Ở bài cuối của loạt bài này, Trân Văn sẽ tiếp tục trình bày những rắc rối khác đang gây ra đủ loại bất ổn vẫn do cung cách kiểm soát truyền thông để “ổn định chính trị”…
Tại Việt Nam, chính quan niệm và cách hành xử của chính quyền với hệ thống truyền thông đang bào mòn uy tín của các cơ quan báo chí.
Vào lúc này, có khá nhiều người cùng nghĩ như nhà văn Nguyễn Viện:
“Tôi nghĩ rằng niềm tin của công chúng vào báo chí trong nước rất giới hạn. Nó chỉ ở mức độ nhất định nào đó thôi vì xưa nay chúng ta đều biết báo chí buộc phải đi theo “lề phải” của nhà nước!”
Phong trào blog
Cũng vì vậy, công chúng, đặc biệt là trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên vừa tự đi tìm thông tin, vừa chủ động lựa chọn cách thức chia sẻ thông tin và suy tư của mình với mọi người. Đây là lý do khiến việc lập blog, cách gọi các trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, bùng phát thành phong trào.
Niềm tin của công chúng vào báo chí trong nước rất giới hạn. Nó chỉ ở mức độ nhất định nào đó thôi vì xưa nay chúng ta đều biết báo chí buộc phải đi theo "lề phải" của nhà nước!
Nhà văn Nguyễn Viện
Trong thời gian vừa qua, các blog đã tồn tại và phát triển như một hệ thống truyền thông độc lập, song hành với hệ thống truyền thông chính thức, vốn luôn bị buộc phải tuân thủ “định hướng” và “kỷ luật tuyên truyền” mà chính quyền đặt ra.
Tuy chính quyền đã cố gắng tái lập trật tự trong thông tin trên Internet, chẳng hạn như ban hành Thông tư số 07 vào cuối năm 2008, cấm lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những nơi có thông tin nguy hại cho chính quyền, thậm chí, khi trả lời báo chí về Thông tư 07, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Internet, còn "chú thích" thêm: "Chủ các blog phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những ý kiến của các blogger có ý kiến trong blog của mình" nhưng tất cả những nỗ lực đó đều thiếu hiệu quả.
Hệ thống blog vẫn là nơi có thể tìm thấy càng ngày càng nhiều thông tin, hình ảnh, suy nghĩ không bao giờ có trên hệ thống truyền thông được xem là chính thống. Thậm chí hệ thống blog còn có thêm sự góp mặt của khá nhiều blogger đang mang thẻ hành nghề do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phát.

Nhận định về tương quan, cũng như tác động giữa báo chí và blog, một nhà báo tên Trương Duy Nhất, kể trên blog của ông: "Hôm qua, một bạn đọc là sinh viên nhận xét, blogger Trương Duy Nhất hay ho, thú vị hơn... nhà báo Trương Duy Nhất! Nói thế thì khác gì mắng nhau!". Cũng trên blog vừa dẫn, nhà báo Trương Duy Nhất thắc mắc: "Càng ngày càng thấy nhiều nhà báo viết blog. Càng ngày càng thấy nhiều người chen nhau đọc blog đến nghẽn mạng. Đấy là dấu hiệu buồn hay vui?".
“Ổn định chính trị”
Khoan bàn đến buồn – vui, xin quay lại với quan niệm, cách quản lý, lối hành xử của chính quyền đối với hệ thống truyền thông. Có khá nhiều người đã lạm dụng yếu tố “ổn định chính trị” để trục lợi và có thể chọn trường hợp tờ Đại Đoàn Kết như một ví dụ.
Khoảng cuối năm 2007, nhiều trang web Việt ngữ trên Internet giới thiệu một lá thư gửi lãnh đạo Đảng, ghi tên người viết là Lý Tiến Dũng – Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Trong thư, ông Dũng chỉ trích hết sức gay gắt cá nhân ông Hồng Vinh, Phó Ban tuyên giáo Trung ương "đã từng vì lợi ích cá nhân, cản trở báo chí không cho đăng tải tin tức về một vụ hiếp dâm trẻ con (vụ án Lương Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Thể dục thể thao quốc gia) thì không thể có tư cách giáo dục tư tưởng đối với người khác, huống chi là giữ vị trí quản lý báo chí" và Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi có "quá nhiều người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác".
