Máy tính và sức khoẻ con người

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong số thư từ Ban Việt Ngữ nhận được tuần qua có lá email của thính giả ký tên Thuỳ Trang gửi Trà Mi, hỏi rằng “Nếu trong phòng ngủ để computer (trên 2 cái) cùng các máy móc khác như TV, đầu máy…mà phòng thì không lớn lắm, thì có hại cho sức khoẻ không?”

ComputerIt200.jpg
AFP PHOTO

Câu hỏi của bạn Trang hiện cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người, khi mà máy tính đã trở thành một người bạn không thể thiếu của nhân loại trong thời đại kỹ thuật số này.

Để giúp bạn Trang cùng quý thính giả tìm lời giải đáp từ giới chuyên môn, Trà Mi có cuộc trao đổi với bác sĩ Mark Ciancone, Giám đốc Chương trình Sức khoẻ Nghề nghiệp của Trung Tâm Y tế, thuộc Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Bác sĩ Mark Ciancone từng đóng góp ý kiến trong một số bài viết về đề tài “Máy tính và sức khoẻ con người”. Phần chuyển ngữ do Mặc Lâm trình bày.

Trà Mi: Thưa bác sĩ, nói một cách tổng quát, máy vi tính có hại đối với sức khỏe chúng ta hay không?

Bác sĩ Mark Ciancone: Vâng, tôi phải công nhận rằng có thể có.

Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết những tác hại phổ biến nhất của máy vi tính lên sức khoẻ con người là gì?

Bác sĩ Mark Ciancone: Máy vi tính gây các tác hại đối với sức khoẻ thể chất của chúng ta. Thường xuyên sử dụng computer dễ bị các chứng đau nhức ở cổ tay, cẳng tay, cánh tay, tê nhức các ngón tay, đau nhức ở cùi chỏ, vai, lưng, cổ, kèm theo các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, mỏi mắt, mờ mắt, hay khô mắt…

Máy vi tính gây các tác hại đối với sức khoẻ thể chất của chúng ta. Thường xuyên sử dụng computer dễ bị các chứng đau nhức ở cổ tay, cẳng tay, cánh tay, tê nhức các ngón tay, đau nhức ở cùi chỏ, vai, lưng, cổ, kèm theo các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, mỏi mắt, mờ mắt, hay khô mắt…

Đó là một số tác hại thường thấy nhất của máy vi tính đối với sức khoẻ con người. Còn về cái gọi là “hội chứng đau cổ tay”, tức những rối loạn đau ở cổ tay và bàn tay, có liên hệ gì với việc sử dụng máy vi tính hay không thì điều này vẫn còn đang tranh cãi trong giới khoa học. Tôi cho rằng điều này có thể xảy ra, nhưng hội chứng này luôn có những dấu hiệu cảnh báo trước khi nó thật sự xảy tới.

Trà Mi: Vậy chúng ta nên làm gì để tránh những tác hại này? Xin bác sĩ một vài lời khuyên giúp sử dụng máy vi tính một cách an toàn nhất?

Bác sĩ Mark Ciancone: Vâng, điều đầu tiên là chúng ta phải sắp đặt chỗ ngồi làm việc với máy tính một cách khoa học. Cần lưu ý là bàn phím phải được đặt ở vị trí sao cho khi chúng ta đặt tay đánh máy thì cùi chỏ ở vị trí 90 độ, vai được thả lỏng, và cổ tay phải thẳng.

Đối với nhiều người, có thể nói tư thế này tương đương với việc đặt bàn phím ngay lên đùi trong tư thế ngồi ghế. Ngoài ra, độ cao và khoảng cách của màn hình so với tầm mắt cũng là vấn đề quan trọng cần chú ý đến. Đỉnh cao nhất của màn hình phải vừa tầm mắt.

Thế nhưng, quan trọng nhất là không nên ngồi lì trước máy hàng giờ đồng hồ, cứ chừng 45 phút đến 1 tiếng, nên đứng dậy, vươn vai, đi chỗ khác, hoặc làm việc khác một vài phút. Việc này rất có lợi mà chẳng mấy người quan tâm thực hiện.

Nếu bạn thường phải ngồi làm việc trước máy tính nhiều giờ kéo dài, thì đừng chọn máy tính xách tay. Loại máy này chỉ nên được sử dụng trong một đôi chốc ngắn ngủi thôi.

Trà Mi: Thế nhưng rất nhiều người bây giờ lại có xu hướng thay thế máy tính để bàn bằng máy tính xách tay cho tiện lợi hơn, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Mark Ciancone: Đúng vậy, đúng vậy, trong đó có cả tôi nữa đấy. Thế nhưng, nếu chúng ta muốn chuyển qua dùng máy xách tay thì càng phải hết sức chú ý là không được ngồi làm việc nhiều tiếng đồng hồ trước máy. Chốc chốc phải có những quãng nghỉ để đứng dậy, vươn vai, hay rời khỏi máy nhiều lần hơn nữa so với làm việc với máy tính để bàn.

