Thay đổi trong đạo luật Mỹ khiến xuất khẩu VN gặp khó khăn hơn

Các thay đổi gần đây trong các đạo luật Nông Trại, Đạo luật Lacey, và Đạo luật Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng của Hoa Kỳ đã và sẽ có những tác động lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

0:00 / 0:00

Trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 và đầu năm 2009, những thay đổi này được chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp đón nhận ra sao? Việt Hà có bài tường trình sau đây.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong quý 1 vừa qua đã bị suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng hàng hóa

Trong khi đó việc thông qua các quy định sửa đổi trong một số các đạo luật của Mỹ nhằm thắt chặt kiểm soát nguồn gốc và chất lượng hàng hóa cũng ít nhiều bắt đầu có tác động đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng đồ gỗ, dệt may, và hải sản.

Trước hết là phải làm theo đúng quy định của họ, …, phải đáp ứng được các yêu cầu phía Mỹ nêu ra mà các nhà xuất khẩu phải thực hiện, như vậy thì không thể nói là thuận lợi hơn mà là khó khăn hơn.

Ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương Mại Việt Nam tại Hoa Kỳ

Theo ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương Mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định thì những thay đổi này sẽ gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp:

“Trước hết là phải làm theo đúng quy định của họ, chi phí lớn hơn, do kiểm tra an toàn thực phẩm ví dụ như thế, phải có giấy chứng nhận này khác, phải đáp ứng được các yêu cầu phía Mỹ nêu ra mà các nhà xuất khẩu phải thực hiện, như vậy thì không thể nói là thuận lợi hơn mà là khó khăn hơn.”

Với mặt hàng gỗ xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những quy định khai báo hải quan về xuất xứ gỗ và phải cung cấp đầy đủ các chứng nhận nguồn gốc gỗ khai thác trước khi hàng được vào các thành phố của Hoa Kỳ. Còn đối với các mặt hàng dệt may, và tiêu dùng khác, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra ngặt nghèo hơn về chất lượng như thành phần kim loại chì, hay thành phần dễ bắt lửa trong sản phẩm, vân vân.

Để đối phó với những thay đổi này, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu đưa các thông tin mới đến các hiệp hội và doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết là chính phủ Việt Nam cũng sẽ xem xét những biện pháp đối phó với những quy định mới mà ông cho là không công bằng và không phù hợp với tập quán thương mại quốc tế.

Phản ứng của các doanh nghiệp

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đón nhận tin này với nhiều phản ứng khác nhau.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một trong các công ty xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nói rằng những quy định mới có tạo ra các rào cản nhất định.

“Khi mình mua gỗ có chứng nhận FFC hoặc không có chứng nhận FFC thì giá gỗ tròn chênh lệch nhau khoảng 50 đô la một khối nên chuyện đó làm giá của mình kém cạnh tranh hơn, khi mình phải mua gỗ có chứng nhận hoặc nguồn gốc rõ ràng, cái thứ hai là vô tình giới hạn nguồn nguyên liệu dùng cho sản phẩm, tôi lấy ví dụ trên thế giới, có thể có 100 loại gỗ có thể làm sản phẩm gỗ tốt đẹp, thì nếu đi theo đạo luật đó thì biết đâu chỉ có thể dùng 10 loại gỗ, thì thứ nhất là giới hạn về nguồn, thứ hai là phải lấy chứng nhận FFC thì giá tăng lên vì tập trung mua những loại gỗ đó. Và mình sẽ ít cạnh tranh hơn so với quốc gia mà có sẵn loại gỗ đó ở trong nước.”

Tuy nhiên bà cũng nói là công ty Trường Thành đã sẵn sàng để đối phó:

“Công ty biết rất rõ và công ty ý thức được việc này, từ năm 2002 tức là 7 năm trước đây mình đã set up công ty mình theo quy trình COC tức là chain of custody nghĩa là truy ngược lại nguồn gốc và từ năm đó mình đã được chứng nhận của tổ chức SCS về việc công ty tổ chức và đạt chứng nhận COC luôn là 1 công ty có khả năng làm hàng có chứng nhận FFC, nói chung về nguồn gốc sản phẩm, nguồn gốc gỗ dùng trong sản phẩm thì rất rõ ràng từ 2002 tới bây giờ.”

Tuy nhiên, cũng theo bà Thu cho biết thì đối với những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ thì những thay đổi này lại là các rào cản lớn vì lâu nay họ đã quen mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí gỗ lậu để đảm bảo giá cạnh tranh. Nay để đáp ứng được những quy định mới, họ sẽ phải thay đổi lại tập quán kinh doanh của mình. Điều này không dễ thực hiện một sớm một chiều.

Ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết là chính phủ Việt Nam cũng sẽ xem xét những biện pháp đối phó với những quy định mới mà ông cho là không công bằng và không phù hợp với tập quán thương mại quốc tế.

Bà Vi Tâm, Phó tổng Giám Đốc công ty Vĩnh Hoàn, chuyên xuất khẩu cá basa thì cho biết là những quy định này không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp:

“Hiện nay quy định đó chưa có hiệu lực nên nó chưa có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu của mình. Cái này không có liên quan đến từng doanh nghiệp cụ thể, việc có chuẩn bị là VASEP chuẩn bị chứ từng doanh nghiệp không chuẩn bị được vì phải là đại diện cho toàn ngành. Mình chỉ đi họp chung với VASEP rồi VASEP thuê luật sư và lobby… chứ mình không có hoạt động riêng lẻ.”

Dự báo về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, ông Thoan nhận định sẽ có thể giảm nhưng chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế. Ông tin là hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn giữ được thị trường Mỹ vì các doanh nghiệp đã ý thức được là họ phải nâng cao chất lượng và tuân thủ các quy trình để đảm bảo tính cạnh tranh.

Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã có những tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm qua, mặc dù cũng gặp sóng gió như những vụ kiện chống bán phá giá, và giờ đây là các thay đổi trong các đạo luật của Mỹ. Nhưng như người Việt Nam thường nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã học được các bài học và trưởng thành để thích ứng với thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính và có tính cạnh tranh cao này.

Việt Hà tường trình từ Washington.