Trách nhiệm xã hội
Thế nhưng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” hãy còn là một khái niệm rất mới đối với nhiều công ty kinh doanh sản xuất trong nước. Một người am hiểu vấn đề, Giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc tổ hợp giáo dục, đào tạo và tư vấn Stellar Management ở Việt Nam, phân tích về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện:
Trước đây các doanh nghiệp thường nghĩ rằngvai trò của họ trong xã hội là đóng thuế. Nhưng mà dần dần chúng ta thấy đóng thuế là không đủ.
GS Hà Tôn Vinh.
GS Hà Tôn Vinh: Khái niệm gọi là "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp", tiếng Anh gọi là Corporate Social Responsibility, viết tắt CSR, là một khái niệm không mới lắm, được áp dựng tại những nước phát triển. Nói chung là dựa vào một số các yếu tố rất quan trọng: sự hợp tác giữa nhiều tổ chức, trong đó có chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các viện và các đại học, nhằm đưa đến nhằm tạo sự tôn trọng gọi là tôn trọng môi trường, tôn trọng xã hội, tôn trọng vấn đề sử dụng người lao động, không hủy hoại môi trường, đưa vị thế của doanh nghiệp lên cao hơn. Đó là khái niệm căn bản của CSR.
Thanh Trúc: Thưa giáo sư, cái ý thức, vai trò, và sự cần thiết của trách nhiệm xã hội của công ty hay doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang lúc mở cửa, phát triển và hội nhập như thế nào?
GS Hà Tôn Vinh: Trước đây các doanh nghiệp thường nghĩ rằng vai trò của họ trong xã hội là đóng thuế. Nhưng mà dần dần chúng ta thấy đóng thuế là không đủ. Có nhiều doanh nghiệp ngoài chuyện đóng thế còn sử dụng môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước và họ còn lạm dụng hay gọi là lợi dụng nữa, thành ra có cái khái niệm là không những phải đóng thuế đóng góp cho xã hội mà phải sản xuất mà không làm hại môi trường. Có nhiều doanh nghiệp họ trốn thuế hay là họ đóng thuế ít thì cái chuyện đó ở đâu cũng có. Một thời gian sau chúng ta thấy là nhiều doanh nghiệp bắt đầu lợi dụng môi trường hay tài nguyên thiên nhiên để sản xuất. Họ trục lợi cho doanh nghiệp của họ.
Đến giai đoạn thứ hai thì chúng ta thấy là doanh nghiệp muốn sản xuất tốt thì ngoài chuyện đóng góp cho xã hội còn không làm hại môi trường. Môi trường đây có nghĩa là môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, môi trường sinh hoạt, rồi môi trường một cách gọi là dân chủ, tôn người tiêu dùng…chẳng hạn như vậy.

Thì chúng ta thấy gần đây có một số những cái vi phạm rất là trắng trợn. Tôi đọc báo thấy vừa qua tại miền Nam, một công ty môi trường mà đổ rác thải xuống hồ hơn bốn trăm tấn trong những năm vừa qua. Là một công ty môi trường đi thu thập rác hay những đồ phế thải nhưng mà thay vì xử lý họ lại đổ vào lòng hố. Đó là một thí dụ. Thứ hai là một công ty Đài Loan sản xuất bột ngọt tên là Vedan. Họ đổ tất cả chất thải xuống sông Thị Vải, làm không những cả môi trường chết mà còn làm thiệt hại rất nhiều cho người dân sinh sống trong vùng sông đó. Đó là một trong những cái cho thấy không phải chỉ đóng thuế là đủ mà phải không làm hại môi trường và phải đóng góp vào môi trường sinh sống mà chúng ta gọi là môi trường thiên nhiên rồi vấn đề nước vấn đề không khí âm thanh tiếng động, cả cái môi trường lao động nữa, làm sao cho con người lao động không bị lạm dụng, rồi những chất thải xử lý như thế nào, nghĩa là sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà đóng góp lại cho môi trường cho thiên nhiên. Đó là vai trò nồng cốt của CSR .