Nếu không làm được những điều này thì ít nhất bạn cũng nên sắm một bàn phím rời cho laptop để có tư thế và khoảng cách thích hợp, dễ chịu hơn khi làm việc. Bởi vì với máy cố định chúng ta có thể linh hoạt hơn trong cách bố trí khoảng cách giữa màn hình và bàn phím, trong khi máy xách tay thì mọi thứ đã dính liền với nhau sẵn rồi.

. 10 năm trước ở Mỹ đã xôn xao những tranh cãi về các tác hại có thể của tia phóng xạ phát ra từ các màn hình ống tia catod CRT. Điều căn bản cần ghi nhớ là các màn hình cần được đặt ở vị trí càng xa chúng ta càng tốt, ít nhất là phải cách xa từ trên nửa mét cho tới gần một mét. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy các màn hình có khả năng gây nguy hại đáng kể cho sức khoẻ con người.

Trà Mi: Ngoài những ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất như bác sĩ vừa trình bày, nghe nói các tia phóng xạ phát ra từ các dạng màn hình cũng không tốt cho sức khoẻ con người. Xin bác sĩ cho biết thêm tai hại của chúng ra sao?

Bác sĩ Mark Ciancone: Không nhiều lắm đâu. 10 năm trước ở Mỹ đã xôn xao những tranh cãi về các tác hại có thể của tia phóng xạ phát ra từ các màn hình ống tia catod CRT. Điều căn bản cần ghi nhớ là các màn hình cần được đặt ở vị trí càng xa chúng ta càng tốt, ít nhất là phải cách xa từ trên nửa mét cho tới gần một mét. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy các màn hình có khả năng gây nguy hại đáng kể cho sức khoẻ con người.

Trà Mi: Thậm chí trong một căn phòng diện tích nhỏ mà chúng ta đặt nhiều màn hình như TV, computer, cùng máy móc điện tử các loại cũng không đến nỗi nguy hại, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Mark Ciancone: Vâng, vâng. Điều này có lẽ không thành vấn đề đáng quan ngại. Tia phóng xạ phát ra từ hầu hết các loại máy móc điện tử gia dụng hàng ngày có thể chưa thật sự là vấn đề đáng báo động đối với sức khoẻ chúng ta, thậm chí cũng không gây hại đối với các thai phụ, mặc dù đã có thời gian giới khoa học Mỹ cảnh báo là các phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc thường xuyên với các màn hình điện tử.

Thế nhưng, nếu bạn nghi ngại thì nên dùng các màn hình phẳng, dạng LCD, hay Plasma thay thế cho các màn hình CRT. Những dạng màn hình này không gây rủi ro cho sức khoẻ. Mức độ tia phóng xạ từ màn hình LCD chỉ bằng 1/1000 so với màn hình CRT.

Những tranh cãi xoay quanh việc tia phóng xạ phát ra từ các màn hình video có hại cho sức khoẻ dĩ nhiên thường nhắm tới các màn hình hay máy móc điện tử có điện áp cao, hàng 20-30 ngàn volt, và chủ yếu nói về các tín hiệu bên trong phát ra 15.7 kHz.

Xin được nhắc lại một lần nữa là chưa có bằng chứng rõ ràng về việc phóng xạ từ màn hình vi tính cũng như từ các dụng cụ điện tử thông dụng như TV có thể làm nguy hại đến sức khoẻ chúng ta, cũng không gây xáo trộn cho sự sinh sản hay mang thai vì số lượng của chúng rất ít, chỉ nhiều hơn một chút so với phóng xạ hiện có trong không gian chúng ta đang sống. Những ai không an tâm thì đã có giải pháp là sử dụng các màn hình phẳng LCD hay Plasma. Tóm lại, tôi không nghĩ đây là một vấn đề đáng lo.

Trà Mi: Như vậy, chúng ta chỉ nên quan ngại đối với những tác hại về mặt thể chất khi làm việc với máy tính như đau nhức lưng, vai, tay, mắt…hơn là lo lắng về vấn đề tia phóng xạ phát ra từ máy?

Bác sĩ Mark Ciancone: Vâng, dĩ nhiên rồi. Điều cơ bản đầu tiên chúng ta cần phải quan tâm khi làm việc với máy tính là sắp đặt không gian làm việc khoa học, để ý tới các yếu tố như ánh sáng, bàn làm việc, ghế ngồi, bàn phím, độ sáng màn hình, khoảng cách và độ cao của màn hình phải vừa tầm mắt. Kế đến, cần tạo tư thế ngồi làm việc sao cho thoải mái.

Quan trọng hơn cả là trong lúc làm việc cần có những quảng nghĩ đều đặn, không ngồi quá lâu hàng giờ trước máy. Nếu các bạn sử dụng dạng màn hình ống tia catod CRT và có nghi ngại thì nên chú ý đến khoảng cách an toàn giữa người và máy, như tôi vừa trình bày.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ Mark Ciancone, Giám đốc Chương trình Sức khoẻ Nghề nghiệp của Trung Tâm Y tế, thuộc Đại học Indiana, Hoa Kỳ, đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.