Chúng tôi mời các bạn, tất cả chúng ta cùng làm một cuộc khảo sát: cuộc khảo sát với chính mình, xem mỗi cá nhân suy nghĩ ra sao, sau mỗi lần nghe những lời phát biểu sau đây.
Câu đầu tiên:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam.”
Bạn nghĩ gì về câu nói này?
Hãy để cảm xúc của bạn tự phát triển!
Tôi muốn mời các bạn nghe câu thứ nhì:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ.”
Một lần nữa, bạn nghĩ gì về lời phát biểu này? Hãy để cảm xúc của bạn tự phát triển. Nhưng tôi muốn mời các bạn nghe câu thứ ba.
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.”
Tôi không muốn làm mất thì giờ của các bạn. Bây giờ, hãy cùng nhau nghe lại toàn bộ lời phát biểu sau đây.
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ.
TGM Ngô Quang Kiệt
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.
Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
Đến đây, chúng ta có thể đoán được những lời phát biểu vừa rồi là của ai, nói vào lúc nào, và tại đâu.
Lời phát biểu vừa rồi được Tổng Giám Mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt, đọc tại buổi gặp gỡ với đại diện Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ngày 20 tháng Chín, năm 2008.
Cùng ngày, và liên tiếp nhiều ngày sau đó, câu phát biểu trên được trích đăng, tôi nhấn mạnh, là “trích đăng” trên một số cơ quan truyền thông trong nước.
Câu trích đăng như thế này: “Tôi thấy rất là nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam.” Chấm hết!
Từ thời điểm ấy, và với lời trích đăng ấy, một cuộc tranh luận, đôi khi bị đẩy tới, đến mức cực đoan, bắt đầu bùng nổ.
Dư luận cho rằng sự mãnh liệt của cuộc tranh luận bắt nguồn từ tính nhạy cảm và tế nhị của lời phát biểu.
“Trích câu” hay “trích ý”?
Trong chương trình đọc và tìm hiểu thời sự trên Internet hôm nay, chúng ta sẽ dành toàn thời gian cho một diễn đàn trên Internet, có tên là “X – Cà Phê,” để biết dư luận nghĩ gì về lời phát biểu của người đứng đầu Giáo Phận Hà Nội.
“X – Cà Phê,” một diễn đàn điện tử của thanh niên, sinh viên Việt Nam trên Internet, cho phổ biến file âm thanh, ghi âm toàn bộ phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, và đưa ra một số câu hỏi thăm dò.
Câu hỏi thứ nhất: Sau khi đọc hoặc nghe đoạn audio gốc, bạn cho rằng TGM Ngô Quang Kiệt là Đúng hay Sai?
Câu hỏi thứ nhì: Nếu từng ra nước ngoài, có bao giờ bạn thấy nhục khi trình hộ chiếu VN hoặc thấy hổ thẹn khi nhận mình là người VN?, Có hay Không Có?
Kết quả tính đến buổi chiều ngày 24 tháng Chín, có 272 người trả lời câu hỏi thứ nhất. Trong đó, 251 người nói Tổng Giám Mục “đúng,” 21 người trả lời là Tổng Giám Mục “sai.”
Đối với câu hỏi thứ nhì, thì 157 người trả lời, trong đó 129 nói họ thấy “nhục,” 28 người nói “không nhục.”
Các con số, cho dầu không được khoa học như phương pháp thống kê đòi hỏi, cũng có thể tiết lộ phần nào quan điểm của các thành viên tham gia diễn đàn X-càphê.
Nhưng thú vị hơn, có lẽ là các lời nhận định được để lại trên diễn đàn.
Trước khi cùng nhau đọc lại một số ý kiến trên diễn đàn này, hãy cùng nhau nghe lời phát biểu của một cựu biên tập viên ban tin tức Đài Truyền Hình Việt Nam, nhà báo Trần Quang Thành.
Ông Ngô Quang Kiệt nói ý đó là câu mở đầu và sau đó là cả một đoạn dài nói về cầu muốn nước Việt Nam cũng giầu mạnh như Hàn Quốc, như Nhật Bản để ra nước ngoài không bị họ soi mói, dòm ngó coi khinh mình…
Nhà báo Trần Quang Thành
“Nói thật với anh, lúc đầu tôi rất không hài lòng về câu nói này của ông Ngô Quang Kiệt, thế nhưng tôi lại băn khoăn là ông Kiệt nói trong hoàn cảnh nào? Và có gì kèm theo không hay chỉ trần trụi có câu nói đó không? thế thì may thay tôi mở trang nhà của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội thì tôi được đọc toàn văn bài phát biểu của ông Ngô Quang Kiệt thì thấy hoàn toàn khác với nội dung mà các báo Việt Nam trích đăng.
Ông Ngô Quang Kiệt nói ý đó là câu mở đầu và sau đó là cả một đoạn dài nói về cầu muốn nước Việt Nam cũng giầu mạnh như Hàn Quốc, như Nhật Bản để ra nước ngoài không bị họ soi mói, dòm ngó coi khinh mình…
Cái ý đó lại khác rồi, cho nên tôi thấy cách này là cách anh em ở Việt Nam đưa tin không xác thực. Điểm thứ hai tôi muốn nói nếu chúng ta trong tinh thần “hòa giải dân tộc” thì chúng ta nên trao đổi với ông Tổng Giám Mục về ý mà ông nói, nhưng các báo điện tử ở trong nước lại lên án ông ấy là phản động, là thế này thế khác…
Tiếc rằng những người lên án nói thế này thế khác trong tay lại không có văn bản của ông Ngô Quang Kiệt cả.”
