Brazil có nữ tổng thống đầu tiên

Quốc gia lớn nhất châu Mỹ La tinh là Brazil vừa có một vị tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử của mình. Đó là bà Dilma Rousseff, kinh tế gia, cựu chánh văn phòng của đương kim tổng thống Lula da Silva.

0:00 / 0:00

Vượt xa đối thủ

Người dân Brazil vào đầu tuần này lại có dịp được ăn mừng náo nhiệt, không phải bởi vì những lễ hội festival nổi tiếng của nước này hay bởi trái bóng tròn. Họ chào đón vị nữ tống thống đầu tiên của mình, bà Dilma Rousseff.

Tiếng vỗ tay và reo hò của những người ủng hộ bà Rousseff vỡ ra khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống hôm chủ Nhật được công bố. Bà Rousseff, 62 tuổi, ứng cử viên Đảng Lao Động đã dành được 56% số phiếu, vượt xa đối thủ của mình là ông Jose Serra, cựu Thị trưởng thành phố Sao Paolo, người dành được 44% số phiếu.

Bà Rousseff có cha là một người nhập cư người Bulgary. Khi mới 19 tuổi, và đang là sinh viên kinh tế, bà Rousseff đã tham gia phòng trào kháng chiến chống lại chế độ độc tài, và là người theo chủ nghĩa Mác-Xít. Bà bị chính quyền lúc đó gọi là Joan of Arc, tức là Jeanne d' Arc, của Brazil. Năm 1970, bà bị bắt bỏ tù với mức án là 6 năm tù giam và 18 năm không có quyền chính trị. Trong thời gian ở tù bà đã phải chịu nhiều cực hình. Năm 1973, bà đã được thả tự do.

Sau khi được ra khỏi tù, bà đã về Porto Alegre và tiếp tục học đại học để hoàn thành nốt chương trình kinh tế vào năm 1977.

Đầu những năm 1980 là giai đoạn bà bắt đầu tích cực vào các hoạt động chính trị tại Brazil. Bà đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng Năng lượng, Truyền Thông, và chức vụ gần đây nhất là Chánh văn phòng Tổng Thống.

Chiến thắng của bà Rousseff hôm chủ nhật vừa qua được cho là do có sự ủng hộ tối đa của đương kim tổng thống Lula de Silva. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Silva sẽ hết vào cuối năm nay sau 8 năm. Theo hiến pháp của Brazil, ông không thể tiếp tục làm tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ ba dù ông vẫn được đông đảo người dân Brazil ủng hộ.

Chính Tổng thống Silva đã chỉ định bà Rousseff là người kế nhiệm mình. Chính bà Roussef, trong bài phát biểu của mình vào hôm chủ nhật vừa qua đã nhìn nhận những đóng góp của ông Silva cho thắng lợi của mình và nói bà sẽ tiếp tục tìm đến ông để có sự giúp đỡ trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, nhiệm kỳ tổng thống của bà Rousseff sẽ có cả những thuận lợi và khó khăn.

Dilma Rousseff, ứng cử viên tổng thống của Đảng Lao động, nở nụ cười sau khi biểu quyết tại Porto Alegre, bang Rio Grande do Sul, trong cuộc tổng tuyển cử của Brazil, ngày 3 Tháng 10 năm 2010. PHOTO: PAULO Pinto / AGENCIA Estado / AE.
Dilma Rousseff, ứng cử viên tổng thống của Đảng Lao động, nở nụ cười sau khi biểu quyết tại Porto Alegre, bang Rio Grande do Sul, trong cuộc tổng tuyển cử của Brazil, ngày 3 Tháng 10 năm 2010. PHOTO: PAULO Pinto / AGENCIA Estado / AE.

Những thuận lợi trước tiên phải nói đến đó là tốc độ phát triển kinh tế của Brazil ở mức 7% một năm, ngay cả trong giai đoạn nhiều nước trên thế giới đang phải lao đao về cuộc khủng hoảng tài chính. Niềm tin của người tiêu dùng trong nước đang tăng cao, mức thất nghiệp của Brazil đã xuống đến mức kỷ lục là 6,2%.

Một thuận lợi nữa mà bà Rousseff được thừa hưởng từ sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Silva là sự thành công của chương trình xóa đói giảm nghèo. Các chương trình xã hội và chính sách kinh tế của Tổng thống Silva đã khiến 20 triệu người Brazil thoát mức nghèo đói và khoảng 19 triệu người khác được lên mức trung lưu.

Người có nhiều kinh nghiệm

Mặt khác, là người đã từng giữ nhiều trọng trách trong chính phủ, bà cũng được coi là người có kinh nghiệm quản lý. Thêm vào đó bà được mệnh danh là ‘Người đàn bà thép’ vì ý chí chiến đấu của mình.

Thế nhưng, những thuận lợi của bà Rousseff cũng được coi là con dao hai lưỡi. Mặc dù là người được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đương kim tổng thống Silva, nhưng với 80% người ủng hộ, ông Silva có thể bị coi là cái bóng quá lớn cho bà Rousseff để vượt qua.

Thêm vào đó là di sản chi tiêu chính phủ đang tăng. Trong bài phát biểu hôm chủ nhật, bà Rousseff hứa sẽ kiểm soát chặt chẽ chi tiêu chính phủ, cắt giảm gánh nặng thuế của Brazil, vốn đang chiếm đến hơn 34% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn rất nhiều so với những nền kinh tế mới nổi khác trong nhóm BRIC của thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thêm nữa là sự tăng giá của đồng Brazil, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của nước này. Hiện cả Tổng thống Silva và bà Rousseff đều đổ lỗi cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc trong việc kìm giá đồng tiền của mình, làm ảnh hưởng đến các nước khác, trong đó có Brazil.

Không những thế, các nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại về khả năng duy trì mức tăng trưởng kinh tế 7% của Brazil trong thời gian sắp tới khi chính bà Rousseff đã từng nói rằng bà không có ý định có những cải cách lớn đối với nền kinh tế.

Với việc bà Rousseff thắng cử trở thành tổng thống mới của Brazil, người dân Brazil trông đợi bà sẽ tiếp tục những chiến lược, và chính sách của Tổng thống Silva đã đưa Brazil đến những thành công ngày hôm nay, nhất là trong xóa đói giảm nghèo. Và đó cũng chính là lời hứa mà bà đã đưa ra.

Brazil đón chào vị tổng thống nữ đầu tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có rất nhiều thay đổi lớn. Bà đã từ chối thay đổi luật lao động của Brazil, một trong các luật lao động khắc nghiệt nhất trên thế giới. Điều này, theo các nhà phân tích, có nghĩa rất có thể sẽ dẫn đến việc xóa sổ các liên đoàn lao động. Các nhà phân tích cũng cho rằng, là một người theo đạo công giáo, bà Rousseff chắc sẽ không ủng hộ việc gỡ bỏ lệnh cấm phá thai và cho phép kết hôn đồng giới ở Brazil.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, bà Rousseff sẽ chính thức nhậm chức trở thành tổng thống Brazil. Sẽ còn nhiều mong đợi và câu hỏi dành cho bà tổng thống mới, nhưng dù thế nào, việc bà thắng cử cũng đủ để khiến người dân Brazil cuồng nhiệt đổ ra đường và hát mừng nữ tổng thống mới đầu tiên trong lịch sử nước mình.

Theo dòng thời sự: