Gia Minh, phóng viên đài RFA
Cách đây 20 năm, từ ngày 15 đến 18 tháng 12 năm 1986, đảng Cộng Sản Việt Nam họp đại hội toàn quốc lần thứ 6 và đưa ra một chính sách được nhiều người nhắc đến tận ngày nay là chính sách mở cửa kinh tế.

Vậy 20 năm qua đã mang lại những đổi thay quan trọng nào tại Việt Nam? Và từ nay phải làm gì để Việt Nam có thể hội nhập với thế giới? Gia Minh hỏi chuyện sử gia Dương Trung Quốc về những điểm đó, và trước hết ông cho biết:
Ông Dương Trung Quốc: Câu hỏi lớn mà hỏi bất chợt thế này thì tôi chỉ nói cảm nhận thôi. Hai mươi năm vừa rồi trước khi đại hội 10 cũng có một cái nhìn lại tòan diện.
Cá nhân tôi thì thấy cái quan trọng nhất trong 20 năm qua là chúng ta đã chấp nhận cái chung; và đến thời điểm gần đây nhất với sự kiện Việt Nam vào WTO thì theo tôi là Việt Nam đã đi vào quỹ đạo phát triển của một quốc gia bình thường và vượt qua đuợc những quán tính tích tụ bởi lịch sử đặc thù qua một quá trình dài của cuộc chiến.
Điều quan trọng là trở lại quá trình dân chủ hóa mà được chính cụ Hồ Chí Minh đặt ra hồi năm 45 và trong hiến pháp năm 1946.
Gia Minh: Suốt 20 năm qua sao vẫn chưa trở lại được cái mà ông vừa nói là bình thường đó?
Ông Dương Trung Quốc: 20 năm qua là quá trình khắc phục đặc thù của lịch sử Việt Nam; Ví dụ không phải thời kỳ bao cấp mà tòan bộ lịch sử Việt Nam không khuyến khích sự thành và phát triển tầng lớp tư sản. Chính thời điểm này tầng lớp tư sản là hiện tượng rõ nhất; đây là hạ tầng của chế độ dân chủ.
Quan trọng nhất trong 20 năm qua là chúng ta đã chấp nhận cái chung; và đến thời điểm gần đây nhất với sự kiện Việt Nam vào WTO thì theo tôi là Việt Nam đã đi vào quỹ đạo phát triển của một quốc gia bình thường.
Gia Minh: Người ta nói đây là vận hội mới thì để đi vào quỹ đạo chung thì phải làm gì và vượt qua những lực cản mà lâu nay vẫn có?
Ông Dương Trung Quốc: Theo tôi phải thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Dân chủ chính là mục tiêu cho phát triển của các quốc gia; cái gì đi ngược lại dân chủ là lực cản. Với quá trình hội nhập thì thuận lợi.
Gia Minh: Trong quá trình dân chủ hóa thì phải làm từ lĩnh vực nào trước?
Ông Dương Trung Quốc: Ở Việt Nam thì người ta né tránh nói đến chính trị, cho nên phải dân chủ hóa trước hết trong lĩnh vực kinh tế, tạo điều kiện cho người dân làm giàu một cách hợp pháp, chính nền tảng phát triển kinh tế sẽ giúp thúc đẩy dân chủ hóa trong chính trị.
Gia Minh: Gần đây thì trong quá trình làm kinh tế đã tạo ra khỏang cách giàu nghèo, phân hóa xã hội; vậy có gì mâu thuẩn trong mục tiêu dân chủ hóa và công bằng xã hội?
Ông Dương Trung Quốc: Phân hóa là hệ quả khó tránh của qui luật kinh tế thị trường. Vấn đề là chính sách nhà nước. Trong hai đại hội 9 và 10 người ta đưa ra mục tiêu công bằng xã hội; nhưng đó là ý tưởng, thực hiện thì đụng chạm lợi ích cụ thể; chính vì thế mà dân chủ sẽ điều chỉnh vấn đề đó.
Gia Minh: Còn để cho mọi ngừoi có thể tiếp cận mọi nguồn thông tin khác nhau và nói lên tiếng nói của họ, thì phải làm gì và nó giúp cho Việt Nam hòa chung vào quỹ đạo bình thường đó ra sao?
Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề này thì có hai mặt, một là khách quan: với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì điều kiện để cho dân chủ trong ngôn luận ngày càng thuận lợi hơn; thứ hai là ý chí của con người nhất là các nhà lãnh đạo, họ muốn dùng dư luận xã hội để định hướng phát triển theo chiều hướng mà họ cho là tốt nhất.
Mặt khác là do nhu cầu tự thân. Tôi nghĩ ở đây là phải có điều chỉnh ở cả hai phía : phía nhu cầu dân chủ và sự thuận chiều của các cơ quan lãnh đạo, truyền thông. Đây là quá trình phải có thời gian và bên trong phải có đấu tranh.
Gia Minh: Hai mươi năm đã qua và nhìn đến 20 năm tới; hẳn nhiên phát triển phải nhanh hơn, hiệu quả hơn; những theo ông mức độ phát triển sẽ thế nào?
Theo tôi phải thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Dân chủ chính là mục tiêu cho phát triển của các quốc gia; cái gì đi ngược lại dân chủ là lực cản.
Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên bình thường nó phải tăng tốc vì bản thân nhu cầu phát triển nếu không muốn tụt hậu phải tăng tốc.
Tuy nhiên trong quá trình đó cũng có cản lực, vì vận hội cũng là thách đố. Tôi nghĩ nói trước được một kết quả cuối cùng thì khó nhưng nói đến một xu thế thì thấy không có gì có thể thay đổi.
Gia Minh: Nhưng làm sao vượt qua cản lực?
Ông Dương Trung Quốc: Nếu anh hỏi tôi với tư cách một công dân tôi trả lời là mỗi ngừời phải phấn đấu cho mục tiêu đó là dân chủ cho bản thân mình và như thế xã hội sẽ vận động lên phía trước.
Gia Minh: Cám ơn sử gia Dương Trung Quốc đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện vừa rồi.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam, 20 năm sau đổi mới (phần 1)
- Việt Nam, 20 năm sau đổi mới (phần 2)
- Việt Nam, 20 năm sau đổi mới (phần 3)