Khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN là có tội?

Ngày 21/01/2010, tòa phúc thẩm ở Hải Phòng phán quyết giữ nguyên những bản án sơ thẩm đối với 6 nhà dân chủ vì đã treo biểu ngữ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.

0:00 / 0:00

Các nhà dân chủ kể trên gồm các ông: Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn và Nguyễn Kim Nhàn.

Thanh Quang tiếp chuyện qua điện thọai với bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, và luật sư Trần Vũ Hải bào chữa cho 2 trong số 6 người này để tìm hiểu về phiên xử.

Y án

Thưa quý vị, phiên xử phúc thẩm ở Hải phòng vẫn giữ nguyên những bản án sơ thẩm đối với 6 nhà bất đồng chính kiến, tuyên phạt nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa 6 năm tù và 3 năm quản chế, ông Nguyễn Văn Túc 4 năm tù và 4 năm quản chế, các ông Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Mạnh Sơn mỗi người 3 năm rưỡi tù, ông Ngô Quỳnh 3 năm tù và ông Nguyễn Kim Nhàn 2 năm tù.

Họ bị gán tội “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì những nhà dân chủ ấy đã treo biểu ngữ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cũng như thường lệ, công an canh phòng nghiêm ngặt, hạn chế tối đa số người tham dự, dù đó là con của bị can và ký giả nước ngoài không được tham dự phiên xử.

Qua sự tìm hiểu của Thanh Quang, bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết nhận xét về những bản án tù này như sau:

Bà Nguyễn Thị Nga: Qua vụ xét xử vừa rồi thì tôi thấy rằng là tất cả vụ án này không còn một niềm tin gì đối với người dân và những bị cáo ở đây ạ, vì người ta nói rằng trong 6 bị cáo này đều có đơn xin giảm nhẹ, thí dụ như anh Nguyễn Văn Túc, anh ấy đã có rất nhiều công với đất nước. Anh ấy đã cống hiên 3 năm ở bên Campuchia, sang bên ấy chiến đấu và đã được thưởng nhiều huân chương.

Tòa án đều bác bỏ tất cả những công lao của người ta và đều nói rằng 6 bị cáo này tội trạng rất là nghiêm trọng, xâm hại đến an ninh quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Nga.

Và trong bao nhiêu đó thì dù tội nặng đến chết nhưng cũng có tình tiết giảm nhẹ, vì các bị cáo có những thời gian cống hiến này khác, nhưng mọi người đấy, thí dụ như anh Nguyễn Mạnh Sơn thì anh cũng nói rằng gia đình anh ấy là có công lao nhiều với cách mạng, có kháng chiến này khác, vậy mà tòa án đều bác bỏ tất cả những công lao của người ta và đều nói rằng 6 bị cáo này tội trạng rất là nghiêm trọng, xâm hại đến an ninh quốc gia, và tất cả các bị cáo này đều y án. Và kết thúc vụ án đó thì anh Tính có nói một một câu rằng "Án đã bỏ túi rồi!". Nói chung là người dân chúng tôi không còn niềm tin gì về chính quyền này nữa.

Thanh Quang: Thưa, bà có được vào tham dự phiên tòa phúc thẩm vừa rồi hay không ạ?

Bà Nguyễn Thị Nga: Vâng, tôi có tham dự, tôi và con tôi đi, vì theo luật sư nói rằng mỗi gia đình được 2 người, thì tôi và con trai tôi đi. Họ trả lời rằng chỉ một người được vào thôi. Sau đó thì cháu phải đứng suốt cả ngày hôm qua ở bên ngoài, còn một mình tôi được vào dự. Khi vào dự phiên tòa đó thì nói thật với anh là toàn là công an, họ ngồi ép mình thôi.

Tôi thì tôi ngồi ghế nhưng người ta cứ bảo chị phải ngồi đây ngồi nọ, lúc đó tôi bức xúc quá tôi bảo "Tôi ngồi đâu mà không được mà phải chỉ cho tôi ngồi chỗ nọ chỗ kia chứ?" Sau đó họ để cho tôi ngồi thật là xa với chỗ chồng tôi. Tôi cũng muốn nhìn anh ấy xem là có khoẻ không nào. Tôi cũng rất là nóng ruột.

