Thế nhưng ngoài những nguyên nhân ấy, còn có vấn đề giới hạn trong việc dạy và học các tác phẩm văn học đối với học sinh. Giới hạn này đến đâu và có ảnh hưởng thế nào?
Văn chương phải đúng đường lối sát chủ trương đã đề ra
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, có một giáo viên dạy môn văn học ở một trường chuyên cấp 3 ở Việt Nam bị cho thôi việc vì bị cáo buộc sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhật khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục’.
Câu hỏi đặt ra là vậy cô giáo ấy đã dạy học sinh những gì mà bị gọi là phản động, phản giáo dục? và liệu đây có phải là trường hợp cá biệt hay không?
Một giáo viên dạy môn văn học ở một trường chuyên cấp 3 ở Việt Nam bị cho thôi việc vì bị cáo buộc sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhật khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục<br/>
Trong một lần phỏng vấn gần đây với đài Á châu Tự do, người giáo viên dạy văn đó đã giải thích về trường hợp của mình như sau:
Tôi dạy bài ‘Hai Đứa trẻ’. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin thú vị.
Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây ‘cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng nhật ký trong tù không phải của Bác Hồ’.
Tôi không nói là không nên thần thánh hoá Bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng ban tuyên giáo kết luân tôi nói 4 nội dung như thế.
Chương trình văn học trong trường phổ thông trung học được chia ra làm các mảng văn học dân gian, văn học trung đại và văn học hiện đại. Trong văn học hiện đại có phần thơ văn trước cách mạng tức là trước năm 1945, và thơ văn cách mạng. Phần thơ văn cách mạng thì chủ yếu là thơ Tố Hữu và thơ Hồ Chí Minh.
Theo ý kiến của một giáo viên dạy văn cấp 3, cô giáo Hạnh Nguyên, thì việc phân chia các mảng thơ văn chưa hợp lý, trong đó mảng văn học dân gian còn quá ít, một số tác giả bị bỏ ra ngoài vì một lý do nào đó, trong khi thơ văn cách mạng thì lại chiếm một thời lượng khá lớn. Cô nói:
Hạnh Nguyên: có nhiều tác giả đáng lý được đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy thì em thấy không có, ví dụ em thấy thơ Nguyên Sa chẳng hạn, các em rất thích thơ Nguyên Sa, mà Nguyên Sa lại không được đưa vào để giảng dạy, hoặc gần đây là bài thơ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm là bài thơ rất hay cũng không được đưa vào giảng dạy nữa mà thay vào đó em thấy họ đưa thơ ca cách mạng vào rất nhiều, thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh chiếm một thời lượng rất nhiều.
Tôi không nói là không nên thần thánh hoá Bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động
Một giáo viên dạy văn học
Cũng chính bởi thời lượng chương trình không đủ đã khiến một số giáo viên khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm tài liệu bên ngoài.
Người thầy: Truyền đạt kiến thức hay tuyên truyền?
Việc giáo viên khuyến khích học sinh đọc thêm tài liệu bên ngoài dẫn đến bị đuổi việc xảy ra lần này không phải là lần đầu tiên. Trước đó cũng có một trường hợp khác ở Đồng Nai bị kỷ luật vì những vấn đề tương tự. Điều này khiến cho các giáo viên dạy văn ở Việt Nam khi muốn mở rộng tầm tham khảo cho học sinh phải cẩn thận để tránh đi lạc đường lối chính sách của nhà nước. Và cũng chính vì vậy mà những hiện tượng như vậy không xẩy ra thường xuyên.
Các giáo viên dạy văn ở Việt nam thì đã quá quen với việc định hướng trong giảng dạy, và họ gọi những trường hợp bị cho thôi việc hay kỷ luật, như đã nói, là những tai nạn nghề nghiệp.
Cô giáo Ngọc Lan, người đã từng có hơn 11 năm dạy văn cấp 3 ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết không hề có văn bản hay quy định nào cụ thể yêu cầu giáo viên không cho học sinh xem sách này hay website kia, nhưng vẫn có những định hướng nhất định trong giảng dạy. Cô nói:
Khuyến khích học sinh đọc thêm tài liệu bên ngoài dẫn đến bị đuổi việc xảy ra lần này không phải là lần đầu tiên. Điều này khiến cho các giáo viên dạy văn ở Việt Nam khi muốn mở rộng tầm tham khảo cho học sinh phải cẩn thận để tránh đi lạc đường lối chính sách của nhà nước.
Ngọc Lan: không hề có văn bản, nhưng định hướng là như vậy, hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Và người giáo viên, họ đủ tỉnh táo để nhận ra rằng cái gì là nguy hiểm cho họ thì họ phải biết né những chuyện đó, cho dù họ muốn thì họ cũng không thể làm khác đi được.
Mình sống trong một xã hội nào thì nó những lề thói và nguyên tắc của xã hội đó, mình tuân theo và mình thấy nó trở thành một cái gì đó hiển nhiên, thì mình lại không thấy nó là một cái gì quá đáng nữa.
Ví dụ mình đứng từ ngoài nhìn vào thì thấy là bị ràng buộc, cấm đoán, vân vân, nhưng người ở trong cuộc thì họ lại không thấy có cái gì là ràng buộc và cấm đoán họ.
Ở Việt Nam, để định hướng việc giảng dạy trong các trường phổ thông, hàng năm chính phủ tổ chức các buổi tập huấn chính trị cho toàn bộ các giáo viên. Tại các lớp học này, các giáo viên được học về các đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Thời gian gần đây, các giáo viên còn được nghe thêm về diễn tiến hoà bình của các thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam. Cuối mỗi kỳ như vậy, các giáo viên phải viết các bài thu hoạch, trong đó những gì họ đã được học và được yêu cầu cho kiến nghị về đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Một giáo viên, khi được hỏi về kinh nghiệm học những lớp này trả lời rằng thường thì không có giáo viên nào viết kiến nghị cả.