Ông Cù Huy Hà Vũ tiếp tục nạp hồ sơ lên Tòa Án Nhân Dân Tối Cao với hy vọng nếu tòa dưới chỉ xét đơn kiện cấp bộ trưởng thì tòa trên sẽ thụ lý đơn kiện cấp thủ tướng.
Qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, Luật sư Cù Huy Hà Vũ trình bày luận cứ vì sao ông tin tưởng tòa trên sẽ phải xét đơn kiện của ông:
Tin tưởng Tòa Án Nhân Dân Tối Cao phải xét đơn kiện
LS Cù Huy Hà Vũ: Bây giờ tôi vẫn chưa mường tượng ra là họ không thụ lý cái đơn khởi kiện như thế nào, bởi vì rõ ràng nếu mà tòa án cấp tỉnh - thành phố chỉ thụ lý những đơn khởi kiện bộ trưởng hoặc cấp tương đương trở xuống thì đương nhiên tòa án tối cao phải thụ lý đơn khởi kiện từ cấp bộ trưởng trở lên mà trong trường hợp này là đơn khởi kiện thủ tướng. Đấy là cái logic mà bản thân tôi cũng biết rằng cái việc khai thác bauxite thì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là chủ trương rất lớn của đảng và nhà nước thì cái việc tôi khởi kiện nó không chỉ đơn thuần là khởi kiện thủ tướng, mà rõ ràng hiểu theo một nghĩa rộng là tôi khởi kiện cả cái ban lãnh đạo Việt Nam bởi vì đã ra một chủ trương mà theo tôi thì nó không có lợi cho đất nước, ít nhất trong giai đoạn hiện nay. Như vậy cái đơn khởi kiện của tôi chắc chắn vấp phải rào cản của cả một cái mà ta có thể nói là của cả một hệ thống chính trị Việt Nam, và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao cũng nằm trong hệ thống chính trị đó, cho nên cái việc Tòa Án Nhân Dân Tối Cao sẽ tìm cách để thoái thác thụ lý đơn khởi kiện của tôi là điều dễ hiểu. Nhưng, ý muốn là một chuyện, còn khả năng thoái thác được hay không lại là một chuyện khác.
Như vậy cái đơn khởi kiện của tôi chắc chắn vấp phải rào cản của cả một cái mà ta có thể nói là của cả một hệ thống chính trị Việt Nam, … , cho nên cái việc Tòa Án Nhân Dân Tối Cao sẽ tìm cách để thoái thác thụ lý đơn khởi kiện của tôi là điều dễ hiểu.
LS Cù Huy Hà Vũ
Tôi không phải là người mộng tưởng, nhưng tôi có thể đặt ra 4 khả năng sau đây:
- Thứ nhất, ông chánh án tòa án tối cao lời rằng "đúng - tòa án tối cao có thẩm quyền để thụ lý đơn khởi kiện của công dân Cù Huy Hà Vũ vì những lý lẽ đã rõ", và tôi cho rằng trong trường hợp này đó là thái độ dũng cảm. Chuyện gì thì cũng phải thụ lý đơn của tôi bởi vì không có lẽ bộ trưởng trở xuống thì có người thụ lý mà trên bộ trưởng lại không có người thụ lý?
- Khả năng thứ hai có thể xảy ra là ông chánh án tòa án tối cao sẽ nói rằng "thưa công dân Cù Huy Hà Vũ, đây là cái việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam, chưa bao giờ có chuyện thủ tướng là bị đơn cả, cho nên việc này rất là đặc biệt và chúng tôi sẽ phải xin phép quốc hội lập ra một tòa án đặc biệt để thụ lý đơn khởi kiện của ông và đưa vụ án ra xét xử." Đấy là trường hợp thứ hai có thể xảy ra và chuyện này là hoàn toàn chính đáng thôi, bởi vì, theo hiến pháp thì có trường hợp trong tình trạng đặc biệt thì quốc hội sẽ lập ra tòa án đặc biệt. Tôi thấy khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.
- Khả năng thứ ba, ông chánh án tòa án nhân dân tối cao trả lời rằng "ông chánh án không biết được ở Việt Nam có tòa án nào có thẩm quyền để thụ lý đơn của công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện thủ tướng và cũng thành thật mong công dân Cù Huy Hà Vũ thông cảm. Chúng tôi tìm trong tất cả các sách vở, tham khảo mãi mà không tìm thấy tòa án nào có khả năng thụ lý đơn khởi kiện của ông cho nên thấy rất phiền lòng phải tuyên bố là chúng ta chấp nhận tức là cấp bộ trưởng trở xuống thì có thể bị khởi kiện, còn không có quy định nào cho phép khởi kiện thủ tướng cả."
