Giao lưu trực tuyến giữa chính phủ và quần chúng

Buổi đối thoại trực tuyến về năm học mới diễn ra vào ngày 31/8 trên Cổng thông tin Chính phủ với sự tham gia trả lời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Hàng trăm câu hỏi từ nhiều giới gửi tới chất vấn về nhiều vấn đề thuộc giáo dục.

0:00 / 0:00

Mặc Lâm hội ý dư luận , những người quan tâm về vấn đề này nhằm tìm những câu hỏi bức xúc chắc chắn sẽ không được trả lời trong buổi trực tuyến này mời quý vị theo dõi sau đây.

Bộ trưởng Giáo Dục trả lời trực tuyến

Chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhìn nhận là có quan tâm đến vấn đề thảo luận với quần chúng bằng phương tiện trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng có buổi giao lưu trực tuyến vào năm ngoái tuy không phải câu hỏi nào cũng được ông trả lời thỏa đáng nhưng dù sao thì dư luận cũng ghi nhận cách làm việc tương đối mới của chính phủ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.

Sau quá trình liên tục làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rồi lên đến chức Phó Thủ tướng Chính phủ, ông tự thấy đã làm được gì, đã ảnh hưởng và thay đổi ngành giáo dục như thế nào?

Anh Nguyễn Huy, Hà Nội

Bộ trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó thủ tướng cũng đã trả lời trực tuyến những câu hỏi về giáo dục. Lần này trong cương vị phó thủ tướng, ông Nguyễn Thiện Nhân lại một lần nữa trả lời nhiều câu hỏi được gửi tới cho ông trong đó không ít câu hỏi được dư luận cho rằng khá thẳng thắng và nêu bật lên những điều mà nền giáo dục hiện nay đang gặp phải

Theo tin từ trang VietnamNet thì những câu hỏi mang tính thời sự mới xảy ra hồi gần đây là câu hỏi về sự kiện sinh viên tạt axit thầy giáo làm đại náo giảng đường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng như những câu hỏi có liên quan đến chuyện một thầy giáo khác bị đánh hội đồng ngay giữa thủ đô.

Trong danh sách các câu hỏi được xem là thẳng thắng nhất, anh Nguyễn Huy hiện cư ngụ tại Hà Nội đặt câu hỏi: "Sau quá trình liên tục làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rồi lên đến chức Phó Thủ tướng Chính phủ, ông tự thấy đã làm được gì, đã ảnh hưởng và thay đổi ngành giáo dục như thế nào?"

Một câu hỏi khác được cho là đạt thẳng vấn đề có liên quan đến việc chạy theo thành tích và hô hào cổ vũ cho các phong trào không có thực chất mà bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chủ trương có câu hỏi rằng"Bộ trưởng mới lên và triển khai rất nhiều "phong trào " mà giáo viên khó nhớ nổi. Các phong trào đó liệu có phải chỉ là "tấm áo " choàng mới trên một cơ thể bệnh tật, chưa giải quyết hết cốt lõi của giáo dục. Bộ trưởng nghĩ gì?"

Hai câu hỏi này có lẽ là hai câu hay nhất mà người ta không kỳ vọng được nghe câu trả lời thẳng thắng từ Phó thủ tướng.

Tôi được biết điểm đầu vào của một số trường sư phạm rất thấp chỉ bằng điểm sàn. Vậy có chắc chắn tất cả đội ngũ sư phạm này sau khi đào tạo xong, có đủ chuyên môn giỏi để nâng cao chất lượng giáo dục? Đồng thời, ở rất nhiều trường học, cán bộ giảng dạy được đào tạo từ rất lâu có thể nói không theo kịp sự đổi mới mà vẫn đứng lớp

Lê Thu Hương ở ĐH Bách khoa

Những câu hỏi không cần câu trả lời

Chúng tôi tìm hiểu một vài ý kiến từ các sinh viên, nhà giáo và nhà văn hóa, những người không có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi với cuộc giao lưu trực tuyến này.

