Chương trình văn hóa nghệ thuật “Bốn Mùa”

Ca vũ nhạc “Bốn mùa” luân chuyển theo dòng thời gian và lịch sử đất nước Việt Nam đến với khán giả tha hương.

0:00 / 0:00

Thy Nga gởi đến quý thính giả âm thanh thâu từ chương trình văn hoá nghệ thuật “Bốn mùa” diễn ra chiều Chủ Nhật 8 tháng Sáu tại thính đường trường Đại học George Mason ở ngoại vi thủ đô Hoa Kỳ.

(Nhạc trong màn vũ “Nữ Thần Mặt Trời”…)

Buổi này do “Ủy ban Cứu người vượt biển”, tức BoatPeople SOS, tổ chức với sự tiếp tay của Sáng Hội Văn Học Nghệ Thuật của Người Mỹ gốc Á châu - Thái Bình Dương.

Hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Boat People SOS, cho biết mục đích chương trình khi Thy Nga gặp ông tại tiền đình thính đường:

“Mục tiêu chính của buổi hôm nay là gây quỹ để chúng tôi có thể tiếp tục can thiệp cho các hồ sơ trong chương trình gọi là Tái Định Cư Nhân Đạo. Đây là chương trình đặc biệt của Hoa Kỳ dành cho những người mà ngày xưa, đã từng là đồng minh chiến đấu của họ.

Sau biến cố 1975, những người này gặp rất nhiều trở ngại như là bị đi tù cải tạo, và theo cái tiêu chuẩn trước đây phù hợp với chương trình H.O. (Humanitarian Operation) ngày trước, nhưng vì những lý do kỹ thuật mà không được tham gia, nhất là vì chương trình H.O. đã bị chấm dứt vào ngày 1 tháng 10, 1994.

Những bài hát, những khung cảnh, gợi lại cho mình cái cảm nghĩ là người Việt Nam vẫn hướng về nước Việt.

Mục tiêu buổi này nói lên chỗ đứng của thế hệ mới lớn lên ở nước Mỹ vẫn biết mình là gốc người Việt, và vẫn hòa đồng vào cái xã hội mới của mình.

Bà Tuyết Mai, Washington DC

Trong thời gian qua, chúng tôi mở lại được chương trình H.O. dưới cái danh nghĩa mới là H.R. (Humanitarian Resettlement) thì chúng tôi hy vọng là với sự giúp đỡ, ủng hộ và hậu thuẫn của cộng đồng, chúng tôi có thể can thiệp được cho vài trăm hoặc đến vài ngàn những cựu tù, là những người lính chiến ngày xưa, đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến và sau cuộc chiến, để đưa họ đến bến bờ tự do.

Mục tiêu thứ 2 là đưa được một không khí sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận.”

Số tiền thâu được, sau khi trừ chi phí, sẽ sử dụng vào các công tác giúp những người xin đi Mỹ định cư theo chương trình HR được tái xét, hay chấp thuận.

(Nhạc “Hội Trùng dương” ...)

Người đảm trách chương trình văn nghệ, là chị Lê Thùy Lan tại Sáng Hội Văn Học Nghệ Thuật của Người Mỹ gốc Á châu - Thái Bình Dương. Thùy Lan cho hay là chương trình chú trọng về nghệ thuật hầu giúp thế hệ trẻ cũng như khán giả người bản xứ hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam.

Sân khấu được thiết kế với những nét văn hóa đặc trưng Việt Nam, xen với các nhạc cụ phương Tây như piano, violon, viola, và cello. Ban nhạc thính phòng “Prelude Chamber Ensemble” với Phạm Dương Hiển và ba nhạc sĩ Mỹ trình tấu các nhạc phẩm bất hủ của Việt Nam như “Hội Trùng dương”, “Hương xưa” và “Tình ca”.

Dương cầm thủ Lê Huyền Khanh đến từ Montréal, Canada thì đệm đàn cho rất nhiều bài, và tiếng piano thiết tha đã cuốn hút thính giả suốt chương trình.

Các nghệ sĩ và vũ công đóng góp cho chương trình là của Academy of Asian-American Performing Arts, và của Gia Đình Quốc Gia Nghĩa Tử.

Theo dòng lịch sử

Như tên gọi “Bốn mùa”, chương trình luân chuyển theo dòng thời gian và lịch sử đất nước. Qua tiếng đàn, lời ca, vũ điệu và nhạc cảnh, khán thính giả được đưa vào cuộc hành trình khởi đi từ thời khai thiên lập địa với màn vũ “Nữ Thần Mặt Trời” do nữ vũ sư Asa Trịnh và diễn viên múa Hùng Nguyễn trình bày.

(Nhạc trong màn vũ “Nữ Thần Mặt Trời”...)

