Bao giờ người nông dân hết nghèo

Trong lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam, tình trạng khó khăn, thiệt thòi của người trồng lúa hẳn là một trong những đề tài gây nhiều chú ý – và cũng gây nhiều bàn cãi về nguyên nhân của vấn đề.

Lỗi tại ai

Trong thời gian gần đây, xem chừng như ngày càng có nhiều ý kiến đề cập tới tình cảnh khó khăn gần như triền miên của đại đa số nông dân VN,

Bao giờ người nông dân hết nghèo
Bao giờ người nông dân Việt Nam hết nghèo. Photo by Dolinh, RFA (Photo by Dolinh, RFA)

nhất là tại vùng ĐBSCL, mà một trong những nguyên nhân chủ chốt là người làm ra hạt lúa thường xuyên gặp thiệt thòi vì bị thương lái ép giá, như một chuyên gia Miền Tây mô tả:

“Tại vùng ĐBSCL, hầu hết nông dân tiêu dùng mọi thứ bằng lúa. Họ thu họach lúa xong rồi mới bán lúa để trang trải nợ nần, chi phí phân bón, tiền nước mắm, dầu lửa...đủ thứ hết. Rồi tới thời vụ bị thương lái ép giá. Nhưng bây giờ nhà nước có chủ trương này đỡ cho nông dân lắm, đó là hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Thí dụ như doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng nhà nước, nhà nước hỗ trợ phần lãi suất đó để giúp các doanh nghiệp mua lúa của dân trữ lại. Chớ để tới thời vụ, lúa ứ đọng nhiều quá doanh nghiệp không chịu mua, rồi khi mua họ bắt đầu ép giá lúa của dân.”

Nói chung vấn đề thương lái ép giá lúa cũng có, nhưng đó không phải là vấn đề phổ biến, ảnh hưởng nặng lắm đâu. Tại vì hiện giờ hệ thống thương lái vẫn là hệ thống tích cực trong việc thu mua lúa, giải quyết vấn đề bán lúa của nông dân. Trong những trường hợp nhất định, nông dân nóng lòng bán lúa sớm, rồi sau đó giá lúa lên khiến họ cảm thấy bị ép giá.

Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh

Nhưng cũng có quan điểm ngược lại, cho rằng thiệt thòi của nông dân không phải phát xuất từ tình trạng bị thương lái ép giá, mà vì người trồng lúa bán nông sản của mình không đúng lúc. Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Cần Thơ thuộc trong những người có quan điểm như vậy, như ông nhận xét sau đây:

“Nói chung vấn đề thương lái ép giá lúa cũng có, nhưng đó không phải là vấn đề phổ biến, ảnh hưởng nặng lắm đâu. Tại vì hiện giờ hệ thống thương lái vẫn là hệ thống tích cực trong việc thu mua lúa, giải quyết vấn đề bán lúa của nông dân. Trong những trường hợp nhất định, nông dân nóng lòng bán lúa sớm, rồi sau đó giá lúa lên khiến họ cảm thấy bị ép giá. Thực tế, đó chỉ là cơ chế thị trường thôi, theo giá lên giá xuống. Vấn đề là nông dân bán lúa không đúng thời điểm. Thương lái cũng có vai trò tích cực trong một hệ thống, chớ không phải tiêu cực đâu, nhất là họ phải đi luồn lách từng ngõ ngách để thu gom lúa về cho công ty.”

Về vấn đề nông dân bán lúa không đúng thời điểm cũng được một nông dân ở An Giang mô tả thêm:

“Lúa em mần ở bên đây, mới mần xong đem vô mình chưa có hay biết giá cả. Thí dụ giá lúa hôm qua 5 ngàn/1 ký, rồi bữa nay nó lên nữa mình đâu có hay. Nên mình bán theo giá hôm qua thì người ta mua liền. Tới khi hay lúa lên giá thì mình đã bán cho người ta rồi. Ép giá lá ép như vậy đó.”

Tại nhiều hội thảo về nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, rất nhiều người có trách nhiệm đã đặt ra vấn đề định hướng, quy họach vùng sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề; doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân...Thế nhưng, nhìn chung, trên thực tế, ở rất nhiều nơi, nông dân vẫn phải ‘tự bơi’ trong cơ chế thị trường

Báo điện tử Cần Thơ

Kế hoạch và thực tế

Theo TS Phạm Văn Quỳnh, thì vật giá nói chung gia tăng – trong khuôn khổ cơ chế thị trường – góp thêm phần bất lợi cho mức sống nông dân:

“Đây là vấn đề nan giải cho bài tóan kinh tế VN. Tại vì số diện tích của từng nông hộ thường thì nhỏ. Do đó điều kiện giá cả nói chung tăng khiến thu nhập của họ chưa đáp ứng hết được nhu cầu cuộc sống, nên tình trạng nông dân không được khá thôi. Rồi giá cả vật tư nông nghiệp tăng khi giá lúa tăng. Trong bối cảnh giá cả nói chung của các mặt gia tăng khiến nông dân không trang trải hết chi phí nỗi, cho nên họ chưa khá giả được. Tuy nhiên, vấn đề giá cả tăng như vậy là theo cơ chế thị trường thôi, chớ không phải vấn đề ép nông dân gì hết.”

Dù thế nào đi nữa thì người trồng lúa nói chung vẫn gặp khó khăn. Câu hỏi được nêu lên là giới hữu trách, và cả những chuyên gia nông nghiệp, có biện pháp nào để trợ giúp nông dân không. TS Phạm Văn Quỳnh giải thích:

“Đó là hướng nhà nước phát triển theo cơ chế, tức là làm thế nào để doanh nghiệp gắn bó, khắng khít với nông dân, trong khi các nhà khoa học cũng tham gia chuyển giao được những tiến bộ khoa học tốt nhất để cho sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đồng thời giúp giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí lượng nông sản thu họach của nông dân, để bảo đảm nguồn thu nhập của nông dân. Đây là xu hướng mà VN đang đẩy mạnh, và chứng tỏ đang mang lại kết quả tốt.”

Vẫn theo TS Phạm Văn Quỳnh thì hiện VN bắt đầu chú trọng tới nông thôn nhiều hơn:

“Hiện chính phủ đang tăng cường đầu tư cho nông thôn tương đối toàn diện, từ đường xá, trường học, tới các trạm y tế địa phương...Thứ hai là nhà nước cũng có hỗ trợ nông dân về lãi suất trong vốn vay để đáp ứng sản xuất. Nói chung là trong chiều hướng chú trọng tới nông thôn, tập trung đầu tư vào nông thôn nhiều hơn trước.”

Có lẽ câu hỏi cần được nêu lên ở đây là những kế họach tốt đẹp của nhà nước dành cho nông nghiệp, nông thôn và nhất là nông dân được thực hiện cụ thể ra sao ? Báo điện tử Cần Thơ cách nay ít lâu có bài tựa đề “Khi Nông Dân Lên Tiếng” nhận xét rằng “Tại nhiều hội thảo về nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, rất nhiều người có trách nhiệm đã đặt ra vấn đề định hướng, quy họach vùng sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề; doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân...Thế nhưng, nhìn chung, trên thực tế, ở rất nhiều nơi, nông dân vẫn phải ‘tự bơi’ trong cơ chế thị trường, trong làn sóng hội nhập-cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.