Nhiều công ty sản xuất phần mềm trong nước lo ngại khi Microsoft chính thức vào Việt Nam

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Sự việc tập đoàn Microsoft chính thức vào Việt Nam tham gia vào thị trường phần mềm tại đây khiến nhiều công ty sản xuất phần mềm Việt Nam lo ngại. Một phần do cơ sở vật chất yếu kém, một phần khác là tình trạng nhân sự đang trong giai đoạn huấn luyện và so với những nước trong khu vực thì lực lượng này còn quá nhiều hạn chế.

ComputerIT150.jpg
Một cửa hàng bán máy tính ở Sài Gòn hôm 24-3-2006. AFP PHOTO

Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Chí Đức, giám đốc của công ty Exact Software, là công ty Hà Lan có vốn đầu tư nước ngoài 100% tại Việt Nam, để tìm hiểu thêm về tình hình cạnh tranh này mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Trước nhất xin cám ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi. Thưa ông, theo tin tức ghi nhận thì mới đây công ty Microsoft đã chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam và việc này gây lo lắng cho nhiều công ty phần mềm trong nước. Là người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này từ nhiều năm qua tại Việt Nam ông có nhận định gì về sự việc này?

Ông Nguyễn Chí Đức: Theo tôi nghĩ thì sự tham gia của Microsoft vào thị trường Việt Nam có ảnh hưởng tích cực cho thị trường này tức là cái sức cạnh tranh nó sẽ lớn hơn. Ở góc độ doanh nghiệp thì nó sẽ có lợi hơn là có hại đối với thị trường.

Đối với Microsoft thì khi họ vào đây họ sẽ có hai việc phải làm thứ nhất là họ sẽ phát triển mạnh hệ thống application tức những phầm mềm ứng dụng, đặc biệt là Microsoft Office. Việc trước mắt doanh nghiệp Việt Nam phải lo về sở hữu trí tuệ của những luật bảo vệ bản quyền.

Còn góc độ về giải pháp tổng thể của Microsoft như những giải pháp cho khách hàng sẽ cho những cơ hội thị trường này cạnh tranh hơn. Khách hàng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận những sản phẩm khác nhau. Riêng về doanh nghiệp họ sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn giải pháp.

Mặc Lâm: Là giám đốc một công ty ngoại quốc kinh doanh lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam trong nhiều năm qua ông có kinh nghiệm gì về một công ty phần mềm ngoại quốc đặt chân vào Việt Nam? Tiến trình tiếp cận thị trường của họ và những chiến lược trong quan hệ khách hàng có gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp nhỏ trong nước hay không?

Ông Nguyễn Chí Đức: Thật ra thị trường software nói chung có thị phần riêng được chia cho doanh nghiệp. Microsoft họ có thị phần của họ và họ sẽ nằm trong khu vực mà ở đó các công ty phần mềm trong nước không đụng tới. Tôi không nghĩ là sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong nước vì những công ty phần mềm trong nước có những khách hàng riêng của họ, đó là ở cái tầm trình độ thấp.

Trong khi đó những khách hàng của Microsoft thường tập trung vào những giải pháp cho khách hàng ở tầm trung và cao, do đó tôi không nghĩ là sự cạnh tranh lớn vì thật ra ở tầm đó thì các công ty VN chưa thể vói tới, đó là theo quan điểm của tôi.

Mặc Lâm: Nếu trong tương lai để phù hợp với số đông doanh nghiệp tại Việt Nam có yêu cầu những phần mềm cấp thấp liệu Microsoft có thay đổi chiến lược phục vụ cho tầng lớp này hay không nếu họ nhận thấy các doanh nghiệp tầm cao không đủ cho hoạt động của họ?

Ông Nguyễn Chí Đức: Nếu họ đã nắm được những thị trường này rồi thì tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh.

Mặc Lâm: Ông có cho rằng giới CNTT trong nước đủ mạnh để tham gia vào sinh hoạt gia công phần mềm cho thế giới hay không? đặc biệt trong lĩnh vực nhân sự?

Ông Nguyễn Chí Đức: Thật ra là giới CNTT và chính phủ đặt kỳ vọng thúc đẩy ngành gia công phần mềm trong việc outsourcing để cạnh tranh với Indonesia hay Trung Quốc.

Người ta vẫn thường đánh giá VN có giá nhân công rẻ nhưng thật ra theo tôi thì quá lạc quan bởi vì trong vài ba năm tới tôi không nghĩ là VN định vị được ở sản xuất phần mềm trên toàn quốc một cách thành công trong thị trường gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài.

Vấn đề cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề nhân viên của VN mình chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong diện rộng. Trong công nghiệp sản xuất gia công phần mềm thì chỉ có vài công ty hàng đầu thành công mà những công ty này cũng được điều hành bởi các công ty nước ngoài.

Hơn nữa ngành giáo dục Việt Nam chưa đáp ứng được với thực tế cho nên khi sinh viên mới ra trường không thể thực hiện các dự án lớn.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Nguyễn Chí Đức, giám đốc của công ty Exact Software đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.