Vào ngày 9/3, nhóm sinh viên này lại bị một nhóm thanh niên gây hấn, vứt đồ dơ bẩn lên người. Trong khi đó, gia đình giáo dân cho mượn chỗ sinh hoạt bị chính quyền địa phương sử dụng hương ước để cấm mọi sinh hoạt tôn giáo của nhóm sinh viên tại đây.
Khánh An tìm hiểu thêm về sự việc này.
Thành phố Vinh hiện có 14 nhóm sinh viên Công Giáo đang học tập và sinh hoạt tại đây. Vì điều kiện địa lý và cơ sở vật chất khó khăn, các nhóm sinh viên thường chọn một địa điểm tư gia của giáo dân để sinh hoạt, chia sẻ và cầu nguyện. Tất cả các hoạt động trên đã diễn ra từ nhiều năm nay và trở thành một trong những sinh hoạt chính của sinh viên công giáo tại thành phố này. Thế nhưng, bắt đầu từ đầu tháng 12 năm 2009, nhóm sinh viên công giáo của Đại học Kỹ Thuật Vinh bắt đầu gặp khó khăn từ phía chính quyền địa phương.
Ngăn cấm, đe dọa
Nhóm này sinh hoạt tại tư gia của một gia đình giáo dân là bà Lê Thị Lâm, ngụ tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, được 3 năm nay. Vào ngày 3/12/2009, lực lượng công an với hơn 20 người đã đến bao vây địa điểm sinh hoạt này và lập biên bản cấm gia đình bà cho phép sinh viên đến sinh hoạt. Ngoài ra, một số sinh viên còn bị tịch thu xe và bị đánh đập. Một trong những sinh viên có mặt tại hiện trường vụ việc kể lại:
Bất cứ phương tiện nào đi qua, họ cũng kiểm tra giấy tờ cả. Một số anh chị em do bất ngờ, không chuẩn bị trước nên bị tịch thu xe. Một tổ thanh niên, sinh viên đi sau cùng bằng xe đạp thì bị họ đánh.
Một SV công giáo
“Đoạn đường nhà bà Lâm chỉ có hai con đường vào. Một con đường phía sau và một con đường phía trước. Công an xã Hưng Lộc chặn đứng lại cả hai đầu. Bất cứ phương tiện nào đi qua, họ cũng kiểm tra giấy tờ cả. Một số anh chị em do bất ngờ, không chuẩn bị trước nên bị tịch thu xe. Một tổ thanh niên, sinh viên đi sau cùng bằng xe đạp thì bị họ đánh. Anh đó tên là Thịnh. Anh Thịnh bị đánh khá nặng. Sau đó, anh chạy được và gọi điện cho bà Lâm. Bà Lâm bảo anh Ái ra xem tình hình anh Thịnh như thế nào. Ngay lúc anh Ái bước ra khỏi cổng nhà bà Lâm thì cũng bị công an Hưng Lộc đánh. Anh Ái cố gắng không chạy vào nhà bà Lâm nữa mà chạy thẳng ra đường cái quan, đường lớn luôn.”
Gây khó khăn tại trường học
Không những bị ngăn trở, đe dọa khi đến địa điểm sinh hoạt, các bạn sinh viên công giáo Vinh còn gặp rất nhiều khó khăn ở trường học. Bạn sinh viên trên cho biết thêm:
“Ở trường học thì tất cả các anh chị em sinh viên công giáo đều bị nhà trường gọi lên lấy danh sách sinh viên công giáo, bị một số giáo viên nói những lời chỉ trích, hăm dọa anh chị em sinh viên công giáo. Công an xã Hưng Lộc cũng vậy. Họ nói nếu không ngừng ngay thì có thể sẽ báo lên hiệu trưởng nhà trường và có hình thức kỷ luật đối với những em sinh viên công giáo đang tham gia sinh hoạt tại nhà bà Lâm. Một số anh chị em đang ở phòng trọ để đi học thì bị công an đến dò xét, xem xét giấy tờ. Một số anh chị em trong ban điều hành thì cũng đang nằm trong diện bị theo dõi. Một số phường xã cũng đã kêu những người đó lên để làm việc.”
Không chỉ riêng tại thành phố Vinh, việc các nhóm sinh viên công giáo tại Việt Nam bị chính quyền địa phương kiểm soát sinh hoạt là chuyện thường xuyên xảy ra. Linh mục Vũ Khởi Phụng, thuộc giáo xứ Thái Hà, cũng là người đã từng trải qua kinh nghiệm này khi ông bị chính quyền địa phương buộc phải giải tán một nhóm sinh viên công giáo trước đây. Ông nhận xét về tình hình hiện tại:
“Thật sự ra nếu sinh viên công giáo mình chỉ tập trung vào chuyện đi nhà thờ, đi lễ thôi thì ở Việt Nam mình bây giờ cũng thoải mái. Nhưng mà nếu chúng ta đặt vấn đề công bình xã hội, vấn đề nhân phẩm nhân quyền thì sinh viên rất có thể đụng vào những chuyện không thoải mái.”
