Lê Dân, phóng viên đài RFA
Tin tức cho thấy quy mô các vụ tham nhũng tại Việt Nam ngày càng lớn, cấp càng cao. Chủ thể tham nhũng càng có chức có quyền thì thủ đoạn lại càng tinh vi.
Thế nhưng Chỉ thị số 52 lại không cho cơ quan điều tra tiến hành nghiệp vụ đối với đảng viên khi chưa được sự đồng ý của cấp ủy. Như vậy thì các nỗ lực chống tham nhũng mà Việt Nam cần phải tiến hành sẽ đi về đâu ?
Số liệu cho thấy chủ thể của các vụ tham nhũng có địa vị và chức quyền tại Việt Nam ngày càng cao. Chỉ từ năm 1993 đến nay đã có 1 bộ trưởng, 5 thứ trưởng, 14 chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, hàng trăm vụ trưởng, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước bị xử lý hình sự. Ngoài ra còn hàng ngàn cán bộ, đảng viên cao cấp, trung cấp liên quan đến tham nhũng bị xử lý hành chánh.
Đó là thành quả của 13 năm chống tham nhũng theo Chỉ thị số 15 của bộ Chính trị và Quyết định số 114 của Thủ tướng về phòng chống tham nhũng, buôn lậu.
Bổ nhiệm… miễn nhiệm
Thế nhưng đàng sau hai văn kiện này còn có một văn bản khác, cũng của bộ Chính trị là Chỉ thị 52. Văn bản này quy định rằng các cơ quan tố tụng trước khi khởi tố hoặc điều tra, bắt tạm giam cán bộ, đảng viên phải "thông báo" cho cấp ủy trực tiếp của người đó. Nói là "thông báo", nhưng nếu thường trực cấp ủy đó không nhất trí với ý kiến của công an, viện kiểm sát, thì bên công an, tố tụng phải báo cáo lên cấp ủy cao hơn....
Một luật sư tại Hà Nội cho biết đó là trình tự nhất định từ lâu nay của Việt Nam. Lý do theo ông là: "Ở Việt Nam là bổ nhiệm. Thì cơ quan nào bổ nhiệm, mới có quyền miễn nhiệm, và như vậy là phải theo một trình tự nhất định."
Bạn nghĩ gì về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam? Xin email về Vietweb@rfa.org
Nghe qua thì rất hợp lẽ, nhưng theo cơ chế Việt Nam thì chỉ có đảng mới có quyền bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, nên phải có sự chuẩn thuận của cấp ủy đảng thì công an, kiểm sát...mới có thể xúc tiến điều tra về một quan chức bị ngờ vực tham nhũng.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết rằng "có ý kiến cho là càng địa phương, càng xa trung ương, thì tham nhũng càng tác oai, tác quái. Người tham nhũng ở địa phương thường có quan hệ với quan chức đảng của tỉnh, huyện.
Chính những quan chức đó lại trực tiếp, hay gián tiếp có quyền quyết định luân chuyển, tăng lương, cất nhắc, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật....các lãnh đạo cơ quan công an. Những quan hệ đó, cơ chế đó đang tạo ra lực cản vô hình, ít dấu vết mà lại rất mạnh. Nó khiến cho lực lượng tại chỗ "không được điều tra, không dám điều tra hoặc không điều tra được tham nhũng".
Bài báo của tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh không thấy nhắc đến những trường hợp lớn hồi gần đây xảy ra ngay tại trung ương là thủ đô Hà Nội.
Chân dung thật của những kẻ tham nhũng
Vậy chân dung thật của những kẻ tham nhũng là ai ? Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng nhiều lần đanh thép nhận xét: "Là những đảng viên. Vì theo thể chế Việt Nam thì chỉ có đảng viên mới có thể có những chức vụ có cơ hội tham nhũng thôi.."
Trong hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 15/BCT và Quyết định 114/TTg về phòng chống tham nhũng, buôn lậu, thứ trưởng bộ Công an Lê Thế Tiệm đặt vấn đề chẳng nhẽ cứ đụng đến đảng viên là phải báo cáo cấp ủy. Thường vụ có cho phép thì mới làm, không thì thôi hay sao?
Chỉ thị số 52/BCT không cho phép cơ quan điều tra theo dõi, điều tra cán bộ đảng viên khi chưa có quyết định khởi tố, có nghĩa là khi chưa có sự chấp thuận của cấp ủy đảng. Do đó mà nhiều địa phương, cơ quan pháp luật đã không thể lập hồ sơ sưu tra đối với can bộ đảng viên, cho dù người đó có dấu hiệu liên quan đến tội phạm.
Đó có thể là nguyên nhân khiến hầu hết các vụ tham nhũng gần đây không bị phát hiện sớm, mà chỉ bị lộ sau khi có tố cáo của dân chúng, có sự phanh phui của báo chí, hoặc do nội bộ tham nhũng lục đục lộ ra ngoài.
Những vụ điển hình nhất, theo thượng tướng Công an Lê Thế Tiệm, là vụ tham nhũng ở Công ty Dược-Kinh doanh Xuất Nhập Khẩu Minh Hải và Công ty Dịch vụ Thương mại Cà Mau. Lãnh đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo nhau đốt tài liệu, thông đồng đối phó. Các ban ngành phải hỗ trợ quyết liệt nên công an tỉnh mới truy tố được vụ đó.
Họa "nội xâm"
Tại một hội nghị tổng kết ngành kiểm sát Việt Nam, báo cáo của lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phân tích việc xử lý cán bộ, đảng viên theo chỉ thị 52 của bộ Chính trị có thể làm chậm tiến độ phá án, thậm chí còn làm mất hẳn thời cơ của cơ quan pháp luật.
Những người quan tâm đến tương lai Việt Nam, đến họa "nội xâm" là tham nhũng, không khỏi ưu tư là hai chỉ thị 15/BCT và 52/BCT có giúp ích cho nhau không, hay lại gây khó nhau ? Vị luật sư Hà Nội đưa ra giải pháp:
"Đúng là vì cơ chế. Cơ chế thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Con người tạo ra cơ chế, mà cơ chế đó không còn phù hợp với thời buổi kinh tế thị trường của Việt Nam, thì chỉnh sửa nó đi." Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các báo cáo của ngành công an, kiểm sát, tòa án gần đây cho thấy quy mô các vụ tham nhũng đang ngày càng lớn, vượt ra khỏi phạm vi ngành, địa phương, thậm chí ra khỏi biên giới quốc gia.
Có dấu hiệu cho thấy nhiều trường hợp đã chuyển tiền tham nhũng ra nước ngoài mua bất động sản hoặc gởi vào ngân hàng ngoại quốc.