Cựu đại tá Bùi Tín nói về ông Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

19/5 năm nay đánh dấu 117 năm ngày sinh cố chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam. Công luận trong và ngoài nước từ lâu đã xuất hiện hai luồng nhận định khác nhau về ông. Một bên cho rằng cụ Hồ là một anh hùng vĩ đại, còn một bên lại tố cáo ông có tội với dân tộc, gây đau thương cho biết bao nhiêu người.

BuiTinYoung200.jpg
Ông Bùi Tín, đại tá Quân Đội Nhân Dân hồi năm 1975. Hình của ông Bùi Tín.

Để tìm hiểu thêm về nhân vật lịch sử này, Trà Mi trao đổi với cựu đại tá Bùi Tín, từng là đảng viên với hơn 4 thập niên tham gia Đảng cộng sản và 37 năm góp mặt trong Quân đội Nhân dân. Với các trọng trách đựơc Đảng giao phó như Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân và báo Nhân Dân, cũng như Tổng Biên tập báo Nhân dân Chủ Nhật, ông Bùi Tín từng có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ với Hồ Chủ tịch.

Ngoài ra, do mối quan hệ mật thiết giữa thân phụ của ông với lãnh tụ Hồ Chí Minh, nên ông cũng có cơ hội được biết khá nhiều về cụ Hồ. Ông cũng chính là tác giả của rất nhiều tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng nổi tiếng này. Trước tiên, ông Bùi Tín nêu lên nhận xét chung về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cựu đại tá Bùi Tín: Ông Hồ Chí Minh là một nhà chính khách, một nhân vật lịch sử mà hiện nay trong và ngoài nước có những đánh giá trái ngược hẳn nhau.

Một số người ca ngợi ông ta đến mức như thần thánh, như một con người tuyệt đối không bao giờ có sai lầm. Trong khi đó, cũng có những người xem ông ta là một nhân vật tiêu cực và gây ra những tàn phá ghê gớm cho đất nước.

Đạo đức, nhân cách

Trà Mi: Là một người từng sống và làm việc theo lý tưởng HCM, ông nhận xét như thế nào về tư tưởng HCM, về đạo đức, nhân cách của cụ Hồ?

Càng về sau, ông Hồ càng trở thành một nhân vật thực hiện sứ mạng do quốc tế cộng sản giao cho, tức là gây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam, Đông Dương, và mở rộng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Con đường ấy, theo tôi bây giờ, đó là con đường sai lầm, đưa đất nước vào tình hình khó khăn sau này.

Cựu đại tá Bùi Tín: Sự đánh giá của tôi về ông Hồ là cả một quá trình thay đổi khác nhau. Trước đây khi còn ở trong nước thì khác. Dần dần, qua sự so sánh và nghiền ngẫm thì cách nhìn của mình trở nên đúng mức hơn, công bằng và khoa học hơn.

Tôi coi ông ta không phải là thần thánh, chỉ là một con người bình thường như mọi người khác, tức là cũng có ưu điểm và khuyết điểm, có những đóng góp tích cực và tiêu cực. Về tư tưởng, nhiều người cho rằng ông ta không phải là một người yêu nước. Còn tôi, tôi khẳng định ông ta là một nhân vật yêu nước, nhất là thời trẻ của ông.

Theo tôi, khi ông Hồ sang Pháp năm 1911 lúc đầu không phải vì mục đích đi tìm đường cứu nước. Lúc bấy giờ ông ta gặp phải một bi kịch gia đình. Ông cụ là tri huyện Bình Khê vì đánh chết nông dân nên bị đuổi ra khỏi ngành quan lại, tha phương ở phía Nam. Mất chỗ dựa, ông Hồ quyết định ra đi tìm kế sinh nhai và giúp đỡ gia đình.

Nhưng đến khi sang Pháp, khi tiếp xúc với nhóm các ông như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, cụ Phan Chu Trinh, lúc ấy, tôi nghĩ ông ta là người yêu nước, nhất là khi ông ta đứng ra làm tờ báo Những người cùng khổ, bảo vệ những người dân thuộc địa để chống thực dân Pháp, tôi cho rằng hành động này là trên lập trường yêu nước.

Thế nhưng cho đến khi ông sang Maxcơva năm 1924, trở thành nhân vật của đệ tam quốc tế cộng sản, thì tôi nghĩ, lúc ấy ông vẫn là một người yêu nước, nhưng không phải là một người yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia, mà theo chủ nghĩa cộng sản.

Càng về sau, ông Hồ càng trở thành một nhân vật thực hiện sứ mạng do quốc tế cộng sản giao cho, tức là gây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam, Đông Dương, và mở rộng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Con đường ấy, theo tôi bây giờ, đó là con đường sai lầm, đưa đất nước vào tình hình khó khăn sau này.

Ví dụ như cho đến nay, dân tộc Việt Nam ta còn quá lạc hậu về mọi mặt, từ mức sống, nhân quyền, dân quyền. Tôi nghĩ cái đó thuộc về trách nhiệm của ông Hồ rất lớn, vì đã nhầm lẫn đem một học thuyết từ Liên Xô cũ về áp dụng đến gần nửa thế kỷ nay. Bây giờ, học thuyết này đã đựơc chứng minh bằng thực tế rõ ràng là chủ nghĩa cộng sản, về mặt lý luận, xây dựng một xã hội tốt đẹp không có người bóc lột người chỉ là ảo tưởng thôi.

Chủ nghĩa cộng sản bây giờ, ở ngay nơi cốt lõi của nó là Liên Xô, cũng đã sụp đổ. Ở một loạt các nước Đông Âu, nó cũng hoàn toàn bị tan rã. Tại Việt Nam, theo chủ nghĩa này, một lý luận đựơc ông Hồ nói nhiều nhất là Việt Nam bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa đến tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.

Trải qua nửa thế kỷ, sau khi ông Hồ mất rồi thì đảng cộng sản mới thay đổi hẳn lại, tức là từ bỏ việc tiêu diệt tư nhân, tư hữu để quay trở lại với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản đến mức quá đáng là những đảng viên từ chỗ theo chủ nghĩa tập thể, bây giờ trở thành những nhà tư sản, có đất, có nhà cửa, có tư hữu bằng con đường tham nhũng chẳng hạn, để cho người dân Việt Nam đến nay có độc lập nhưng vẫn chưa có đựơc tự do của người công dân, chưa có xã hội công dân, chưa có tự do báo chí, tự do bầu cử, tự do tôn giáo..v.v..Tôi nghĩ, đấy là trách nhiệm, là mặt tiêu cực của ông Hồ còn lại, mà chúng ta cần phải nhận ra.

BuiTinHCM200.jpg
Ông Hồ Chí Minh, ông Bùi Bằng Đoàn (thân phụ ông Bùi Tín) trưởng ban Thường Trực Quốc Hội và tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ phong quân hàm Đại tướng cho ông Giáp - Việt Bắc - 1948. Hình của ông Bùi Tín.

Chủ nghĩa sùng bái cá nhân

Trà Mi: Ở Việt Nam lâu nay có phong trào sùng bái cá nhân HCM đến mức gần như là huyền thoại hoá hình ảnh của vị lãnh tụ này. Tại sao lại có tệ sùng bái, mà theo nhiều người, đến mức quá đáng như vậy, thưa ông?

Cựu đại tá Bùi Tín: Đó là theo sùng bái cá nhân của học thuyết chủ nghĩa cộng sản. Trước đây, người ta sùng bái ông Mác, Lênin, Stalin, và đến ông Hồ, xem ông ta là một con người tuyệt đối thánh thiện và không có gì sai lầm cả.

Họ cốt làm việc ấy chỉ để duy trì hình ảnh hợp pháp của đảng cộng sản trong khi ở thế giới người ta đều biết rõ là chủ nghĩa cộng sản và học thuyết Mác-Lê đã tệ hại ra sao. Bây giờ, cả Châu Âu đã ra nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản hiện thực. Chủ nghĩa cộng sản bị cấm không đựơc truyền bá ở Ba Lan chẳng hạn.

Ở Mỹ không cho những người cộng sản nhập tịch vào nước Mỹ. Tháng 6 tới đây sẽ khánh thành tượng đài kỷ niệm những nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới trong đó có hơn 30 triệu người Nga, 40 triệu người Trung Quốc, cùng các nạn nhân tại Việt Nam của các vụ án chính trị, của Cải cách ruộng đất..v..v.

Cả nhân loại văn minh, khi đã biết rõ chủ nghĩa cộng sản đã đựơc thực hiện và gây tai hoạ như thế nào, người ta còn ví von là nó còn tệ hại hơn chủ nghĩa phát xít nữa cơ mà.

Đâu là sự thật?

Trà Mi: Xung quanh hình ảnh của nhân vật Hồ Chí Minh có rất nhiều huyền thoại cũng như những lời đồn đãi khác nhau khiến cho nhiều người trẻ bối rối không biết đâu là sự thật. Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của ông, ông có những gì muốn chia sẻ với quý thính giả, đặc biệt là thế hệ trẻ?

Cựu đại tá Bùi Tín: Tuổi trẻ bây giờ quan trọng nhất là cần có tư duy độc lập. Tất cả những gì mình tiếp thu đựơc nên sàng lọc qua bộ óc, suy nghĩ của mình xem đúng hay sai. Về việc họ ca ngợi đạo đức HCM, tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải biết rõ là ông Hồ trong hoạt động cách mạng đã có sai lầm lớn tức là giả dối nhiều lắm.