Tòa án Hải Phòng. Photo courtesy haiphong.gov.vn
Tòa án Hải Phòng. Photo courtesy haiphong.gov.vn

Lúc giải lao tôi chạy lên, tôi gọi anh được một câu.Tất cả các bị cáo thương tâm lắm anh ạ, đều là những người bệnh tật, những người có công, những người hy sinh vì tổ quốc, đóng góp rất nhiều công lao với đất nước của mình, mà họ (chính quyền) mặc nhiên coi như không, chẳng có lương tâm gì cả.

Nói thật với anh là sau lúc ấy, tan phiên tòa một cái thì tôi cũng rất bức xúc, tôi khóc và tôi nói: "Các người không thấy hổ thẹn hay sao? Từ một vụ án mà đưa tất cả những người yêu nước ra mà xử với những bản án như chồng tôi là 6 năm tù. Chồng tôi là một nhà văn, một cây bút chân chính, một người yêu nước, một người hiên lành, một người tử tế, mà các anh mang ra xử 6 năm tù. Các người không thấy hổ thẹn hay sao? Sao không mang những vụ án tham nhũng ra để mà xử trước công luận, trước bà con để cho nhân dân đỡ bức xúc?"

Tôi đứng giữa tòa án và tôi nói, tất cả công an đông ở đấy mà tôi không còn nghĩ gì về cho tôi nữa. Nghĩ đến nỗi đau xót cho sáu con người này quá anh ạ!

Bất phục

Thanh Quang: Dạ thưa, 6 nhà dân chủ lúc diễn ra phiên tòa đó có phản ứng như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nga: Nói chung là họ đều nói là họ không có tội gì cả. Như anh Túc, khi tòa án bỏ cái bài thơ của anh Túc, bảo là anh Túc phỉ báng chính quyền, có cái câu là "đảng xưa vì nước vì dân, đảng nay đồng loã với quân cướp ngày" thì là buộc cho anh là "phỉ báng chính quyền, nói xấu đảng, nói xấu chính quyền".

Thế thì qua luật sư người ta cũng nói rằng anh Túc bị mất đất mất nhà, và anh Túc đã đi kiện rất nhiều nơi mà không được hồi âm, cho nên đấy là cái chuyện bức xúc mà ngay trong báo chí thì anh cũng nói là các quan tham nhũng cướp đất cướp cát của dân. Chuyện đó là có mà anh Túc thì đấy là những điều anh bức xúc và anh nói thôi. Thế nhưng họ đều bác bỏ. Và cái bài "Luật pháp Việt Nam hay luật rừng đảng trị" thì anh Túc cũng nói không có cái luật pháp gì ở Việt Nam, tôi thấy đều đúng cả, mà cái chuyện anh đấu tranh là đấu tranh chống cái sai trái chứ không thể đấu tranh với cái đúng.

Còn anh Sơn và anh Nghĩa thì có nói rằng cái mô hình đa đảng là mô hình tiến bộ trên thế giới vì có dân chủ và mình cần học tập các nước khác để mọi người dân được tự mình cầm lá phiếu của mình để đi bầu thì là chúng tôi muốn đất nước tốt đẹp lên thôi. Thế thì họ đều bác bỏ hết, anh ạ.

Thanh Quang: Dạ.

Bà Nguyễn Thị Nga: Tinh thần của những người này thì vẫn khẳng khái lắm. Anh Túc thì anh ấy nói nhiều. Vâng. Sau đó thì họ xin giảm án với bệnh tình. Anh Túc thì anh ấy bị hẹp mạch vành tim, rồi là thóai hóa cột sống.

Họ khẳng định rằng Đảng CSVN là lãnh đạo duy nhất và không cho phép bất kỳ một trào lưu chính trị nào tồn tại ở Việt Nam.

LS Trần Vũ Hải.

