Những ngộ nhận trong việc đối phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề lớn hiện nay cần phải được giải quyết cùng với sự hợp tác toàn cầu.

0:00 / 0:00

Việc tìm và thực hiện các giải pháp gây không ít băn khoăn cho các nhà hoạch định chính sách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì mối lo ngại về những ảnh hưởng xấu của nó trên vấn đề phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao Động Quốc tế, những lo ngại trên có thể xem là huyễn hoặc, ảo tưởng.

Tổ chức Lao động Quốc tế vừa đưa ra những nhận định của họ về những ngộ nhận thường thấy trong vấn đề đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Từ đó, kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia đang phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Sachiko Yamamoto, Giám đốc khu vực, đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng: "Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, tiến trình giải quyết vấn đề này rất cần thiết cho sự phát triển và ổn định khu vực. Tuy nhiên, hành trình giảm thiểu khí thải và cải thiện khí hậu trong tương lai rất cần có sự cộng tác của thế giới nhân lực, những người đang làm việc".

Tổ chức này dẫn chứng trường hợp một nông dân sống bằng nghề bán phân bò để làm khí đốt cho các lò gạch. Công việc này nuôi sống cả gia đình chị với mức thu nhập khoảng 60 USD/tháng. Tuy nhiên, quá trình phân hủy phân đã gây ô nhiễm cả con sông, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng địa phương.

Do vậy, những chương trình cải thiện môi trường có thể được cộng đồng hoan nghênh. Nhưng đối với những người nông dân nghèo, đây có thể xem là một tin xấu vì nó ảnh hưởng đến kế sinh nhai hằng ngày của họ. Hay nói cách khác, vấn đề biến đổi khí hậu còn ở quá xa so với mối lo cơm áo gạo tiền trước mắt mỗi ngày. Không thể đòi hỏi những người nghèo phải nhìn vấn đề biến đổi khí hậu như những chuyên viên môi trường được.

Vì vậy, phương thức tốt nhất để tìm sự hợp tác của tầng lớp bình dân là hãy biến những hành động cải thiện môi trường thành những cơ hội kiếm sống cho họ.

Thứ nhất, cần phải thấy những hành động bảo vệ môi trường không phải là tin xấu cho vấn đề công ăn việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc lao động.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, tài chánh cũng là một vấn đề đáng lo ngại và có thể gây tranh cãi cho các quốc gia nghèo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thực tế cho thấy, có đến một tỉ người bị xếp vào tầng lớp lao động nghèo với mức sống chỉ 2 USD/ngày trong khu vực. Thống kê đầu tiên của năm 2009 cho biết có đến 100 triệu người thất nghiệp.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, trong 9 tháng đầu năm 2009, số người thất nghiệp tăng lên đến 10% và hiệu quả lao động giảm 2.5%. Đây là những con số ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Tại Campuchia, có đến ¼ nhà máy dệt đã phải đóng cửa. Tất cả những yếu tố trên đều bất lợi cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên theo tổ chức này, vấn đề nằm ở chỗ những nhận định của nhiều nhà hoạch định hoàn toàn không chính xác, trái lại có phần ảo tưởng và huyễn hoặc.

Ảnh hưởng

Thứ nhất, cần phải thấy những hành động bảo vệ môi trường không phải là tin xấu cho vấn đề công ăn việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc lao động. Theo kinh nghiệm của những năm vừa qua, việc “đầu tư sạch” (không gây ô nhiễm môi trường) lại có lợi, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn so với những khu vực kinh doanh gây ô nhiễm.

Một thống kê gần đây của HSBC trên toàn cầu cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm ít chất thải lại kiếm nhiều lợi nhuận hơn cả ngành công nghiệp hàng không và sản xuất vũ khí cộng lại. Đây là một điểm son trong lĩnh vực kinh tế toàn cầu.

Điều ngộ nhận thứ hai chính là chi phí cho những thiết bị, vật dụng ít gây ô nhiễm môi trường quá lớn. Thực chất, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, việc nhân rộng, khuyến khích sử dụng những sản phẩm này ngoài việc giảm khí thải độc hại còn đem lại những lợi ích khác, chẳng hạn như hiệu quả, lợi nhuận và điều kiện làm việc tốt hơn.

Tuy nhiên, hành trình giảm thiểu khí thải và cải thiện khí hậu trong tương lai rất cần có sự cộng tác của thế giới nhân lực, những người đang làm việc.

Ông Sachiko Yamamoto

Điều ngộ nhận cuối cùng là tâm lý đùn đẩy, cho rằng việc cải thiện môi trường chỉ liên quan đến các nhà chuyên môn và họ sẽ là những người giải quyết vấn đề.

Tổ chức Lao động Quốc tế nhận xét rằng, bất cứ cam kết nào của các chính phủ cũng đều cần có sự hợp tác của các tầng lớp xã hội.

Một khi những cam kết chỉ dừng lại ở bàn hội nghị mà không lôi kéo được sự tham gia, hưởng ứng của tầng lớp bình dân thì cam kết ấy khó có thể thực hiện được.