Doanh nghiệp chưa ý thức
Thanh Trúc: Theo giáo sư tới lúc này doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức hay đã được nâng cao ý thức về vấn đề "Trách Nhiệm Xã Hội Của Công Ty" chưa?
Qua nghiên cứu của chúng tôi thì các đại học ở Việt Nam bây giờ chưa có một giáo trình hay chương trình đào tạo chính qui hay bài bản về vấn đề <i>"Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp"</i>.
GS Hà Tôn Vinh.
GS Hà Tôn Vinh: Thực sự khái niệm CSR là vai trò cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp mới được đưa vào Việt Nam. Trước đây doanh nghiệp Việt Nam không quen thuộc với khái niệm đó. Gần đây Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam và Liên Hiệp Quốc, chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, mới đưa một chương trình hai năm để mà hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nó gồm ba phần chính là tạo dựng một cái partnership, môt sự hợp tác, giữa chính phủ, chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân, các viện và các đại học, để mà đưa vấn đề đó vào trong doanh nghiệp.
Thứ hai là làm sao tổ chức những lớp học những chương trình đào tạo cho những nhà lãnh đạo hiện tại hay tương lai của các doanh nghiệp. Và thứ ba là đưa ra cái gọi là sự hợp tác, một mạng lưới cho tất cả các doanh nghiệp cũng như các tổ chức hợp tác với nhau để cùng làm cho đất nước được phát triển bền vững hơn.
Thì qua đó ta thấy là doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu rất nhiều, thứ nhất là sự hiểu biết về khái niệm đó, thứ hai là một chiến lược hay một chương trình hành động phản ánh được vai trò của doanh nghiệp trong việc đóng góp cho xã hội. Điểm thứ ba là chưa có nhiều những qui chuẩn hay là những qui tắc hành động cho các doanh nghiệp. Giả dụ như trong trường hợp Vedan, bây giờ các hội nông dân các hội thủy sản họ đòi bồi thường. Thì chuyện đó là bình thường. Nhưng mà bồi thường theo nguyên tắc nào, bồi thường bao nhiêu và bồi thường cho ai? Tất cả những cái đó còn là vấn đề bỏ ngỏ là vì bây giờ chưa có nguyên tắc là phải bồi thường thế nào, làm sao bồi thường. Phía Vedan đưa ra những con số có thể phù hợp có thể không phù hợp, chắc chắn những con số đó người dân không đồng ý, vậy bây giờ giải quyết thế nào? Thường thì các tổ chức trên thế giới như Liên Hiệp Quốc và Việt Nam có Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp, đứng ra vận động để đưa vấn để trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào trong các doanh nghiệp, tổ chức những khóa đào tạo, đưa giáo trình vào đại học, tổ chức những buổi hội thảo, tổ chức những mạng lưới để các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng hợp tác.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, ông có tham gia một chương trình qua đó khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đưa vào vào trong các đại học của Việt Nam?
GS Hà Tôn Vinh: Theo tôi được biết và qua nghiên cứu của chúng tôi thì các đại học ở Việt Nam bây giờ chưa có một giáo trình hay chương trình đào tạo chính qui hay bài bản về vấn đề CSR.
Thứ hai là khái niệm CSR vào Việt Nam cũng mới đây và Liên Hiệp Quốc cũng vừa mới tài trợ cho bên phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam một chương trình để đưa vào trong các đại học. Chúng tôi làm việc với một đại học Hoa Kỳ cũng hợp átc với Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam và một số các đại học. Hiện thời có bốn đại học được đề nghị, chúng tôi mời một số các giảng viên, chuyên gia trên thế giới, có kinh nghiệm có chuyên môn về CSR, sang Việt Nam. Chúng tôi đã đề nghị Đại Học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại Học Ngoại Thương Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Quản Trị Kinh Doanh của Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là bốn đối tác hợp tác đầu tiên.
Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, vừa rồi ông đã trình bày về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông cũng đã từng trình bày về khái niệm.
GS Hà Tôn Vinh: Gọi là Social Entrepreneurship hay Social Enterprise, các doanh nghiệp xã hội.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn thời giờ của ông và xin phép được mời ông trở lại trong chương trình sau để nói về doanh nghiệp xã hội.