Ý kiến này là nhắn nhủ của ông Triết đối với ĐH Quốc gia TP HCM nhân chuyến thăm và làm việc của ông tại cơ sở giáo dục này vào hôm 31 tháng Bảy.
Thiếu giảng viên trình độ hậu đại học
Những năm gần đây ngành giáo dục của Việt Nam ngày càng cho thấy có nhiều điểm cần được cải cách, và một trong những điểm đó là việc tăng cường số lượng giảng viên có trình độ hậu đại học.
Theo số liệu mà Bộ GD-ĐT đưa ra, hiện nay VN chỉ có khoảng hơn 50 ngàn giảng viên đứng lớp bậc đại học, trong đó chưa đến 20% có trình độ tiến sĩ.
Sự kiện VN thiếu giảng viên trình độ hậu đại học có nhiều lý do. Cung không đủ cầu vì lượng giảng viên được đào tạo mới không đủ để thay thế những người về hưu, trong khi lượng sinh viên ngày một thêm đông đảo.
Trước sự thiếu thốn trầm trọng lực lượng giảng viên đại học, một vài biện pháp đã được áp dụng hoặc dự kiến áp dụng. Bộ GD hồi năm 2007 đặt ra chỉ tiêu đào tạo 20 ngàn tiến sĩ cho cả nước. Thời gian làm việc của giảng viên đại học hiện được nâng từ 60 tuổi lên 65. Song song với các chính sách này, VN cũng mưu cầu sự yểm trợ từ bên ngoài, trong đó có việc hợp tác với các trường đại học ngoại quốc và kêu gọi các nước, như Hoa Kỳ, giúp đỡ qua các dự án đào tạo tiến sĩ. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay ngành giáo dục VN đã có quan hệ với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, 36 tổ chức quốc tế. Nhiều trường đại học trong nước, đặc biệt là các trường đại học ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, và Cần Thơ hiện đang có quan hệ hợp tác song phương với nhiều trường đại học nước ngoài.
Cần tạo điều kiện để giảng viên có cuộc sống bình ổn.
Ông Nguyễn Điểu, Đà Nẵng
Tuy nhiên kết quả của các biện pháp vừa kể cần thời gian để thành hình.
Trước lên tiếng của chính phủ là chính sách ưu đãi cần được thực hiện để thu hút nhân tài, chất xám, giới giáo chức có ý kiến gì?
Cải thiện mức sống, môi trường làm việc
Một nhà trí thức trong nước, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, thành phố Đà Nẵng cho rằng giảng viên cần được đáp ứng yêu cầu ổn định cuộc sống:
"Cần tạo điều kiện để giảng viên có cuộc sống bình ổn, đồng thời nâng cao nhận thức của về yêu nước, yêu dân tộc."
Giáo sư Tiến sĩ Lâm Minh Triết, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên -Môi trường, ĐH QG TP HCM thì cho rằng:
“Điều kiện tuyển sinh cần khác hơn trước, đơn giản hơn; tuyển sinh với điều kiện Anh ngữ; mục đích và chương trình đào tạo Cao học cần được cải tiến.”
Cũng có dư luận từ giới giáo chức là kinh phí đào tạo cũng cần được nâng. Ngoài ra môi trường làm việc cũng cần được thoải mái, quản lý trong trường không bị gò bó.
Điều kiện tuyển sinh cần khác hơn trước, đơn giản hơn; tuyển sinh với điều kiện Anh ngữ; mục đích và chương trình đào tạo Cao học cần được cải tiến.
GS TS Lâm Minh Triết
Phát triển nhân lực là một trong những yếu tố giúp VN nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, và vì vậy, tăng cường đội ngũ giảng viên đại học có thể nói là một trong các yếu tố để nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học của VN.
Cuộc hội thảo do Đại sứ quán Pháp tổ chức ở VN hồi tháng Ba năm nay nhằm trình bày về những phương cách để giúp các trường đại học VN đạt tiêu chuẩn quốc tế, và Hội nghị lần thứ 2 bộ trưởng giáo dục Âu Á (ASEM) tổ chức tại Hà Nội hồi trung tuần tháng Năm vừa qua cũng đưa ra những nhận định này.
Câu hỏi hiện tại là những chính sách ưu đãi rồi có được áp dụng đúng đắn để đạt hiệu quả mong muốn hay không.