Quốc Gia Nghĩa Tử và nổ lực trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Tết không chỉ là thời điểm sắm sửa, hội hè, gặp gỡ, chúc tụng, mà còn là lúc con cháu lo đi chạp mộ, tảo mộ trứơc khi hương chong đèn rạng trên bàn thờ đón ông bà về. Mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi kỳ này xin cống hiến quí vị câu chuyện về Quốc Gia Nghĩa Tử và nổ lực trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, nơi cha anh của họ đang yên nghỉ.

NghiaTrang_Quandoi_BienHoa_200.jpg
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, tháng Giêng, 2008. Hình do Nguyễn Duy Linh cung cấp.

Thành quả bứơc đầu của sự cố gắng này là chuyến đi tảo mộ lần đầu tiên tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà tháng 11-2007 vừa qua.

Nhưng muốn tiếp tục cố gắng này thật không phải dể dàng bởi những lý do mà Thanh Trúc sắp trình bày trong phần tiếp sau. Bây giờ xin giới thiệu đôi dòng về Nghĩa Trang Quân Đôi Biên Hoà và Quốc Gia Nghĩa Tử. Sau 1975, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà được đổi tên thành Nghĩa Trang An Bình, hiện giờ nằm dứơi sự quản lý của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Tưởng cần nhắc lại, năm 1963, vị tổng thống miền Nam bấy giờ, ômg Ngô Đình Diệm, cho thành lập Viện Quốc Gia Nghĩa Tử để hổ trợ và giáo dục con em của quân nhân cán chính trong quân lực Miền Nam đã hy sinh vì công vụ . Từ đó đến 1975, con cái những ngừơi tử trận ấy được theo học dưới mái trường Quốc Gia Nghĩa tử trên toàn quốc. Sau 1975, các trường quốc gia nghĩa tử đóng của.

Cùng với làn sóng di tản, nhiều con em Quốc Gia Nghĩa Tử trôi dạt sang nứơc ngoài. Năm 1991, tổ chức Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage, còn được gọi là Son And Daughter Of Vietnamese Fallen Soldiers, ra đời tại Nam California, Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Thư Ký Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage, cho biết:

"Năm 1975 thì tất cả các trường Quốc Gia Nghĩa Tử đều bị đóng cửa. Một số thì ở lại Việt Nam, một số đi ra được nước ngoài, và một số thì đi du học trước 1975, và vào năm 1991 thì chúng tôi tụ tập nhau tại Nam California (Hoa Kỳ), chúng tôi có dự án trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà.

Sau khi chúng tôi đã ra được nước ngoài, chúng tôi lo lắng cho những ngôi mộ của cha anh chúng tôi. Có nhũng người bạn bè chiến hữu của chúng tôi đang còn nằm lại tại quê nhà mà không có thân nhân vì có những quân nhân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà lúc mà hy sinh mới có 17-18 tuổi, chưa có gia đình, hoặc là nếu có gia đình thì con cái không có đủ khả năng để đắp mộ lại cho cha anh của họ, thì chúng tôi ở nước ngoài có điều kiện để làm những việc đó.

Dù sao đi nữa, người Việt Nam có câu "nghĩa tử là nghĩa tận", "sống ngôi nhà, thác ngôi mộ", vì vậy chúng tôi ngồi lại với nhau để vận động anh em Quốc Gia Nghĩa Tử làm được gì cho cha anh chúng ta thì nên làm. Và từ đó chúng tôi đi đến quyết định là vào gặp Toà Đại Sứ của CHXHCN Việt Nam tại Washington D.C. và sau đó đi vào Quốc Hội Hoa Kỳ để xin bên Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ dự án của chúng tôi."

NghiaTrang_Quandoi_BienHoa_200b.jpg
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, Hình do Nguyễn Duy Linh chụp tháng Giêng, 2008.

