Hàng nội địa đang kêu cứu

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến trong nước đề cập tới “số lận đận” của hàng VN ngay tại thị trường “sân nhà” vốn bị các doanh nghiệp trong nước lãng quên một thời gian dài, giữa lúc giới tiêu thụ bị cho là chưa thực sự chuộng hàng nội hóa.

0:00 / 0:00

Số phận hàng Việt trên đất Việt

Công luận trong nước xem chừng như tiếp tục trăn trở về “số phận bấp bênh” của hàng nội địa khi – nói theo lời báo Tuổi Trẻ online – “những gọng kìm bọc nhung của hàng TQ, những bủa vây ngọt ngào của hàng Thái Lan, những manh nha của hàng Mexico...đang thật sự uy hiếp doanh nghiệp VN ngay trên sân nhà”.

Những gọng kìm bọc nhung của hàng TQ, những bủa vây ngọt ngào của hàng Thái Lan, những manh nha của hàng Mexico...đang thật sự uy hiếp doanh nghiệp VN ngay trên sân nhà

Báo Tuổi Trẻ online

Nhiều bài báo trong nước mới đây với tựa đề chẳng hạn như “Hàng ngọai chất lượng kém tràn vào thị trường” nội địa, “Tìm giải pháp cho hàng VN”, “Giải pháp nào để người tiêu dùng VN yêu hàng nội”... đã báo động thực trạng hãy còn yếu kém, thiếu hấp dẫn của hàng nội hóa, trong bối cảnh thị trường quốc nội còn được báo chí gọi là “sân nhà xưa nay đã có người ‘tạm trú dài hạn’ ”.

Tình cảnh như vậy hẳn khiến cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng, gọi tắt là Vinatas, tổ chức buổi hội thảo hồi cuối tháng rồi tại Đà Nẵng, với chủ đề “Người tiêu dùng với hàng VN”, qua đó, TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Vinatas, cảnh báo rằng hàng VN đang bị đe dọa bởi hàng giá rẻ, chất lượng thấp, không an toàn, gần hết hạn sử dụng...của nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Mình rất là buồn, rất là bức xúc. Tại sao nhà nước mình không có biện pháp nào mạnh tay hơn để ngăn chặn, để cho hàng Việt Nam mình tiến hơn

Một người tiêu dùng trong nước

Báo Tuổi Trẻ online trích dẫn lời ông Hồ Tất Thắng than phiền rằng “việc quá dễ dãi với hàng nhập khẩu đã khiến người tiêu dùng lãnh đủ...”

Và nỗi bất bình đó được một người tiêu dùng trong nước bày tỏ như sau: " Mình rất là buồn, rất là bức xúc. Tại sao nhà nước mình không có biện pháp nào mạnh tay hơn để ngăn chặn, để cho hàng Việt Nam mình tiến hơn".

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng

Qua bài tựa đề “Giải pháp nào để người tiêu dùng VN yêu hàng nội ?”, báo điện tử Hà Nội Mới số ra hôm mùng 5 tháng này có đọan lưu ý rằng “ Trước đây khi hàng TQ ồ ạt đổ vào VN với giá rẻ...người tiêu dùng VN đổ xô đi mua sắm...Nhưng ngay sau đó, người tiêu dùng mới phát hiện ra rằng những mặt hàng này rất mau hư hỏng, sửa chửa rất tốn kém hoặc không thể sửa chửa được chỉ sau một thời gian sử dụng rất ngắn”.

Về "chuyện dài" hàng TQ , người tiêu dùng vừa nói có ý kiến: "Họ cũng biết là hàng Trung Quốc không có chất lượng. Họ biết như vậy nhưng mà giá cả, mẫu mã bắt mắt làm người ta vẫn xài vì nó hợp với túi tiền, hợp với thị hiếu của người ta.

Mặc dù có một số người cũng muốn tẩy chay nhưng hình như họ không tẩy chay được vì so với giá hàng Việt Nam thì hàng Trung Quốc đẹp. Chất lượng nhiều khi không bằng hàng Việt Nam mình nhưng họ vẫn cứ xài do thị hiếu nữa.”

