Ông cử viên chức cấp cao tham dự các cuộc đàm phán với Iran và Bắc Hàn, đồng thời đưa ra tín hiệu cho thấy khả năng của một kế hoạch rút quân khỏi Iraq.
Có nhiều câu hỏi đang được đặt ra liên quan đến việc ông Bush thay đổi thái độ. Tại sao người lãnh đạo nước Mỹ lại thực hiện chính sách mềm mỏng với Iran và Bắc Hàn ở thời điểm ông sửa soạn rời Nhà Trắng?
Phải chăng ông nhận ra được rằng chính sách cứng rắn mà ông đã thực hiện từ nhiều năm qua chưa hẳn đem lại được thành quả tốt cho bằng chính sách mềm mỏng hơn? Thay đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào đến khuôn mặt chính trị toàn cầu và ảnh hưởng sao tới cuộc bầu chọn tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây?
Hướng đi mới của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần do Nguyễn Khanh phụ trách. Bài tuần này do Thy Nga đọc.
Các quyết định được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush hay người phát ngôn của ông cho công bố trong khoảng thời gian không dầy 2 tuần lễ vừa qua đã khiến mọi người ngạc nhiên.
Trước hết, ông cử một vị phụ tá ngoại trưởng sang Geneve để cùng với các nước Tây Âu dự cuộc đàm phán với Iran, ít ngày sau đó Nhà Trắng thông báo ông đã đồng ý bàn thảo với chính phủ Baghdad về một thời điểm khởi đầu cho cuộc rút quân khỏi chiến trường Iraq, và sau đó là quyết định để bà Rice đi Singapore, dự cuộc gặp gỡ bán chính thức với các nước tham dự đàm phán 6 bên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ này mới diễn ra cách đây hơn 24 giờ đồng hồ và lần đầu tiên hai vị ngoại trưởng Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên ngồi chung một bàn hội nghị với nhau.
Nhiều thay đổi
Những điều mới được trình bày cho thấy chính sách đối ngoại của ông Bush đã thay đổi khá nhiều so với năm 2002, khi ông đưa ra phát biểu gọi Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên là 3 nước nằm trong “truc ma quỷ”.
Với Iraq, ông đơn phương quyết định đưa quân sang Baghdad lật đổ chính quyền của Saddam Hussein, sau đó cũng chính ông nhiều lần tuyên bố “không rời Iraq cho đến ngày toàn thắng”. Với Iran và Bắc Triều Tiên, Tổng Thống Mỹ cũng nhiều lần khẳng định lập trường cứng rắn “không tiếp xúc, không nói chuyện” nếu nhà cầm quyền Hồi Giáo Tehran và giới lãnh đạo Bình Nhưỡng không ngừng chương trình hạt nhân.
Bây giờ, ít nhiều chính ông Bush đã thể hiện những cử chỉ ngoại giao mềm dẻo hơn với cả Tehran rẫn Bình Nhưỡng, đồng thời chấp thuận nói chuyện rút quân thể theo lời yêu cầu của chính quyền Iraq.
Ngay tức khắc, quyết định của ông Bush gặp sự chống đối của thành phần bảo thủ Mỹ, kể cả những người đã từng có thời làm việc chặt chẽ với ông. Những người không hài lòng cho rằng trong những tháng cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, ông Bush đã quên hẳn các quy định được ông đặt ra ngay từ những ngày đầu khi mới tuyên thệ nhậm chức, thay thế bằng những quyết định không chỉ mới, mà còn đi ngược lại những gì chính ông đã theo đuổi trong 7 năm trời làm Tổng Thống.
Một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ là ông John Bolton, từng được ông Bush cắt cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Trong thư e-mail gửi cho các nhà báo dã từng tiếp xúc với ông, Cựu Ðại Sứ Bolton viết rằng quyết định của ông Bush sẽ gây trở ngại cho giới bảo thủ trong chính trường Mỹ, là thành phần đã từng ủng hộ và theo sát các mục tiêu được ông Bush đặt ra.
Lá thư cũng cho rằng các quyết định mang tính mềm dẻo này sẽ tạo cơ hội tốt cho thành phần cấp tiến từng lớn tiếng chống đối có dịp bêu xấu chính quyền, coi đó là bằng chứng xác định những gì ông Bush đã làm, những mục tiêu ông Bush đã đặt ra đều không đem lại kết quả.