Từ quyết định của chính quyền trong nước

Động lực chính yếu nào đã thôi thúc các thành viên trong Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage ở Hoa Kỳ tiến hành quyết định trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà? Ông Nguyễn Hà - Thủ Quỹ của tổ chức giải thích:

"Vào khoảng tháng 11 năm 2006 khi ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam có ký một quyết định chuyển giao Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà của Miền Nam Việt Nam trước đây và bây giờ gọi là Nghĩa Trang Bình An, lại cho tỉnh Bình Dương quản lý, thì trong cái quyết định đó có nói rõ là giao lại để phục vụ trong vấn đề phát triển kinh tế và xã hội.

Lúc đó chúng tôi rất là băn khoăn là vì nghĩa trang trước đây Chính Phủ Miền Nam Việt Nam coi đó có tầm vóc một nghĩa trang quốc gia, như Nghiã Trang Quốc Gia Arlington ở Wahingtoon D.C. vậy, bây giờ nếu một nghĩa trang có tính cách quân sự như vậy mà bây giờ lại giao tỉnh Bình Dương quản lý theo mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, thì chúng tôi sợ rằng nó có sự xâm phạm hoặc là thay đổi, hay là dời đổi đặc tính của nghĩa trang này, cho nên anh em Quốc Gia Nghĩa Tử chúng tôi có họp nhau lại và có lên Toà Đại Sứ Việt Nam ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để trình một thỉnh nguyện thư của chúng tôi xin nhà nước đừng có làm một việc gì có tính cách xâm phạm hay là thay đổi nghĩa trang này.

Sau đó thì Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam trong chuyến viếng thăm Mỹ vào tháng 6 năm 2007, ông Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố rằng sẽ không có di dời đi nữa và sẽ đồng ý cho tất cả những người có thân nhân chôn cất ở trong đó được phép tái tạo, sủa đổi, trùng tu lại để làm cho tốt đẹp hơn. Tháng 11 năm đó anh em Quốc Gia Nghĩa Tử chúng tôi có cử anh Nguyễn Duy Linh về Việt Nam. Khi anh Linh về tới Việt Nam thì có liên lạc với bên tỉnh Bình Dường để xin làm công tác này."

Theo như số liệu do Uỷ Ban Nhân Dân huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cung cấp, hiện có 17.000 ngôi mộ trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, nay là Nghĩa Trang Bình An, một số xây bằng xi-măng, còn đa số là mộ vun bằng đất, tình trạng xuống cấp thấy rõ. Trong chuyến về đầu tiên năm 2007, khoảng 500 ngôi mộ đuợc phát cỏ và dọn sạch.

Mô tả tình trạng của những ngôi mộ ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, ông Nguyễn Duy Linh kể:

"Vào tháng 11 khi chúng tôi về Việt Nam và đi vào Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh BÌnh Dương và bên Sở Thương Binh Xã Hội. Sau đó chúng tôi có về thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà thì mới thấy nghĩa trang rất là điêu tàn, hoang phế, trâu bò thả đi nghênh ngang ở trong, và nhìn không ra những nấm mộ, cây cỏ mọc um tùm. Từ đó chúng tôi nhờ một số bà con ở gần đó làm cỏ, phát dọn được một số ngôi mộ. Hiện nay thì anh em Quốc Gia Nghĩa Tử chúng tôi cũng đang tiến hành công tác kế tiếp."

Phản ứng của chúnh quyền địa phương tỉnh Bình Dương như thế nào sau lần chạp mộ đầu tiên do thành viên Quốc Gia Nghĩa Tử - Nguyễn Duy Linh thực hiện hồi tháng 11 năm ngoái? Ông Nguyễn Hà trả lời câu hỏi này:

"Tháng 11 vừa rồi khi anh Nguyễn Duy Linh về Việt Nam, chúng tôi có bỏ ra một ít tiền để nhìư người dân chung quanh họ vào làm cỏ, họ nhổ cỏ sạch sẻ và họ đắp lại những mộ mà trước đây chỉ được dắp bằng đất, hoặc những mộ trước đây chưa kịp xây bằng xi-măng.

