Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Ông Trịnh Tiêu Du, 62 tuổi, cựu giám đốc Cục quản lý thuốc và thực phẩm quốc gia, vừa bị tòa án Trung Quốc xử tử hình về tội nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm, gây ra nhiều trường hợp thiệt hại nhân mạng.

Theo tin tức do các hãng thông tấn quốc tế gởi đi từ Bắc Kinh thì ông Trịnh Tiêu Du đã nhận các khoản tiền hối lộ và quà biếu trị giá trên 6 triệu rưỡi nhân dân tệ, tương đương với 850 ngàn đô la, để cấp giấy phép cho nhiều công ty sản xuất thuốc trị bệnh và thực phẩm kém chất lượng, được bày bán khắp thị trường Hoa Lục với giá cao.
Trong thời gian ông quản lý cơ quan cung cấp dược liệu và thực phẩm quốc gia, đã xảy ra vụ 13 trẻ em chết vì uống sữa giả và 10 nạn nhân khác thiệt mạng vì thuốc trụ sinh kém chất lượng, thiếu tiêu chuẩn.
Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều tài liệu giả do các hãng thuốc đệ nạp để xin phép Cục quản lý thuốc và thực phẩm cho phép bào chế và cung cấp cho thị trường. Hậu quả là đã có 6 loại thuốc không chất lượng được bán ra cho dân chúng sử dụng.
Giới truyền thông quốc tế cho rằng, bản án tử hình dành cho ông Trịnh Tiêu Du chứng tỏ Bắc Kinh quyết tâm ngăn chặn những ảnh hưởng xấu trong vấn đề quản lý và xuất khẩu thực phẩm và y dược, sau hàng loạt vụ tai tiếng về các loại sản phẩm độc hại của Trung Quốc bị phát hiện ở nước ngoài, thời gian gần đây.
Lên tiếng trước phiên tòa ở Bắc Kinh, ông Tuy Mậu, luật sư biện hộ cho ông Trịnh Tiếu Du nói, hành động sai phạm của thân chủ là điều rất phổ biến tại Trung Quốc, ở bất cứ ngành nghề nào cũng xảy ra những vụ việc tương tự, nên xin tòa khoan hồng cho ông Trịnh.
Trong khi đó, ông Chương Vi Quốc, một nhà văn, một nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc hiện lưu vong ở hải ngoại, thì nói rằng, ông Trịnh Tiêu Du chỉ là một vật tế thần, một hình thức che mắt du luận, vì đàng sau ông, còn có cả một hệ thống tham nhũng chằng chịt, bao gồm những nhân vật đầu sỏ trong chánh quyền ăn chia với nhau, bao che cho nhau, nhưng chỉ có một người phải đền tội khi nhà nước cần xoa dịu dư luận.
Tấm gương cho Việt Nam
Sau khi hay tin người từng đứng đầu Cục quản lý thực phẩm và y dược Trung Quốc bị tòa kết án tử hình, ông Trần, một người Việt định cư tại Hoa Kỳ xem đây là một tấm gương cần phải triệt để áp dụng, vì nhà nước Việt Nam luôn hô hào chống tham nhũng, nhưng chưa có hành động nào cụ thể, như trường hợp của ông Trịnh Tiêu Du bên Trung Quốc.
Dịp này, ông Trần cũng nhắc tới những loại hàng hóa mà chánh phủ Hoa Kỳ cấm nhập khẩu vì có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến vấn đề an tòan thực phẩm, tin tức trong nước cho hay hàng chục ngàn chai nứơc tương bị thu hồi, hay việc Hà Nội vẫn bán nước tương bẩn.
Cô Nhàn từ Saigon cho biết dân chúng rất e ngại khi nghe tin đó và cũng phanh phui một số mánh lới làm ăn thiếu lương thiện của một số công ty sản xuất thực phẩm, khi quảng cáo hàng hóa của họ, thách thức khách hàng, nếu tìm được sai sót sẽ được tặng thưởng nhưng ai cũng biết đó là một sự lừa đảo.
Theo báo chí thì cơ quan y tế chỉ thị các điểm kinh doanh nước tương chỉ được phép nhận tiêu thụ hàng của những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an tòan thực phẩm và có công bố tiêu chuẩn sản xuất còn hiệu lực.