Tuổi trẻ bây giờ quan trọng nhất là cần có tư duy độc lập. Tất cả những gì mình tiếp thu đựơc nên sàng lọc qua bộ óc, suy nghĩ của mình xem đúng hay sai. Về việc họ ca ngợi đạo đức HCM, tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải biết rõ là ông Hồ trong hoạt động cách mạng đã có sai lầm lớn tức là giả dối nhiều lắm.

Một ví dụ đơn giản là ông ta tự viết ra quyển sách nói về tiểu sử của mình, ký tên là Trần Dân Tiên. Trong đó viết rằng bác Hồ rất khiêm tốn, không muốn nói gì đến cá nhân của mình cho nên tác giả phải đi tìm hiểu từ những người khác xung quanh để viết về HCM. Ngoài ra, trong đó còn ghi là HCM không có vợ còn, suốt đời chỉ nghĩ đến dân tộc, thế nhưng thật ra, ông ta có nhiều vợ.

Điều này đã đựơc chứng minh đầy đủ như ông ta đã cưới bà Tăng Tuýêt Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc, có rõ cả ngày giờ, giấy hôn thú, ảnh và thư từ cơ mà.

Rồi sau này, khi ông về Hà Nội rồi, người ta cũng biết là chính ông Trần Quốc Hoàng đã bố trí cho ông Hồ một cô tên là Nông Thị Xuân, hàng tuần lễ vào gặp ông, và ông Hồ đã có con là anh Nguyễn Tất Trung năm nay đã hơn 50 tuổi. Tất cả những chuyện đó, tôi nghĩ là chúng ta cần phải biết, tuy là chuyện riêng nhưng cũng phải biết để đánh giá.

Những tài liệu cấm lưu hành

Trà Mi: Những điều ông nói có những tài liệu nào xác thực cụ thể, và những tài liệu đó bây giờ đang ở đâu?

Cựu đại tá Bùi Tín: Những tài liệu ấy Hà Nội cấm lưu hành, nhưng hiện nay trong giới nghiên cứu thì người ta biết cả rồi. Nhất là trong những tài liệu đựơc công bố ở Trung Quốc của các học giả ở Hoa Nam đã nói về mối tình và đám cưới giữa ông Hồ và bà Tăng Tuyết Minh. Bà Minh sống đến 94 tuổi.

Trước đó mấy mươi năm, bà còn muốn tìm liên lạc để gặp lại ông Hồ, thế nhưng ông Hồ không đựơc phép và cũng không muốn. Chính ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã ngăn cản chuyện đó. Những chuyện đó, trong giới sử học và trí thức, người ta biết tất cả rồi nhưng vẫn cứ che dấu. Lúc này là lúc cần phải minh bạch rõ ràng để mọi người đựơc biết đựơc đúng sự thật như thế nào.

Trà Mi: Hồi nãy ông có nhắc tới người tác giả ký tên Trần Dân Tiên viết về cuộc đời và nhân cách đạo đức của cụ Hồ cũng chính là HCM. Ông có bằng chứng nào xác thực cho luận điểm này hay không?

Những tài liệu ấy Hà Nội cấm lưu hành, nhưng hiện nay trong giới nghiên cứu thì người ta biết cả rồi. Nhất là trong những tài liệu đựơc công bố ở Trung Quốc của các học giả ở Hoa Nam đã nói về mối tình và đám cưới giữa ông Hồ và bà Tăng Tuyết Minh. Bà Minh sống đến 94 tuổi.

Cựu đại tá Bùi Tín: Điều này tôi biết từ khi còn ở trong nước. Năm 1990 khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông HCM thì chính Viện sử học Việt Nam, chính trên báo Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn " Những mẫu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra.

Cái đó có phải là do ai bịa ra đâu, mà đã chính thức đựơc chế độ cộng sản ở Hà Nội công nhận cơ mà.

Do đó, tôi nghĩ là tuổi trẻ trong nước, nhất là những người nghiên cứu lịch sử, cần phải tìm hiểu cho rõ ràng sự thật, không định kiến, không chửi rủa, nhưng nhận thức cho đúng là có thật chủ nghĩa Mác-Lê là tai hoạ trong hiện thực hay không, cụ Hồ là con người yêu nước mà mang về một học thuyết sai lầm thì nguy hiểm như thế nào.

Đã đến lúc phải tỉnh ngộ mà thay đổi suy nghĩ và từ bỏ nó chứ.

Trà Mi: Xin cảm ơn thời gian ông đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Vừa rồi là quan điểm của cựu đại tá Bùi Tín, cựu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người đã trải qua phân nửa quãng đời sống và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thế còn suy nghĩ và cảm nhận của thế hệ trẻ ngày nay về Hồ Chủ tịch ra sao? Mời quý vị đón nghe cuộc hội luận giữa các thanh niên trong và ngoài nước xung quanh đề tài này, trong chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, phát thanh vào sáng thứ tư 23/5 tới đây.