Thanh Quang: Dạ thưa, bà và thân nhân các nhà dân chủ vựa bị kêu án ở tòa phúc thẩm ở Hải Phòng hiện phản ứng ra sao, dự tính như thế nào cho tình cảnh tù tội của những người thân không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nga: Chúng tôi rất là đau khổ, buồn bã vì chồng con mình là những người tử tế và thật sự có tâm huyết với đất nước. Chúng tôi chỉ biết khóc lóc và nói thấy là chồng chúng tôi bị oan sai, chẳng có một cái tội gì. Chồng con chúng tôi là những người không có tội. Tôi cũng nói nếu như thế thì các người hãy xóa bỏ cái điều 69 trong hiến pháp đi, nói tự do ngôn luận, tự do báo chí mà chồng tôi là những người viết lách chỉ đòi quyền tự do ngôn luận thôi mà đã bị bắt bớ, bị giam cầm như thế, các người rất là độc ác.

Hôm qua tôi có khóc và tôi nói um lên ở sân tòa án và tôi đi ra khúc đường ấy nói thật với anh là tôi khổ quá vì anh Nghĩa có rất nhiều bệnh, anh bị bệnh sỏi thận và hiện nay đi tiểu tiện anh ấy buốt, và trong nhà tù nóng nực như thế thì anh thiếu thốn nhiều cái lắm. Tất cả mọi người chứ không riêng gì chồng tôi mà các anh ấy hôm qua ra phiên tòa đầu bạc trắng hết, anh ạ.

Thanh Quang: Dạ, nhân đây bà có muốn lên tiếng gì với công luận trong và ngoài nước hay không ạ?

Bà Nguyễn Thị Nga: Vâng, qua đây tôi cũng nhờ các cơ quan truyền thông nước ngoài lên tiếng để bảo vệ, bênh vực cho những người yêu nước, những người thực sự có tâm huyết như chồng tôi và tất cả những anh em khác, để cho chính quyền Hà Nội có cái gì để biết thương yêu người dân của mình, chứ làm như thế này các ông thật là tàn nhẫn, các ông có biết nỗi khổ làm cho gia đình chúng tôi tan nát như thế này, vợ thì lìa chồng, con thì lìa cha. Hôm qua cháu con nhà anh Tính nó khóc ầm ở phiên tòa lên đó chứ, thương tâm lắm anh ạ. Nó gọi "Bố ơi!". Tôi cũng khóc, tôi bảo "Các người đem chồng con chúng tôi ra mà xử 6 năm tù, các người không thấy hổ thẹn hay sao? Mà các người tàn nhẫn, dã man như thế? Sao các người không mang các vu án tham nhũng ra mà xử trước công luận? Chồng tôi nói Trường Sa - Hoàng Sa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt nam là có tội à? Là phản động à? Nói của Trung Quốc không phản động hay sao?"

Ý đảng?

Vừa rồi là bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong 6 nhà dân chủ bị án tù nặng nhất trong phiên xử phúc thẩm vừa rồi ở Hải Phòng. Thưa quý vị, chúng tôi liên lạc với luật sư bào chữa trong vụ này, LS Trần Vũ Hải, và được ông cho biết thêm:

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa tại tòa Hải Phòng 08-10-2009. AFP PHOTO/Ian Timberlake.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa tại tòa Hải Phòng 08-10-2009. AFP PHOTO/Ian Timberlake.

LS Trần Vũ Hải: Tôi là luật sư bào chữa cho hai bị cáo là Nguyễn Văn Túc và Ngô Quỳnh. Trước đó thì có 3 bị cáo nữa nhờ tôi nhưng mà sau đó thì họ đã từ chối. Thế thì về phiên tòa phúc thẩm này, theo tôi cũng không có gì đáng nói cả bởi vì có thể nói thế này là các bị cáo cố gắng tìm cách giảm nhẹ tình tiết hình sự của mình, cố gắng như vậy bởi vị họ cũng thấu hiểu rằng để đấu tranh vô tội là một việc bất khả thi trong thực tế hiện nay.

Họ đã cố gắng như vậy và chúng tôi là các luật sư thì cũng cố gắng như vậy, nhưng, mặc dù có sự trình bày thiện chí từ chúng tôi cũng như từ các bị cáo nhưng tòa án vẫn ra thông cáo mà theo chúng tôi là không thấu đáo. Phiên phúc thẩm dự trù xử 2 ngày nhưng họ tiến hành chỉ trong vòng có nửa buổi một chút.

