Mục đích cuộc triển lãm
Buổi triển lãm đầu tiên của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đã được tổ chức vào trưa Chủ Nhật, ngày 18 tháng 4 tại Houston, tiểu bang Texas với mục đích sưu tập tài liệu về hành trình tìm Tự Do của hơn 3 triệu người Việt Nam tại hải ngoại và hàng trăm ngàn, hàng trăm ngàn, người khác đã vùi thây dưới lòng biển cả hay gục ngã trong rừng sâu trên đường tìm Tự Do.
Hàng trăm, hàng trăm người đã tiếp nối nhau để xem hình ảnh của thuyền nhân Việt Nam trên những cuộc hành trình tìm Tự Do do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trưng bày. Một vài người đã xúc động không nói nên lời khi thấy hình của chính họ, trong khi người khác thì ngỡ ngàng chỉ cho nhau những tấm hình họ vừa xem được:
Năm 2003, tôi trở lại để thăm trại tị nạn, thấy cảnh mồ xiêu, mả lạc của thuyền nhân, tôi đã nỗ lực để làm tổ chức này. Đồng thời mục tiêu chánh là để sưu tập hình ảnh tài liệu liên quan đến thuyền nhân để làm di sản cho con cháu mai sau.
Ông Trần Đông
“Nhớ lại bao nhiêu là kỷ niệm, chảy nước mắt luôn!. Cái hình này là lên chiếc ghe để đi sang Singapore, trên đường đi Hoa Kỳ. Mình chỉ là một trong bao nhiêu người đã ra đi nhưng mình may mắn còn sống chứ bao nhiêu người đã mất rồi …”
Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam do kỹ sư Trần Đông sáng lập từ năm 2005. Ông Trần Đông vượt biển tìm tự do và đến được đảo Bidong – Mã Lai - năm 1989 lúc 37 tuổi sau nhiều gian khó, hiện đang định cư tại Úc. Kỹ sư Trần Đông cho biết lý do ông thành lập Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam như sau:
“Tôi thực hiện Văn Khố Thuyền Nhân là vì cái chặng đường vượt biên của tôi rất là gian khổ, cho nên khi đặt chân được đến trại tị nạn thì đó là một diễm phúc rất là lớn. Năm 2003, tôi trở lại để thăm trại tị nạn và mồ mả thuyền nhân, thấy cảnh mồ xiêu, mả lạc của thuyền nhân đã cùng cảnh ngộ với mình ra đi tìm tự do nhưng không may mắn, đã chết rồi thì ít nhất cũng được mồ yên mả đẹp, do đó tôi đã nỗ lực để làm tổ chức này. Đồng thời mục tiêu chánh là để sưu tập hình ảnh tài liệu liên quan đến thuyền nhân để làm di sản cho con cháu mai sau …”
Vì hai chữ “Tự Do”
Trong phần chào đón quan khách, trưởng ban tổ chức cuộc triển lãm tại Houston là nha sĩ Chu Văn Cương, đã nói về cuộc hành trình tìm Tự Do của người Việt Nam :
“Kể từ năm 1975, hàng triệu người đã vượt sóng băng rừng, bất chấp đại dương bao la, rừng sâu, biển động chỉ vì 2 chữ Tự Do. Những cuộc hành trình hãi hùng đầy đau thương và nước mắt chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng cứ mỗi một người Việt Nam đến được bến bờ tự do thì có 1 người Việt Nam khác đã phải bỏ mình trong lòng biển cả. Biết bao nhiêu gia đình có thân nhân bị mất tích, có biết bao nhiêu người chồng bị mất vợ, mẹ bị mất con, gia đình bị ly tán…”
Và ông cũng cho biết thêm:
“Mặc dầu chúng tôi còn rất là trẻ tuổi, cha mẹ cho mình vượt biên lúc đó chỉ mới 12, 13 tuổi thôi, đến trại tị nạn Pulau Tanga năm 1981. Trong thời gian mấy chục năm vừa qua, chúng tôi đọc sách vở thì thấy Lịch sử Việt Nam sao mà bi thảm quá. Sau này lại được dịp tiếp xúc với các chú các bác thì biết là có những chuyến đi mà tất cả mọi người đều chết hết, rồi có những cô gái bị hải tặc bắt đi…, Từ đó tôi mới có những thao thức, và đó là động cơ đẩy tới để làm công việc này.”
