Sau một thời gian tạm hoãn việc thăm dò, tập đoàn dầu khí BP của Anh chính thức loan báo rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3 nằm ngoài khơi Việt Nam.
Một viên chức của BP cho biết sau khi rà soát lại dự án đầu tư dựa trên các yếu tố thương mại và kỹ thuật, BP quyết định rút khỏi dự án tham dò tại hai lô 5.2 và 5.3.
Hiện BP chưa có bình luận gì khác vì còn đang đàm phán với PetroVietnam và các đối tác khác để có thể hoàn tất việc rút khỏi dự án trong năm nay.
Ngoài BP với 55,5% cổ phần ở lô 5.2 và 60% cổ phần ở lô 5.3, các đối tác khác trong dự án là PetroVietnam và ConocoPhillips của Mỹ.
Từ tháng Sáu 2007, báo chí trong nước đưa tin là British Petroleum BP tạm đình chỉ việc khảo sát địa chấn tại hai lô trên khi nhận ra áp lực từ vấn đề tranh chấp chủ quyền vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi đó, phát ngôn nhân của BP giải thích lý do tạm hoãn là để cho các nước có cơ hội giải quyết vấn đề tranh chấp.
Chuyện có nhiều vấn đề chứ không đơn giản. Vấn đề thứ nhất là BP có nhiều quyền lợi rất lớn ở bên Trung Quốc và có thể cũng vì sức ép của Trung Quốc mà có quyết định như vậy.
Chuyên gia KTTC Bùi Kiến Thành
Đến hôm thứ Sáu vừa rồi thì tin BP rút khỏi dự án thăm dò tại hai lô 5.2 và 5.3 được đăng trên Dow Jones Newswire. Bản tin cũng trích dẫn lời ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính tại Hà Nội, rằng sự kiện này gây khá nhiều trở ngại cho nổ lực khai thác và sản xuất dầu khí của Việt Nam.
Sức ép của Trung Quốc?
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội, ông Bùi Kiến Thành nhận định:
“BP và ConocoPhillips đã đi thăm dò, khảo sát hai lô này từ nhiều năm rồi, thì cũng bắt đầu có kết quả ban đầu về lượng khí và lượng dầu. Như vậy BP và Conoco đã rất quan tâm và rất tích cực trong vấn đề thăm dò. Nhưng bây giờ tới khi mà khai thác thì BP lại có ý định khác. Chuyện có nhiều vấn đề chứ không đơn giản.
Vấn đề thứ nhất là BP có nhiều quyền lợi rất lớn ở bên Trung Quốc và có thể cũng vì sức ép của Trung Quốc mà có quyết định như vậy, trong lúc Conoco thì chưa thấy động tịnh gì nhưng nếu BP rút thì Conoco có lẽ cũng phải suy nghĩ lại và tìm một đối tác khác có thế vững mạnh như BP để hợp lực.”
Vẫn theo lời phân tích của ông Bùi Kiến Thành, ngoài ra thì còn phải nói đến kỹ thuật. Việc khai thác hai lô 5.2 và 5.3 cũng không đơn giản. Về vấn đề lượng khí có nhiều chất Co2 thì phải giải quyết, ở tại vùng mà khi khoan xuống có những yếu tố đại loại như nhiệt độ cao, mà muốn giải quyết vấn đề khai thác trong vùng có nhiệt độ cao thì chưa có được công nghệ cần thiết để thực hiện.
Cần rõ là hai lô 5.2 và 5.3, mà BP được quyền thăm dò, thuộc hai mỏ dầu khí Hải Thạch và Mộc Tịnh tìm thấy từ năm 1996, nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa cách bờ biển Việt Nam chừng 370 kilômét.
Trước đó, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối chuyện chính phủ Việt Nam cho phép đối tác nước ngoài khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa tức là vùng có sự tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, các cộng đồng về công nghiệp dầu khí trên thế giới đều rõ về tình hình tranh chấp Trường Sa Hoàng Sa giữa Trung Quốc và một số nước trên biển Đông trong đó có Việt Nam:
Các công ty lớn như BP hay những công ty quốc tế khác đều có nhận được thư chính thức của Trung Quốc gởi đến, nêu vấn đề là giữa Trung Quốc với Việt Nam có tranh chấp và yêu cầu các công ty đó thận trọng.
Chuyên gia KTTC Bùi Kiến Thành
“Các công ty lớn như BP hay những công ty quốc tế khác đều có nhận được thư chính thức của Trung Quốc gởi đến, nêu vấn đề là giữa Trung Quốc với Việt Nam có tranh chấp và yêu cầu các công ty đó thận trọng. Những công ty nào nhận được thư đó thì cũng phải tính toán cái quyền lợi của mình đối với Trung Quốc như thế nào và quyền lợi của mình đối với Việt Nam như thế nào. Dầu rằng vị nào đấy đại diện cho BP không nói thì mọi người cũng đều biết cả. Các chuyên gia của BP cũng phải nghiên cứu kỹ trước khi thật sự đầu tư những số tiền lớn để bước từ giai đoạn thăm dò qua giai đoạn khai thác.”
Nguồn tin BP rút khỏi tiến trình thăm dò tại hai lô ngoài thềm lục địa Việt Nam được đưa ra vào khi ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc là ông Đới Bỉnh Quốc đang có mặt tại Việt Nam.
Dưới mắt chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, khi một tập đoàn lớn như BP và ConocoPhillips tham gia khai thác thì đó là thế mạnh cho Việt Nam trong giai đoạn từ thăm dò đến sản xuất. Ngược lại, khi BP loan báo rút lui thì nhiều câu hỏi được đặt ra:
“Cái khó khăn bây giờ là BP rút lui thì Việt Nam phải lo tìm đối tác khác vừa có đủ năng lực tài chính vừa năng lực công nghệ, thì có thể làm chậm trể cho Việt Nam trong một thời gian. Tuy nhiên nói rút lui không hẳn thật sự đơn giản, tại vì hai lô này đã có phần nào đấy diện tích thì BP và Conoco đã thăm dò và phần lớn diện tích còn lại là chưa thăm dò. Thế thì BP rút lui là rút hết thảy ra khỏi hai lô đấy, trả lại cho Việt Nam toàn thể diện tích hay BP muốn trả lại một phần còn thì giữ lại cái phần đã thăm dò. Nếu mà rút lui hết thì vấn đề chi phí thăm dò của BP tính cho đến nay sẽ giải quyết như thế nào? BP có chịu bỏ hết tất cả mà đi hay BP còn đòi Việt Nam phải hoàn trả lại phí thăm dò? Tất cả những chuyện đấy chưa rõ ràng, phải theo dõi thêm chứ còn những thông tin như vậy mới chỉ phản ảnh được một phần chứ chưa nói hết vấn đề cần biết.”
Tập đoàn dầu khí Anh quốc British Petroleum BP khởi sự hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989. Hiện BP còn một dự án đầu tư và khai thác dầu khí tại hai mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thuộc Nam Côn Sơn với chi phí một tỷ ba trăm triệu đô la. Đây là dự án qui mô với công trình ống dẫn khí từ biển vào đất liền và công trình nhà máy điện Phú Mỹ tại Bà Rịa Vũng Tàu.