Riêng gia đình bà Lâm, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bà liên tục nhận được giấy mời làm việc từ chính quyền địa phương, bị thôn xóm, gia đình, họ tộc tẩy chay, thậm chí con cái bà cũng bị liên lụy. Bạn sinh viên sinh hoạt tại nhà bà Lâm cho biết:
“Ngoài những việc đó ra, họ còn đến cơ quan con của bà Lâm. Họ dẫn bà Lâm lên đó và báo với trưởng cơ quan là mẹ của chị con bà Lâm, đang làm việc ở cơ quan đó, là có tổ chức, tụ tập một số sinh viên công giáo làm những điều không tốt để cho chị đó bị kỷ luật trước cơ quan chị đang làm việc.”
Mới đây, vào ngày 9/3, sau khi nhóm sinh viên công giáo sinh hoạt ở nhà bà Lâm về, họ bị một nhóm thanh niên gây hấn, rảy mực vào áo quần nhằm khiêu khích để xảy ra ẩu đả.
“Họ giả vờ uống rượu say, đến để gây sự với anh em sinh viên, có đánh một người và có gọi các bạn thanh niên khác đến đánh. Nhưng theo nhận xét của một số anh em ban điều hành thì đó là một số công an, công an cơ động của xã Hưng Lộc cài vào để gây sự.”
Hương ước, một dạng lệ làng mới
Trong khi đó, gia đình bà Lê Thị Lâm nhận được một hương ước, một dạng lệ làng mới được hình thành vào cuối năm ngoái với nhiều điều lệ, trong đó có điều lệ không cho phép tụ tập người ở địa phương khác đến nhà mình.
“Có một điều kỳ lạ là họ vừa mới lập một cái hương ước của xóm Ngụ Lộc, là xóm mà hiện tại bà Lâm đang ở. Hương ước đó được thành lập vào cuối tháng chạp năm 2009 và bắt đầu áp dụng từ tháng Giêng năm 2010. Ngay Tết xong thì họ bắt đầu đến nhà bà Lâm. Họ đưa bản hương ước ra và quy định rằng gia đình nhà bà Lâm không được tụ tập tất cả các anh chị em cũng như bất cứ người nào ở địa phương khác về nhà vì đó là gây rối trật tự, làm cho các con em ở khu xóm không thể học tập được. Họ cương quyết rằng nếu bà Lâm không chấp thuận hương ước đó, họ sẽ đưa điều luật ra để bắt buộc bà Lâm. Nếu áp dụng những điều luật đó, bà Lâm sẽ bị phạt tù từ 2 – 5 năm theo luật của Việt Nam.”
Ví dụ như họ muốn ngăn cản mình sinh hoạt cái gì thì không bao giờ họ ngăn cản trực tiếp là bởi vì anh sinh hoạt như thế hay anh làm cái này, cái kia… Họ luôn luôn viện cớ là sai về một quy luật nào đấy.
LM Vũ Khởi Phụng
Nhận xét về vụ việc trên, Linh mục Vũ Khởi Phụng, cho rằng đây là một cách làm khá quen thuộc của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm và tổ chức tôn giáo. Ông nói:
“Cái này là cách làm việc rất thường xuyên của công an Việt Nam. Ví dụ như họ muốn ngăn cản mình sinh hoạt cái gì thì không bao giờ họ ngăn cản trực tiếp là bởi vì anh sinh hoạt như thế hay anh làm cái này, cái kia… Họ luôn luôn viện cớ là sai về một quy luật nào đấy. Cho nên từ chỗ đó họ mới nói rằng ở Việt Nam không bao giờ có người bị tù tội hay bị khó khăn vì quyền tự do tư tưởng hay tự do ngôn luận. Không bao giờ có, bởi vì họ không bao giờ nại vào cái đó để đánh mình cả. Họ sẽ tạo ra luật gì đấy. Ví dụ như trường hợp của bà Lâm đấy, họ tạo ra một quy luật, bảo là nó có quy luật đó và bởi vì anh sai quy luật đó nên tôi chặn anh. Đấy là cách làm việc rất là thông thường của Việt Nam mình.”
Hiện tại, gia đình bà Lê Thị Lâm đang gặp nhiều khó khăn từ mọi phía. Tuy vậy, cánh cửa nhà bà vẫn rộng mở cho những sinh viên ở xa quê đến để trau dồi tri thức, cầu nguyện, chia sẻ, nâng đỡ nhau trong đời sống tâm linh và vật chất. Từ đó, họ trưởng thành và trở thành những con người hữu ích, xây dựng cho sự thăng tiến, phát triển và công bằng của xã hội.