- Và khả năng thứ tư là tòa án nhân dân tối cao im lặng. Nhưng mà tôi cho khả năng này có nhưng không thể xảy ra bởi vì cái việc đơn kiện của tôi là theo một thủ tục tố tụng, tức là nếu tòa án cấp dưới không giải quyết được thì tòa án cấp trên cũng phải xem xét để giải quyết. Còn vấn đề họ trả lời là họ không thụ lý đơn của tôi với lý do a, b, c thì cái chuyện đấy là vấn đề của tòa án, chứ không thể không trả lời được trong trường hợp của tôi khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức là đã đưa vụ việc ra trong vòng tố tụng, tức là có một cơ chế bụôc tòa án phải trả lời, hay nói cách khác là có một chế tài. Nếu mà không trả lời tức là đập tan hệ thống luật pháp của Việt Nam. Còn cái lý do mà tòa án sẽ đưa ra để thụ lý thì lúc ấy tôi sẽ xem xét tiếp.
Chống đối chủ trương khai thác bauxite
Thanh Trúc: Thưa LS Cù Huy Hà Vũ, ông nói ông kiện thủ tướng trong tư cách một công dân, và ông cũng nói rằng vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên là vấn đề tồn vong của đất nước, vậy nó là vấn đề chung. Tại sao ông lại đơn độc kiện thủ tướng thay vì lấy chữ ký của nhiều công dân khác, càng nhiều càng tốt, để có ý kiến chung của đại đa số quần chúng, trong đó có ông?
LS Cù Huy Hà Vũ: Chuyện này thì hoàn toàn đơn giản. Thứ nhất, theo pháp luật thì tôi hành động và tôi không việc gì phải liên kết với người này người kia. Tôi thấy không cần thiết. Còn nếu sau việc tôi khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, những người khác thấy việc làm của tôi là có lý thì từng công dân Việt Nam đều có thể gửi đơn khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và số lượng đơn đấy sẽ trở thành một vấn đề rất là lớn mà các tòa án nhân dân ở Việt Nam phải xem xét. Thế thì vấn đề không phải là đơn độc hay là cá nhân mà là cái vấn đề tôi chống lại sự sai trái đó.
Còn nếu sau việc tôi khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, những người khác thấy việc làm của tôi là có lý thì từng công dân Việt Nam đều có thể gửi đơn khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng,…
LS Cù Huy Hà Vũ
Thanh Trúc: Thưa LS Cù Huy Hà Vũ, có khi nào nhà nước cũng dựa vào luật pháp để cáo buộc ông những tội thí dụ như là sách động, chống lại chủ trương chính sách của nhà nước, hoặc một tội nữa gọi là bất đồng chính kiến, nếu chuyện đó xảy ra thì ông sẽ phải đối phó như thế nào?
LS Cù Huy Hà Vũ: Tôi có thể khẳng định ngay rằng những trường hợp đấy không xảy ra. Thứ nhất, chống việc triển khai bauxite, cụ thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ổng chống thủ tướng. Rồi hàng nghìn hàng nghìn trí thức ký vào trong kiến nghị do nhóm GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, rồi GS Nguyễn Thế Hùng chống thẳng thừng, chỉ có cái là phương pháp khác nhau. Tôi thể hiện việc chống đối của tôi đối với chủ trương khai thác bauxite, dù đó là chủ trương của đảng và nhà nước, tôi thể hiện dưới hình thức là kiện thủ tướng.
Về vấn đề bất đồng chính kiến thì quan điểm của tôi là mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình, đấy là chuyện hoàn toàn bình thường. Quan điểm chính trị của mỗi người phải được tôn trọng. Vả lại, điều này hoàn toàn phù hợp với quyền tự do ngôn luận đã được hiến pháp quy định. Vả lại, những chuyện bất đồng chính kiến cũng thể hiện sự đa dạng trong cuộc sống, ví dụ trong nền kinh tế như ở Việt Nam hiện nay có thành phần kinh tế nhà nước, cũng có thành phần kinh tế tư bản, có thành phần kinh tế tư nhân, thì chính sự đa dạng tạo ra một cuộc cạnh tranh cực mạnh, và chính sự cạnh tranh đó sẽ làm nên những sản phẩm tốt nhất, thì trong chính trị cũng vậy mà thôi. Để có được một chính quyền phục vụ nhân dân tốt nhất thì cũng cần phải có sự cạnh tranh và tất nhiên là hoàn toàn lành mạnh, phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường.
Thanh Trúc: Thưa LS Cù Huy Hà Vũ, xin cảm ơn thời giờ của ông đã dành để trả lời Đài chúng tôi.
LS Cù Huy Hà Vũ: Vâng. Cảm ơn.