Chúng tôi hỏi những vị này rằng nếu có cơ hội, câu hỏi nào sẽ được đặt ra cho phó thủ tướng?

Giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường tư thục Lương Thế Vinh tại Hà Nội cho biết niềm băn hoăn lớn nhất của ông như sau:

-Tôi thì không bao giờ muốn đặt câu hỏi vì biết có đặt cũng không được trả lời. Tuy nhiên câu hỏi của tôi là nền giáo dục cần phải trong sạch vậy ông bộ trưởng phải làm thế nào?

Bạn Lê Thu Hương ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng đặt câu hỏi rằng "tôi được biết điểm đầu vào của một số trường sư phạm rất thấp chỉ bằng điểm sàn. Vậy có chắc chắn tất cả đội ngũ sư phạm này sau khi đào tạo xong, có đủ chuyên môn giỏi để nâng cao chất lượng giáo dục? Đồng thời, ở rất nhiều trường học, cán bộ giảng dạy được đào tạo từ rất lâu có thể nói không theo kịp sự đổi mới mà vẫn đứng lớp".

Hiện nay giáo viên trong trường phổ thông thì kiến thức đã lạc hậu và Bộ Giáo Dục cho đi học thêm để nâng cao kiến thức nhưng thực tế thì họ mua bằng cấp rồi về dạy. Bộ trưởng giải quyết thế nào tình trạng này

Thạc Sĩ Nguyễn Thị Minh Thu

Liên quan đến câu hỏi này Thạc Sĩ Nguyễn Thị Minh Thu giảng viên trường đại học tư thục Văn Lang cho biết câu hỏi của bà sẽ đặt ra là:

-Hiện nay giáo viên trong trường phổ thông thì kiến thức đã lạc hậu và Bộ Giáo Dục cho đi học thêm để nâng cao kiến thức nhưng thực tế thì họ mua bằng cấp rồi về dạy. Bộ trưởng giải quyết thế nào tình trạng này?

Sinh viên Mai Trâm hiện theo học tại Đại học Nhân Văn thuộc DHQGTPHCM bộ môn Môi trường thì sẽ có câu hỏi liên quan đến việc trang bị trong các trường công lập, bạn nói:

-Hiện giờ vấn đề đầu tư tại các trường công lập còn rất thiếu vậy bộ giáo dục có ghi nhận việc này hay không?

Có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia giáo dục, các giáo sư và nhân dân góp ý với ngành giáo dục nhưng hầu như Bộ GD-ĐT không tiếp thu, cứ cách cũ mà làm và loay hoay tìm cách cải tiến thi cử. Phó thủ tướng nghĩ sao về những nhận định này.

Anh Phan Ca

Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng viện Khoa Học Xã hội đưa ra ý kiến về nền giáo dục hiện nay từ đó nảy sinh ra câu hỏi:

-Tôi cho rằng vấn đề giáo dục là vấn đề số một hiện nay, liên quan đến sự sống còn đến vận mệnh đất nước này vậy thì hướng giải quyết sắp tới sẽ là vấn đề gì?

Bạn Phan Ca - Hải Phòng gửi tới cho phó thủ tướng câu hỏi rằng đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia giáo dục, các giáo sư và nhân dân góp ý với ngành giáo dục nhưng hầu như Bộ GD-ĐT không tiếp thu, cứ cách cũ mà làm và loay hoay tìm cách cải tiến thi cử. Từ sự thật này bạn Phan Ca hỏi rằng Phó thủ tướng nghĩ sao về những nhận định này.

Quả thật đây cũng là một câu hỏi khó. Khó vì nếu Phó thủ tường Nguyễn Thiện Nhân trả lời rốt ráo sẽ đụng chạm đến nhiều người nhiều cơ quan. Còn nếu tránh né không trả lời thì liệu cuộc giao lưu trực tuyến lần này có khác gì những lần trước đây như sự thật đã được bạn Phan Ca gửi tới?