Hoạt động của doanh nghiệp và tác động đến nhân quyền

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, hoạt động của các doanh nghiệp và ảnh hưởng của nó đến nhân quyền đang được nhiều nhà hoạt động xã hội và nhân quyền chú ý đến.

0:00 / 0:00

Liên Hiệp Quốc cũng đã có những thảo luận liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với vấn đề nhân quyền.

Nhân ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12 hàng năm, một diễn đàn về doanh nghiệp và nhân quyền được Liên Hiệp Quốc tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5 tháng 12 để bàn thảo về chủ đề này. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn bà Lene Wedland, chuyên gia tư vấn về doanh nghiệp và nhân quyền của liên hiệp quốc về diễn đàn này. Trước hết nói về mối quan hệ giữa các hoạt động của doanh nghiệp với nhân quyền, bà Lene Wedland cho biết:

Lene Wedland: Thường khi nói về nhân quyền, người ta thường chú ý nhiều đến trách nhiệm, nghĩa vụ của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Nhưng từ những năm 1970 và 1980 với hiện tượng toàn cầu hóa, mọi người đã hiểu hơn rằng mặc dù các công ước về nhân quyền nói nhiều về trách nhiệm của chính phủ nhưng những hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng đến nhân quyền.

Nếu anh là một công ty có tiền đầu tư và anh muốn di chuyển một cộng đồng dân cư ra khỏi nơi ở của họ, khỏi đất đai của họ thì điều này có thể ảnh hưởng đến quyền sống của họ. Nếu công ty không tôn trọng những điều kiện về an toàn lao động thì nó có thể ảnh hưởng đến quyền về bảo vệ sức khỏe của người lao động. Vì vậy đã có sự nhìn nhận gia tăng về ảnh hưởng của hoạt động doanh nghiệp lên nhân quyền.

Nhưng ngay từ đầu thì các hệ thống nhân quyền không được thiết lập để đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của doanh nghiệp lên nhân quyền, và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thế nào trước các hoạt động gây ảnh hưởng lên nhân quyền của họ.

Đó chính là khởi điểm của tranh luân này. Chúng tôi cũng thấy được tình hình thực tế là các tổ chức xã hội dân sự đưa ra những tuyên bố liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ảnh hưởng đến nhân quyền. Họ nói là các doanh nghiệp đã không tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền trong quá trình hoạt động của họ.

Doanh nghiệp ảnh hưởng nhân quyền

Việt Hà: Gần đây chúng ta thấy rất nhiều câu chuyện liên quan đến các hoạt động của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền sống của người dân. Ví dụ điển hình là tình trạng thu hồi đất ở Phnompenh, Campuchia khiến Ngân hàng thế giới phải lên tiếng quan ngại. Điều này cũng xảy ra tại các nước như Việt Nam, Trung Quốc. Vậy có phải vấn đề này chỉ phổ biến ở các nước đang phát triển hay còn là vấn đề ở các nước phát triển?

Lene Wedland: Đây là vấn đề của toàn cầu, những phàn nàn về các doanh nghiệp không chỉ giới hạn vào một vùng của thế giới. Nó cũng có vấn đề là liệu những công ty xuyên quốc gia được thành lập tại tại các nền kinh tế phát triển khi hoạt động tại các nền kinh tế đang phát triển thì có phải tuân thủ các quy chuẩn cùng loại về nhân quyền được áp dụng tại nước của họ hay không. Luật lệ nào áp dụng cho các doanh nghiệp và làm thể nào để thực hiện các quy định này đã được bàn thảo ở Hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc. Tuần này sẽ có diễn đàn về doanh nghiệp với nhân quyền diễn ra tại Geneva.

Tại diễn đàn này chúng tôi sẽ thảo luận một bộ nguyên tắc hướng dẫn đã được hội đồng thông qua vào năm ngoái. Các nguyên tắc hướng dẫn này lần đầu tiên đã đưa ra một cách cụ thể tập hợp các nguyên tắc áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp trên toàn thế giới, với tất cả các nước thành viên liên hiệp quốc, chỉ ra trách nhiệm của mỗi nước liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp để đảm bảo họ không vi phạm nhân quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp là gì với vấn đề nhân quyền.

Các nguyên tắc này được đưa ra trong một quá trình đảm bảo các doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh những ảnh hưởng xấu lên nhân quyền, và nếu ảnh hưởng xảy ra thì doanh nghiệp cần làm gì để sửa chữa. Các nguyên tắc này cũng nói đến những cá nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của doanh nghiệp có thể tiếp cận với những đền bù tương xứng. Bộ nguyên tắc hướng dẫn này là một quyết định mang tính lịch sử được hội đồng nhân quyền đưa ra vào tháng 6 năm 2011.

Nó nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên của hội đồng. Tôi muốn nhấn mạnh đồng thuận toàn bộ để cho thấy là tất cả các nước thuộc liên hiệp quốc, dù là phát triển hay đang phát triển đều đồng ý rằng đây là cách mà chúng ta cần làm, và bộ nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới, dù là nước nghèo hay nước giàu.

Việt Hà: Bà nói đây là nguyên tắc hướng dẫn, vậy thì làm sao chúng ta có thể đảm bảo là các doanh nghiệp hoạt động tại các nước phải tuân thủ nó?

Lene Wedland: các nguyên tắc hướng dẫn này thực sự dựa vào các nghĩa vụ nhân quyền đang có áp dụng cho các nước, dựa vào công ước quốc tế về quyền con người, nhưng nó làm rõ hơn trách nhiệm của các doanh nghiệp là gì khi những hoạt động của họ có ảnh hưởng đến nhân quyền. Chúng tôi không có cơ quan cảnh sát của UN, chúng tôi không thể bắt buộc các nước thành viên phải tuân thủ những lời hứa bảo vệ nhân quyền của họ. Nhưng chúng ta phải nói đến vai trò của nhiều bên, của xã hội dân sự, các doanh nghiệp… tất cả đều có thể tạo sức ép lên các chính phủ để họ phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Các nguyên tắc này chỉ ra cụ thể những nghĩa vụ này là gì với các nước và do đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nước khi thực hiện các nghĩa vụ của mình. Không phải lúc nào những vi phạm nhân quyền xảy ra cũng là do cố tình, đôi khi nó xuất phát từ nguyên nhân không có đủ năng lực từ chính phủ, hoặc không hiểu vấn đề thực sự, cho nên các nguyên tắc hướng dẫn cụ thể có thể là công cụ cho các chính phủ và các tổ chức dân sự sử dụng để cải thiện hơn nữa việc thực hiện các nguyên tắc bảo về nhân quyền.

Đối với các doanh nghiệp, những nghĩa vụ được đưa ra trong các nguyên tắc hướng dẫn cho thấy họ phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc về nhân quyền, về quyền của người lao động để đảm bảo không có những ảnh hưởng xấu đến quyền con người. Như vậy là khi chính phủ thực hiện nghĩa vụ của mình với quốc tế thì phần lớn những nghĩa vụ của các doanh nghiệp nếu như không nói là tất cả sẽ được đưa vào trong luật, trong chính sách ở mức quốc gia.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.