Nông dân các tỉnh sẽ kiện Vedan ra tòa?

Thời hạn nộp đơn kiện theo luật Việt Nam sắp kết thúc về vụ Công ty Bột ngọt Vedan từng xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm, tác động đến cuộc sống người dân trong khu vực.

0:00 / 0:00

Hiện thời nông dân thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, và thành phố Hồ Chí Minh đang được phía chính quyền địa phương và Hội Nông dân hỗ trợ về mặt pháp lý để khởi kiện thủ phạm gây ô nhiễm ra tòa.

Vậy lập luận của phía người nông dân và phía Công ty Bột Ngọt Vedan liên quan vụ việc ra sao? Gia Minh trình bày trong phần sau.

“Hỗ trợ” hay bồi thường?

Hồi tháng chín năm 2008, Công ty Bột ngọt Vedan bị cảnh sát môi trường Việt Nam bắt quả tang xả thải trực tiếp ra Sông Thị Vải. Qua thực tế cũng như đánh giá của các cơ quan chức năng Việt Nam thì những hóa chất sử dụng trong quá trình chế biến bột ngọt khi ra sông đã làm cho khúc sông dài đến 10 kilômét ô nhiễm nặng đến độ cá tôm không thể sống nổi.

Trong ba tỉnh có Đồng Nai là chính quyền họp lấy ý kiến của dân, và 100% đồng ý không khởi kiện, chỉ yêu cầu hỗ trợ thôi nên chúng tôi phải làm việc thêm nữa.

LS Hoàng Như Vĩnh

Một người nông dân sống tại khu vực sông Thị Vải đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Lam Sơn, trình bày lại những tác động phải gánh chịu khi sông bị ô nhiễm bởi những chất thải của Công ty Bột ngọt Vedan:

“Mười bốn năm nay, Vedan xả thải nước ra trước mặt nước thúi ình bay lên, nhảy xuống nước ngứa chịu không nổi; thấy mà không làm gì được. Thiệt hại thì nhiều lắm. Thời điểm 95-96, em làm rồi, Vedan cũng có xả thải nhưng lượng ít, tôm cá từ sông còn nên cuộc sống có thể trang trải được, còn để sắm đồ nữa. Đến cao điểm 2003-2006, khi Vedan xả thải đậm đặc, tôm cá không còn, làm ăn không được đến nổi phải bán bớt đất đi để trang trải chi phí.”

Anh nông dân Nguyễn Lam Sơn là người duy nhất tại cuộc họp do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai triệu tập hôm ngày 7 tháng 7 vừa qua tại Uỷ ban nhân dân Xã Phước An, tỉnh Đồng Nai biểu quyết phải kiện Công ty Bột Ngọt Vedan ra tòa; trong khi truyền thông trong nước cho hay có đến 99% người tham gia họp không biểu quyết kiện.

Anh Nguyễn Lam Sơn, người duy nhất đòi kiện Vedan tại phiên họp hôm 7 tháng 7 ở UBND xã Phước An. Photo courtesy of tuoitre.vn
Anh Nguyễn Lam Sơn, người duy nhất đòi kiện Vedan tại phiên họp hôm 7 tháng 7 ở UBND xã Phước An. Photo courtesy of tuoitre.vn

Lý do kiện được anh Nguyễn Lam Sơn cho biết sau đó:

“Em kiện vì sự thật Vedan có xả thải mà chỉ đồng ý hỗ trợ ít thôi, nên phải kiện không phải kiện cho bản thân mà còn cho người khác nữa.”

Cho đến trung tuần tháng bảy vừa qua, luật sư Hoàng Như Vĩnh đại diện cho Công ty Bột Ngọt Vedan, còn cho biết quan điểm của ba địa phương chịu tác động bởi nước xả thải của Vedan trong thời gian qua:

“Trong ba tỉnh có Đồng Nai là chính quyền họp lấy ý kiến của dân, và 100% đồng ý không khởi kiện, chỉ yêu cầu hỗ trợ thôi nên chúng tôi phải làm việc thêm nữa. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu cương quyết kiện, như vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Thành phố Hồ Chí Minh thì Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hộ nông dân cùng các ngành sẽ phối hợp với Vedan để có thể thương lượng bồi thường; nhưng đế nay chúng tôi chưa nhận được hẹn họp ngày nào.”

