Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Nhu cầu truy cập thông tin ngày càng cao tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu cần gia tăng tốc độ truyền tải theo dạng internet băng rộng ADSL tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại khiến cho dịch vụ này phát triển không ngừng. Nhiều công ty Internet tại Việt Nam nhảy vào thị trường to lớn này để khai thác.

Tuy nhiên hồi gần đây, nhiều công ty lớn như FPT, Viettel, EVN, hay MegaVNN đều có chung tình trạng bị người tiêu dùng chỉ trích, thậm chí còn cho là họ bị lường gạt, khi thuê bao băng truyền tốc độ cao mà lại được phục vụ đường truyền tốc độ thấp. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này sau đây mời quý vị theo dõi.
Với hơn 16 triệu người kết nối mạng internet tại Việt Nam hiện nay những người lạc quan cho rằng đây là một chỉ dấu đáng mừng cho nền công nghệ thông tin trong giai đoạn hòa nhập với thế giới như hiện nay.
Tuy nhiên theo những phúc trình của nhiều cơ quan chức năng thì Việt Nam được xếp hạng thứ 94 trên khắp thế giới về số lượng người có máy vi tính tại gia đình. Tình hình này cho thấy số người sử dụng hệ thống internet phải nhờ đến dịch vụ rất cao, và hơn 65% số người sử dụng internet phải nhờ vào những dịch vụ này.
Tình trạng quá tải
Khi con số thuê bao lên cao cũng là lúc số người truy cập trở thành quá tải và đây là nguyên nhân đầu tiên khiến cho đường truyền bị chậm và một yêu cầu phát sinh của người sử dụng, họ cần nhanh hơn, mạnh hơn để thời gian download không bị trì hoãn và ngưng giữa chừng khi họ sử dụng dường truyền căn bản.
Giải pháp đường truyền băng rộng gọi tắt là ADSL ra đời do những công ty CNTT lớn của Việt Nam đầu tư. Thời gian đầu, người sử dụng cảm thấy thoải mái và yên tâm vì tốc độ đường truyền rất nhanh khiến người tiêu dùng thực sự hài lòng. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, tốc độ này không còn như lúc mới bắt đầu và từ đó rất nhiều chuyện phát sinh.
Chúng tôi có đề nghị với nhà nước chuyện này rồi, hiện nay thì nhà nước chưa trả lời cụ thể nhưng trên thực tế thì nhà nước cũng có nhiều động thái và nói chung cũng có thực hiện một số đề nghị của chúng tôi.
Người tiêu dùng đã bức xúc phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến đường truyền internet trong nhà hay cơ sở kinh doanh của họ. Nhiều người cho hay họ thuê bao đường truyền tốc độ cao ADSL là 512/256Kbps nhưng thực tế khi download một hồ sơ xuống máy thì tốc độ này cho thấy chỉ đạt từ 20 đến 40/Kbps mà thôi. Tốc độ này thấp đến mức khó chấp nhận và nguyên nhân chính được giải thích là do có số người thuê bao quá nhiều nên sức tải bị giới hạn.
Lý lẽ này xem ra không được người tiêu dùng chấp nhận vì suy cho cùng tiền họ bỏ ra để trả cho dịch vụ là trả cho thời gian. Họ cần thời gian và vì vậy mọi điều xảy ra đi ngược với hợp đồng thuê bao đều phải được nhà sản xuất xử lý.
Khi dư luận đòi hỏi phải được giải thích rõ ràng thì các công ty có nhiều cách trả lời khác nhau, và một trong những câu trả lời có tính khoa học nhất nhưng cũng mâu thuẩn nhất là người thuê bao cần phải hiểu việc đảm bảo trong hợp đồng thuê bao chỉ là đảm bảo cho đoạn local loop (tạm dịch là vòng thuê bao đầu cuối), có nghĩa là tốc độ từ nhà người thuê bao tới "điểm truy cập" của nhà cung cấp.
Điểm truy cập là điểm tập trung rất nhiều thuê bao lại để từ đó định tuyến đến cổng ra internet. Điều đó có nghĩa là tốc độ từ thuê bao tới điểm truy cập không phải là tốc độ thực để ra mạng tin học toàn cầu.
Ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Dĩ nhiên câu trả lời này không thỏa mãn được ai vì những cụm từ chuyên môn không thể khỏa lấp cho mục đích đầu tiên là người tiêu dùng tìm kiếm một đường truyền internet nhanh nhất cho việc truy cập của họ. Chúng tôi liên lạc với Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, người có bài viết về vấn đề này trên báo Tuổi Trẻ để tìm hiểu thêm những nhận xét có liên quan, ông cho biết:
“Về mặt công nghệ thì con đường này chỉ được một đoạn thôi, giống như từ nhà mình ra đến hương lộ hay ra đường cái và cái đọan đường ngắn ngủi này trong công nghệ thì thực sự có thể tốc độ rất cao, tải xuống khoảng 1 MB tải lên thì 1 rưỡi chẳng hạn. Thế nhưng tốc độ thật sự còn tùy thuộc vào những kết nối của nhà cung cấp dịch vụ đó.”
Chúng tôi quay về với Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng, còn gọi là VINATAS, để thăm dò xem hội này có những kiến nghị nào đến với nhà nước hay không, ông Đào Gia Phan, chủ tịch hội cho biết:
“Chúng tôi có đề nghị với nhà nước chuyện này rồi, hiện nay thì nhà nước chưa trả lời cụ thể nhưng trên thực tế thì nhà nước cũng có nhiều động thái và nói chung cũng có thực hiện một số đề nghị của chúng tôi.”
Quay lại với sự thiệt hại của người sử dụng ADSL chúng tôi hỏi Tiến Sĩ Nguyễn Quang A rằng liệu có thể đưa những công ty cho thuê đường truyền ra tòa về tội quảng cáo và bán buôn sản phẩm trái với sự thật hay không, Tiến Sĩ A cho biết:
“Đây là một phần mềm kiểm tra tốc độ truy cập từng giây từng phút và số liệu này có thể đưa trực tuyến lên mạng và cũng có thể lưu trữ lại để tính ra và được xem là chứng cứ có thể đưa các công ty ra tòa để bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.”
Những thông tin mới nhất cho biết Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng BC-VT và CNTT thuộc Bộ BC-VT nói rằng, trước dư luận báo chí nêu về vấn đề chất lượng các dịch vụ viễn thông hiện không được đảm bảo, nhất là đối với dịch vụ Internet băng rộng - ADSL và điện thoại di động, cục Quản lý Chất lượng sẽ có công văn yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo chất lượng thực tế.
Ngoài kế hoạch thường xuyên, định kỳ hàng năm, cục sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất về chất lượng dịch vụ đối với các doanh nghiệp khi thấy cần thiết.
Đây là một tín hiệu tốt để giảm thiểu những việc làm không trung thực của các tập đoàn viễn thông tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay thông qua báo chí đã mạnh dạn hơn trong việc tố cáo những mánh khóe của các doanh nghiệp thiếu trung thực bất kể doanh nghiệp này có lớn đến đâu chăng nữa.