Tranh luận trên X-càphê
Những ý kiến trên diễn đàn X-Càphê không đồng nhất khi nhận định về lời phát biểu của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Có người ủng hộ:
"Nói như cha Kiệt là rất hay vì vừa thâm thúy vừa nhẹ nhàng. Chỉ cần dùng hình ảnh "tấm hộ chiếu Việt Nam" là đủ thay cho việc nói huỵch toẹt "chế độ cộng sản Việt Nam.""
Cũng có ý kiến phản bác:
“…Cương vị Tổng Giám Mục, chức vị cao nhất của Giáo Phận, đòi hỏi con người phải nói năng trước công chúng một cách đàng hoàng và thận trọng…”
Nói như cha Kiệt là rất hay vì vừa thâm thúy vừa nhẹ nhàng. Chỉ cần dùng hình ảnh “tấm hộ chiếu Việt Nam” là đủ thay cho việc nói huỵch toẹt “chế độ cộng sản Việt Nam.
Diễn đàn X-càphê
Có ý kiến không thể hiện đồng tình, cũng không thể hiện sự tán đồng, nhưng xoay quanh hoàn cảnh và cách thức mà lời phát biểu được đưa ra công chúng.
“Khi trích lại một ý tưởng của người nào, điều căn bản là phải trích ít nhất một câu văn từ chữ đầu cho tới chấm hết câu. Những câu khác không liên quan có thể bỏ đi với dấu chấm chấm... Khi một câu văn không nói hết ý người viết về một vấn đề thì phải trích cả đoạn văn. Khi nói lại câu nói của người khác, cũng phải nói hết câu chứ không phải chỉ vài chữ rồi quy chụp này nọ…”
Cũng xin trình bày cùng độc giả và thính giả, là các lời nhận định vừa rồi được chúng tôi trích đăng, xin nhấn mạnh là trích đăng, từ diễn đàn X-Càphê. Hiển nhiên, chúng tôi theo sát các ý kiến, là trích đăng trong sự tôn trọng ý nghĩa của phát biểu. Tức là, chúng tôi trích câu, chữ, trong sự cố gắng bảo toàn ý nghĩa, không làm hỏng, hoặc đảo ngược, hoặc gây hiểu lầm ý nghĩa mà các tác giả muốn trình bày.
Một ngày sau khi Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trình bày bài ý kiến của mình tại Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội; trong đó ông nói “tôn giáo là một quyền chứ không phải là một ân huệ xin cho,” thì thành phố Hà Nội ra công văn “cảnh cáo” đối với người đứng đầu giáo phận.
“…Tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho.”
Công văn mà thành phố Hà Nội cảnh cáo Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nói rằng Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt có “ý đồ lợi dụng việc vi phạm pháp luật tại giáo xứ Thái Hà để tạo dư luận tác động đến việc đòi đất tại 42 Nhà Chung.”
“Công văn cảnh cáo” ấy, theo một luật sư Việt Nam, là một sự “bạo hành hành chánh” đối với công dân.
“Việc Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội cảnh cáo Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là trái với các qui định pháp luật hiện hành. Thứ nhất, thành phố Hà Nội đã sai khi không lập “Biên bản vi phạm hành chính,” không ban hành “Quyết định xử phạt hành chính” theo đúng tinh thần của “Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.” Về nguyên tắc, cơ quan hành chính các cấp không có quyền áp dụng hình thức “cảnh cáo” đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào bằng một công văn như UBND thành phố Hà Nội đã làm đối với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.”
Bạn nghĩ gì về lời phát biểu của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và cách trích dẫn của truyền thông Việt Nam? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn. email: <a href="mailto:vietweb@rfa.org" title="mailto:vietweb@rfa.org">vietweb@rfa.org</a>
Luật sư này nói rằng, một công văn vừa trái với các qui định của pháp luật hiện hành, lại vừa có tính “hăm doạ, đe nẹt” như vậy, thì “phải bị đình chỉ thi hành và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.”
Trở lại với diễn đàn X-Cà Phê. Có đến gần 500 ý kiến được để lại trên diễn đàn này, tính cho đến buổi chiều ngày 24 tháng Chín. Không phải tất cả các ý kiến đều mang tinh thần xây dựng, nhưng không thể phủ nhận là các ý kiến rất đa chiều, đa dạng.
Nhưng trên hết, các ý kiến trên diễn đàn được đưa ra từ một nền tảng chung, bảo đảm sự công bằng bắt buộc. Đó là: tất cả mọi thành viên diễn đàn đều được cơ hội đọc nguyên văn bài phát biểu của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Trên căn bản này, chúng ta có thể tự tin, rằng các ý kiến thuần tuý bày tỏ quan điểm riêng. Và người bày tỏ ý kiến, cho dầu là đồng ý hay không đồng ý với phát biểu của Tổng Giám Mục, đều được quyền tự do phát biểu sau khi được nhận một khối lượng thông tin giống hệt nhau.
(Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ diễn đàn X-càphê trên Internet liên quan đến bài phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org )