Công sức bỏ ra nhiều
Nông dân nói chung thu lợi không được bao nhiêu vì mảnh ruộng của họ nhỏ, họ không định giá hạt lúa làm ra, mà chính thương lái mới trực tiếp đến mua lúa và ra giá cho nông dân.
Sản xuất và lưu thông lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một hệ thống bất hợp lý nhưng tồn tại như một thực tế. Thương nhân mua lúa của nông dân, bán cho doanh nghiệp xay xát chế biến, sau cùng mới tới tay doanh nghiệp xuất khẩu. Có quá nhiều trung gian trước khi hạt gạo được bán ra nước ngoài.
Đời sống người nông dân làm lúa tùy thuộc những yếu tố mang nặng tính rủi ro, như thời tiết, sâu bệnh, vật tư nông nghiệp đầu vào, lãi suất vay vốn làm mùa.
Do vậy người trồng lúa hưởng lợi rất ít, theo tính toán của các chuyên gia, trong cả chuỗi sản xuất chế biến tiêu thụ lúa gạo, nông dân đảm trách 50% công việc, những người buôn bán chỉ làm 10% công việc nhưng lại hưởng tới 70% giá trị gia tăng. TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội, nhân dịp đầu năm 2010 đã đưa ra những nhận xét về vị thế xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới của Việt Nam:
“Việc Việt Nam xuất khẩu gạo và duy trì được an ninh lương thực là một thành tựu rất đáng trân trọng. Tuy vậy về mặt chi tiết, trong thời gian tới Việt Nam khó có khả năng tăng thêm về mặt số lượng và hướng phát triển lúa gạo xuất khẩu phải là hướng coi trọng chất lượng, coi trọng việc tạo đuợc thương hiệu gạo Việt Nam trên trường thế giới, qua đó nâng cao được giá xuất khẩu nâng cao được thu nhập cho người nông dân.
Đó là cách có thể làm được, bởi vì trong một tương lai không xa Việt Nam phải đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, lúc bấy giờ những yếu tố như đất đai để trồng lúa sẽ bị hạn chế rất nhiều.”
Đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa xuất khẩu của cả nước, diện tích đất trồng lúa khoảng 1 triệu 600 ngàn ha, nông dân có thể làm 3 vụ lúa quanh năm. Đời sống người nông dân làm lúa tùy thuộc những yếu tố mang nặng tính rủi ro, như thời tiết, sâu bệnh, vật tư nông nghiệp đầu vào, lãi suất vay vốn làm mùa.
Nhưng hệ trọng nhất là lệ thuộc yếu tố đầu ra, qua chính sách điều hành xuất khẩu gạo với vai trò chi phối của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA. Khi đầu ra xuất khẩu chạy đều thì nông dân mới có hy vọng bán được lúa, chưa nói tới vấn đề giá cả.
Lợi nhuận thu về ít
Trong nhiều năm qua, VFA chủ đạo hoạt động xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi, Hiệp Hội chú trọng tới chỉ tiêu xuất khẩu chính phủ giao và quan tâm lợi ích của các doanh nghiệp thành viên. Quyền lợi của nông dân không phải là vấn đề mà giới doanh nhân chú ý tới. Mãi tới vụ hè thu 2009, Hiệp Hội mới áp dụng mua gạo theo giá sàn, bảo đảm tương đương giá lúa nông dân có lãi 30%.
Hiệp Hội chú trọng tới chỉ tiêu xuất khẩu chính phủ giao và quan tâm lợi ích của các doanh nghiệp thành viên. Quyền lợi của nông dân không phải là vấn đề mà giới doanh nhân chú ý tới.
Tuy nhiên do sự kiện doanh nghiệp mua gạo và không trực tiếp mua lúa của nông dân, nên vấn đề bán lúa có lãi 30% khó có sự bảo đảm. Dù sao khi chính phủ và Hiệp Hội không hạn chế xuất khẩu gạo, thì nông dân có cơ hội bán lúa được giá.
Người nông dân cam chịu với sự lệ thuộc vào hệ thống nhiều tầng trong kinh doanh lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long:
“ Nông dân cần có chân trong hiệp hội xuất khẩu gạo để bênh vực quyền lợi của mình, lúc nào nên xuất lúc nào nên dừng, hay giá cả như thế nào, rồi biết phải trồng cây gì lúa gì.”
Hiểu biết về đồng ruộng, cây lúa và những khó khăn của người nông dân, TS Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ước mong có nhiều đột phá trong chính sách, để giúp nông dân có thu nhập xứng đáng hơn:
“ Năm 2009 xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo là điều rất quí, nhưng chúng tôi băn khoăn là số lượng nhiều nhưng giá trị không nhiều. Cần cải thiện khâu sau thu hoạch và kho trữ. Bởi vì theo nguyên tắc doanh nghiệp mua lúa gạo hàng hóa tồn trữ trong kho, rồi dự báo thị trường thế giới lúc nào thì nên bán, cũng như trường hợp Thái Lan họ chọn thời điểm bán, như vậy mới bán được giá cao.
Nếu kho tàng không tốt, dự trữ không nhiều thì giá bán không được như mong muốn, như vậy rất thiệt thòi. Tôi hy vọng Nhà nước đã quan tâm tới vấn đề kho tàng, sẽ có cải thiện tốt hơn trong những năm sắp tới.”
Một trong những mặt yếu của sản xuất lúa gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long là tư duy tiểu nông, người nông dân không tập họp lại được với nhau và không có tiếng nói đủ uy thế về sản phẩm mình làm ra.
TS Lê Văn Bảnh tiếp lời: “Nên có sự liên kết vùng sản xuất giữa các tỉnh, mối liên kết 4 nhà cần thực hiện tốt (Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học). Làm sao để nông dân sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam có vấn đề nông hộ nhỏ, nếu phải ký với từng nông hộ thì doanh nghiệp không xử lý hết.
Do vậy giải pháp là phải tiến tới có sự hợp tác tạo những vùng chuyên canh lớn, như vậy doanh nghiệp mới có khả năng đặt hàng ký hợp đồng và đầu tư. Trong trường hợp này người nông dân có sự ổn định yên tâm đầu tư sản xuất và đem lại hiệu quả. Hiện nay nông dân trồng cây gì hoặc nuôi con gì nhưng thực chất chưa biết bán cho ai, giá bao nhiêu. Vấn đề này sẽ được cải tổ, cải thiện trong thời gian tới.”
Việt Nam đã liên tục xuất khẩu gạo từ 20 năm qua, nhưng phải đến 2009 chính phủ mới thúc đẩy 2 Tổng Công Ty Lương Thực Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo, nhà máy xay xát lúa gạo. Những dự án còn ít ỏi này cũng phải mất thời gian mới hoàn tất. Bộ Công Thương và Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ cải tổ qui chế điều hành xuất khẩu gạo.
Dự thảo liên quan đã được tu chính tới lần thứ tư nhưng cho đến hết năm 2009 vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Đối với nông dân họ hy vọng mọi sự cải tổ sẽ làm cho người trồng lúa có thu nhập tốt hơn, xứng đáng với công sức bỏ ra.