Một trong những thuyết trình viên của buổi triển lãm là luật sư Nguyễn Mỹ Linh, đến từ California tâm sự rằng trong cuộc hành trình tìm tự do của 2 chị em bà, người em trai của bà đã bỏ mình trên đại dương mà nếu còn sống thì 18 tháng 4 chính là sinh nhật của ông:
“Hôm nay là ngày 18 tháng 4, nếu em trai của tôi còn sống trong chuyến hải hành đi chung với tôi thì hôm nay em trai của tôi sẽ mừng sinh nhật thứ 45. Nhưng rất tiếc là trong chuyến hải hành đó, em trai của tôi đã phải bị hải táng trên biển đông”
Bà Mỹ Linh cũng chia sẻ rằng là một luật sư di trú của Úc, bà đã khám phá ra là nhiều quốc gia như NaUy, Úc, Hoa Kỳ… đã thay đổi luật di trú để nhận người tị nạn Việt Nam khi họ biết có quá nhiều thuyền nhân đã bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp và bỏ mình trên biển cả:
“… những con người đau khổ đó, những cái chết của họ không thể nào là những cái chết vô vọng được. Những cái chết của họ là những viên gạch lót đường cho thế giới tự do nhìn tới và mở rộng chính sách di trú để đón nhận người tị nạn Việt Nam. Không phải tự nhiên mà các nước như là Hoa Kỳ, Úc, Pháp, nhất là NaUy là một nước không có dính dáng gì đến chiến tranh Việt Nam hết, mà họ mở rộng chính sách di trú của họ để đón người Việt Nam tị nạn. Không phải tự nhiên mà chuyện đó xảy ra.
Nhưng vẫn là như vậy (nếu phải chọn lựa) vì 2 chữ Tự Do rất có giá trị, cho nên hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cõi chết …
Một thuyền nhân
Chính vì cái chết của hàng trăm ngàn người đã nằm xuống lòng biển cả, chính vì những câu chuyện thương tâm của những người đã từng bị hãm hiếp và của những em bé đã chết trôi nổi trên biển, chính vì những ngôi mồ tập thể vẫn còn nằm lại ở Mã Lai, ở Nam Dương, và chính vì những câu chuyện thương tâm đó mà đã tạo cơ hội cho những thuyền nhân như tôi được hưởng cái chính sách di trú rất khoan hồng của các nước như Úc, như Hoa Kỳ, và nhiều nước phương tây khác nữa…”
Dù trải qua bao nhiêu gian khổ, dù biết đã không ít người vùi thây trong lòng biển cả hay trên rừng sâu nhưng những thuyền nhân Việt Nam vẫn khẳng định là nếu phải sống dưới chế độ cộng sản thì họ sẽ không ngần ngại vượt biên một lần nữa để tìm Tự Do:
“Trên tàu của em có 34 người thì bị mất tích 32 người vì hải tặc. Trước khi mà nó hành hung và bắt cóc phụ nữ thì nó đã đâm chiếc tàu cho chìm thì mạnh ai nấy lội, ông chú ruột cũng mất tích luôn. Nhưng nếu chế độ cộng sản mà cứ đàn áp như vậy thì mình cũng phải ra đi thôi chứ không thể nào có chọn lựa được.”
“Em đi tại Cà Mau, trên ghe là 22 người, sau khi đi khuất khỏi Vòm Khoai thì bị công an biên phòng đuổi và đêm hôm đó sóng rất là lớn và đến trưa hôm sau thì gặp hải tặc Thái Lan. Nhưng vẫn là như vậy (nếu phải chọn lựa) vì 2 chữ Tự Do rất có giá trị, cho nên hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cõi chết …”
Hiền Vy tường trình từ Houston
Theo dòng thời sự:
- Thảm cảnh thuyền nhân trong các trại tị nạn Hồng Kông
- Video: thuyền vượt biển lênh đênh trong vịnh Thái Lan
- Cái giá của Tự Do
- Thuyền Nhân VN, quảng đời trong các trại tị nạn
- Những bàn tay cứu vớt
- Vượt biên đường bộ: cuộc trốn chạy bằng chân
- Thuyền nhân khúc ruột ngàn dặm
- Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai.
- Phức tạp trong trường hợp tỵ nạn của một bác sĩ
- Cuộc trốn chạy bằng chân