Theo truyền thuyết thì dân tộc mình từ một bọc trứng ban đầu do Mẹ Âu Cơ sinh hạ. Rồi sau, 50 người theo Cha xuống biển, 50 người theo Mẹ lên núi. Cho nên, người Kinh người Thượng đều là đồng bào với nhau.

Các sắc dân thiểu số sống trên vùng cao nguyên, dân tình chân phương, chỉ mong sự an bình.

(Nhạc về sắc dân Thái Trắng...)

Màn vũ diễn tả sự tích “Phù Đổng Thiên Vương” được khán thính giả tán thưởng nhiệt liệt. Hùng Nguyễn trình diễn trong tiếng trống rộn rã của David Grimm.

Tay trống David Grimm dùng trống và chiêng Việt Nam cùng một số các loại trống của Ba Tây và Phi Châu cho bản “Thánh Gióng”.

(mời quý vị xem đoạn Video kèm theo bài viết này).

“Thánh Gióng” ...

Sự tích này nói lên tinh thần toàn dân chống giặc, bất luận già trẻ. Cậu bé ở làng Phù Đổng, vươn vai lên, cao hơn hai trượng. Sau khi dẹp tan quân xâm lược phương Bắc, cậu phóng ngựa bay lên trời.

Ghi nhớ công ơn, Vua Hùng phong thần và cho lập miếu thờ.

(Nhạc “Sự tích Trầu Cau”...)

là chuyện tích về tình máu mủ anh em, và tình nghĩa vợ chồng, để rồi Trầu Cau trở nên lễ vật cưới hỏi, truyền thống của người Việt Nam.

(Nhạc “Tình quê”...)

Những thăng trầm của đất nước

BonMua_200.jpg
Một tiết theo dòng lịch sử Việt trong chương trình “ Bốn Mùa”. (Photo courtesy of Boat People SOS)

“Tình Quê” diễn tả cuộc sống nghèo mà vui của đôi vợ chồng ngư dân.

Nhưng rồi, đất nước chìm trong chiến tranh, nỗi đau thương của người góa phụ trẻ khóc chồng tử trận được thể hiện qua các ca khúc “Anh không chết đâu anh” và “Người chết trở về” của Trần Thiện Thanh.

Qua các khúc quanh lịch sử, hàng triệu người Việt phải rời quê hương, ra nước ngoài. Tới nay, họ đã ổn định cuộc sống và tạo dựng cho con cái một tương lai sáng lạn, nhưng không hề quên những người còn ở trong nước.

Thêm nữa, chương trình còn có những nhạc phẩm mà hay được gọi là nhạc thính phòng, trình bày qua giọng hát của Nguyên Khang và Diễm Liên.

(“Mai tôi đi” Nguyên Khang hát với Diễm Liên...)

Buồn vui rồi cũng qua theo dòng thời gian ...

Màn vũ “Bốn mùa” với vũ sư Asa Trịnh trong vai “Mẹ Thiên Nhiên” và bốn cô Xuân, Hạ, Thu, Đông trong trang phục màu sắc thật đẹp, là tiết mục kết thúc chương trình.

“Bốn mùa” ...

Ca sĩ Nguyên Khang trên sân khấu nói rằng không khí trang trọng và sự yên lặng của cử tọa khiến anh run. Tới bài thứ ba mà anh vẫn chưa hết run. Đúng như Nguyên Khang nói, khán thính giả chương trình này, đến để thưởng thức tinh hoa văn hóa nghệ thuật.

Giáo dục, giữ gìn văn hóa Việt

Không chỉ những người lớn tuổi, mà trong số khoảng 300 khán giả, có nhiều bạn trẻ. Trong dòng người vừa xem hát ra, Thy Nga hỏi cảm nghĩ của một chị mà hỏi ra là Nha sĩ Phan thị Tuyết Mai, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Phong Châu, Hướng Đạo Việt Nam:

“Chương trình nhạc này rất phong phú, phản ảnh tâm tư của những người Việt ở đây, trở lại những kỷ niệm mà mình sống ở đất nước, những bài hát, những khung cảnh, gợi lại cho mình cái cảm nghĩ là người Việt Nam vẫn hướng về nước Việt.

Mục tiêu buổi này nói lên chỗ đứng của thế hệ mới lớn lên ở nước Mỹ vẫn biết mình là gốc người Việt, và vẫn hòa đồng vào cái xã hội mới của mình.”

Đưa gia đình đến tham dự, ông Hoàng Nuôi nói:

“Buổi này về nghệ thuật thì rất là hay. Tôi đưa cả gia đình đi. Tôi cho các cháu giữ được văn hóa Việt Nam. Trước giờ, ít khi nào mà kéo các cháu đi được.”

(“Và con tim đã vui trở lại”, Diễm Liên hát cho lời chia tay…)

Từ Fairfax, Virginia, Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.