Chưa thống nhất

Truyền thông trong nước cho biết trong ngày 25 tháng 7 vừa rồi, một số luật sư thuộc Chương trình trợ giúp pháp lý của Báo Pháp luật, thành phố Hồ Chí Minh đã đến Đồng Nai tư vấn cho người dân, và hầu như tất cả đều quyết định phải kiện Công ty Bột ngọt Vedan như anh Nguyễn Lam Sơn từng kiên quyết tại phiên họp hôm ngày 7 tháng 7 vừa qua.

Người dân muốn khởi kiện phải chứng minh thiệt hại bao nhiêu. Chứ từ con số đòi bồi thường từ hàng ngàn tỷ, xuống hằng trăm tỷ, rồi xuống còn hằng chục tỷ; thể hiện điều là con số không chính xác.

LS Hoàng Như Vĩnh

Lúc ấy tại phiên họp, đại diện của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, nhắc nhở người nông dân muốn kiện phải trưng ra đầy đủ bằng chứng về thiệt hại gánh chịu như hóa đơn, chứng từ mua thức ăn nuôi tôm, giấy tờ về đất đai. Điều này khiến một số bà con chùn bước. Tuy nhiên theo tư vấn của luật sư thì vấn đề mà Hội Nông dân Đồng Nai nêu ra có thể giải quyết được. Anh Nguyễn Lam Sơn cho biết về điều này:

“Luật sư tư vấn nói trường hợp như của em phải có đơn chính quyền địa phương xác nhận ngoài việc làm đập nuôi tôm ra không còn làm nghề gì khác nữa. Hội Nông dân cũng nói nếu muốn kiện cần có bằng chứng. Luật sư tư vấn nói theo luật Việt Nam, hộ nông dân không cần hóa đơn chứng từ. Còn chứng minh thiệt hại gây ra do Vedan là chứng minh qua thu nhập cuộc sống bị sụt giảm.”

Trong khi đó luật sư Hoàng Như Vĩnh đại diện cho Công ty Bột Ngọt Đồng Nai thì đòi hỏi phải có căn cứ để hỗ trợ, thậm chí phải đồi thường. Lập luận của đại diện Vedan như sau:

“Người dân muốn khởi kiện phải chứng minh thiệt hại bao nhiêu. Chứ từ con số đòi bồi thường từ hàng ngàn tỷ, xuống hằng trăm tỷ, rồi xuống còn hằng chục tỷ; thể hiện điều là con số không chính xác. Giờ muốn bồi thường, hỗ trợ cho chính xác, con số là bao nhiêu. Không thể họ nói bao nhiêu chúng tôi phải theo bấy nhiêu; rồi còn trường hợp lợi dụng nữa thì sao?

Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan ở Đồng Nai. Photo courtesy of vfej.vn
Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan ở Đồng Nai. Photo courtesy of vfej.vn

Xã thải đúng là có nhưng xác nhận mức độ thiệt hại vẫn chưa có thỏa đáng vì thiếu thông tin. Trên cở sở hiện tại nói chúng tôi xả thải 77% thì tạm chấp nhận thế bởi không có con số tốt hơn. Trước đây Cục Môi truờng - Tài nguyên báo cáo với Bộ tài nguyên Vedan chỉ xả thải chừng hơn chục phần trăm. Cùng lúc bắt Vedan có thêm sáu doanh nghiệp nữa nhưng báo chí không nói, chúng tôi thấy không công bằng.

Bồi thường phải trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền hoặc là Nhà Nước hoặc là tòa án. Khi tòa án đưa ra con số bao nhiêu chúng tôi bồi thường bấy nhiêu. Vì đã có sự việc như thế chúng tôi vì trách nhiện đối với xã hội nên theo con đuờng thương lượng, mức hỗ trợ chúng tôi đã đưa ra những theo chúng tôi con đường thương luợng là tốt nhất. Ra tòa chúng tôi vẫn có cơ hội giải quyết qua thương lượng trong các dự án dân sự.”

Giải quyết vụ việc như đòi hỏi Công ty Bột ngọt Vedan phải bồi thường vì đã gây ô nhiễm môi trường, gây tác hại đến cuộc sống người dân, chưa hề có tiền lệ tại Việt Nam. Trong khi đó khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, và cơ sở khoa học thiếu vững chắc cũng khiến cho vấn đề giải quyết thêm phức tạp.

Theo dòng thời sự: