Câu hỏi này được đặt ra bởi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cũng như nhiều trí thức đảng viên cao cấp, những người từng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của đảng và nhà nước. Phải chăng Đảng CSVN đang tiếp tục dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam đi sai đường?
Mời quý vị nghe Ngọc Trân trình bày tiếp những mối lo ngại của các cựu lãnh đạo đảng.
Chủ nghĩa Xã hội chỉ để “bịp thiên hạ”?
Sau khi xem qua các bản dự thảo văn kiện ĐH đảng của BCH Trung ương, rất nhiều đảng viên cao cấp đã bày tỏ mối lo ngại khi nhận ra rằng, Đảng CSVN vẫn tiếp tục dẫn dắt cả nước đi lên CNXH.
Tại cuộc hội thảo góp ý cho văn kiện ĐH XI, GS Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, đã nêu lên những câu hỏi về CNXH như sau: "Bây giờ trong cái cương lĩnh này, ông đều nói chủ nghĩa Mác – Lênin và ông đều nói XHCN.
Nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc sách nhiều nhất. Tôi hỏi ông, CNXH bây giờ là cái gì, tôi đố ông trả lời được đấy.
Thế bây giờ CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác.
GS Trần Phương
Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị, còn ông, thu hẹp cái sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân và thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi”.
GS Trần Phương cho rằng, khái niệm CNXH được đưa ra chỉ để bịp thiên hạ. GS nói tiếp: "Thế bây giờ CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây?
Có nhiều người bảo rằng, thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh’, đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông, đấy không phải CNXH!
Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh, anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy chưa? Nó không có xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi.
Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu ‘dân giàu, nước mạnh’ mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy. Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông!”
GS Trần Phương cho rằng, những người viết "Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH" đã không hiểu hết những điều họ viết. Điều này thật là nguy hiểm bởi đây là cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong tương lai.
Ông Trần Phương phát biểu: "Cho nên tôi đề nghị là nếu ông muốn trung thực với ông thì cái cương lĩnh của ông đó thì ông phải xác định cho tôi xem cái định hướng XHCN là cái gì? Mà cái CNXH ông theo đuổi, nó sẽ là cái gì. Chứ bây giờ chính ông cũng bí cơ mà, chính ông cũng bí.
Tôi nói là những người viết cái chiến lược đó, ông định nghĩa cho tôi: cái xã hội XHCN mà ông nói là cái gì đây? Đại để ông nói tôi nghe rõ thế nào là CNXH, theo ông quan niệm?
Còn nếu mà ông nói là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh” thì xin lỗi ông, bọn tư bản nó đầy. Nó làm như thế cả. Ông làm chả khác gì nó, thậm chí kém hơn nó.
Ngay đại hội X, tôi đã phát biểu thẳng với các anh lãnh đạo rồi. Tôi nói là, định hướng XHCN là cái gì, các ông phải ghi ra. CNXH mà chúng ta tiến tới là cái gì, ông phải ghi ra. Nhưng mà một câu thách đố đơn giản như vậy mà họ không làm nổi”.
“Định hướng XHCN” là gì?
Cũng như khái niệm CNXH, khái niệm “định hướng XHCN” đã gây thắc mắc cho nhiều vị là đảng viên cao cấp.
Trong một bài phát biểu, ông Nông Đức Mạnh cho rằng: "Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa".
Mặc dù trong các bài phát biểu, lãnh đạo Đảng CSVN đều nói về “định hướng XHCN”, thế nhưng khi được hỏi về khái niệm này, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, trả lời báo Vietnamnet hôm 5 tháng 10 rằng, cho đến nay ông vẫn chưa hiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì.
Tôi nói là, định hướng XHCN là cái gì, các ông phải ghi ra. Nhưng mà một câu thách đố đơn giản như vậy mà họ không làm nổi.
GS Trần Phương
Có cùng thắc mắc với ông Nguyễn Trung, GS Trần Phương cũng không rõ cái ‘định hướng XHCN’ mà đảng và nhà nước đề ra, đó là cái gì.
GS Trần Phương cho biết: "Đại hội X, tôi đã nói trước Bộ chính trị, tôi nói là các anh định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là cái gì? Cũng không ai trả lời.
Rồi tôi hỏi là ông nói định hướng XHCN, thì cái định hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây, là các ông cũng không trả lời được. Có phải không? Ông nói về định hướng XHCN, thì định hướng của ông là cái gì đây, ông nói cho tôi nghe?”
Trong khi các đảng viên cao cấp không hiểu "định hướng XHCN" là gì, thì ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN giải thích rằng: "Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là: thứ nhất, thực hiện mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh'. Giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn".
GS Trần Phương cho rằng, xóa đói, giảm nghèo không thể là 'định hướng XHCN': "Ông bảo là xóa đói giảm nghèo, xin lỗi ông, cả thế giới nó làm. Mà Liên Hiệp Quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó, thế chả nhẽ nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba cái thằng tư bản.
Cho nên tôi cảm thấy là, viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn quá. Lúc nào cũng là ‘nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin’, lúc nào cũng là ‘định hướng XHCN’ rồi ‘xây dựng CNXH’, và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là chúng ta đang ‘quá độ lên CNXH’”.
Cũng như ông Nguyễn Trung và GS Trần Phương, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc NHNN VN cũng không biết cái ‘định hướng XHCN’ là gì.
Bà Hương cho biết: "Trong cương lĩnh, viết thì rất hay, nhưng đưa ra rất nhiều khái niệm mà tôi chẳng hiểu được, như khái niệm mà chúng ta vẫn cứ lúng ta lúng túng là 'một nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN'.
Riêng ngân hàng, không biết ‘kinh tế thị trường có định hướng XHCN’ trong hoạt động ngân hàng, là cái gì?
Cho nên, từ công nghiệp hiện đại, cũng theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế thị trường cũng theo XHCN, rồi xây dựng nền dân chủ cũng theo XHCN, thì tôi không hiểu nó là cái gì cả.
Bà Dương Thu Hương
Ngoài ra lại còn phát triển công nghiệp hiện đại, trở thành một nước công nghiệp hiện đại ‘theo định hướng XHCN’. Không biết công nghiệp hiện đại ‘theo định hướng XHCN’ là cái gì? Thế công nghiệp của XHCN khác với công nghiệp tư bản à? Thế thì tại sao phải có cái đuôi ‘theo định hướng XHCN’?
Thế rồi ‘xây dựng một nền dân chủ XHCN’. Đúng là ngày xưa học về Mác – Lênin có câu ‘dân chủ của CNXH thì dân chủ gấp trăm lần tư bản’. Thế nhưng, tôi thì tôi nghĩ, dân chủ ở đâu cũng giống nhau thôi, là người dân được phép nói, đấy là dân chủ. Xã hội tạo điều kiện cho dân được nói, pháp luật tạo điều kiện cho dân được nói, thì đấy là dân chủ. Xã hội nào cũng thế, lại còn cái dân chủ XHCN nữa.
Cho nên, từ công nghiệp hiện đại, cũng theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế thị trường cũng theo XHCN, rồi xây dựng nền dân chủ cũng theo XHCN, thì tôi không hiểu nó là cái gì cả".
Việt Nam đang theo “Kinh tế thị trường” hay “định hướng XHCN”? Đảng CSVN thực sự có còn đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động như đảng tuyên bố hay không? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.
Theo dòng thời sự:
- Đảng dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi chệch hướng? (phần 1)
- Có nên từ bỏ "Chủ nghĩa Mác-Lê" hay không?
- Tiếp tục xây dựng kinh tế theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
- Đảng là "đại biểu trung thành" cho ai? (phần 1)
- Đảng là "đại biểu trung thành" cho ai? (Phần 2
- Những "vấn đề" của Đảng cộng sản Việt Nam
- Đại hội Đảng được đưa lên website