triệu tập mà chúng tôi nhận được, kèm cả hình ảnh, thì ông được công an huyện Đức Linh, Bình Thuận mời tới làm việc vì có dính líu đến chuyện thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, xin ông cho biết về nội dung này như thế nào?
Tôi bị người ta đánh lừa vì giấy triệu tập nói như thế, nhưng khi đến làm việc, họ cho hai người làm việc với tôi hai nội dung khác nhau, trong đó có chuyện vu khống tôi đánh cán bộ.
Ô. Lê Hồng Kỳ
Ông Lê Hồng Kỳ: "Sáng nay, ngày 9 tháng 9, công an huyện Đức Linh triệu tập tôi đến làm việc vì có liên quan đến hồ sơ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, chế độ cũ và photo chứng minh nhân dân về việc xin đất cho dân. Tôi bị người ta đánh lừa vì giấy triệu tập nói như thế, nhưng khi đến làm việc, họ cho hai người làm việc với tôi hai nội dung khác nhau, trong đó có chuyện vu khống tôi đánh cán bộ, tôi xin làm việc về nội dung giúp thương phế binh, còn việc đánh cán bộ, không có ghi trong giấy triệu tập nên tôi yêu cầu miễn làm việc này.
Tôi nói ai cho là tôi cung cấp tài liệu thương phế binh, thì cho tôi đối chứng, cho tôi gặp người mà tôi đưa giấy đó. Có hay không thì tôi giải quyết theo hướng đó. Tôi làm việc cho thương phế binh về việc nhân đạo này, nó có ảnh hưởng như thế nào, đối với quyền lợi chính trị của bản thân họ, gây mất trật tự ở địa phương như thế nào, ở điều khoản nào trong luật của Việt Nam quy định, thì anh cho tôi biết? Tôi giúp cho các thương phế binh có kế sinh nhai, việc làm đó có lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế địa phương, tôi yêu cầu công an phải giải trình việc này. Việc làm này theo tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, không có gì sai mà họ bắt ép tôi phải khai như thế, thì tôi không chịu. Tôi đưa cho ai và ai đưa cho tôi, đó là việc của tôi, họ hỏi là tôi tới nhà ông Hưng, tôi nói gì và đưa gì, đó là chuyện của tôi, ông không cần quan tâm tới.”
Đỗ Hiếu: Còn về việc hồ sơ khiếu kiện đất đai, mà dân oan đã nạp lên thì họ nói gì với ông?
Ông Lê Hồng Kỳ: "Họ cho rằng tôi vận động dân đi photo chứng minh nhân dân nộp cho tôi để đi đòi đất. Tôi là cơ quan gì mà nhận hồ sơ để nộp, tôi có quyền gì mà đi chia đất. Tôi và một nhóm công dân yêu nước phát hiện được một số đất rừng bị chánh quyền Bình Thuận cho phá sạch rừng giao đất cho doanh nghiệp tư nhân, việc làm này trái với chỉ thị 05 của chánh phủ, trái với chỉ thị 02 của chủ tịch tỉnh, chánh quyền Bình Thuận giao đất cho doanh nghiệp là không đúng, cho nên chúng tôi phải có một phương án là làm đơn, tìm chứng cứ, quay phim, chụp hình, trình cho ủy ban nhân dân tỉnh và ban chấp hành đảng bộ Bình Thuận, khóa mới, để yêu cầu trả đất này lại cho dân, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước, buổi làm việc sáng nay là như thế."
Đỗ Hiếu: Sau khi ông trình bày những chi tiết như vậy, nhân viên công an sở tại đối đáp như thế nào? Họ có mời ông trở lại làm việc không?
Ông Lê Hồng Kỳ: "Có chứ, ban đầu họ mời tôi xuống cái phòng xét hỏi của tội phạm về an ninh trật tự xã hội, họ đưa tôi vào phòng đó, tôi kêu là ông Kỳ không phạm tội, không đưa tôi vào đây được. Họ viện dẫn là cơ quan công an huyện Đức Linh chật chỗ, nên muốn bưng bàn ra gốc mít để làm việc. Qua yêu sách của tôi, họ phải đưa lên phòng họp trên lầu để làm việc. Tôi yêu cầu phải dân chủ, họ không thể tước quyền dân chủ của tôi, bởi vì tòa án nhân dân Đức Linh và tỉnh Bình Thuận chưa tuyên tôi, luật pháp quy định, tòa chưa tuyên án thì không ai có tội cả, không thể nhốt tôi trong phòng để làm việc. Họ nói sẽ tiếp tục mời tôi đến làm việc trong điều kiện là xem ngày giờ nào rảnh, điện cho họ để họ đánh giấy mời, tôi yêu cầu phải mời ông Kỳ trước 5, 7 ngày, vì còn phải đi tìm chứng cứ về hành vi phạm tội của các quan tham nhũng, để đòi lại quyền lợi cho dân Đức Linh, Bình Thuận và cho gia đình ông Kỳ. Ông Kỳ còn phải đi tìm miếng ăn để sống, bữa nay nghèo, mạt rồi không còn tiền để sống. Sáu mươi lăm ngàn đồng, không có tiền để nộp cho nhà đèn, họ cắt điện 3, 4 tháng nay rồi, khổ lắm, vô cùng bi đát. Cơm không có ăn, con bây giờ phải đi xin bạn bè tiền để mua sách, vở, áo quần cho nó đi học, không có tiền lo học phí."
Cần hỗ trợ dân oan
Đỗ Hiếu: Thưa ông, nói chung bà con dân oan ở tỉnh Bình Thuận phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, khi mà họ đi khiếu kiện để đòi lại đất đai, trong rất nhiều năm qua?
Ông Lê Hồng Kỳ: "Dân Bình Thuận nói chung và riêng bản thân tôi, thì nó có hai khó khăn, riêng tôi thì không nói rồi, còn hầu hết người dân đi kiện, họ không hiểu biết pháp luật, không phân biệt được thế nào là công văn, hay quyết định, không hiểu quy trình giải quyết khiếu nại là như thế nào, họ yếu về mặt pháp lý. Thứ hai là họ phải đối mặt với hệ thống chánh quyền là lãnh đạo đảng và chánh quyền họ cấu kết với nhau, che cho nhau, họ ràng bịt toàn bộ những việc sai của họ, nên quyền của người dân không có.
Ban đầu họ mời tôi xuống cái phòng xét hỏi của tội phạm về an ninh trật tự xã hội, họ đưa tôi vào phòng đó, tôi kêu là ông Kỳ không phạm tội, không đưa tôi vào đây được.
Ô. Lê Hồng Kỳ
Tuy hiến pháp nói quyền lực nằm trong tay nhân dân nhưng thật ra là ảo thôi, dân không có quyền, các quan cấu kết từ xã tới huyện, tỉnh nên không thể nào dân đâm thủng được. Nếu tôi giúp một hai người làm đơn đi kiện thì họ nói là tôi xúi dục dân, quy ra tội hình sự để bắt nhốt tôi, nên khó lắm. Tự đi học hỏi hàng chục năm nay, tìm rất nhiều chứng cứ, tài liệu, chủ trương, chính sách, luật để giúp dân mà không làm được chuyện đó công khai. Bây giờ phải dùng đèn dầu để viết đơn cho dân, không đủ tình độ pháp lý lại bị quan chức cấu kết vì đã có hàng chục cuộc thanh tra rồi rốt cuộc đâu lại vào đấy. Chánh quyền Bình Thuận báo cáo lên trung ương là đã giải quyết đơn thưa cho dân trên 70% , mà thật ra là họ nói láo”.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, là một người tự tìm hiểu về pháp luật, theo ông thì các cấp cao hơn chánh quyền địa phương phải làm gì để giúp cho đảng bộ Bình Thuận giải quyết khiếu nại một cách thỏa đáng không?
Ông Lê Hồng Kỳ: "Trong trách nhiệm của một công dân đối với quốc gia, đối với dân tộc, đối với đảng thì tôi có một kế sách thế này, sự thật là sự thật, ai bóp méo sự thật là bóp méo công lý, muốn giải quyết dứt điểm những vụ việc này, phải ngồi lại, bộ chính trị trung ương đảng chỉ đạo thực tế cho đảng bộ Bình Thuận phải ngồi lại, lắng nghe ý kiến của dân, nếu dân sai thì dân chịu, mà cán bộ sai thì cán bộ chịu. Phải đưa toàn bộ hồ sơ của dân lên để có phương án giải quyết nếu như mà người dân yếu về pháp lý thì tôi sẽ đứng ra giúp cho dân, hướng dẫn cho người dân đúng theo tinh thần luật pháp Việt Nam, để giải được nổi oan và đòi lại quyền lợi cho họ. Chúng ta phải đối mặt với sự thật, cho nên nếu anh che dấu sự thật, anh che dấu không nổi, nên hiểu rằng Kim Tự Tháp ở Ai Cập, đã có hàng ngàn mà bây giờ người ta vẫn bươi ra được sự thật."
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Lê Hồng Kỳ và chúc ông nhiều may mắn.
Theo dòng thời sự:
- Dân oan: nạn nhân của luật đất đai?
- Người dân khu Eden bị tấn công
- Video: Lấn biển hay lấn đất dân?
- Tình trạng khiếu kiện đất đai ngày càng phức tạp
- Mục sư Dương Kim Khải bị bắt
- Giảng đạo trong chuồng bò
- Công an bắt giữ chị của GS Phạm Minh Hoàng tại phi trường Nội Bài
- Tin mới nhất về giáo sư Phạm Minh Hoàng
- Công an bắt giữ GS Phạm Minh Hoàng, Đại Học Bách Khoa TPHCM