Chuyện kể của những phụ nữ VN nạn nhân buôn người (phần 3)

Trong hai kỳ phát thanh trước, quý vị đã theo dõi số phận của những nạn nhân của đường dây đưa người lậu sang châu Âu.

0:00 / 0:00

Đa số phụ nữ bị hãm hiếp, đối xử tàn tệ, thậm chí có những người phải bỏ mạng nơi đất khách. Trong khi đó, những kẻ buôn người vẫn tiếp tục làm tiền và mở rộng mạng lưới chân rết khắp Đông Âu và châu Âu.

Khánh An gửi đến quý vị phần cuối của loạt bài phóng sự.

Đa số khách hàng của mạng lưới buôn người là người ở miền Bắc và miền Trung, đặc biệt đến từ các vùng nông thôn, tỉnh lẻ. Các tỉnh có nhiều nạn nhân nhất phải kể đến là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Phòng.

Đường dây nhiều chân rết

Thông thường, nạn nhân tiếp xúc với đường dây qua một người môi giới tại địa phương. Những người này móc ngoặc với một số công ty du lịch và công ty tư nhân để lo giấy tờ cho các nạn nhân dưới hình thức đi tìm hiểu thị trường kinh doanh hoặc đi du lịch.

Chi phí cho chuyến đi lao động trong khoảng 8.000 – 25.000 USD, tùy theo… lương tâm của người môi giới. Chị Kim Anh cho biết chị phải trả 14.000 USD cho chuyến đi của mình. Chị Hạt may mắn hơn khi chỉ phải trả hơn một nửa số tiền trên.

“Họ nói với chị nạp 8.500 (USD). Bọn đường dây nói với chị là nạp tiền đủ để đi thẳng qua Đức nhưng làm giấy tờ của chị là qua Tiệp.”

Hầu hết các nạn nhân đều không được tiết lộ chi tiết của hành trình chuyến đi mà ngược lại, họ thường bị lừa phỉnh kiểu như thế này:

“Giao tiền trước. Muốn bay vào nước nào cũng được hoặc bay thẳng vào Đức cũng được vì giấy tờ này là được đi khắp châu Âu mà.”

Bùi Công, một trong những người môi giới ở Nghệ An khẳng định như vậy. Thế nhưng khi được hỏi chi tiết về hành trình sang Đức, ông Công lại nói:

“Nhưng mà bay sang Đức thì thường thường người ta không cho bay sang Đức mà bay sang Pháp hoặc Tiệp rồi người ta đi tàu sang thôi. Nhưng mà đến phần đó thì trách nhiệm của nhà em, có người đưa sang đến Đức là được. Từ Pháp sang là có người của nhà đưa sang tới nơi.”

“Người nhà” mà ông Công đề cập tới chính là những chân rết của đường dây, có mặt ở khắp nơi, từ Nga, Tiệp đến Anh, Pháp, Đức…

Ở Đức đây họ cũng làm ngặt lắm. Họ theo dõi từng tí, điện thoại các thứ nó theo dõi nhưng mà cũng không lại được dân mình đâu. Dân Việt Nam mình sống lèo lái giỏi lắm! Nó giỏi cực, em ạ!

Chị Kim Anh

Sau khi các nạn nhân có giấy tờ lên máy bay và sang đến Tiệp, những chân rết này bắt đầu liên kết các nhóm nạn nhân để đưa vào rừng đợi đóng lậu xe hoặc tự vận chuyển nạn nhân trong các xe chở hàng ngụy trang. Chính vì vậy, những tin tức về tình trạng người nhập cư lậu bị bắt hay chết trong các xe chở hàng dần dần trở nên quen thuộc với người dân bản xứ. Đã có rất nhiều cuộc bố ráp của cảnh sát địa phương nhằm triệt hạ các đường dây này nhưng những nỗ lực ấy vẫn không ngăn chặn được tình trạng gia tăng tệ nạn buôn người. Chị Kim Anh cho biết thêm:

“Nói chung ở Đức đây, đường dây của nó có rất nhiều người. Thằng này bị bắt thì có thằng kia. Ở Đức đây họ cũng làm ngặt lắm. Họ theo dõi từng tí, điện thoại các thứ nó theo dõi nhưng mà cũng không lại được dân mình đâu. Dân Việt Nam mình sống lèo lái giỏi lắm! Nó giỏi cực, em ạ! Như ở Đức đây chị cũng đã chứng kiến một vụ họ bắt cái tội đưa người đấy. Khi ra tòa, họ mở điện thoại, mình điện thoại cho ai, nói như thế nào, nó mở cho mình nghe hết đấy mà vẫn không lại đâu vì thực sự ở bên Đức đây cũng có người Việt Nam là luật sư các thứ đấy, có tiền nó đút rồi cũng xong cả thôi.”

Nợ nần và ngồi tù

Do sự theo dõi, kiểm soát khá gắt gao của cảnh sát địa phương nên rất nhiều nạn nhân của đường dây buôn người đã phải chịu cảnh ngồi tù hàng tháng trời trong hành trình đến trời Âu. Chị Kim Anh cũng là một trong số đó:

“Chị ở Pháp được 3 tháng nhưng mà cũng phải vô tù mất hơn một tháng. Thì mình ở trong rừng kiểu bất hợp pháp, không có giấy tờ gì nên công an nó bắt, nó đưa về nó nhốt.”

chi-hat-250.jpg
Chị Hạt, người về từ cõi chết. Photo by Diệu Thomas.