Lập luận của ông Bolton không phải là không có cơ sở, điển hình là khi được yêu cầu đưa ra nhận xét về việc Tổng Thống Bush đi từ lập trường cứng rắn sang lập trường mềm mỏng, ông Flynt Leverett, cựu giám đốc văn phòng đặc trách Trung Ðông dưới thời Bill Clinton lên tiếng bảo ngay rằng quyết định chiến thuật của ông Bush là “chiến thuật đường cùng”, chứng tỏ Nhà Trắng biết nếu cứ diều hâu như 7 năm trước đây, sẽ không đạt được thành quả nào đáng kể cả.
Các kế hoạch lâu dài
Không ít thì nhiều, ngay chính các quan chức Nhà Trắng cũng tìm cách giải tỏa các thắc mắc của phe bảo thủ ủng hộ ông Bush và phe đối lập luôn luôn tìm cơ hội để trình bày quan điểm chống đối.
Ông cố vấn đối ngoại kiêm người phát ngôn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Gordon Johnroe trình bày với các nhà báo rằng tất cả những thay đổi mọi người nhìn thấy đều là “thành quả của một quá trình hoạt động kéo dài nhiều năm trời” và chứng tỏ chiến thuật Tổng Thống Bush đề ra “đã đem lại kết quả”.
Bà Dana Perino, người phát ngôn Nhà Trắng đưa ra thí dụ cụ thể hơn, nói rằng chuyện rút quân nếu xảy ra thì đó cũng chính là thành quả kế hoạch đưa thêm quân sang chiến trường Iraq để giúp chính phủ Baghdad xây dựng ổn định hầu có thể bắt tay vào các công trình tái thiết đất nước trong thời hạn sớm nhất.
Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Iraq cùng chia sẻ quan điểm về kế hoạch rút bớt quân và định lại vai trò của binh sĩ Hoa Kỳ ở Iraq. Kế hoạch rút quân chứng tỏ cho mọi người thấy sau một thời gian dài, binh sĩ Iraq bắt đầu đảm trách được công tác chiến đấu và cũng chứng tỏ cho mọi người thấy chiến thuật Tổng Thống Bush đề ra đã đi đúng hướng, đem lại được kết quả mọi người đều chờ đợi.
<i>Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Iraq cùng chia sẻ quan điểm về kế hoạch rút bớt quân và định lại vai trò của binh sĩ Hoa Kỳ ở Iraq. Kế hoạch rút quân chứng tỏ cho mọi người thấy sau một thời gian dài, binh sĩ Iraq bắt đầu đảm trách được công tác chiến đấu và cũng chứng tỏ cho mọi người thấy chiến thuật Tổng Thống Bush đề ra đã đi đúng hướng, đem lại được kết quả mọi người đều chờ đợi.</i>
Bà Dana Perino
trong những bước đi mới của Hoa Kỳ, quyết định gửi một viên chức cấp cao đi Geneve để cùng với các nước đồng minh thảo luận trực tiếp với Iran là bước đi gây ngạc nhiên và được chú ý đến nhiều nhất. Trước đây, Tổng Thống Bush và các quan chức cao cấp hành pháp đều nói những cuộc gặp gỡ trực tiếp này có thể xảy ra nhưng phải có điều kiện đi kèm.
Ðiều kiện mà Washington đưa ra là nhà cầm quyền Hồi Giáo Tehran phải tuân thủ các nghị quyết Hội Ðồng Bảo An đã đưa ra và tuân theo nguyện vọng của thế giới, tức là phải đình chỉ ngay tức khắc những kế hoạch chế tạo bom hạt nhân.
Trong những cuộc tiếp xúc khác nhau, những viên chức Nhà Trắng đều đưa ra một lời giải thích chung, nói rằng sự kiện Tổng Thống Bush cử ông phụ tá ngoại trưởng William Burns đến Geneve chỉ nhắm vào một mục đích là để nhắc lại cho Iran biết sự đoàn kết nhất trí giữa Hoa Kỳ với các nước EU.
Các quốc gia này từng lên tiếng nói sẵn sàng trợ giúp Iran về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị cho đến ngoại giao, kể cả đảm bảo an ninh quốc phòng cho Iran nếu nước này bị một quốc gia khác tấn công bằng quân sự. Ðổi lại, Iran phải chấm dứt mọi hoạt động về hạt nhân, và theo các quan chức cao cấp Mỹ, sự hiện diện của ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Burns có thể giúp Iran đến gần với các ý kiến xây dựng hòa bình mà EU đã đề ra.