Theo tôi, tôi thấy như thế này là phải được một sự chấp thuận nào đó chính thức rõ ràng từ phía bên tỉnh Bình Dương hay huyện Dĩ An để được phép làm chuyện này, bởi vì hiện tại bây giờ sau khi chuyến vừa rồi anh Linh ở Việt Nam về thì hiện nay bên phía tỉnh Bình Dương trả lời với chúng tôi bằng văn bản đàng hoàng thì nói rằng đồng ý cho phép những người như chúng tôi - Quốc Gia Nghĩa Tử có thân nhân chôn cất ở trong đó được vào trong đó để xây lại những ngôi mộ bị bể, bị vỡ hay mất bia.

Nhưng bây giờ chúng tôi đang đặt vấn đề là hiện tại bây giờ trong đó còn khoảng hơn 12.000 ngôi mộ đều được đắp bằng đất thì chúng tôi chỉ sợ rằng một thời gian sau này trời mưa hay là lâu ngày đất bị xoi mòn thì những mộ đất đó sẽ mất đi thì ai sẽ lo những việc đó. Anh em chúng tôi xin là chúng tôi sẽ tự nguyện đóng góp để chúng tôi về chúng tôi xây bằng xi-măng cho những ngôi mộ đó.

Hiện nay, theo như văn bản từ phía bên Việt Nam trả lời rằng là nhà nước Việt Nam, huyện Dĩ An sẽ có một ngân sách đứng ra để xây những ngôi mộ đó. Theo như chúng tôi được biết thì hiện nay bên huyện Dĩ An cũng chưa làm gì cả và bao nhiêu tháng nay rồi cứ để yên đó, không làm gì cả, thì cá nhân tôi, chúng tôi rất quan tâm bởi vì bên phía nhà nước Việt Nam nói nhưng ngân khoản nào dành ra để mà làm công việc này thì chúng tôi thấy không có công bố gì cả.

Trong khi đó chúng tôi có thiện chí chúng tôi muốn làm thì hiện nay Nhà Nước Việt Nam lại chưa có một thoả thuận nào cho nó cụ thể, cho nó rõ ràng cả."

Đến công việc hương khói cho những người quá cố

NghiaTrang_Quandoi_BienHoa_200c.jpg
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, Hình do Nguyễn Duy Linh chụp tháng Giêng, 2008.

Những ngôi mộ đã được trùng tu hay chưa sửa sang trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà thì ai sẽ là người thường xuyên hương khói, nhất là trong độ Tết Mậu Tý này? Ông Nguyễn Duy Linh cho biết:

"Hàng năm khi Tết đến trong gia đình cũng hương khói nhang đèn cho những người quá cố, cho ông bà tổ tiên. Đó là phong tục tập quán của người Việt Nam. Ở trong nước chúng tôi cũng có một số anh em Quốc Gia Nghĩa Tử vào dịp Tết này cũng đi lên để nhang khói thăm những ngôi mộ.

Cũng có những Quốc Gia Nghĩa Tử có bố chôn cât trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà., cũng có anh em bà con bạn bè trong đó, thì chúng tôi cũng có một group nhỏ đi lên đó để thắp nhang cho những người chôn trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà."

Ông Nguyễn Duy Linh còn trình bày về hướng tới của Quốc Gia Nghĩa Tử trong việc xin tiếp tục trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, cũng như làm thế nào giữ nguyên vẹn cho những ngôi mộ của chiến sĩ đã nằm xuống:

"Hiện nay chúng tôi cũng đang xúc tiền làm những bản vẽ để đưa cho bên các nhà xây dựng để họ ước tính (estimate) đổ xi-măng cho một ngôi mộ như vậy là bao nhiêu tiền. Và chúng tôi cũng đang xúc tiến xin phép ở bên Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Dĩ An. Từ trước chúng tôi có một thư trả lời của UBND Tỉnh Bình Dương và chúng tôi lên tiếp xúc với UBND Huyện Dĩ An để xin phép làm công tác này."