Họ cũng biết là hàng Trung Quốc không có chất lượng. Họ biết như vậy nhưng mà giá cả, mẫu mã bắt mắt làm người ta vẫn xài vì nó hợp với túi tiền, hợp với thị hiếu của người ta

Một người tiêu dùng trong nước

Giữa lúc hàng hóa từ xứ đàn anh Phương Bắc và những nước ASEAN ngày càng tràn ngập đáng ngại thị trường nội địa VN với sức hấp dẫn khiến giới tiêu dùng khó lòng bỏ qua, thì báo Tuổi Trẻ online hồi tháng rồi cảnh báo rằng “sự trở lại của các doanh nghiệp VN sau nhiều năm quay lưng, lãng quên thị trường nội địa đã không đơn giản”.

Vẫn theo tờ báo thì “ Thị trường trong nước’, ‘sân nhà’, ‘mảnh đất nông thôn’...những từ ngữ đang bắt đầu trở nên thời thượng trong các bài phân tích kinh tế hiện nay, thật ra, đang là một lỗ hổng đáng buồn trong chính sách xúc tiến thương mại quốc gia cũng như sự can thiệp của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp”, trong khi “hành trình đưa hàng VN về nông thôn, tiếp cận sâu hơn với thị trường trong nước đã và đang bị bỏ lỡ”.

Mặc dù “sân nhà’ bị bỏ trống, hay “sân nhà xưa nay đã có người tạm trú dài hạn’, việc VN cần chú trọng trở lại thị trường nội địa giữa lúc kinh tế toàn cầu suy thoái khá trầm trọng hẳn là điều cần và cấp thiết, nhất là khi – nói theo báo Tuổi Trẻ online – “thị trường nội địa trẻ và năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, quy mô đáng kể với 86 triệu dân mà mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và xu hướng tiêu dùng cao...”.

VN cần chú trọng trở lại thị trường nội địa giữa lúc kinh tế toàn cầu suy thoái khá trầm trọng hẳn là điều cần và cấp thiết, nhất là khi – nói theo báo Tuổi Trẻ online – "thị trường nội địa trẻ và năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, quy mô đáng kể với 86 triệu dân<br/>

Trách nhiệm của nhà nước

Qua bài “Tìm giải pháp cho hàng VN”, tờ báo nêu lên câu hỏi “Cơ hội nào cho hàng VN?”, rồi đáp rằng “câu trả lời là sẽ chẳng có cơ hội nào nếu chúng ta không thay đổi cách làm ăn”.

Theo TS Hồ Tất Thắng, thì “để đưa hàng nội có chất lượng đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng mặt hàng, hạ giá thành, mở rộng mạng lưới phân phối, khuyến mãi...”

Về vấn đề này, chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng từ trong nước nhận xét:

“Đương nhiên cái đầu tiên vẫn là chuyện chúng ta phải làm cách nào để chất lượng chúng ta tốt hơn và giá thành rẻ hơn. Cái đó là cơ bản nhất. Giảm đi những giá phí không cần thiết, nghĩa là giá phí phi kinh tế để hàng của chúng ta có sức cạnh tranh hơn. Cái đó cũng là cơ bản. Còn cái bên ngoài là phải chống buôn lậu triệt để. Đó là vấn đề thứ hai.”

Nhà nước là người tiêu dùng lớn nhất cần nêu gương xài hàng nội”, và nêu lên câu hỏi rằng “Ai thực hiện và ai kiểm soát điều rất khó thực hiện này ? Khó lắm vì...cơ quan nhà nước mà sao xài hàng nội được

Báo Doanh Nhân Saigòn

Về vấn đề “chống buôn lậu triệt để”, báo Doanh Nhân Saigòn Cuối Tuần trích dẫn lời một chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng VN nói rằng “chỉ mong Nhà nước ‘sờ gáy’ những đơn vị bán hàng hiệu giả ở Saigòn Square, xử lý hết mấy cửa hàng ‘hồn Trung hoa da...nước Ý’ là lập tức doanh số của các doanh nghiệp dệt may VN sẽ tăng lên 50% liền”.

Bài báo lưu ý rằng “Bán đồ giả nhưng chẳng có cơ quan công quyền nào ngó ngàng”, trong khi “những rào cản kỹ thuật đang bị thả lỏng cho hàng ngọai thả sức tràn vào thị trường” nội địa.

Vẫn theo bài báo thì “Nhà nước là người tiêu dùng lớn nhất cần nêu gương xài hàng nội”, và nêu lên câu hỏi rằng “Ai thực hiện và ai kiểm soát điều rất khó thực hiện này ? Khó lắm vì...cơ quan nhà nước mà sao xài hàng nội được!?”