Mềm mỏng hơn
Từng có lúc các nhà quan sát chính trị quốc tế nghĩ bước đi ngoại giao mới của ông Bush sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Một ngày sau khi Nhà Trắng loan báo sẽ ngồi vào bàn hội nghị để cùng EU nói chuyện với Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mottaki của Iran khi đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đưa ra lời phát biểu, nói rằng có khả năng Washington và Tehran sẽ trao đổi quan hệ ngoại giao ở cấp thấp nhất và ngay cả chuyện mở đường bay trực tiếp nối liền hai nước cũng có thể thành hình. Tin này được mọi người chú ý, nhưng Washington đón nhận với thái độ rất dè dặt. Người phát ngôn bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sean McCormack nói:
Đây là điều tôi đã từng trình bày cùng các bạn nhà báo, là điều Bà Ngoại Trưởng Rice cũng như ông Phụ tá Burns đã từng nói đến. Ðây là một ý kiến đáng chú ý, thật đáng chú ý, nhưng tôi không thể cho các bạn biết phía Hoa Kỳ có tính đến chuyện đó hay không.
Cả chuyện kết thân giữa Washington và Tehran bị chững lại, sau khi trưởng đoàn đàm phán EU là ông Javcier Solona cho biết cuộc họp không đạt được kết quả, và trong vòng tuần tới Iran phải có những câu trả lời cụ thể hơn. Ngay tức khắc, Bà Ngoại Trưởng Mỹ đưa ra lời tuyên bố nói rằng Hoa Kỳ cũng như các nước đồng minh EU có thể sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt kinh tế mới, nếu chính phủ Iran không đáp ứng được đòi hỏi của cộng đồng quốc tế.
Đ<i>ây là điều tôi đã từng trình bày cùng các bạn nhà báo, là điều Bà Ngoại Trưởng Rice cũng như ông Phụ tá Burns đã từng nói đến. Ðây là một ý kiến đáng chú ý, thật đáng chú ý, nhưng tôi không thể cho các bạn biết phía Hoa Kỳ có tính đến chuyện đó hay không.</i>
Ông McCormack
Ngoài ra sau cuộc họp ở Singapore có sự hiện diện của bộ ytrưởng ngoại giao Bắc Hàn, bà Ngoại Trưởng Mỹ cũng chỉ đưa ra phát biểu mang nặng tính ngoại giao, cho biết cuộc họp diễn ra tốt đẹp, bà có dịp bắt tay hỏi chuyện với phía đối tác trước khi phiên họp bắt đầu và sau khi cuộc họp kết thúc. Thành quả cụ thể vẫn chưa được cả hai bên nói đến.
Riêng về Iraq, tin mới nhất cho thấy Thủ Tướng Nouri al-Maliki của Baghdad nói chính phủ và nhân dân nước ông thấy bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất để có thể cùng Washington bàn về chương trình rút quân, và ông cho hay hy vọng binh sĩ Hoa Kỳ cuối cùng sẽ rời Iraq vào năm 2010.
Hầu hết các nhà quan sát đều nghĩ ý kiến của ông Al-Maliki đương nhiên sẽ được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cân nhắc, và trễ nhất vào tháng tới ông Bush sẽ loan báo quyết định cuối cùng.
Chính sách hay thái độ ngoại giao mềm mỏng của ông Bush ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu chọn Tổng thống Mỹ năm nay? Dư luận cho rằng những gì ông Bush đang làm đi rất sát với ứng viên Barrack Obama của đảng Dân Chủ, người chủ trương rút quân và nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo những nước đang bị liệt vào danh sách kẻ thù của Hoa Kỳ.
Các quan sát viên bầu cử thì cho rằng hướng đi mới của ông Bush cũng tạo thuận lợi cho ứng viên John McCain của đảng Cộng Hòa, vì cử tri Mỹ phần đông không hài lòng với cuộc chiến Iraq và bây giờ, ông McCain cũng có thể nói đến kế hoạch rút quân về nước mà không sợ đi ngược với những gì vị tổng thống cùng đảng dường như đang muốn làm và có thể sẽ làm.