Thanh Quang: Thưa Luật Sư, phiên phúc thẩm Hải Phòng vẫn duy trì bản án nặng đối với 6 nhà dân chủ vừa nói ngay sau khi 4 nhà dân chủ khác ở Sài Gòn, kể cả LS Lê Công Định nữa, cũng nhận lãnh những bản án nặng nề chỉ vì họ đấu tranh ôn hoà cho tự do dân chủ tại Việt Nam, và trước đó hai ngày phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội cũng giữ y án đối với 3 người có tâm huyết đối với đất nước là nhà thơ trần Đức Thạch, nhà giáo Vũ Hùng và ông Phạm Văn Trội, thì Luật Sư nhận xét gì về hành động xem chừng như ngày càng nặng tay của nhà cầm quyền đối với những người bất đồng chính kiến ở trong nước?

LS Trần Vũ Hải: Chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan pháp luật của Việt Nam chắc chắn được sự chỉ đạo của đảng và tỏ ra quyết tâm xử lý một cách triệt để những người mà có ý định nào đó để chống lại vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam với bất kỳ lý do gì, bất kể con người gì.

Thì tôi nghĩ đây là một cái để họ khẳng định rằng Đảng CSVN là lãnh đạo duy nhất và không cho phép bất kỳ một trào lưu chính trị nào tồn tại ở Việt Nam. Họ quyết tâm như vậy. Chúng tôi cũng nghĩ rằng tất cả những người đang hoạt động tại Việt Nam cần phải nhìn cái thực tế đó. Và tôi cũng nói thêm rằng có thể họ cũng tính toán dư luận quốc tế, vân vân, về vấn đề này, cho rằng họ không bị sức ép từ phía quốc tế, họ không cần như vậy.

Tôi cũng đặt giả thuyết là như vậy, trước đây một vụ tôi tham dự, dưới sức ép nào đó họ cũng tìm cách có thể giảm nhẹ, thậm chí có thể thả tại phiên tòa những đối tượng mà họ xét xử với những tội danh tương tự hoặc là tương tự như mấy vụ vừa qua, nên tôi nghĩ là nên dặt dưới dạng nhiều chiều, nên tôi nghĩ là đây là một câu chuyện nhà nước người ta đang quyết tâm, Đảng CSVN đang quyết tâm xử lý những thành phần mà họ cho rằng đang có trào lưu chính trị chống lại sự lãnh đạo của đảng.

Thanh Quang: Nhưng mà theo Luật Sư thì quyết tâm đàn áp đó của giới cầm quyền Việt Nam có thể ra sao ạ?

LS Trần Vũ Hải: Quyết tâm đó có hiệu quả hay không, và có tác động thuận hay là tác động nghịch hay không, thì còn phải chờ đợi bởi vì xã hội Việt Nam bây giờ cũng đã thay đổi một cách cơ bản, tầng lớp thanh niên, trí thức họ đã có cách tiếp cận khác, không chỉ qua thông tin báo chí mà còn Internet với các cách tiếp cận mới, thì tôi nghĩ là họ cũng có những suy nghĩ độc lập, nhưng qua những vụ trên họ sẽ có những kinh nghiệm nhất định.

Họ có suy nghĩ độc lập, họ cũng thể hiện, và họ có những suy nghĩ, và càng ngày họ càng độc lập thêm. Tất cả những người đó bây giờ không thể hiện trực tiếp trên báo chí nữa nhưng mà họ có cách thể hiện khác, và cũng ngay cả trên Internet họ cũng có cách thể hiện khác đi, nhưng mà không có nghĩa là họ đã thay đổi. Nếu mà nhìn gần đây đời sống của các blogger thì chúng ta thấy rõ điều đó, tức là họ đã thận trọng, cân nhắc, những không có nghĩa là thay đổi.

Vừa rồi là LS Trần Vũ Hải, trụ sở tại Hà Nội.