Sau thư kể trên, giữa tháng 1 năm 2008, báo chí trong nước đưa tin, Ban Bí thư Trung ương Ðảng vừa có quyết định để ông Hồng Vinh và ông Ðào Duy Quát thôi giữ chức phó Ban Tuyên giáo Trung Ương. Khoảng mười tháng sau, ông Lý Tiến Dũng bị “cảnh cáo” rồi bị buộc phải “chuyển công tác” vì “vi phạm kỷ luật tuyên truyền”.
Thế kỷ này rất lạ. Đó là thế kỷ của mở rộng tòan cầu, của Internet, của thông tin. Ở đâu đó cấm thông tin, bưng bít thì thông tin vẫn xì ra ở chỗ khác. Cho nên sự bưng bít đó vô nghĩa, càng bưng bít càng vô nghĩa.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ
Trong khi ở Việt Nam, muốn được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí, người ta phải có “phẩm chất chính trị” tốt, bao gồm: “lý lịch trong sạch”, “lập trường vững vàng” và đủ “trình độ chính trị” thì ông Đinh Đức Lập, người được chọn để thay ông Lý Tiến Dũng làm Tổng biên tập lại là người từng dùng bằng “trung cấp chính trị” giả để chứng minh “trình độ chính trị” của mình, nên bị chính báo chí chỉ trích không tiếc lời hồi tháng 3 năm 2001.
Hậu quả tất nhiên của những vướng mắc nhiều mặt vì nguyên nhân như đã kể, được ông Nguyễn Vạn Phú, Thư ký tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, khái quát tại Đại hội Hội Nhà báo TP.HCM, hồi tháng 2 năm nay: "Không ít lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp, thể hiện rõ nhất là việc ra lệnh không đăng tin này, bỏ tin kia, không đề cập đến vấn đề này, không bàn vấn đề kia mà không có giải thích thỏa đáng. Ðã có nhiều lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra chậm chạp trong phản ứng trước các vấn đề thời sự. Trong thời đại thông tin ngày nay, sự thiếu chuyên nghiệp đó đã tạo ra một khoảng trống thông tin bị lấp ngay bởi thông tin không chính thống, tạo ra những luồng dư luận ngược chiều không đáng có."
Càng ngày càng thấy nhiều nhà báo viết blog. Càng ngày càng thấy nhiều người chen nhau đọc blog đến nghẽn mạng. Đấy là dấu hiệu buồn hay vui?
Nhà báo Trương Duy Nhất
Thật ra, tự thân “ổn định chính trị” vốn là điều hết sức cần thiết. Không có “ổn định chính trị” sẽ không thể phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có thể có “ổn định chính trị” thật sự khi nó phát xuất từ nhu cầu và nỗ lực chung của dân chúng. Khi “ổn định chính trị” chỉ là cách mà chính quyền dùng để biện minh cho việc áp đặt các phương thức quản lý, để đạt những mục tiêu của riêng mình thì không bao giờ có thể tránh được rắc rối, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông…
Một nhà thơ tên Nguyễn Tấn Cứ nhận xét:
“Tôi nghĩ thế kỷ này rất lạ. Đó là thế kỷ của mở rộng tòan cầu, của Internet, của thông tin. Ở đâu đó cấm thông tin, bưng bít thì thông tin vẫn xì ra ở chỗ khác. Cho nên sự bưng bít đó vô nghĩa, càng bưng bít càng vô nghĩa.”
Thực tế cho thấy, dù rằng quyền được thông tin, quyền được phát biểu ý kiến chỉ tồn tại như khẩu hiệu, công chúng nói chung, nhà báo nói riêng, thậm chí cả cán bộ, đảng viên vẫn tự giành lấy những quyền đó theo cách của họ.
Đâu phải tự nhiên mà thông tin, hình ảnh, âm thanh, văn bản thuộc dạng cấm kỵ xuất hiện mỗi ngày một nhiều trên Internet. Chúng chính là những bằng chứng sinh động và rõ ràng nhất.