"Chúng tôi cũng chỉ mong Đài giúp cho chúng tôi có một phương tiện truyền đạt những câu trả lời của chúng tôi đến thính giả để làm sáng tỏ dư luận cũng như cho tất cả mọi người biết tình trạng của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà hiện nay như thế nào, và đồng thời mong rằng phía bên Nhà Nước Việt Nam mau mau chấp thuận đề nghị của chúng tôi về vấn đề trùng tu nghĩâ trang này bởi vì nếu Nhà Nước Việt Nam đồng ý rồi mà phía bên tỉnh Bình Dương vẫn còn có những quyết định không đi đúng chủ trương - đường lối của đất nước trong giai đoạn mới này thì tôi thấy quả thật đây là một sự đáng tíêc."

Uỷ viên báo chí của Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage - Bà Phong Thu góp ý rằng dẫu gì Nghiã Trang Quân Đội Biên Hoà cũng là di tích lịch sử:

"Đức Quốc Xã khi mà họ sang Pháp và họ đi đánh khắp nơi hết và họ chết thì hiện bây giờ ở bên Pháp vẫn còn một nghĩa trang dành cho những người lính Đức đã tử trận ở tại đó. Nhưng mà 32 năm qua rồi Việt Nam vẫn không có cho tu sửa lại Nghĩa Trang Quân Đội và nằm đó sương gió bốn mùa không có được một nén nhang nào hết, thì mình phải biết thân nhân rất đau khổ.

Thương cho thân phận của một con người như vậy, do đó mà anh em Quốc Gia Nghĩa Tử dấn thân vào công việc cố gắng bảo vệ một di tích lịch sử của Miền Nam Việt Nam còn sót lại để con cháu chúng ta về sau này nhìn vào đó biết rằng là Việt Nam đã có một chiến khốc liệt giữa hai miền Nam - Bắc mà anh em cùng giết lẫn nhau. Thì nếu mà chính quyền Việt Nam tự nhận là những người có lòng nhân đạo như họ nói thì họ đã trùng tu và sửa chữa cái nghĩa trang đó từ lâu lắm rồi.

Và hiện nay vấn đề xin họ cũng không phải là dễ dàng lắm đâu. Chắc họ cũng đặt lý do này lý do nọ ra. Nếu chính quyền Việt Nam bảo rằng hoà hợp hoà giải dân tộc thì bây giờ hãy hoà giải hoà hợp với những người đã chết cho đúng với sự nhân đạo trước khi họ muốn hoà hợp hoà giải với những người sống."

Thưa quý vị, thờ cúng tổ tiên, thăm mộ ngày Xuân là tập tục cao quý của người Việt từ ngàn xưa đến ngàn sau. Người mình tin rằng để mồ mả tiêu điều, để hương tàn bàn lạnh là có tội với Trời Đất và dòng tộc. Những người con cái trong gia đình Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage (Hoa Kỳ) dù có hay không có người thân nằm lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà thì ước muốn tu sửa Nghĩa Trang được hiện thực một phần cũng là điều đáng quý, bởi ông bà ta thường nói "sống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm".

Ngày đầu của Xuân Mậu Tý sắp trôi qua, ít ra những ngôi mộ hàng hàng lớp lớp trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, hay Nghĩa Trang Bình An, cũng ấm áp phần nào với khói nhang phảng phất. Đối với người Việt xa quê, nếu Tết mà không được thắp nén nhang mừng tuổi ông bà đầu năm thì quả là lòng rất khó bình yên.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi chấm dứt ở đây. Thanh Trúc sẽ tái ngộ quý thính giả tối Thứ Năm tuần tới.

NghiaTrang_Quandoi_BienHoa_75.jpg