Hộ tống hay bá quyền?
Theo tin từ Vietnam Net cho biết thì Cục Quản lý Nghề cá Trung Quốc tuyên bố, họ đã bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông qua việc điều động hai tàu Ngư Chính 301 và 302 thay thế tàu 311 được nói là làm nhiệm vụ hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Ngô Trang, Giám đốc Cục Ngư nghiệp và quản lý cảng cá Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng tàu Ngư Chính sẽ đảm nhận nhiệm vụ tuần tra khu vực biển quần đảo Trường Sa.
Theo ông Ngô Trang, các tàu tuần tra được điều động để hộ tống tàu cá Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông và gia tăng quyền đánh bắt cá ở vùng biển quanh Trường Sa.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông.
Bà Nguyễn Phương Nga
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc khi điều tàu Ngư Chính, một loại chiến hạm được cải tiến thành tàu tuần duyên liên tục nhiều lần đưa ra hoạt động trên các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc ngày càng xem thường các nước trong khu vực qua hành động nước lớn bất kể dư luận quốc tế cùng các công ước biển đảo mà nước này đã ký kết.
Lên tiếng là bảo vệ cho ngư dân của mình nhưng Trung Quốc cố tình quên rằng khu vực mà tàu Ngư Chính hoạt động không hề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Nhìn dưới bất cứ góc độ nào đi nữa thì đây rõ ràng là một hành động bá quyền khi ngang nhiên mang tàu chiến vào vùng đang tranh chấp.
Khu vực biển Trường Sa từ trước tới nay là nơi ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên khai thác nguồn lợi thủy sản. Hành động mang tàu chiến hộ tống tàu cá của Trung Quốc là trực tiếp xâm phạm lãnh hải cũng như đe dọa nền kinh tế biển của Việt Nam. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, trưởng phòng khai thác thủy sản thuộc Cục khai thác và bảo vệ Thủy sản cho biết:
Ngư dân thì họ cứ đánh bắt bình thường vì đây là vùng biển của Việt Nam. Cho nên cho dù họ đánh bắt ở Trường Sa hay Hoàng Sa thì cũng là quê hương tổ quốc của mình. Riêng về các cái biện pháp thì đối với Việt Nam khi ngư dân ra những vùng biền như thế này thì khi bị các lực lương Trung Quốc bắt thì cơ quan chúng tôi sẽ đề xuất lên Bộ ngoại giao để phản đối lại Trung Quốc. Cụ thể thì chúng tôi cũng đang có những giải pháp kiến nghị cũng như tham mưu với lãnh đạo câp trên để có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Phản ứng trước hành động Trung Quốc cử tàu ngư chính tuần tra ở khu vực Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà Nguyễn Phương Nga như thường lệ, nói rằng "Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực"
Công khai vi phạm cam kết
Người ta còn nhớ, chỉ cách đây vài hôm, vào ngày 16 và 17/4, nhóm công tác ASEAN - Trung Quốc đã họp tại Hà Nội, khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Lời tuyên bố chưa kịp bay khỏi tai của các bên tham gia hội nghị thì Trung Quốc lại chính là nước công khai vi phạm những khẳng định này
Họ yêu cầu quốc hội cần có những giải pháp, các cuộc trao đổi làm việc trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên không có sự tiến triển nào.
Ô. Lê Văn Cuông
Có lẽ không gì bẽ bàng hơn đối với Việt Nam trong khi Ủy Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do ông Lê Quang Bình dẫn đầu đang có mặt tại Trung Quốc thì nước này chào đón bằng một hành động không lấy gì làm hữu nghị như hai nước thuờng công bố. Trước sự kiện khá bức xúc này, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội đơn vị Thanh Hóa lên tiếng với chúng tôi như sau:
Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để sắp tới quốc hội có những chương trình tham gia luật biển để đóng góp vào dự án luật này. Từ xưa đến nay Việt Nam luôn luôn mong muốn giải quyết các công việc tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Hai nữa Việt Nam cũng mong muốn các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc là một nước lớn cạnh Việt Nam cũng phải tôn trọng và xử sự với Việt Nam một cách bình đẳng hơn.
Tuy mong đợi Trung Quốc sẽ tôn trọng và xử sự với Việt Nam một cách bình đẳng nhưng qua những động thái mà Bắc Kinh thường hành xử buộc Việt Nam phải nhìn lại chính mình cũng như lật lại kinh nghiệm ngoại giao đối với họ trong nhiều chục năm qua. Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông cho biết:
Tại diễn đàn của quốc hội thì các đại biều cũng đã phản ảnh về cái tâm tư nguyện vọng hay kiến nghị của cử tri nói chung ngư dân nói riêng họ yêu cầu quốc hội cần có những giải pháp, các cuộc trao đổi làm việc trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên không có sự tiến triển nào.Cho nên nhiều đoàn cấp cao trong đó có đoàn của Ủy Ban Quốc phòng và An ninh do ông Lê Quang Bình đi thăm Trung Quốc, chúng tôi biết chắc là sẽ có đề cập đến vấn đề này. Chắc rằng sau chuyến đi cũng như trong qua trình hoạt động Ủy Ban Quốc phòng và An ninh sẽ có ý kiến với Trung Quốc để sớm giải quyết những về phân định ranh giới cũng như tranh chấp trên biển Đông.
Một tuần trước khi xảy ra vụ tàu Ngư Chính, Tướng Phùng Quang Thanh bộ trưởng quốc phòng Việt Nam dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc để bàn chuyện hợp tác quân sự.
Năm ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng chống đối tàu Ngư Chính của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp sang thăm Thượng Hải, nơi đang diễn ra hội chợ thế giới do nước này chủ trì.
Theo truyền thông từ Bắc Kinh thì con tàu tuần tra mang tên Ngư Chính sẽ hỗ trợ tàu đánh cá Trung Quốc và các tàu thuyền khác. Tuy nhiên, theo AFP, dưới cái nhìn trung thực của một hãng thông tấn quốc tế thì động thái này của Trung Quốc được coi là Bắc Kinh đang dùng sức mạnh quân sự để o ép các nước tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn.
Những nỗ lực hợp tác của Việt Nam đối với Trung Quốc hình như không được nước này đáp trả một cách sòng phẳng. Phải chăng số phận nước nhỏ không còn cách nào khác ngoài những thăm viếng, hợp tác hay tuyên bố này khác nhằm thắt chặt tình hữu nghị, để mong nước láng giềng khổng lồ nghĩ lại mà nhường cho một ít đất của chính tổ tiên mình sở hữu từ hàng trăm năm nay?
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả tàu cá cùng 12 ngư dân
- 8 ngư dân mất tích đã được cứu sống
- 8 ngư dân trở về sau 2 ngày mất tin tức
- Trung Quốc lại bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam
- Thủ tướng Việt Nam phê duyệt đề án quản lý biển đảo
- Ngưng tìm 5 ngư dân mất tích tại vùng biển Quảng Bình
- CT huyện Lý Sơn đề nghị điều tra tàu lạ tông chìm tàu cá ngư dân địa phương
- Tàu đánh cá Việt Nam tiếp tục bị tàu lạ đâm chìm
- Ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc hành hung
- Lý Sơn: Tàu đánh cá VN bị Trung Quốc trấn lột