Ngoài tù tội, đa số nạn nhân còn phải gánh một khoản nợ lớn cho chi phí chuyến đi. Có nhiều người phải thế chấp nhà cửa, thậm chí thế chấp cả nhà cha mẹ, anh chị em họ hàng để đủ điều kiện vay ngân hàng như trường hợp của chị Hạt:

“Nhà chị là 80 triệu, nhà chị dâu chị là 50 triệu này, 3, 4 căn nhà gì đó mới đủ tiền. Khổ cực mà họ ăn của chị cũng nhiều. Dân ở nông thôn, nạp xong tiền rồi mà họ cho đi là mừng chứ không kể chi đắt. Mà em biết, đi vay ngân hàng họ cũng ăn nữa tề. Ngân hàng phải đi đút lót cho họ mới vay được tiền. Em biết không, vay tiền ngân hàng này rồi nói là đi sang nước ngoài cho đổi đời nhưng đời con tàn này, đời vợ khổ, đời chồng khổ đâu ai biết đâu, mà qua đây có người chết vì nợ. Không riêng chi Đức mà Anh có người chết, đến năm sáu trăm triệu họ trả không nổi họ cắn lưỡi chết trong tù luôn.”

Một khi đã chồng tiền, các nạn nhân không có bất cứ hy vọng nào được hoàn trả, dù chuyến đi có đến đích hay bất thành. Ngay cả những nạn nhân đã chết trong chuyến đi của chị Hạt, họ không những không được bồi thường sinh mạng, mà cả số tiền họ nộp cũng không được bồi hoàn đầy đủ. Chị Hạt kể:

“Họ nói chị chết rồi, họ cúng lại cho chị 1.000 đô, là chừ hiện tại chị đi 7.500 đô thôi.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ở một vùng quê Nghệ An, nhiều người muốn xuất ngoại thường tìm đến Bùi Công, một trong những đầu mối đường dây đưa người lậu sang châu Âu khá “nổi tiếng”. Bùi Công tỏ ra rất tự tin với uy tín lâu năm về dịch vụ chuyển người lậu của mình:

“Nếu mà có người thì chỉ cần đưa hộ chiếu với các thứ giấy tờ để đây làm cho chứ có vấn đề gì đâu. Làm xong rồi các thứ tiền đưa rồi thì bay thôi chứ có gì đâu. Nhà đây làm cho cả làng, cả nước cơ mà.”

Ông Công thậm chí không giấu diếm “hình thức kinh doanh” của ông khi giới thiệu dịch vụ với khách hàng:

“Người ta đi du học hoặc đi lao động thì có giấy tờ của công ty, còn đây không làm theo kiểu đấy mà làm theo kiểu tư nhân mình thôi. Đây từng làm cho mấy công ty bây giờ đi nhưng mà trong đấy nếu mình làm cho người đi sang châu Âu thì gọi là làm trái phép. Luật pháp người ta không cho nên mình đi theo kiểu làm chui. Làm chui nhưng mà giấy tờ khi người ta ra đi là đàng hoàng chẳng hạn ở nhà với bên kia làm hợp đồng mua bán về thì hợp đồng đó là hợp đồng giả nhưng xin vào sứ quán cấp visa cho thì visa đó là visa thật. Nếu mình mà ký hợp đồng vào trong công ty thì người ta bắt nộp thuế cho nên là không có trong công ty.”

Nếu mà có người thì chỉ cần đưa hộ chiếu với các thứ giấy tờ để đây làm cho chứ có vấn đề gì đâu. Làm xong rồi các thứ tiền đưa rồi thì bay thôi chứ có gì đâu. Nhà đây làm cho cả làng, cả nước cơ mà.

Ô. Bùi Công

Có một điều lạ là đã có rất nhiều nạn nhân đã bị lừa gạt, mất danh dự, tiền bạc và thậm chí cả tính mạng trên đất khách khi vô tình sử dụng những đường dây này. Thế nhưng chẳng ai buồn lên tiếng tố cáo tội ác của họ. Càng hiếm thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc để can thiệp cho người dân nghèo. Chị Kim Anh tỏ ra mất lòng tin:

“Ở bên này nếu đúng là người Đức thực sự, người ta không bao giờ ăn của hối lộ như thế nhưng ở Việt Nam mình còn trắng trợn gấp nghìn lần. Nói chung, Việt Nam mình em cũng biết, ăn tiền xong là hết việc. Đen thành trắng, trắng thành đen. Việt Nam mình là thế. Có tiền là xong cả.”

Có lẽ chính những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho các đường dây buôn người hoạt động dễ dàng và công khai. Những chân rết của nó vẫn cứ sống khỏe và ngày càng giàu có nhờ nguồn tiền tính bằng đô-la chảy vào túi từ máu, nước mắt và mồ hôi của người lao động nghèo. Vậy, công lý nằm ở đâu?